Minh văn Champa Bình Định một loại hình di sản hiếm quý

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Các học giả người Pháp đã có những cuộc khảo sát rất công phu vào đầu thế kỷ XX, và làm một bản tổng kiểm kê minh văn Champa vào năm 1932, theo đó, Bình Định có 19 bản trong tổng số 170 bản. Trong những năm gần đây, Bình Định bổ sung vào danh mục minh văn Champa thêm ba văn bia được phát hiện trong địa phận thành phố Quy Nhơn, đó là: Bia hình trụ Tháp Đôi, bia hình lá đề lưng tượng “Phật lồi” và bia hang đá Bà Dăng ở Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn. Đây là một loại hình di sản hiếm quý.

Minh văn là một loại hình di tích có giá trị về văn bản học cực kỳ quan trọng, được các nhà nghiên cứu minh văn học giải mã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa, tôn giáo… Hệ thống minh văn Champa để lại khá nhiều và trải dài qua các triều đại.

Minh văn Champa thường là những văn khắc tìm thấy trên trụ đá xây vòm ở các cửa tháp, trên các tấm bia đơn độc, ở lưng tượng và còn có cả trên những vách đá hoa cương ở những vị trí xa xôi hẻo lánh: Biển đảo, rừng sâu. Đó là những mảnh ghép quan trọng tái tạo quá khứ Champa.

Bằng chứng về văn khắc xưa nhất của bán đảo Đông Dương thuộc về người Chăm. Đó chính là bia Võ Cạnh, tìm được ở Nha Trang, thuộc thế kỷ thứ II. Có thể nói, người Chăm là dân tộc có văn tự sớm nhất vùng Đông Nam Á. Hiện nay, tấm bia này chiếm vị trí danh dự ở phòng trưng bày bia khắc tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ngôn ngữ dùng trong tấm bia này là chữ Sanskrit, chứng tỏ văn hóa Ấn Độ từ thế kỷ thứ II đã xuất hiện ở đất nước Champa.

Lúc đầu, đây là một ngôn ngữ tầm thường, chỉ được dùng trước hết là ghi danh sách những của tặng cúng, bản chất và phẩm tính của người cúng tặng. Sau đó, cấu trúc ngữ pháp được thay đổi dần và một ngôn ngữ mới uyển chuyển hơn đã thay thế chữ Sanskrit và nội dung cũng bài bản hơn.

Trong những chuyện kể và một số thư tịch cổ của người Trung Hoa và An Nam về những cuộc đánh phá các kinh đô Champa đều có nói đến sự tồn tại của những thư viện đầy sách của vương quốc cổ xưa này. Tuy nhiên, sau hàng trăm năm bị đô hộ bởi người Khơme, sau những cuộc chiến tranh với người Hoa, người Việt, những thư viện ấy đã bị hủy diệt và không có tác phẩm nào của thời cổ đại ấy, không một bộ biên niên sử cũ nào của người Chăm còn lưu truyền lại cho chúng ta.

Từ người Chăm hiện đại, các nhà khoa học có được khá nhiều các văn bản viết trên lá cọ. Tuy nhiên, bản xưa nhất cũng chỉ gần ba thế kỷ. Đó là những truyện ngắn, tiểu thuyết, dấu tích lịch sử mờ nhạt trong những văn bản này. Một bộ biên niên sử cũ của hoàng gia vẫn còn, nhưng lại không chứa đựng chi tiết nào liên quan đến lịch sử Champa. Chính từ những đặc điểm này mà giá trị các minh văn được đánh giá cao.

Các học giả Pháp trước đây đã làm một bản tổng kiểm kê minh văn Champa vào năm 1932. Theo bản thống kê này, minh văn Champa có trên 170 bản, riêng ở Bình Định có 19 minh văn. Từ đó đến nay, loại hình minh văn Champa được phát hiện bổ sung rất ít. Trong những năm gần đây, Bình Định đã bổ sung vào danh mục minh văn Champa thêm ba bia ký đó là: Bia hình trụ Tháp Đôi, bia hình lá đề lưng tượng “Phật lồi” và bia hang đá Bà Dăng ở làng chài Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn.

Bia hình trụ Tháp Đôi và bia hình lá đề lưng tượng “Phật lồi” mới phát hiện trong những năm gần đây, bản dập được gửi sang các nhà nghiên cứu minh văn Champa ở Pháp dịch. Đến nay, các nhà nghiên cứu cổ tự Champa tại Pháp đã dịch xong, xin được lưu trữ bản dập văn bia tại thư viện Paris và xin phép được thông báo bản dịch trên tạp chí chuyên ngành.

Bia hình trụ Tháp Đôi, Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Thanh Quang

Tất cả minh văn Bình Định đều thuộc giai đoạn muộn, từ khi kinh đô vương quốc Champa được chuyển từ Amaravati (Quảng Nam) về Vijaya (Bình Định), từ thế kỷ XI – XV. Hầu hết minh văn được khắc bằng chữ Chăm cổ nét vuông. Trong số đó, còn nhiều văn bia chưa dịch. Minh văn Bình Định có thể chia ra làm bốn loại:

Loại minh văn thứ nhất chiếm đa số (có 10 minh văn), có thể là những minh văn không quan trọng, bởi vì không có chứa thông tin. Đây là những minh văn được khắc trên bậc cửa thành, bia bị vỡ, một cái bình… phần lớn chỉ có một vài dòng chữ và hầu hết quá mờ không đọc được.

Loại minh văn thứ hai thuộc thế kỷ XI – XIII, thường được khắc bằng chữ nét cong, nội dung bia gắn với một số đời vua trị vì trong giai đoạn đầu ở kinh đô Vijaya như: Vua Sri Jayapame Svara – Varmmadeva (1233), vua Jaya Indravarman VI. Hai trong ba bia loại này tìm thấy trong khu vực thành Đồ Bàn. Những minh văn này tuy vẫn còn pha lẫn chữ Sanskrit, chủ yếu là các công thức cầu thần thánh, nhưng phần lớn đã được viết bằng chữ Chăm cổ.

Loại thứ ba là những minh văn muộn, thế kỷ XIV đến nửa đầu thế kỷ XV, có dạng chữ độc đáo, các nhà minh văn học gọi là chữ nét vuông. Loại này có hai bia, một khắc trên cửa hoàng cung thành Đồ Bàn và một bia khác có ba mặt khắc 29 dòng. Nội dung hai bia này gắn với vua Indravaman V.

Loại minh văn thứ tư, gồm có ba bản, cũng thuộc giai đoạn muộn, nét chữ vuông, nhưng người ta không thể tìm được những thông tin từ ba bia này vì tất cả chữ đều bị mờ sứt không đọc được. Đó là bia thành Đồ Bàn có 15 dòng chữ vuông, bia Cà Xơm thuộc huyện Vĩnh Thạnh có 10 dòng chữ vuông [đã bị phá hỏng] và bia Thành Sơn thuộc thị xã Hoài Nhơn.

Trong quá trình trùng tu Tháp Đôi, thuộc phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn năm 1994, đã phát hiện thêm một minh văn hình trụ cao 1,65m, có ba mặt được trang trí và khắc chữ, mặt chính rộng 34cm, hai mặt hai bên rộng 32cm, mặt lưng âm vào tường 13cm. Hai đầu trụ tạo giật cấp trang trí hoa văn cánh sen cách điệu, mặt Kala, chim thần điểu Garuda… Bia có 24 dòng, nét chữ vuông, có rất nhiều chữ bị đục xóa. Căn cứ hoa văn trang trí trên hai đầu bia và nét chữ vuông có thể cho ta đoán định bia Tháp Đôi cũng nằm trong giai đoạn muộn, khoảng thế kỷ XIV. Hiện nay bia được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Giống như bia Thành Sơn, bia hang Bà Dăng (hòn đá chữ hang Bà Dăng), cũng khắc trên một khối đá tự nhiên khá lớn cao khoảng 5m, dài hơn 10m, từ chân sườn núi đâm ngang ra biển giữa thôn Hải Giang và thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải thuộc bán đảo Phương Mai, thành phố Quy Nhơn. Theo các cụ cao niên nơi đây cho biết: Khi xưa dân làng phát hiện xác Bà Dăng nằm chết ở hang đá này, nên lấy tên bà đặt cho tên hang đá. Minh văn được khắc trên đỉnh của vách đá, chiều dài khoảng 5m và chia làm hai phần riêng biệt, bởi bề mặt vách đá hai bên lệch nhau 50cm. Một bên có chiều rộng 60cm, khắc ba hàng chữ, cao 10cm; một bên có chiều rộng 80cm, khắc bốn hàng chữ, cao 10cm, nét chữ khắc vuông, kiểu chữ Chăm cổ thuộc giai đoạn muộn, cùng thời với bia Cà Xơm và bia Thành Sơn, niên đại khoảng thế kỷ XIII – XIV. Bia khắc trên đá hoa cương nên chữ không được sắc, nét chữ mờ, nội dung bia chưa được đọc dịch.

Bia Thành Sơn (còn gọi là “Hòn đá chữ”, đã được kiểm kê), trước đây thuộc làng Thành Sơn, tổng Vân Sơn, huyện Hoài Ân đã được người Pháp thống kê trong số 19 bia trên. “Hòn đá chữ” tọa lạc ở hóc Hố Giang núi Mạch Vàng, ngày nay thuộc thôn Thành Sơn, xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn. Minh văn Thành Sơn có 15 hàng chữ vuông khắc trên một vách đá lớn có chiều ngang là 3,5m, chiều cao 2m, chữ cao 4cm. Vào mùa mưa, vách đá trở thành một thác nước chảy xiết. Do minh văn khắc trên đá hoa cương dưới một dòng nước chảy như một cái thác nên phần lớn chữ đã bị bào mòn, sáu dòng đầu đã bị mất nét và mất từng đoạn, chín dòng sau cũng bị mờ và mất nét khá nhiều nên không thể đọc được.

Cách “Hòn đá chữ” khoảng 50m về hướng Đông và nằm trong lòng Hố Giang có một tảng đá lớn cao 7m, mặt tam giác gần đều, mỗi cạnh khoảng 5,5m, có dấu vết kiến trúc gạch Champa đã bị sụp đổ từ lâu. Phần nền móng còn lại của kiến trúc, những năm gần đây một số người nhiều lần đến đào xới tìm vàng. Rất may “Hòn đá chữ” vẫn còn nguyên vẹn.

Trong số những minh văn thống kê trên có minh văn đã bị phá hủy hoàn toàn đó là bia Cà Xơm, huyện Vĩnh Thạnh. Bia hang Bà Dăng (Quy Nhơn) và bia Thành Sơn (Hoài Nhơn) bị những người đi đào xới tìm vàng xâm hại.

Hiện nay, minh văn Champa chỉ mới dịch được một phần, còn nhiều minh văn chưa được đọc, dịch. Đây là một loại hình di tích có giá trị về văn bản học hiếm quý, cần được gìn giữ để các nhà nghiên cứu cổ tự giải mã trong tương lai.

NGUYỄN THANH QUANG

(Văn nghệ Bình Định số 11 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cá chép hóa rồng

Bức ảnh “Cá chép hóa rồng” này được nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Quang chụp vào cuối năm 2022 tại cửa biển An Dũ, nơi cuối nguồn sông Lại Giang hướng ra biển…

Mũi Vi Rồng, ngọc quý làng chài Tân Phụng

Mũi Vi Rồng hiện ra trước mắt chúng tôi, trông nó như một con rồng ngoan ngoãn đặt hai chân xuống mặt nước, phần đầu với từng bờm đá cao thấp vươn lên trên, chất đá vàng xen đỏ…

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…