Mũi Vi Rồng, ngọc quý làng chài Tân Phụng

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Những ngày nắng nỏ đầu hè, dường như bớt oi nồng hơn ở đoạn giữa buổi chiều, tôi cùng người bạn trên chiếc xe máy từ trung tâm Quy Nhơn tiến về phía Đông Bắc của tỉnh để đến với làng chài Tân Phụng tại thôn Tân Phụng xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, cái địa danh mà chúng tôi chỉ biết tên chứ chưa bao giờ đặt chân tới – “Mũi Vi Rồng”.

1.

Sau quãng dài đường đi, làng chài Tân Phụng hiện ra trước mắt chúng tôi với nét sinh hoạt quen thuộc của dân xứ biển. Phóng tầm mắt về phía xa, bờ biển ngổn ngang những sập phơi cá, thúng, thuyền xanh đỏ; một đôi vợ chồng đẩy cái thúng chất đầy lưới trắng từ trên bờ xuống biển. Đoạn thấy vị trí thuận lợi, anh trèo lên thúng rồi bắt đầu chèo ra, chẳng mấy chốc thấy bóng người ngư dân nhỏ dần, nhỏ dần.

Sóng êm đềm vỗ, chúng tôi chầm chậm men theo mạn trái của bãi, tìm con đường dẫn lên mũi. Bước vài bước trên bậc thang đá chẻ, chúng tôi men theo con hẻm xuyên qua khu nhà trên sườn núi Tân Phụng. Mấy ngôi nhà mái ngói, sơn chàm, hay vàng, hoặc xây đá rửa, thâm thấp nối tiếp nhau, tĩnh lặng dưới cái nắng đầu hè. Mấy ngôi nhà có khoảng sân, phơi trên đó lưới, hay mấy cái neo gom lại, lim dim dưới bóng dừa. Trên thềm một ngôi nhà có cửa chìa ra ngay con hẻm, một người bà và cô cháu gái cùng ngồi đan lưới, rôm rả nói chuyện cùng hai cô hàng xóm đang họp lại. Thấy chúng tôi, dường như qua dáng bộ mà họ biết ngay là hai tên khách lạ lơ ngơ chưa rành đường thuộc ngõ, họ cười chào niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn: “Đi Mũi Rồng đúng hông? Cứ thẳng tới cái đường mòn là thấy”.

Cuối cùng, Mũi Vi Rồng hiện ra trước mắt chúng tôi, trông nó như một con rồng ngoan ngoãn đặt hai chân xuống mặt nước, phần đầu với từng bờm đá cao thấp vươn lên trên, chất đá vàng xen đỏ, cùng cấu tượng chồng chéo gồ ghề càng làm cho nó mang một nét huyền hoặc hơn; có khi lại là một trong những con thú kì dị trong Sơn Hải Kinh, giờ chọn ngự lại đây, nhưng vẫn có một nét uy dũng nơi hình tướng của những ngài Hộ pháp ta hay thấy ở tam quan đình, chùa. Với vị trí ở ngay đầu cung biển Tân Phụng, gọi nó là Hộ pháp, tôi nghĩ cũng không sai, mũi Rồng như người trấn cửa biển này.

Dấn tới đoạn cuối của đường mòn, toàn bộ khối đá đã hiện ra trước mắt chúng tôi, vươn lên với dáng của một khối tam giác xù xì. Giữa mũi Rồng với đường mòn cách nhau một bãi đá, to nhỏ đủ cỡ, nhưng có chung một điểm là tảng nào cũng mang một màu đo đỏ, lại có vân trắng. Một trong những điểm đặc biệt của khối đá này, nằm ở phần rỗng được tự nhiên khoét ra ngay chính tâm, bên dưới khối đá. Chúng tôi bước xuống bên dưới, tiếp cận phần ruột rỗng này với những bước chân thật cẩn thận trên từng hòn đá một. Tới được một hòn đủ phẳng phiu để có thể đứng cho an toàn, chúng tôi dừng lại, yên vị quan sát. Từ đây, chúng tôi được mở tầm mắt xuyên qua phần ruột rỗng mà nhìn ra khơi xa xanh biếc. Ở đoạn này, sóng không dịu dàng như nơi bãi biển, nó đánh ầm ập, xông đến với gió, vừa cuộn, vừa rít vào thành của khối đá hùng vĩ, tung bọt trắng xóa. Chúng mạnh đến nỗi, vài con cá nhỏ đang bơi trong kẽ đá, bị hất tung lên nơi chúng tôi đang đứng. Một vài con cua bò đi. Trong khoảng trống ấy, nổi lên một tảng đá – mà so với toàn khối đá, chỉ là một phần rất nhỏ – như những gì còn sót lại sau cuộc điêu khắc, khoét đục của tự nhiên từ xa xưa, trông chẳng khác gì con mắt đang mở, kiên định nhìn chằm chằm về phía biển khơi.

2.

Thăm thú một lúc lâu, chúng tôi ghé lại một hàng nước cạnh Mũi Vi Rồng. Hàng nước nằm trước sân một căn nhà, xây trên nền cao với đông đúc các anh, chú, bác ngư dân tụ họp, chia sẻ với nhau những chuyện về biển, về cuộc đánh bắt,… Trong lúc ngồi tại đây, chúng tôi được dịp trò chuyện với bác Đông, một ngư dân lão thành của làng chài Tân Phụng, bác kể về huyền thoại Mũi Vi Rồng: “Hồi xa xưa, trời đất tạo núi Tân Phụng đây theo hình một con cá chép hóa rồng; phía bên kia, giáp với mặt biển là cái phần “rồng” của núi, đỉnh của phần đó trông như cái bờm rồng… Sau này, có một ông thầy phép người Trung Quốc tới đây, thấy núi là linh mạch, có linh khí của trời đất, để tránh ảnh hưởng tới nước mình, ông lấy kiếm thần chém đứt đi. Núi vỡ ra, đá rơi từng tảng, từng cục xuống biển rồi lại thành gành ở ngay chỗ đó, giữ núi, giữ đất. Người ta gọi “Vi Rồng” là do đá vỡ đó nhìn như vảy con rồng vậy…”. Bác Đông cũng tự hào chia sẻ thêm: “Ban đầu, bãi đá cũng ngổn ngang lắm, nhưng rồi qua mấy đời người dâu bể mới có được một đoạn gành dài, làm đẹp hơn”.

Mũi Vi Rồng – Tuyệt tác thiên nhiên của làng chài Tân Phụng. Ảnh: Nguyễn Phan Đăng Quan

Thấy bác Đông kể chuyện hăng say cho chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thanh ngồi bên cạnh vô thức cuốn vào huyền thoại của vùng đất nơi mình ở, tự hào khoe: “Mới năm ngoái, người ta tới quay phim đó, thấy đoàn làm phim chuyên nghiệp lắm!”. Tôi chẳng lấy làm lạ gì khi anh hào hứng như vậy. Bởi Mũi Vi Rồng xuất hiện trong bộ phim kết hợp giữa điện ảnh và du lịch “Giao Lộ 8675” vừa phát hành cuối năm vừa rồi thật sự hùng vĩ. Đạo diễn Tân DS hẳn nhận thấy vẻ đẹp rất riêng của nơi đây mà đã cho nó xuất hiện trong phim với những địa danh nổi tiếng khác trên khắp Việt Nam. Anh Thanh cũng tâm sự thêm về tình hình du lịch ở thôn Tân Phụng: “Từ khi có bộ phim với hình ảnh Mũi Vi Rồng đến giờ, thấy khách thập phương đến nhiều hơn hẳn. Đợt cuối tháng vừa rồi nhiều người tới lắm!”. Anh nói đến đây là tôi đã hình dung được tuần lễ du lịch Amazing Bình Định Fest vừa qua đã thật sự có hiệu quả trong việc quảng bá cho du lịch Bình Định, các thắng cảnh ít người biết đến, như mũi Rồng đây cũng nhờ hiệu ứng này mà được nhiều người quan tâm và ghé thăm hơn.

3.

Nghe huyền thoại về mũi Rồng, tôi có thể thấy được bao thế hệ từng sống ở đây đều trân quý nó và cố gắng giữ gìn nó. Mũi Rồng ở cửa biển Tân Phụng có lẽ, cũng biết lòng người dân nơi đây mà ngự lại, uy dũng trấn gác, bảo vệ bình yên cho người dân. “Nhiều khi bão tới, thấy mũi Rồng của làng chài mà quay đi”, bác Đông cười hiền, kể trong giọng cảm kích. Trên sườn núi Tân Phụng, trước khi đến mũi Rồng, ta phải đi qua trước mặt lăng Ông Nam Hải, tôi thấy, quả thật người dân phải thấy hệ núi “cá chép hóa rồng” này thiêng liêng bao nhiêu, họ mới đặt ông an vị trên đây. Mũi Rồng, cùng ông Nam Hải, trở thành hai biểu tượng thiêng liêng, giữ yên bình cho làng chài và phù trợ cho nghề biển.

Từ quán nước nhìn ra, làng chài Tân Phụng êm đềm trong buổi chiều vàng nắng, vài bóng thuyền thúng đang nhấp nhô trên mặt nước, làn sương muối từ biển thổi vào lửng lơ mờ trắng, khắp khung cảnh của làng chài càng mang một nét êm đềm hư ảo nhờ ánh nắng và hơi sương trộn vào; khơi xa xanh biếc, có vài chiếc ghe đang di chuyển, tìm chỗ đánh một mẻ cá tôm. Một bức tranh về làng chài yên ả cứ nhẹ nhàng neo vào ký ức tôi.

Đời sống ngư dân ở làng chài Tân Phụng. Ảnh: T.G.H

Từ con hẻm lộng gió ban nãy, chốc chốc, lại có một anh, một chú, bước ra, rồi lại kiểm tra thuyền, thúng, dường như sắp đánh một chuyến nhỏ trước khi trời tắt nắng. Nhìn sang phía bên kia cung biển, là một bãi gọn gàng, không cá nào phơi, không thuyền thúng nào đậu cạn, râm mát bóng phi lao xen với dừa, như đang nằm đợi người đến và tận hưởng cái bãi mát lành ấy. Kia rồi, lũ trẻ con, dăm bảy đứa rượt đuổi nhau chạy sang phía bên đó; bãi bên đó cũng thơ ngây như chính lũ trẻ. Cuộc sống của làng chài Tân Phụng cứ thế, yên bình trong sự canh gác thường trực của mũi Vi Rồng.

Khi ánh hoàng hôn xuất hiện, chúng tôi trên chiếc xe quay về lại Quy Nhơn. Nhìn lại những hình ảnh đẹp đẽ suốt cuộc hành trình khám phá Mũi Vi Rồng, tâm hồn của chúng tôi được tưới mát bởi cảm giác nhẹ nhàng và yên bình mà vùng đất này đem lại. Thiên nhiên với vẻ đẹp hoang sơ và cuộc sống nơi làng chài thực sự là địa điểm lý tưởng cho những chuyến phiêu lưu khỏi thị thành đông đúc. Nơi đây sẽ thật lý tưởng cho việc khám phá và đầu tư du lịch, nhưng nếu không giới hạn mức độ của việc ấy, làng chài nhỏ và mũi Rồng rất dễ đánh mất bản sắc tự nhiên của mình…

TRẦN GIA HẢI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

Làng chiếu Chương Hòa

Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình…