Trôi qua ngày cũ

(VNBĐ – Văn trẻ). Con sông vẫn mênh mông chảy về cửa biển, một dòng trôi lờ lững ngang qua biết bao nhiêu bờ bãi, làng xóm, mỗi nơi kể về những phận người khác nhau, sông giữ hết dưới tầng tầng lớp lớp nước. Tôi mở mắt ra đã thấy sông, lớn lên bằng từng con sóng vỗ, buổi rời đi buổi quay về, nhìn sông hoài nhớ. Sông rộng theo thời gian, chẳng còn phân biệt bên lở bên bồi, những triền đất không ngừng tuôn chảy. Nền nhà cũ cặp mé sông đã lở dần lở mòn vào lòng sâu kia, chỉ còn lại chút dấu vết càng lúc càng ít lại của hiên nhà, đến chái bếp, khoảng vườn sau xanh màu rau đậu. Lở bấy nhiêu là xây xước bấy nhiêu trong tim người. Ở đó, từng hiện hữu một mái lá nho nhỏ chở che mưa nắng đủ cho ba con người, có tiếng cười trẻ thơ, có những giọt mồ hôi nhọc nhằn, có mâm cơm chiều ấm cúng.

Bữa trưa nào xa xôi, má mặc chiếc áo bà ba mới, tay xách cái túi má tự may bằng vải bố, dặn tôi ở nhà đói bụng thì tự xới cơm ăn, mấy cái trứng gà má chiên để trong chạn bếp. Má đi công chuyện, chắc lâu. Ừ thì tôi biết vậy, biết má đi đâu đó như những ngày má lên xóm trên nhận lưới về đan, hay má cùng thím, cùng cô đi gieo mạ, đi gặt thuê cho mấy xã lân cận. Lúc má bận rộn, đứa trẻ bảy tuổi như tôi thường ở nhà một mình, hết lấy tập ra đánh vần rồi lăn ra ngủ, thức dậy lục cơm nguội chan nước cá kho, cũng có khi chốt cửa nhà lên chơi với nội. Chiều xế bóng thì về tắm rửa, lùa gà vô chuồng, gấp quần áo đợi má về. Đã rất nhiều đêm tôi mơ thấy bóng lưng má, cái hôm má hun trán tôi rồi quày quả băng qua cây cầu lên xóm trên, màu áo gấm bạc của má xa dần như cái chấm nhỏ mất hút giữa những quanh co, tôi cũng chỉ nhớ đến đó, không nhớ được gương mặt bởi má không ngoái lại. Giấc ngủ cứ chập chờn đeo đẳng đến khi thời gian làm hình ảnh má trong tôi nhạt nhòa.

Ba tôi về nhà sau chuyến lênh đênh, những vệt nắng hằn rám trên gương mặt. Tôi nhớ mình đã chong ngọn đèn cóc giữa bóng tối bao trùm mà vẫn chưa nghe tiếng gọi quen thuộc của má. Tôi muốn chạy lên nội nhưng sợ cây cầu len trong rừng đầy câu chuyện ma mị mà người lớn hay kể về đêm, nó chờ bắt những đứa trẻ không nghe lời mải mê chơi khi trời tối. Và tôi bắt đầu khóc. Tiếng gõ lên cánh cửa lá sách kèm giọng nói của ba là cứu cánh cho tôi thoát khỏi hoang tưởng mình sắp bị nuốt chửng, tôi ào ra ôm lấy ba khi người ông đậm mùi mồ hôi, mùi nắng gió, mùi biển mặn. Ba vừa hỏi má đâu, vừa lấy tay lau nước mắt tôi tèm nhem, ông vội vén cái màn che giường ngủ nhìn quanh, mấy bộ bà ba đã không còn treo nơi cũ. Ông mở tủ, lục lọi tìm kiếm, trong chốc lát tôi thấy hai tay ông buông thõng. Ba ngồi bệt xuống nền đất lâu lắm, lâu lắm cho đến khi tôi lại bật khóc.

Má không về, tôi vẫn ngủ ở giường đối diện giường ba má, song lại cảm giác trống trải như chưa từng ngủ một mình. Má có bao giờ không ngồi ở chỗ bàn tròn vá đồ, khâu lưới bên ngọn đèn mờ tỏ. Có bao giờ khung cảnh này vắng má, thiếu tiếng má hỏi han ba. Ba nằm võng bất động, chỉ có lọn khói nhỏ từ điếu thuốc trên tay là vẩn vơ bay. Ba hút nhiều đến nỗi nhà đầy mùi khói, tôi sặc sụa trong mùng, lồm cồm ngồi dậy, bước đến cạnh ba, hỏi ba bao giờ má về. Ba dụi thuốc, ôm tôi trong cánh tay rắn rỏi “Ngủ đi con, mai mốt má về”. Có lẽ vì lời hứa của ba mà mai mốt không bao giờ xuất hiện. Ngày hôm nay cứ lùi vào quá khứ, lùi mãi không gọi thành ngày mai có má về. Tôi đã chờ mỗi sớm thức dậy nghe tiếng sột soạt quét nhà, ngó ra vách cái nón lá và áo bà ba còn treo nơi đó. Những mong đợi mỏi mòn thành lãng quên, theo người ta trưởng thành.

Bà nội lấy gấu áo lau nước mắt, hết nhìn con trai rồi lại nhìn cháu nội tự dưng trở nên cút côi má. Bà đấm lên ngực đắng đót cho đứa con trai bất hạnh, khó khăn lắm mới có một gia đình, vậy mà ông trời thương người chưa trót. Ba bị tật ở chân, đi đứng khập khiễng, ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa lấy vợ, do ba mặc cảm khiếm khuyết, nhà nội cũng chỉ đủ ăn chứ không khá giả gì để cho con gái người ta cuộc đời sung túc, nên người ta ngại gả con cho kẻ tật nguyền. Bà nội gặp má vào ngày đầu tháng Sáu, bà nội kể bữa ấy mưa trắng trời, bà nội đi đám giỗ về thấy má ngồi co ro trong cái chòi canh, người ướt sũng. Bà nội dẫn má lên nhà, lấy đồ cô Út cho má mặc, nấu cho má tô cháo nóng hổi để dịu cơn run. Mới biết bà ngoại tôi mất rồi, má sống với vợ sau của ba mình, roi đòn hành hạ suốt thời thơ ấu. Cơn đau này nối tiếp cơn đau kia, má chịu đựng không nổi nên bỏ trốn. Má đi miết, đi miết mà đến tận xứ này. Năm đó má mười sáu, bà nội ngó cô gái trước mắt mình cảm thương, lấy dầu xoa lên từng vết bầm, nói má ở lại làm chị em với cô Út. Hai năm sau, nội nấu mấy mâm cơm, đeo bông tai, đeo nhẫn, đeo dây chuyền cho má, làm lễ báo hỷ với xóm làng cho má và ba, chuyện ba có vợ như một điều lạ lùng, khó tin, nên cứ râm ran truyền sang xóm khác, ai cũng biết ba tôi, thanh niên nhiều tuổi mà lại lấy vợ trẻ hơn mười mấy tuổi.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Bà nội cho ba má miếng đất dưới biền lá phía trước nhà nội, cách nhà nội đường mương nhỏ và cánh rừng đước, thế nên muốn lên xóm nhà nội phải đi qua cây cầu bắt nhờ trên những chang đước, cây cầu vô tình lại thành điểm tụ tập cho trẻ con cả xóm trưa hè trốn ngủ. Nội cho gần sông để thuận tiện cho ghe ông chú mỗi sớm đón ba đi cào, cứ xuôi hết dòng sông là ra cửa biển lớn. Sống đời ngư phủ đôi chân của ba đỡ nhọc nhằn hơn. Tôi ra đời làm câu chuyện của những người khốn khổ nương tựa nhau có hậu, má có được tình thâm máu mủ ruột rà, ba thôi dõi theo mấy đứa trẻ con mà cố giấu niềm mong mỏi. Theo má hái rau vườn sau, ngồi trên vai ba mỗi lần đi qua cánh rừng, tiếng va nhau của vỏ sò vỏ ốc từ chiếc chuông gió ba làm treo ngoài hiên là ký ức đẹp nhất tuổi thơ mà tôi có.

Có người thấy má đi qua cây cầu, qua cánh đồng hoang, qua rẫy bắp ngút ngàn rồi qua hằng hà thứ khác đến chừng nơi không ai biết má thì má cũng mất hút như trong trí nhớ của tôi. Má không về nơi má đã bỏ trốn khỏi roi đòn của bà dì, bà nội từng ngược sông tận nơi tìm má vô vọng. Nhà cũ xiêu vẹo, lòng người ngả nghiêng, bà nội đón tôi và ba trở về nhà, cây cầu dưới tàn đước dần dà mục rã. Ba từ bỏ biển, ra thị trấn theo ông cậu học nghề sửa máy, tôi ở lại với nội, lớn lên bằng sự bao dung của nội, của chú thím và cô Út dẫu cô đã lấy chồng. Thi thoảng cô lại gửi về cho cái áo, bộ đồ mỗi khi cô mua cho mấy đứa em bộ đồ mới. Thương cháu gái không má, cô dạy tôi bước qua khó khăn của thời con gái. Năm mười sáu tuổi, cô Út dúi cho tôi một chỉ vàng, bảo đi học cho có nghề may sau này còn nuôi thân, nuôi ba. Tôi nhớ mình đã khóc rất lâu, tự dằn vặt tại sao cô Út không phải má của tôi!

Tôi quên tình cảm dành cho má rồi, quên bằng chuỗi tháng ngày không má. Nhưng má không vì vậy mà không hiện hữu trong câu chuyện đời tôi, bởi đơn giản má là má của tôi. Ngày cô Út lấy chồng, bà nội dặn đi dặn lại cho đến lúc cô xuất giá, rằng sống sao cho trọn đạo vợ chồng, cho phải đạo dâu con, bởi cha mẹ là tấm gương cho con cái, trên có thuận thảo thì dưới mới nên người. Sau này tôi thấm thía lời của nội. Mười tám tuổi, tôi được người ta coi mắt. Nghe nội nhắn người quen cho hay, ba và tôi đi tàu từ thị trấn về nhà. Cuộc coi mắt không thành, vì nhà trai hủy hẹn. Bà mai nói với bà nội tại họ biết chuyện má tôi bỏ chồng bỏ con nên họ ngại, “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng mà, thôi chị nói cháu đừng buồn, cũng đừng trách người ta”. Tôi có gì để buồn với sự sắp xếp này, có gì để trách người chưa quen, chỉ thấy thương cho ba, cho nội, vết thương thuở nào lại âm ỉ đau. Cô Út chạy xuồng về cho cháu thêm người thân, thấy cảnh buồn quá bỏ ra hiên nhà ôm mặt. Bà nội sau hồi lặng im thì cũng ra chỗ cô Út ngồi, tiếng hời ơi thắt thẻo vọng vào mênh mông, tự dưng tôi thấy việc mình tồn tại trở thành gánh nặng cho người thương mình.

 Nội mất khi tôi chưa yên bề gia thất, tôi giống như chưa làm tròn chữ hiếu với nội nên cứ canh cánh. Ngồi bên mộ nội, nghe gió xác xao lời bà thủ thỉ “Bây có chỗ có nơi nội mới an tâm”. Ba năm sau tôi kết hôn, cô Út đóng vai người má chu toàn cho con gái lấy chồng, cô nói phải chi nội còn sống, chắc nội mừng lắm, tôi thấy được niềm vui dâng đầy trong mắt cô. Chồng tôi vốn là học trò của ba, theo ba từ ngày mới mở cửa tiệm, anh hiền lành, chăm chỉ, chịu khó. Chuyện ba tôi gà trống nuôi con, chuyện tôi bị người ta từ chối coi mắt anh đều biết. Sự quan tâm lâu dần lớn lên thành tình yêu, một bữa anh hỏi có thể cùng tôi và ba trở thành gia đình không, bỏ qua quá khứ muộn phiền để sống hạnh phúc với hiện tại. Anh không bận tâm về má tôi, bởi tôi là tôi, được ba, bà nội, cô Út nuôi dưỡng thành người. Tôi mặc áo cưới, những lo toan của bà, của ba, của cô Út buông xuống, và má không còn là nỗi trăn trở trong tiếng thở dài.

Chồng hỏi tôi có muốn tìm má không, tìm để hỏi sao má bỏ tôi, để biết  má sống thế nào, tôi lắc đầu. Tôi biết tìm má đâu giữa mênh mông cõi người quen lạ, tìm má đâu khi mà gương mặt má tôi lỡ quên rồi. Và cái lý do tôi từng tha thiết muốn biết giờ hoàn toàn trở nên vô nghĩa, là gì đi nữa nó đều không thể lấp đầy năm tháng không má, hay làm toàn bộ vết thương biến mất. Tôi đã từng nhớ má trong tuổi ấu thời, từng trách má khi chập chững trưởng thành, nhưng nội khiến tôi bình thản hơn. Bà không giận má, có lẽ má không thương ba, má đồng ý gả cho ba vì má không có sự lựa chọn và vì má mang ơn bà nội. Cuộc hôn nhân không tình yêu không đủ sức giữ má lại bên ba, thêm cảnh nhìn ông chồng lớn tuổi tật nguyền làm tuổi xuân má hối tiếc. Ba cũng không một lời hờn má, ba nói ba biết ơn khi má không đem tôi theo, vì sau tất cả, tôi là nguồn sống của ông, là món quà tốt đẹp nhất mà ông trời ban tặng cho cuộc đời đầy bất hạnh. Tôi học được cách tha thứ cho lỗi lầm người khác để vỗ về chính mình. Có con, nhiều lúc tôi trộm nghĩ chắc má cũng cay đắng lắm mới bỏ tôi, cũng day dứt lắm mà không dám quay lại. Hoặc biết đâu chừng má đã có lần quay lại, đứng nhìn nơi tôi không thấy má. Nói sao đi nữa, tôi vẫn mong, má có thể sống cuộc đời má muốn, để lần ra đi đó không khiến má hối tiếc.

Tôi về giỗ nội, ước được gối đầu lên chân bà nghe kể chuyện cổ tích ngày xưa, những câu chuyện dạy con người biết thế nào là yêu thương, thế nào là tha thứ. Tâm hồn trẻ thơ như một khu vườn, nở hoa hay trơ trọi đá sỏi do người nuôi nấng chăm bẵm mà nên. Nhờ bà mà khu vườn của tôi không héo úa. Ba tôi đã là ông lão tóc bạc phơ, đôi chân càng khó khăn khi đi lại. Vậy mà mỗi lần về quê ông luôn hướng phía bờ sông, khập khiễng nhấc chân qua con đường từng là rừng đước nơi có cây cầu luồn trong nó. Đâu còn nhà, đâu còn ai, chỉ còn dòng sông xuôi chảy. Chắc ba nhớ những ngày lênh đênh biển khơi, nhớ vỏ ốc vỏ sò ba xâu thành chuông gió, nhớ đứa con gái nhỏ hồi nó bằng cháu ngoại bây giờ, và vô vàn cái nhớ nữa mà tôi không rõ, bởi người già sống bằng nỗi nhớ, bằng hoài niệm quá khứ khi tương lai chỉ còn một điểm hẹn. Tôi ôm tay ba, buổi chiều ôm lấy chúng tôi vỗ về. Tôi không còn hoang hoải mơ giấc mơ ngày bé, tôi cũng biết khi ba và tôi đứng đây thì những điều thuộc về ngôi nhà kia không còn đủ sức làm buồn một ai nữa.

THÙY NHƯ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cầm

Ánh trăng mờ tỏ. Trạng Vinh tựa hồ như nhìn thấy bóng hình quen thuộc của cô đào hát năm xưa ẩn hiện giữa làn sương khói mong manh huyền hoặc…

Tiếng sáo 

Những ngón tay và đêm 
Ngân lên
Đâu đó có người mở cửa 
Ánh trăng tràn vào nhà 
Và tiếng sáo men theo những bước chân vội vã 

Làn hương

Thoát ra từ những đêm dài
Bay ra từ cơn gió
Hương tự mình lang thang
Bầu trời mặt đất rộng
Bởi làn hương loang dài.

Trên căn gác nhà K

Vẫn căn gác riêng tôi những ngày trong suốt
Ngoài kia thênh thang phố xá thẳng hàng
Thấp thoáng cánh áo phất phơ chiều lẻ gió
Khêu đêm rộn ràng những bước chân hoang