Dòng sông, làng quê và phố thị

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông. Qua khỏi An Thái, sông Côn chảy xuống đến đầu làng Hòa Phong – Nhơn Mỹ thì chia dòng, dòng phía Nam chảy non cây số lại rẽ hai nhánh, hình thành ba nhánh chính: Bắc phái, Trung phái và Nam phái còn tiếp nhận thêm nguồn An Tượng, lần lượt phân chi nhỏ như một cây nhiều cành, có đoạn thẳng, đoạn cong mềm mại như dải lụa uốn lượn chảy qua làng quê, phố thị, bao bọc địa cuộc sơn kỳ thủy tú An Nhơn từ đầu đến cuối và đổ về Đông Nam Phù Cát, Đông Bắc Tuy Phước, mang vị ngọt tan vào biển cả.

Dù có bên lở, bên bồi, sông Côn vẫn ngàn đời lưu thông tích thủy, là dòng sông lớn ở Bình Định, không chỉ là dòng chảy thủy văn, mà còn gắn bó với nền văn hóa của nhiều cộng đồng dân cư. Sông thầm lặng tải phù sa đắp bồi ruộng vườn, tạo nên hệ sinh thái thân thiện môi trường, soi bóng lũy tre xanh, góp phần làm cho làng quê yên bình.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn một ngàn năm trước, từ Quảng Nam di chuyển vào, vương quốc Champa đã chọn nơi đây xây thành Đồ Bàn làm kinh đô, bởi vì địa thế tốt, trước mặt thành có dòng sông Thạch Yển (nhánh Bắc phái), đến nay vẫn còn lưu dấu thành xưa, tháp cổ in bóng xuống dòng sông và còn đó dấu vết 6 trung tâm gốm Chăm ở Bình Định, trong đó ở An Nhơn có 3 di chỉ hai bên bờ sông Côn. Nguyễn Nhạc lên ngôi, mở rộng thành Đồ Bàn làm kinh đô, rồi cho đào thêm nhánh sông La Vỹ để bảo vệ phía Tây Bắc thành Hoàng Đế. Thời nhà Nguyễn, thành Hoàng Đế gọi là thành Bình Định và dời vào phía Nam, trở thành tỉnh lỵ Bình Định, trước mặt là sông Tân An, sau lưng là sông Gò Chàm.

Từ khi có thành Bình Định ở bờ Bắc và trường thi Hương Bình Định ở bờ Nam sông Tân An (nhánh Nam phái), dòng sông này còn gọi là sông Cửa Tiền, sông Trường Thi. Dưới triều nhà Nguyễn, phủ lỵ An Nhơn từ làng Hòa Cư (Nhơn Hưng) dời lên làng Mỹ Thạnh (Nhơn Phúc), sau đó kề bên phủ đường xây dựng văn chỉ An Bình cũng bên bờ sông, từ đó bến đò sang sông mang tên bến đò Phủ.

Quá trình di cư vào vùng đất này gắn với quá trình Nam tiến, nhất là thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, lưu dân từ các tỉnh phía Bắc theo chúa Nguyễn vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Rồi người Hoa thời kỳ bài Thanh phục Minh đã chọn đất lành chim đậu, mang theo những nghề truyền thống, kinh nghiệm bán buôn để lập làng quê, làng nghề, phố thị dọc hai bên bờ sông như: An Thái, Cây Bông, Gò Găng, Đập Đá, Cảnh Hàng, Phú Đa, Chợ Rượu…Phố cổ An Thái thời hưng thịnh, người Hoa đông không thua gì phố cảng Quy Nhơn và như một Hội An thu nhỏ, đã quy tụ đủ ngũ bang hội quán, hình thành làng Minh Hương. Đoạn sông An Thái rộng và sâu, thịnh thủy, bến An Thái gần bến Trường Trầu, nơi anh Hai Trầu – Nguyễn Nhạc đi buôn trầu thường neo thuyền trao đổi hàng, nên bến nước An Thái đò ngang, đò dọc, thuyền bè tấp nập như là thương cảng giữa đồng bằng, bởi thời đó vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường sông, giao thương từ nguồn xuống biển. Những thị tứ, làng nghề truyền thống định vị từ rất sớm, đã tạo thành những điểm nhấn quan trọng trong quá trình đô thị hóa, từ làng lên thị, từ thị lên thành.

Thiên nhiên đã ban tặng cho An Nhơn dòng nước ngọt ngào, đắp bồi nguồn mạch văn hóa, thấm đượm phù sa, đất đai thành bờ xôi ruộng mật, mùa màng tươi tốt, quanh năm cấy trồng, bốn mùa thu hoạch, trở thành một trong những vựa lúa và nông sản của tỉnh Bình Định, không chỉ đủ trang trải nhu cầu trong địa phương, mà còn tạo ra lượng hàng hóa tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dòng sông là nơi lưu giữ bao ký ức, là bầu sữa mẹ nuôi sống bao thế hệ, chở che những đoàn quân áo vải từ Tây Sơn thượng đạo tiến về đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, mở đầu cho sự nghiệp vĩ đại đánh Nam, dẹp Bắc, thống nhất sơn hà của nhà Tây Sơn. Biết bao căn hầm bí mật được cơ sở đào hai bên bờ sông nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng; các bến đò đưa đón bao bộ đội, du kích, dân công tiếp vận, góp phần giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến vĩ đại, thống nhất đất nước của dân tộc.
Nguồn nước sông Côn được tích trữ từ hồ Định Bình, một công trình đại thủy nông của tỉnh và các hồ đập khác. Đập dâng lớn Văn Phong với chức năng điều tiết nước cho cả phía Nam tỉnh, cộng với nguồn nước hơn 110 triệu mét khối hồ Núi Một, cùng với hệ thống đập dâng ngày càng được xây dựng kiên cố, nhất là các đập lớn như: Bảy Yển, Bình Thạnh, Gò Chàm, Thạch Đề, Thuận Hạt, Tháp Mão, Thạnh Hòa… cung cấp đủ nước tưới cho cả thị xã An Nhơn và vùng hạ du. Trong các đập dâng trên địa bàn An Nhơn, thì đập Thạch Đề nằm trên dòng Thạch Yển từ đập bổi, được xây dựng kiên cố vào năm 1916, trên nền móng vỉa đá ong ngầm dưới mặt nước từ bờ Bắc sang bờ Nam, đây là đập bê tông sớm nhất ở Trung Kỳ.

An Nhơn không phải là miền sông nước như miền Tây, nhưng là nơi rất nhiều sông ngòi, nhiều cầu cống, đã qua rồi cái thời người dân sang sông phải lụy đò. Chỉ tính trên quốc lộ 1A (cũ), từ cầu Gành ra đến Gò Găng dài 11 km, có đến 17 cây cầu lớn nhỏ, tức là một cây số có hơn một cây cầu, nhiều nhất là đoạn từ phường Bình Định đến phường Đập Đá dài 5 km mà có 12 cầu. Đó là chưa tính số cầu, cống trên các tuyến đường ngang dọc dài hơn 160 km khắp thị xã.

Những năm gần đây, thị xã An Nhơn tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đô thị hóa, nhất là hạ tầng giao thông ở một địa bàn sông nước, tốn kém nhiều công sức tiền của, quả là kỳ tích. Cảnh trí trên các dòng sông chảy qua có lẽ đẹp nhất là tại các ngả ba sông và những chiếc cầu dài nối đôi bờ sông nước ngàn đời mới có, như các cầu: An Thái, Trường Thi, Trường Cửu, Phụ Ngọc, Thiết Tràng, Thị Lựa, Bến Tranh, Mương Đôi, Bầu Gốc… kết nối các vùng miền xa gần, làm thay đổi căn bản diện mạo thị xã, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước hai năm và đạt chuẩn đô thị loại 3.

Tại ngả ba Thị Lựa, hai cầu cũ mới song song nối đôi bờ Thiết Trụ với Thiết Tràng trên tuyến đường Đập Đá đi Tây Sơn; bên kia là cầu Tân Kiều nối hai thôn Thiết Tràng và Tân Kiều, cả không gian ngả ba Thị Lựa như chữ Y. Đến đây ai cũng cố hình dung nơi giao nhau của hai nhánh sông Thạch Yển và La Vỹ, ngày xưa ôm ba mặt tây, nam, bắc thành Hoàng Đế, từng âm vang tiếng vó ngựa, quân reo.

Từ cầu Thị Lựa lên Nhơn Mỹ chừng hơn nửa cây số là đến cầu Thiết Tràng nối đôi bờ Thiết Tràng và Tân Kiều, nằm trên tuyến đường từ sân bay Phù Cát vào đến khu công nghiệp Becamex (Canh Vinh – Vân Canh). Nơi đây, xưa kia là xứ sở ốc đảo, ba bên bốn bề sông nước, người dân sang sông phải qua 7 bến đò, còn ngày nay đã có 8 cây cầu kiên cố. Nếu không phải là người địa phương, khi mới nghe, mới thấy ai cũng ngỡ ngàng, phấn khích.

Cây cầu nào cũng có ý nghĩa về lịch sử – kinh tế – văn hóa, trong đó cầu An Thái, dài gần nửa cây số, nằm trên tuyến đường phía Tây tỉnh, nối đôi bờ hai làng võ An Vinh – An Thái. Đứng giữa cầu ngắm cảnh sông nước mây trời, nhìn xuống hướng Đông Nam là bãi cát vàng rộng mênh mông, bà con làng bún dùng làm nơi phơi các loại bún, trong đó có đặc sản bún Song Thằng bột đậu xanh, chỉ có nghệ nhân và nguồn nước sông An Thái mới làm được. Trong làng là phố xưa, chợ cũ, vẫn còn các ngôi chùa cổ của người Hoa, cạnh chân cầu là nhà từ đường của đại võ sư Diệp Trường Phát (thường gọi là Tàu Sáu). Nhìn về phía Tây là di tích trường thầy giáo Hiến, từng dạy văn, luyện võ ba anh em Tây Sơn Tam Kiệt và các danh tướng nhà Tây Sơn.

Qua khỏi Nhơn Phúc, hai cây cầu Phụ ngọc (cũ mới) song song hiện trước mặt, nơi tiếp giáp ba xã Nhơn Mỹ, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh bằng ngả ba sông và con đập dâng Bảy Yển xây dựng từ năm 1959, nước tung trắng xóa qua cửa lạch và chảy dưới chân cầu. Cảnh sông nước đẹp như tranh vẽ, nơi từng ghi dấu bao chiến công của quân và dân khu Tây An Nhơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đập dâng Bảy Yển nhìn từ cầu Phụ Ngọc (cũ). Ảnh: T.L

Nếu là khách từ xa đến An Nhơn mà chưa tham quan cầu Trường Thi thì coi như chưa đến, nơi xưa kia có bến đò Trường Thi thơ mộng đã đi vào thi ca. Bên bờ Bắc là thành Bình Định, bờ Nam là trường thi Hương, quê nội – ngoại của nhà thơ Yến Lan, một trong tứ linh của Bàn Thành Tứ Hữu. Từ bến sông này, nhà thơ Yến Lan đã cho ra đời thi phẩm Bến Mi Lăng huyền ảo nổi tiếng trên văn đàn. Đứng trên cầu Trường Thi nhìn về hướng Đông là cầu Tân An, cách đập dâng Thạnh Hòa ở phía dưới chừng hơn 300 m, vừa nâng cấp xong. Nước dâng từ đập Thạnh Hòa trở lên tạo nên khúc sông rộng, sâu, trong xanh giữa lòng thị xã.

Bên Cửa Tiền xưa có cột cờ cao, di tích duy nhất của thành Bình Định còn lại khá nguyên vẹn, nghe đâu tỉnh đã có dự án trùng tu, nâng cấp, mở rộng phạm vi bảo vệ cột cờ theo Luật Di sản.

Toàn bộ trung tâm hành chính kinh tế – văn hóa – tôn giáo của thị xã, cả một không gian rộng bên dòng sông Trường Thi, sẽ là đô thị trung tâm thành phố mới, trải dài cả hai bên bờ sông, nhất là đoạn từ cầu Trường Thi xuống đến cầu Tân An cũ. Chắc chắn trái tim thị xã An Nhơn sẽ xứng tầm với quy mô, vị thế thành Bình Định – tỉnh lỵ, người xưa nói là hậu đô thành Hoàng Đế.

Địa cuộc “tứ thủy triều quy”, mặt hướng về dãy núi Sơn Triều, hai con sông chảy hai bên, xa xa sau lưng là núi Mò O. Người xưa có câu ca dao: “An Nhơn có núi Mò O/ Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi”, bức tranh toàn cảnh tươi màu của thị xã đang hiện dần, hẳn phố thị trung tâm là vị trí đắc địa, hội tụ và lan tỏa.

Quy hoạch, xây dựng mở rộng không gian đô thị dọc theo sông là nhằm quản lý, phát huy giá trị kinh tế, khai thác tiềm năng du lịch và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp của dòng sông. Vì vậy, đánh giá đúng tầm quan trọng của sông với sự phát triển đô thị của thị xã, sẽ là chìa khóa để mở ra cơ hội phát triển trong tương lai.

TRẦN DUY ĐỨC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cá chép hóa rồng

Bức ảnh “Cá chép hóa rồng” này được nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Quang chụp vào cuối năm 2022 tại cửa biển An Dũ, nơi cuối nguồn sông Lại Giang hướng ra biển…

Mũi Vi Rồng, ngọc quý làng chài Tân Phụng

Mũi Vi Rồng hiện ra trước mắt chúng tôi, trông nó như một con rồng ngoan ngoãn đặt hai chân xuống mặt nước, phần đầu với từng bờm đá cao thấp vươn lên trên, chất đá vàng xen đỏ…

Sáng tác ở Quy Nhơn

Dạo đó, tôi với Thụy Kha và Trọng Tạo cũng nhờ những chuyến đi thực tế với Văn Cao nên đã viết được cả thơ và nhạc. Thậm chí, chúng tôi còn làm cả một “đề án” xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca”…