Về miền cát trắng

(VNBĐ – Văn trẻ). Bà Lung ngồi bệt xuống gốc cây nhãn. Miệng thở hổn hển những luồng hơi nặng nhọc. Nắng. Nắng quá! Cả tuần nay, ngày nào trời cũng nóng như thiêu, như đốt. Bà tính nhổ cho xong cỏ mấy luống rau, mà làm một lúc đã mệt bở hơi tai. Mồ hôi chảy ròng ròng như tắm. Không khí oi nồng phả vào mặt khiến người ta thấy ngột ngạt, khó chịu. Chẳng biết bao giờ trời mới đổ cơn mưa. Xem chừng còn lâu lắm…

Nghỉ ngơi chốc lát, bà lom khom đứng dậy tỉa bớt đám rau cải thìa xanh um, hái thêm mấy mớ mồng tơi để dành cho con gái. Nghe cái Lan bảo, nay nó đưa cháu về chơi. Cũng lâu rồi bà chưa gặp chúng. Nhớ thật nhiều, nhưng biết sao được. Nhà có mỗi mụn con, nó lấy chồng thành phố nên mẹ con ít gặp nhau. Âu đành chịu, phận gái theo chồng như đàn rùa phá trứng bơi đi. Dù người ta cố gắng níu giữ thì đàn rùa vẫn luồn lách tìm cách bơi ra biển. Còn nơi nương náu chào đời sẽ là điểm chúng neo đậu sau mỗi mùa sinh sản, mỗi mùa đi hoang, mỗi mùa mong ngóng tìm về trú ẩn.

Hồi đầu, con Lan cứ khuyên bà dọn lên ở cùng vợ chồng nó. Nó liệt kê hàng tỉ lý do đủ để khiến bà mủi lòng. Nào rằng thành phố cơm nước khó ăn, con thèm món cá kho mặn mẹ làm. Nào vợ chồng bận rộn, cuộc sống quá khó khăn thiếu người giúp đỡ nhờ mẹ lên đỡ đần ít hôm… Và “ít hôm” ấy sẽ kéo dài mải miết. Nếu bà không nằng nặc đòi về chắc gì nó đã thả người. Nhưng cuối cùng, bà vẫn về với căn nhà cấp bốn miền duyên hải bốn mùa đón nắng gió, bão dông đứng kiên cường trước sóng.

Hôm tiễn bà ra bến xe, cái Lan cáu kỉnh dùng dằng mãi túi hành lý nho nhỏ mà dài giọng nài nỉ:

– Hay U ở luôn đây?

Bà giằng cái túi xách trong tay nó lại, cười mắng:

– Ơ hay, con này! Nhà mày, tao ở làm gì?

– U cứ một mình vậy, con lo lắm.

– Gớm! Bao giờ tao ốm đã…

Bà quay ngoắt người leo vội lên xe. Đằng sau, Lan í ới gọi theo dặn dò. Cái con này! Không biết ai là mẹ ai? Bà thấy mắt mình cay cay. Sóng nước tràn mi vỡ bờ chảy xuống những nếp nhăn ngang dọc in dấu hình năm tháng. Chiếc xe chầm chậm lăn bánh. Cảnh vật bên đường vun vút lao nhanh. Trời rất xanh, nắng trong vắt hanh hao.

Mọi thứ bình yên và dịu ngọt như bữa nay vậy. Bà cảm giác lòng mình lâng lâng hạnh phúc. Ngồi dưới gốc nhãn, cảnh sắc quê nhà thu vào đáy mắt những dáng dấp thân thương. Kia là cây bồng bồng cạnh giếng khơi, năm bốn tuổi con Lan bắc ghế trèo ngã sưng u ở trán. Đây là hàng rào chè mạn tự tay ông nhà vun trồng. Rồi chính giữa là mái nhà cấp bốn năm gian, nơi con Lan lớn lên, nơi ông bà chung tay dựng nghiệp.

Nhiều đêm, bà thao thức nằm nhớ ngày xưa xa ngái. Trong đêm tối mịt mùng, hai người thắp sáng bóng đèn dầu, bà phụ ông nhào đất sét nung gạch trát nhà. Dẫu khổ mà vui. Ông bà vẽ tương lai ngay trước mắt bằng mấy câu chuyện tám nhảm vu vơ. Khi con cái thành đạt, vợ chồng già quây quần bên mảnh vườn, nuôi gà thả cá làm vui. Thỉnh thoảng, ông theo người đi biển, bà ở nhà gỡ lưới đợi trông. Hy vọng sinh sôi trong từng nhịp thở, bung nở trên gương mặt xóa mờ hết âu lo.

Tiếc nỗi, lúc ước mong hiển hóa thành hiện thực, hy vọng lại đột nhiên tắt ngúm. Chúng biến đâu mất chỉ còn nhà, còn vườn, còn bà và nỗi đau lặng lẽ tan rã trên miền cát trắng nồng vị biển…

Gió bắt đầu gầm rú thét gào. Qua những rặng phi lao rì rào, gió cuốn cát tung bay cuộn tròn thành mấy vòng xoáy lốc. Nghe đài báo, bão đang về ngoài khơi. Lan chạy xe mà lòng phập phồng như sóng vỗ ầm ĩ ập vào ghềnh đá. Chị hơi lo lắng. Mái ngói nhà mẹ dột nát lắm rồi. Chẳng biết bận này, nó có tốc hết không? Vách tường nứt vỡ chằng chịt vết chân chim. Những khe hở toang hoác hứng gió lạnh mùa đông, nhận mưa dầm thấm ướt. Hàng rào quanh cổng nhiều năm chưa tu sửa. Gạo, thịt đủ ăn chăng?

Ôi còn nhiều thứ cũ kỹ phải thay quá!

Nhưng tính mẹ chị kỳ lạ lắm. Dường như trong suy nghĩ của bà vốn không tồn tại hai từ “vứt bỏ”. Cái gì cũng tốt. Cái gì cũng hữu dụng. Chị nói xây tường vây, bà kêu để vậy cho thoáng. Chị bàn xây nhà mới, bà bảo ở thế quen rồi. Mua đồ dùng thì nói có kia rồi, nhưng khi bị chị chê cũ kỹ hỏng hóc thì bà lại kiên trì khẳng định, chúng vẫn còn dùng được.

Chị không hiểu nổi lý lẽ của mẹ. Cũng như chị không hiểu nổi nếp sống của những người đàn bà miền biển. Họ quen tảo tần sớm hôm. Họ tận dụng mọi thứ trong nhà, dùng từ khi mới mua tới không thể sửa sang chắp vá. Họ thường ăn rất ít, kén chọn toàn cá mặn rau xanh. Lâu lâu mua thịt thì gắp hết cho chồng con ăn trước…

Chị chỉ nhớ mỗi lần đài báo bão, mẹ lại theo chân những người đàn bà ấy xếp hàng dài ngóng biển… Và đã từ rất lâu, chị nghĩ mình cần học thật giỏi, vươn ra khỏi mảnh đất gió Lào khắc nghiệt này. Chị phải bơi đi, bơi đi giống lũ rùa đến những vùng biển lạ lẫm xa lắc. Chị hứa sẽ chẳng bao giờ trở về nữa. Vì chị không muốn làm một phần trong những người đàn bà mòn mỏi ngóng biển đợi trông.

Lúc nào cũng vậy, cứ bão về trăm nhà buồn hoang hoải. Không khí sầu muộn bao trùm mọi ngóc ngách xóm làng, quấn quyện từng gương mặt, ám ảnh trong đáy mắt mờ đục mông lung. Sợ hãi vô cùng khi biển gầm sóng thét, bãi cá vắng tanh chẳng thấy bóng thuyền cập bến. Những ngày đàn bà đi dọc dài bờ cát. Sóng khe khẽ nuốt chửng hết dấu chân. Con tàu đi khơi liệu chăng có trở về? Hay những mảnh gỗ vỡ nằm rải rác khắp bãi đáp lòng người ở lại.

Ai đó sẽ ôm mảnh gỗ thuyền âm thầm gục ngã. Ai đó lập những miếu thờ thả trôi theo sóng nước. Như mẹ chị năm nào đấy thất thần nằm trên cát. Tiếng khóc nỉ non ngân vang mãi trời xanh. Nắng chiều dâng tim tím phía chân trời. Từ bận ấy chị không còn gặp cha, từ bận ấy nhà còn mỗi hai người…

Những mùa bão chao nghiêng qua miền cát trắng luôn khiến lòng chị thắt thẻo, bồn chồn. Ai đoán trước may rủi ra sao? Sợ nhất là sau một trận bão càn quét rong chơi, cơ hội gặp vài người thân quen bỗng bay cùng mây gió. Mà mẹ chị lại kiên quyết sống một mình, nghĩ thôi đã lạnh run. Trán chị rịn từng lớp mồ hôi mỏng. Nỗi bồn chồn mỗi lúc chợt dày thêm. Tay chị vít ga mạnh hơn nữa. Xe băng băng xé tan gió cát. Chị phải về khuyên mẹ, nhất định phải khuyên mẹ.

Bão đâu có chừa ai…

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Tủ lạnh nhà bà Lung ngập tràn toàn rau xanh, cá biển. Nhắc tới cái tủ có đôi khi bà thấy thật mâu thuẫn. Cái Lan cứ nằng nặc đòi mua cho bà. Nó kêu dùng tiện lắm. Sắm rồi, bà đỡ phải ngày ngày cực nhọc ra bãi cát đi chợ làm chi. Mua một lần ăn cả tuần chẳng hết. Bà kêu bà già rồi ăn được mấy đâu, vườn nhà trồng đủ rau dưa bà ra chợ mua xíu thịt cá nấu cho tươi ngon thôi. Nhưng nó không chịu, nó cằn nhằn rằng mẹ có tuổi đi lại nhiều nhỡ xe cộ nọ kia.

Nó còn đòi mua cả máy giặt, bếp gas nữa song bị bà gạt phắt. Giếng khoan cạnh hông nhà, nước trong vắt mát lành. Gian bếp củi khói lam chiều vương vấn. Bao nhiêu năm, bà ăn uống sinh hoạt mộc mạc quen rồi. Mà giờ bị nó làm xáo trộn hết thảy. Bà chẳng rõ nếp sống thành phố hiện đại tiện lợi ra sao. Bà chỉ biết mình là dâu xứ biển…

Dâu xứ biển quen tảo tần khuya sớm. Dâu xứ biển quen tiết kiệm chu toàn, hạt gạo bẻ đôi rau cháo tằn tiện qua bữa sáng, chăm lo chồng con cơm canh đủ đầy. Vậy nên, nhìn những món đồ hiện đại len lỏi trong nhà thú thực bà thấy lạ lẫm quá. Nhà bà đấy ư? Căn nhà có năm gian. Cái chõng tre kẽo kẹt kê ngoài hè bày chuyên nước chè xanh, những đêm mùa hè bà quạt mát ru con ngủ rất ngon. Căn nhà với gian bếp củi sáng ánh lửa bập bùng, vợ chồng bà neo nhau qua mấy mùa dông bão. Ôi! Có nhiều thứ dẫu đã xa thật nhiều năm nhưng chỉ nhìn ký ức thôi bà cũng thỏa lòng vui vẻ lâu lâu.

Chỉ tiếc, ông nhà không còn nữa. Khi một mình trong căn nhà rộng rãi thênh thang, bà mơ màng nghĩ tụi trẻ đó chắc chẳng bao giờ hiểu cánh già thích gì đâu. Tụi nó cứ tưởng mua nhiều đồ tốt, đồ đắt là mấy ông bà vui lắm. Nhưng nó không biết rằng, nhiều ngày bà ngồi xem ti vi đếm xé từng tờ lịch chờ tới cuối tuần sum họp. Bà thèm con cháu vây đầy sảnh đường, nấu cho chúng những món ăn ngon hay cùng trú bão. Thèm ơi là thèm! Cơn thèm thường hụt hẫng chơi vơi vào thứ Hai, dâng đầy vào thứ Sáu và vỡ òa khi thứ Bảy tiếng xe kêu lịch xịch đỗ xuống sân. Thèm cồn cào trong dạ. Thèm da diết nôn nao. Những cảm xúc liêu xiêu rạo rực thôi thúc khiến chính bà không tài nào lý giải được.

May bây giờ, bà có nhiều thứ khác để chờ, để đợi. Bà đem những gì trồng được trong vườn nhét chật cứng tủ lạnh. Đồ sạch cả đấy. Cứ để ít hôm đến thứ Bảy chờ cái Lan về chơi, bà lại đùm bọc lớn bọc nhỏ cho nó mang lên thành phố. Song có những tuần bà chờ từ sáng tới trời trưa nắng gắt mà chẳng thấy nó về. Rau nhũn nước, ướt lạnh úa vàng nên bà đành vứt bỏ. Nhìn những bọc rau tươi ngon nay dần dà thối rữa mà lòng bà tự nhiên nặng trĩu. Tiếng thở dài nén sâu rồi bật phá, vỡ tung giữa căn nhà vắng vẻ. Nhưng thở thì thở dài thế thôi. Hôm sau thu lượm trong vườn, bà lại nhét đầy tủ.

Vài bận như vậy, bà bỗng thẫn thờ nhận ra “sự chờ đợi” vẫn luôn tiếp diễn tuần hoàn, từ ngày này sang ngày khác, năm nối năm, mùa nối mùa…

***

Tiếng xe máy xình xịch âm vang từ ngoài ngõ. Con Lan vừa dựng xe vào cổng, cu Bon đã chạy ùa vào nhà réo gọi liên tục:

– Bà ơi! Bà ơi!

– Đây! Bà đây! Để bà xem cục vàng của bà nào.

Bà Lung ôm chầm lấy cu Bon, hít hà rồi hôn nhẹ lên cặp má bầu bĩnh của thằng nhỏ. Những năm này, cái dây thần kinh cắn nhức nhối khiến bà chẳng đủ sức mà ẵm bế nó như hồi bé, song niềm thương cháu con thì chưa khi nào vơi cạn. Vòng tay bà rộng mở bao bọc hết. Lòng bà vẫn ấm áp gần gũi. Nụ cười hiền lành móm mém nhai trầu. Vài sợi tóc bạc rủ bên thái dương rơi trong tay thằng nhỏ. Giọng nó mềm nũng nịu dỗi hờn:

– Cháu nhớ bà lắm.

– Bà cũng nhớ cục vàng.

– Vậy sao bà không lên thăm cháu thường xuyên?

– Thì bà già rồi. Chân yếu. Gối đau. Đi sao được…

– Thế cháu về thăm bà nhé!

– Ừ cháu về thăm bà…

Hai bà cháu cười khúc khích giòn tan. Rồi cu Bi chạy ùa ra vườn nghịch ngợm bắt đàn bướm, đuổi lũ gà cục tác ngoài sân. Cái Lan ngó xem màn đối đáp thân thuộc mà lắc đầu ngao ngán. Nó gỡ những bọc đồ gói ghém kỹ lưỡng để dặn bà từng chút. Thuốc này chữa đau đầu, thuốc này trị đau lưng. Mẹ nhớ uống đó, đừng tiếc, hết hạn vứt đi cũng phí. Xong đâu đấy, nó lại lục lọi tủ lạnh. Kiểu gì chẳng có bài cằn nhằn ra rả quanh thói quen của bà.

Thói quen của những người đàn bà miền biển lúc nào chả giống nhau. Tằn tiện. Tiết kiệm. Họ sẽ tha tỉ thứ linh tinh, coi như báu vật mà cất giữ. Mỗi lần chị về, chỉ việc dọn bớt chúng thôi đã mất cả tiếng thời gian. Mà động đâu mẹ cũng gàn để đó tao dùng. Mệt ghê ấy!

Tất bật dọn dẹp, cơm nước xong xuôi. Khi nắng đã chang chang đỉnh trời, hai mẹ con ngồi hóng mát ngoài hiên. Lan rót chén nước chè cho mẹ, ngắm đôi tay nứt nẻ nhăn nheo mà lòng chị quặn thắt.

– Mẹ lên ở với con mấy hôm?

– Tao… đã ốm đâu.

– Nhưng bão lớn lắm.

– Không sao, tao quen rồi…

Bà Lung bỏ lửng câu chuyện rồi đi vào buồng trong. Bước chân bà rảo thật nhanh như đang chạy trốn. Lan ngẩn ngơ chốc lát. Quen ư? Mẹ quen những mùa bão quét làng tan hoang đến tàn tạ, tang tóc. Nóc nhà hất tung. Tường gạch đổ sụp. Hay mẹ quen chuyện những con tàu lạc đường ngoài khơi? Mẹ quen cảnh những người đàn bà ôm mảnh vỡ thuyền chết lặng bên biển? Mẹ quen điều gì? Chị chẳng biết…

***

Trời dần dần nổi gió. Tivi đưa hoài tin bão gần, tin bão xa. Mây ngà ngà nặng nề trôi qua ô cửa sổ. Cơn dông xộc đến bất ngờ trong giờ cơm tối. Khi cái cây bằng lăng trước cổng nghiêng ngả oằn mình, cành đập cửa âm vang tiếng lạch cạch. Thằng cu Bon sợ hãi sấm sét nép mình sâu trong lòng ba nó. Lan lại thấy lòng rờn rợn bất an. Chị đứng dậy đóng chặt cửa sổ. Căn nhà chợt thinh lặng an bình. Sự tĩnh lặng đối lập với ồn ào ngoài sân chỉ bằng một lớp gỗ.

Nhưng bình yên cõi lòng thì làm sao có được…

Đêm đêm, chị mơ mãi về thời thơ ấu. Khi những cơn bão mải miết ầm ù ngoài vườn, vần vũ trên biển, chị còn nhỏ xíu như cu Bon, phải chăng chị cũng nép trong lòng cha như thế. Ơ mà cha trông ra sao nhỉ? Vai cha vạm vỡ không? Tay cha rắn chắc chứ? Cha sẽ bế chị đu đưa giả dạng máy bay, sẽ dẫn chị bắt sò ngoài bãi, hay nhặt những vỏ ốc sặc sỡ màu sắc tuyệt đẹp. Toàn mấy chuyện tưởng chừng thật đơn giản nhưng xa xôi quá đỗi.

Lan không nhớ nổi hình dáng cha thế nào. Thuyền đưa cha vượt trùng khơi sóng dữ. Bão neo đời níu chân cha nằm lại. Mẹ chị thấp thỏm đợi chờ bên khung cửa. Và thuở nhỏ, chị nhớ cha da diết. Khi mưa rào bời bời trắng xóa, dường như chị mơ mình gặp con thuyền lạc đường giữa muôn ngàn sóng nước ẩn hiện chấp chới, chòng chành. Cha đứng trên boong tàu, gồng cơ bắp quăng lưới kéo cá. Những ngày bão qua làng, cha đảo mái ngói, cha sửa hàng rào. Ngôi nhà nhỏ leo lét ánh đèn dầu sáng vàng vàng yếu ớt mà ấm áp vô cùng.

Bình yên lúc ấy như chẳng mất tiền mua. Chị thật dễ dàng để cảm nhận được chúng. Nó tràn ngập hơi thở xung quanh, xâm chiếm biển sâu tâm hồn xoa dịu những lo âu chộn rộn. Chị đâu cần bơi khỏi miền cát trắng. Chị đâu cần trốn đến nơi phồn hoa. Nhưng cha không về, bình yên cũng trôi mất. Bao nhiêu năm chị miên di tìm kiếm, duyên phận run rủi chị an thân bên chồng con. Song còn mẹ thì… Ôi! Chị chẳng dám nghĩ. Lồng ngực phập phồng hít hà dồn dập. Đầu óc quay cuồng những mối suy nghĩ bế tắc. Mồ hôi rịn ra liên tục khiến chị ớn lạnh toàn thân. Trời lâu sáng quá. Giá bây giờ chị bên mẹ thì tốt biết mấy. Cứ nghĩ mẹ đi, lòng Lan bỗng thiếu thốn trống rỗng. Khoảng trống rộng dài lênh loang như sóng nước mênh mông, mặc kệ chồng chị thầm thì an ủi vẫn ngày một lan tràn tựa dã tràng xe cát biển Đông, lấp mãi không đầy…

***

Xứ biển bước vào mùa bão theo nhịp điệu quen thuộc. Người đi biển giương buồm ra khơi. Người ở nhà cần mẫn vá lưới. Những con thuyền chưa từng vì chút sóng gió mà dừng lại. Như rặng phi lao muôn đời cứ thẳng tắp vươn lên xây bức tường chắn cát. Nó có thể gãy gập, chớ đâu có mọc oằn.

Họa chăng, trước mỗi bận bão chực chờ ghé chơi, dân làng thường túm tụm giúp nhau phòng chống. Cánh đàn bà cùng đám nhóc choai choai dùng chiếc bao tải đóng chặt đất và quăng lên mái ngói. Họ giúp những nhà neo đơn. Trưởng thôn dẫn một đoàn trai tráng đi từ đầu xóm tới cuối xóm xem ai cần thì hỗ trợ. Chợ họp nhiều hơn. Người ta nô nức mua sắm đồ ăn đủ dùng vài ngày hay vài thứ gia vị trong nhà sắp hết. Nhưng khi bão đến, khép cánh cửa lại, những tổ ấm trống vắng ấy lại ôm nỗi buồn riêng.

Bà Lung không rõ mình đã đi qua bao nhiêu mùa bão. Ai mà đếm nổi. Bão nào chả giống nhau. Gió rít. Mưa gào. Sấm chớp giật đùng đùng suốt đêm. Hàng phi lao vặn ngã những tán cành xơ xác. Vườn rau dập nát, ngập úng. Người còn ngán ngẩm mệt mỏi nói chi nữa. Mưa đêm rền rĩ trút nước xuống mái ngói, bức tường vôi ngấm ướt nên sẫm màu. Trên sàn nhà loang lổ từng vũng nước đọng, dẫu bà cầm xô chậu hứng nhưng nước vẫn nhỏ giọt tí tách.

Mưa cứ rơi. Gió cứ thổi. Tiếng lào xào vọng xa, vọng gần nghe thổn thức từ sâu thẳm trái tim. Bà Lung ngồi ăn cơm, bát đũa không buồn dọn. Tay cầm thìa xúc từng muỗng nhai trệu trạo. Miếng cá mặn ngấm dần khoang miệng, vị biển trộn cùng đủ cảm xúc phức tạp. Đài tiếp tục phát những bản tin ngắn cảnh báo khung giờ bão đổ bộ đất liền, bão hoành hành ngoài khơi khiến dân chài rối bời lo lắng. Thuyền còn đang mắc kẹt đâu đó. Xứ biển đang gồng lưng gánh gió. Người vạ vập ôm nhau, đứa trẻ hứng mưa lạnh run lẩy bẩy…

Đấy người ta có nhiều lý do ghét bão lắm. Cơn ác mộng ám ảnh xứ biển lâu nay đuổi hoài chẳng biến mất. Hiếm ai bình tâm được như bà Lung. Giữa bão bùng hung hăng, bà vẫn sống theo nếp sinh hoạt cũ. Làm việc cần làm. Dọn thứ cần dọn. Bà gọi điện nhắc cái Lan cẩn thận vài việc, rồi báo tình hình để nó yên tâm. Nhưng khi cúp máy, đối diện một mình, bà lại thấy cô đơn.

Bà hay đứng trước ảnh chồng lảm nhảm. Những mẩu chuyện xóm giềng ngân nga độc thoại giống đêm nhào vữa đóng gạch xây nhà hồi xưa rủ rỉ ngân vang. Còn đêm bão ầm ầm, bà nép bên bàn thờ trầm lặng. Ánh mắt đùng đục chất chứa ưu tư. Nếu cái Lan ở bên hẳn nó sẽ biết bà đang rất buồn. Khi cái nỗi cô đơn tạm giấu sau nụ cười, tạm vùi sâu dưới những câu “mẹ ổn, mày yên tâm” thì ngày nó trồi lên, buồn nhân thành vô hạn.

Một mình. Bà ngắm bão giải khuây. Trời gầm gừ càng lúc, càng lớn. Gió quật đổ hàng rào. Gió hất bay mái ngói. Khe cửa lạch cạch va đập. Nước dội trong nhà ướt như thể ngoài sân. Bà vội túm chiếc bạt che chắn ban thờ, bàn ghế. Ngày xưa bão dữ dằn hơn thế. Song chồng con nằm cạnh, bão bỗng chốc lặng yên. Mưa cũng trút rát mặt người mà ba người ôm nhau nên chẳng thấy lạnh lẽo.

Nhưng giờ thì khác, nước trượt dài trên đầu xuống cổ, thấm tấm áo nâu bết dính thân gầy gò. Gió mơn man da thịt. Cơn lạnh thẩm thấu dần từ ngoài vào trong. Mũi ngứa ngáy hắt xì. Mắt kèm nhèm nhức nhối. Bà lẩy bẩy lầm lũi kéo căng tấm bạt mà che chỗ này, chỗ kia hở. Nhìn bầu trời đen đặc mịt mù qua những ô luồng tre mất ngói, chợt bà thở dài day dứt. Đêm dài quá! Khi nào đến ngày mai…

Sau cơn bão, trời rất trong và xanh. Người làng chung tay cùng dọn dẹp đường xá, thu phế liệu vứt gọn ra bãi rác. Căn nhà bà Lung lởm chởm ngói vỡ. Lan về từ sáng sớm, chị nhờ người quét sạch mảnh sân, lợp lại mái nhà. Mẹ cảm lạnh, phát sốt. Người bà nóng ran hầm hập. Chị đun ấm nước xông, giặt thêm cái khăn ướt, lau mãi mẹ mới tỉnh. Thật may Lan về vừa kịp.

Muộn chút thôi, chắc mẹ đã…

Chị rùng mình không dám nghĩ tiếp. Tay bưng bát cháo nóng hổi, cầm thìa bón từng chút, nhưng mẹ nghiêng đầu nhấm nháp, chị lẳng lặng đút cháo rồi ướm hỏi nhẹ nhàng:

– Mẹ lên ở với con nhé?

Bà Lung không đáp. Song Lan thấy mẹ ngần ngừ không nuốt. Mắt mẹ nhìn quanh gian nhà. Những luồng sáng quyến luyến neo đậu. Chị như bị hút vào đó, trở lại ngày bé xíu hay nằm trên chõng nghe mẹ ru, ngày ba bế chị giả dạng máy bay, làm xích đu hoặc ngựa cưỡi nhong nhong. Tự nhiên trong chị có thứ gì đó đang dần nứt vỡ, chợt hiểu, chợt không…

***

Lan xin chuyển việc về trường làng. Mỗi ngày chị sẽ tranh thủ nghỉ trưa đáo qua thăm mẹ. Cũng may chồng thấu hiểu. Đường từ phố xuống quê ngót nghét hai mươi cây số. Chiều chiều chị đi làm về anh đã cơm nước xong xuôi. Lắm lúc hỏi, sao anh đồng ý dễ thế. Anh cười, mẹ mà, ai nỡ bỏ được đâu…

Chị ngơ ngẩn nhìn chồng. Phải chăng, mẹ không nỡ rời xa xứ biển như không nỡ bỏ những ký ức thân thương đời mình. Và mỗi bận trưa nghỉ ngơi ghé thăm, mẹ sẽ tất bật nấu cơm đợi chị. Mẹ cười liên tục. Bữa cơm bớt qua quýt, đìu hiu. Thỉnh thoảng, mẹ cũng giục miết không tha:

– Mày về trên đi, bố con nó cơm nước ai lo.

– Anh ấy lo được hết – chị cười hì hì, ôm bà thật chặt – Con ở đây với mẹ.

Ngoài thềm, nắng rơi vàng mảnh sân. Những con bướm cải trắng muốt dập dờn bay lượn khắp vườn rau. Dân chài gọi nhau rỉ rả mang lưới lên thuyền cưỡi sóng ra khơi. Biển dập dìu sóng vỗ bình yên…

LÊ NGỌC

(Văn nghệ Bình Định số 107 tháng 3.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Câu chuyện trong hốc đá

Hốc đá mọc mầm xanh
Rễ bám ghì bên bờ vực
Con đường nhựa chảy như máu và nước mắt
Đôi chân gầy ghim vào thửa ruộng cằn
Lật lên cơm áo…

Nhen nhóm quê nhà

Người đàn bà co ro đêm ba mươi
Ngón tay run tựa vào hơi thở
Tôi thấy sự thiện lương rạng rỡ
Tấm vé số vơi dần đi