Thêm sức sống cho lễ hội ăn cốm lúa mới của người Bana Kriêm

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Lễ hội ăn cốm lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo của người Bana Kriêm tại Vĩnh Thạnh. Trung tuần tháng Sáu, lễ hội này được Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng Sở Du lịch và UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức tái hiện lại tại làng Kon Blo (K8) ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.

1.

Ngày 23.11.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3899/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 hướng tới mục tiêu đảm bảo thực hiện các mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển bền vững; tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong xã hội, tiếp tục củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Dự án 6 hướng tới mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Với mục tiêu đó, việc triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Việc tổ chức tái hiện lễ hội ăn cốm lúa mới tại làng Kon Blo nằm trong chuỗi những hoạt động thiết thực và ý nghĩa góp phần cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong Dự án này.

Nghi thức cúng lúa mới của già làng. Ảnh: V.P

Theo tập tục truyền thống, lễ hội ăn cốm lúa mới của người Bana được tổ chức sau mùa gặt hái, thường bắt đầu từ tháng 12 năm cũ đến hết tháng Ba dương lịch của năm mới. Tại ngày lễ này, bà con tụ hội tại nhà rông làng, cùng nhau vui vầy đàn hát, đánh cồng, đánh chiêng, trình diễn những điệu múa dân gian Bana Kriêm. Theo các già làng kể lại, những ngày này người Bana mang trang phục truyền thống, quây quần bên nhau cùng ăn cơm, thưởng thức rượu cần làm từ hạt lúa mới và chúc nhau những điều tốt lành sau một vụ mùa. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh chia sẻ: “Trong văn hóa của người Bana Kriêm, lễ ăn cốm lúa mới được tổ chức sau mùa gặt hái. Đây là nghi thức mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới lúa thóc đầy nhà; đánh giá lại kết quả một năm lao động; dịp để mọi người dân trong làng gặp gỡ, chia vui, chúc nhau sức khỏe và cùng hướng đến một năm làm ăn hiệu quả, sung túc hơn. Đây còn được gọi là mùa “ăn năm uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mùa giao lưu văn hóa, đồng thời cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm bạn đời”.

2.

Ngày 15.6.2023, lễ hội này được Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng Sở Du lịch và UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức tái hiện lại tại làng Kon Blo, bởi đây là một trong số ít những nơi ở Vĩnh Thạnh lưu giữ tốt các lễ hội truyền thống của người Bana Kriêm. Lễ hội được tái hiện với 03 phân đoạn chính: Các thiếu nữ lên rẫy ngắt bông lúa mới và mang lúa về làng; cảnh làm sạch lúa, sàng sảy, đưa lúa vào kho, vui giã cốm (Peh mok); và sau cùng là phần làm lễ cúng và vui hội, hát múa, uống rượu cần. Những ngày này, đến Kon Blo, đã thấy người dân ở làng nao nức chuẩn bị cho lễ hội. NNND Đinh Chương, cánh chim đầu đàn của phong trào văn hóa văn nghệ hiện nay của Kon Blo, cũng như xã Vĩnh Sơn, phấn khởi: “Ăn cốm lúa mới là lễ hội lớn của người Bana Kriêm. Bao năm qua, chúng tôi vẫn gìn giữ nét văn hóa truyền thống này. Khi nghe tin làng Kon Blo được chọn để tái hiện lại lễ hội này, bà con rất vui mừng. Đội văn nghệ của Kon Blo gồm đội cồng chiêng và đội hát múa dân ca ngày đêm luyện tập để chuẩn bị chu đáo cho lễ hội. Bà con cũng chọn những ghè rượu lâu năm nhất để chung vui cùng lễ hội và đãi khách phương xa đến xem”.

Đề cập đến lễ hội này của địa phương mình, ông Đinh Văn Ngái, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay: “Việc được lựa chọn là đơn vị để phục dựng lễ hội truyền thống ăn cốm lúa mới của đồng bào dân tộc thiểu số Bana Kriêm là niềm vinh dự, tự hào; đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Sơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của địa phương nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung. Sau lễ hội này, chúng tôi sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Lễ hội truyền thống ăn cốm lúa mới của đồng bào dân tộc thiểu số Bana Kriêm nói riêng và nét đẹp văn hóa truyền thống khác của đồng bào Bana Kriêm trên địa bàn xã phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho văn hóa truyền thống, để văn hóa truyền thống không còn nguy cơ mai một, ngày càng lan tỏa trong cộng đồng”.

3.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh, hiện nay cuộc sống của người Bana đã có nhiều thay đổi, lễ hội ăn cốm lúa mới cũng đã khác trước. Nếu như trước đây đến lễ ăn cốm lúa mới, bà con thường tổ chức từng nhà, cùng đàn hát, đánh cồng, đánh chiêng suốt hai ngày hai đêm, thì nay ở nhiều làng việc tổ chức lễ ăn cốm lúa mới thường diễn ra trong ngày, thường tập trung ở nhà rông làng để cả làng cùng chung vui. Lễ ăn cốm lúa mới dù tổ chức ở quy mô lớn hay nhỏ, nhưng cốm để dâng lên cúng Giàng phải là những hạt lúa mới lấy về từ nương rẫy và được bà con chọn riêng từ trước. Lễ cúng gồm mâm cốm mới, rượu cần, gà, xâu thịt và ngọn đèn sáp ong. Sau các nghi thức khấn vái của già làng, đến nghi thức ăn cốm mới. Hạt cốm đầu tiên được đặt trên đầu của già làng hoặc chủ gia đình với ý nghĩa tôn kính các vị thần đã cho con người có cái ăn, cái mặc. Sau đó, cốm được chia cho những người tham dự. Nghi thức cuối cùng là tung cốm với ý nghĩa cầu mong mọi người, mọi nhà được sung túc, no ấm, hạnh phúc. “Việc tổ chức lễ hội ăn cốm lúa mới của người Bana Kriêm không còn nhiều như trước. Tại Vĩnh Thạnh, chỉ còn khoảng 20% các làng còn gìn giữ và tổ chức lễ hội này thường niên. Hy vọng với sự quan tâm của Nhà nước, cùng ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm, những lễ hội độc đáo như ăn cốm lúa mới sẽ tiếp tục được lưu giữ và phát triển”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh bộc bạch.

Theo bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc tái hiện lễ hội truyền thống ăn cốm lúa mới của đồng bào dân tộc thiểu số Bana Kriêm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bana Kriêm nói riêng và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09.6.2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm của du khách, tạo nguồn tư liệu hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho các nhà khoa học khác có liên quan trong tỉnh. “Với ý nghĩa, mục đích đó, sau lễ hội này, chúng tôi mong muốn rằng, lãnh đạo tỉnh và địa phương, các doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với các nghệ nhân, người dân ở Vĩnh Sơn nói riêng, huyện Vĩnh Thạnh chung sẽ có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ hiệu quả để từng bước đưa nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thành những sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân, phục vụ phát triển du lịch của địa phương làm cho đời sống người dân nơi đây có nhiều khởi sắc hơn nữa”, bà Thảo chia sẻ.

Lễ hội ăn cốm lúa mới kết nối cộng đồng người Bana Kriêm. Tại lễ hội, những mặt người như giãn ra, tươi vui sau vụ gặt, thụ hưởng thành quả sau tháng ngày gieo trồng. Lễ hội lần nữa được tiếp sức khi nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, của những đơn vị quản lý văn hóa. Bằng kênh kết nối giữa văn hóa và hướng phát triển du lịch cộng đồng, lễ hội này cũng như các lễ hội khác, những nét văn hóa truyền thống khác của cộng đồng Bana Kriêm sẽ có thêm sức sống mới, thêm những hy vọng tiếp nối và gìn giữ.

BẢO NHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…

Sáng tác ở Quy Nhơn

Dạo đó, tôi với Thụy Kha và Trọng Tạo cũng nhờ những chuyến đi thực tế với Văn Cao nên đã viết được cả thơ và nhạc. Thậm chí, chúng tôi còn làm cả một “đề án” xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca”…

Người Bana Kriêm đón khách trong ngày Tết

Khi những cành mai rừng bắt đầu bung nở, khắp các thôn, làng của người Bana Kriêm ngập tràn không khí nhộn nhịp, vui tươi, người người, nhà nhà cùng nhau chuẩn bị đón Tết…

Đào Tấn với Xuân Quang biệt lũy

Làm quan mà được dân yêu, vua quý trọng là điều hiếm có. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Đào Tấn được Tự Đức ban tặng bài thơ kể Phủ Doãn Đào Tấn hộ vệ thuyền vua…