Vang danh làng hát Bội Nhơn Hòa

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). L.T.S: Phường Nhơn Hòa ở cực Nam thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, nằm dọc theo Quốc lộ 19. Trước khi các ngành công nghiệp xâm nhập, người dân Nhơn Hòa ngoài nghề nông là chính còn có những làng nghề: làm bún gạo, đan sõng tre, làm bánh tráng…, nhưng đặc biệt nhất là làng hát Bội. Phường Nhơn Hòa có 9 khu phố thì có 3 khu phố: Hòa Nghi, An Lộc, Nghiễm Hòa, từ xưa đã có trường tổ và có gánh hát Bội. Với một lực lượng nghệ sĩ tài danh, tâm huyết thuộc nhiều thế hệ, có thể nói Nhơn Hòa là chiếc nôi hát Bội của Bình Định. VNBĐ số này giới thiệu bài về làng hát Bội Nhơn Hòa của nghệ sĩ Hoàng Việt, cháu ngoại danh ca Thập Có – người học trò giỏi của danh nhân Đào Tấn.

Chưa xác định rõ nghệ thuật hát Bội thịnh hành ở Nhơn Hòa vào thời gian nào, nhưng những năm đầu thế kỷ 20 đã có nghệ nhân Chánh ca May ở Hòa Nghi thành lập gánh hát, mở trường dạy nghề hát và lập nhà thờ tổ hát Bội. Cụ Chánh ca May tên thật là Huỳnh Họa, là một trong các học trò nổi danh của cụ Đào Tấn, được triều đình Huế phong chức Chánh ca vào năm Duy Tân thứ 5 (1911), sắc phong còn lưu giữ tại trường tổ hát Bội khu phố Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa. Hầu hết nghệ sĩ xuất phát từ lò hát Bội cụ Chánh ca May đều nổi tiếng như: Thập Khương, Nhưng Năm kèn, Nhưng Bôn, Bầu Giác, Tri sự Ghế… đều có sở trường riêng, hát hay, múa đẹp, diễn giỏi.

Sau cụ Chánh ca May, trong số học trò giỏi của cụ Đào Tấn là cụ Thập Có (còn gọi là Thập Tám, cha của nữ danh ca Hồng Thu). Thập Có tên thật là Hà Quang, theo học cụ Đào Tấn ở Học Bộ Đình Huế (1894) và theo thầy ra Học Bộ Đình An Tịnh (1898). Khi cụ Đào về hưu lập Học Bộ Đình ở làng Vinh Thạnh (Tuy Phước), Thập Có là diễn viên trụ cột chuyên các vai lão văn, đến khi cụ Đào mất, cụ Thập Có để tang thầy 3 năm rồi về lại quê Nghiễm Hòa phối hợp cùng cụ Đại Hào ở thôn An Lộc mở trường dạy nghề hát. Cùng thời điểm này, An Lộc có gánh hát của ông Phó ca Chưu (còn gọi là bầu Chưu) rất nổi tiếng. Về sau lực lượng nghệ sĩ diễn viên hùng hậu của bầu Chưu đều thuộc hai nơi An Lộc – Nghiễm Hòa, xuất thân từ lò dạy hát của cụ Thập Có.

Hoàng Việt vai Lã Bố trong đoạn múa kiếm chém Trương Ôn trích trong tuồng Phụng Nghi Đình. Ảnh: NVCC

Ở trường hát Bội Hòa Nghi, các lớp học trò sau là Hoàng Chinh, Phạm Tuất, Phạm Hữu Thành, Huỳnh Ba, Trần Bình Trọng (còn gọi là Trọng em), Bích Liễu, Châu Kiệu, Vĩnh Thế, Thanh Tra,… đều nổi tiếng trong nghề hát. Xuất sắc nhất là nghệ sĩ Hoàng Chinh, ông là cháu ngoại của cụ Chánh ca May, lúc nhỏ theo xem tập Tuồng, diễn Tuồng. Nhờ học được nhiều ở ông ngoại và các bậc thầy giỏi như cụ Thập Có (là cha vợ), cụ Chánh Nhì, cụ Chánh Võ… lại có học, thông hiểu chữ Nho, chữ Quốc ngữ kết hợp với lòng say mê nghề hát Bội nên ông tiến bộ nhanh và trở thành tứ đại danh ca đương thời là: Chinh – Thu – Cá – Trọng. Sau 1965, nữ danh ca Hồng Thu rời sân khấu, ông được khán giả phong tặng là đệ nhứt tam danh ca Bình Định (cùng với hai đại danh thời đó là Tư Cá ở Tây Sơn, Long Trọng ở Tuy Phước). Ngoài ra, đương thời cụ Thập Có còn đào tạo được lớp nhạc công chuyên cho hát Bội rất nổi tiếng, được mệnh danh là Tam danh nhạc, đó là: Hà Hữu Nguyên (Nghiễm Hòa), Nguyễn Văn Minh (An Lộc), Trần Kim Anh (Hòa Nghi). Có rất nhiều nghệ sĩ ở các nơi trong tỉnh Bình Định quy tụ về Nhơn Hòa để học nghề rồi trưởng thành và nổi danh ở đây như: Bá Cảnh, Lệ Siềng, Khánh Dư, Đình Chi, Hề Công, Văn Trạch…

Vì có lực lượng diễn viên đông đảo, có trường dạy nghề hát luôn đào tạo lớp diễn viên kế thừa, cộng vào đó là tinh thần say mê nghệ thuật theo truyền thống của cha ông nên từ đầu thế kỷ XX cho đến những năm của thập kỷ 90, phong trào hát Bội ở Nhơn Hòa lúc nào cũng có 2 – 3 đoàn cùng hoạt động. Từ gánh hát cụ Chánh May, cụ Thập Có, Bầu Chưu, Bầu Ba, Bầu Ánh… rồi sau nầy trở thành đoàn hát Bội như: Tấn Thành Ban, Hòa Thành Ban, Nhơn Hòa Ban, Thống Nhất Ban.

Sau 1975, có Câu lạc bộ Tuồng An Nhơn với sự góp mặt của nhóm Đồng Ấu do vợ chồng danh ca Hoàng Chinh – Hồng Thu mở trường đào tạo. Các học trò từ nhóm Đồng Ấu, nhiều người trở thành tài danh như: Hoàng Việt (được khán giả phong tặng là nghệ sĩ tài danh), Xuân Hợi (NSND ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Hữu Thông, Lệ Quyên (NSƯT ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn). Lớp cuối cùng cho đến nay là các nghệ sĩ hiện đang hoạt động ở các phong trào Tuồng như: Kim Huệ, Kim Thương, Ngọc Mười, Bích Thọ, Hữu Diên, Thị Tuấn, Văn Thanh…

Từ năm 1990, ở Nhơn Hòa không còn các lò hát Bội truyền nghề theo kiểu gia đình nữa. Dù vậy tiếng trống chầu ở Nhơn Hòa chưa bao giờ tắt. Ở đoàn Tuồng Sao Mai thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, đa số diễn viên gạo cội có gốc gác Nhơn Hòa. Nhiều nghệ sĩ vẫn tiếp tục nối nghiệp tổ tham gia biểu diễn ở các đoàn Tuồng không chuyên trong tỉnh: vợ chồng nghệ sĩ Thanh Tuấn – Hữu Diên; các nghệ sĩ Kim Huệ, Thanh Nghĩa…

Một đêm biểu diễn của đoàn Ánh Dương tại Nhơn Hòa. Ảnh: H.V

Người Nhơn Hòa mê hát Bội nên năm nào sau Tết Nguyên đán, phường cũng tổ chức 3 đêm hát Bội bằng nguồn ngân sách phường, trong đó có tổ chức hát lễ do Hội Người cao tuổi phường giúp. Buổi hát lễ thường mời những cụ cao niên hợp tuổi theo năm đứng ra làm chủ tế và đánh chầu; lãnh đạo phường tham gia hành lễ, Chủ tịch UBND phường làm chủ bái. Sau hát lễ là hát phục vụ bà con trong phường. Ở 9 khu vực, Nhân dân vẫn giữ truyền thống đóng góp tiền cúng Thanh minh và hát Bội ở khu vực mình. Nhiều khu vực vận động những mạnh thường quân là con em của địa phương làm ăn thành đạt đóng góp kinh phí tổ chức từ 2 đến 3 đêm hát Bội. Nhờ vậy mà suốt cả mùa xuân, trong phường đâu đâu cũng vang tiếng trống chầu.

Theo tâm nguyện, đề xuất của một số nghệ sĩ ở Hòa Nghi, thời gian tới, để giữ gìn và phát huy loại hình văn hóa truyền thống phi vật thể này, chính quyền địa phương cần tập hợp những người trẻ yêu hát Bội, mở lớp để các nghệ sĩ gạo cội là con em Nhơn Hòa truyền dạy. Có như vậy mới mong đất hát Bội Nhơn Hòa phát triển được lứa nghệ sĩ trẻ thay thế lớp cha anh đang dần mai một. Đó cũng là cách để giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc theo chủ trương của Đảng.

HOÀNG VIỆT

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…

Sáng tác ở Quy Nhơn

Dạo đó, tôi với Thụy Kha và Trọng Tạo cũng nhờ những chuyến đi thực tế với Văn Cao nên đã viết được cả thơ và nhạc. Thậm chí, chúng tôi còn làm cả một “đề án” xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca”…

Người Bana Kriêm đón khách trong ngày Tết

Khi những cành mai rừng bắt đầu bung nở, khắp các thôn, làng của người Bana Kriêm ngập tràn không khí nhộn nhịp, vui tươi, người người, nhà nhà cùng nhau chuẩn bị đón Tết…

Đào Tấn với Xuân Quang biệt lũy

Làm quan mà được dân yêu, vua quý trọng là điều hiếm có. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Đào Tấn được Tự Đức ban tặng bài thơ kể Phủ Doãn Đào Tấn hộ vệ thuyền vua…