Súng thần công, một sưu tập quý của Bảo tàng Bình Định

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Súng thần công là binh khí quan trọng nhất và được chế tạo bằng đồng với một số lượng rất lớn dưới thời nhà Nguyễn. Thời ấy, súng thần công được trân trọng và thờ cúng như những vị thần. Cùng với thời gian và những biến thiên của lịch sử, những “ông thần súng” đó mất dần uy lực và không còn sử dụng. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bình Định đang lưu giữ 16 khẩu súng thần công với hai loại chất liệu: đồng, sắt và nhiều kiểu loại, kích cỡ khác nhau.

Thời nhà Nguyễn, hầu hết các loại súng thần công đều được chế tạo dưới triều Gia Long và Minh Mạng. Vua Minh Mạng cho rằng: Súng đại bác có tầm quan trọng cực kỳ trong nghệ thuật chiến tranh. Chỉ riêng hai triều vua này đã cho đúc 2.468 khẩu súng thần công các loại. Đây chính là thời kỳ thịnh trị nhất của triều Nguyễn và cũng là thời oai hùng nhất của súng thần công. Số lượng súng thần công đúc vào triều Gia Long nhiều hơn súng đúc dưới các triều kế nhiệm cộng lại.

Trước ngày kinh đô Huế thất thủ, riêng ở Huế có đến hàng ngàn khẩu thần công các loại. Sau vụ binh biến này, thực dân Pháp cưỡng chiếm hơn 800 khẩu. Trong đó, những khẩu đại bác bằng đồng đẹp nhất, Pháp chuyển về chính quốc, hầu hết những khẩu thần công còn lại đều bị quân Pháp cho hủy, ngoại trừ chín khẩu Cửu vị thần công được trao trả lại cho triều Nguyễn vào đời vua Đồng Khánh.

Hiện nay, ở Huế còn lưu giữ 54 khẩu thần công bằng đồng, chủ yếu đúc dưới triều Gia Long, Minh Mạng. Riêng Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế là nơi lưu giữ nhiều nhất súng thần công bằng đồng: 19 khẩu các loại.

Súng thần công có 14 nhóm hạng khác nhau, có thể chia làm ba loại: lớn, vừa và nhỏ. Loại lớn thường có tên gọi là Đại tướng quân hoặc Thượng tướng quân, loại vừa là Trung tướng quân, loại nhỏ là Tướng quân. Súng thần công lớn và vừa có danh xưng cụ thể, còn thần công nhỏ có khi được đặt tên, có khi không. Trên thực tế, những khẩu thần công nhỏ có chức năng trang trí nhiều hơn việc sử dụng trong chiến trận vì súng bắn rất ít hiệu quả.

Bình Định là nơi đóng đô của vương triều Thái Đức – Nguyễn Nhạc. Để bảo vệ thành Hoàng Đế, nhà Tây Sơn đã cho lập nhiều pháo đài án ngự các tuyến đường bộ nối liền hai tỉnh Phú Yên – Quảng Ngãi và các cửa biển Đề Gi, Thị Nại… Cửa Thị Nại là nơi diễn ra những trận quyết chiến giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn vào những năm: Nhâm Tý (1792), Canh Thân (1800), Tân Dậu (1801). Do vậy, trong những năm qua, Bình Định đã phát hiện một số súng và đạn thần công chôn vùi trong lòng đất ở khu vực thành Hoàng Đế (An Nhơn), căn cứ Vườn Cam (Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh), Thuận Ninh (Tây Sơn), tuyến phòng thủ đèo Cù Mông (phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn) vào Phú Yên, súng thần công được tìm thấy nhiều nhất ở trong lòng đầm Thị Nại (Quy Nhơn)…

Bộ sưu tập súng thần công ở Bảo tàng tỉnh Bình Định gồm có 16 súng, súng cỡ trung và súng cỡ nhỏ, 08 súng được chế tạo bằng đồng và 08 súng đúc bằng gang. Trong số đó có một súng đại bác phát hiện ở đầm Thị Nại có ghi: Minh Mạng ngũ niên (Minh Mạng năm thứ 5). Tất cả súng cỡ nhỏ chỉ ghi trọng lượng súng.

Đặc biệt, trong bộ sưu tập trên có một khẩu súng thần công bằng đồng của Hà Lan được sản xuất từ thế kỷ XVII – XVIII, phát hiện ở đầm Thị Nại, cách bờ Hải Minh khoảng 200m và ở độ sâu 15m nước, trong một xác tàu gỗ. Đây là một trong những khẩu thần công hiếm hoi còn lại do giao lưu mua bán giữa người Hà Lan và người Việt Nam vào các thời chúa Nguyễn, hoặc cũng có thể là chiến lợi phẩm của chúa Nguyễn Phúc Tần, khi còn là thế tử Dũng Lễ Hầu, thu được trong lúc giao chiến với tàu Hà Lan vào năm 1644 tại cửa biển Thuận An. Súng do Công ty Đông Ấn Hà Lan chế tạo. Công ty này đã giao dịch thương mại với nước Đại Việt từ năm 1602 – 1796.

Súng Hà Lan được chế tạo rất đẹp và đã trở thành kiểu mẫu cho các vua Nguyễn chế tác ra hàng ngàn khẩu đại pháo với đủ loại tên gọi khác nhau sau này. Trong đó, nổi tiếng nhất là: Cửu vị thần công nay vẫn hiện hữu hai bên cửa Thể Nhân và cửa Quảng Đức trong kinh thành Huế.

Hầu hết những súng thần công trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Định hiện nay cũng đều đúc theo kiểu mẫu tương tự như các khẩu thần công của Hà Lan. Thân hình trụ, nòng nhỏ, chuôi to, xuôi dần xuống dưới. Chuôi súng đúc núm tròn. Hai bên thân có hai chốt súng hình trụ tròn để gắn với giá hoặc bệ súng. Các khẩu súng bằng đồng phía trên thân còn có đúc quai…

Việc phát hiện và lưu giữ 16 khẩu súng thần công ở Bảo tàng tỉnh hiện nay (cùng 01 khẩu chuyển giao Bảo tàng Quang Trung) có lẽ là còn quá ít đối với một vùng đất diễn ra nhiều sự kiện lịch sử như Bình Định. Thế nhưng, sự phong phú về chủng loại và chất liệu súng thần công phát hiện ở Bình Định, chúng ta có thể hình dung một thời oanh liệt của một vùng đất từng là miền biên viễn và từng là kinh đô của một vương triều trong lịch sử. Đây là những di vật cổ có giá trị lịch sử quý hiếm và là nguồn tư liệu giúp chúng ta biết thêm nhiều điều về kỹ thuật quân sự cũng như nghệ thuật đúc đồng, gang lúc bấy giờ.

NGUYỄN THANH QUANG

(Văn nghệ Bình Định số 113 tháng 9.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

Làng chiếu Chương Hòa

Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình…