Phát lộ nhiều dấu vết Chăm từ phế tích Đại Hữu

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Từ tháng 5 – 6.2023, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật phế tích tháp Đại Hữu theo Quyết định số 1023/QĐ-BVHTTDL, ngày 18.4.2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lần khai quật này đã hé lộ nhiều dấu tích Champa, phát lộ nhiều hiện vật, bước đầu làm cơ sở để các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học tiếp cận, làm rõ kiến trúc, niên đại và những giá trị lịch sử, văn hóa, từ đó góp phần làm sáng tỏ thêm những đóng góp của vùng đất này trong tiến trình lịch sử của vương quốc Champa.

1.

Phế tích tháp Đại Hữu tọa lạc trên mặt bằng đỉnh núi Đất, thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Núi Đất trải dài theo chiều Bắc – Nam với hai đỉnh, trong đó đỉnh phía Bắc cao hơn (có độ cao 42m so với mặt nước biển). Phế tích tháp Đại Hữu cách trung tâm huyện Phù Cát khoảng 8km về phía Đông Nam và cách TP. Quy Nhơn khoảng 30km về phía Đông Bắc. Phía Tây dưới chân núi Đất là một số ít hộ dân cư, các phía còn lại dưới chân núi là khu nghĩa địa. Bao quanh núi Đất là những cánh đồng lúa, nhìn từ trên đỉnh, cách phía Đông 0,2km là núi Tai Voi, nhìn ra phía Bắc khoảng 0,5km là sông Ông Sư, cách một cánh đồng rộng lớn về phía Tây 2,0km là núi Mò O, ngọn núi linh thiêng trong tín ngưỡng của người Chăm. Từ trên đỉnh núi Đất có thể nhìn thấy các di tích tháp Champa khác như tháp Phú Lốc, tháp Bánh Ít.

Phế tích tháp Đại Hữu được đề cập đến lần đầu tiên trong công trình nghiên cứu Thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại An Nam của Henri Parmentier, xuất bản vào năm 1909. Ông viết: “Vết tích – Trên hai ngọn đồi con sườn dốc nối nhau bằng một yên ngựa dài 200 mét ở làng Đại Hữu, tổng Xuân Yên, huyện Phù Cát, có dấu vết hai kiến trúc Chàm: một trên quả đồi Bắc; chung quanh kiến trúc có một gò đất làm thành một hình vuông cạnh 24m; ở phía dưới đồi có một kiến trúc khác, chắc hẳn là một ngọn tháp ở lối ra vào, từ ngọn tháp này bước lên những bậc đã bị sụp đổ và đi trên một con đường dài 100 mét sẽ đến một khu vực hình chữ nhật ở cạnh một bể nước cùng hình dáng…”. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát Parmentier phát hiện nhiều hiện vật điêu khắc đá, trong đó có pho tượng thần Siva (cao: 83cm; rộng: 51cm; dày: 40cm). Tượng Siva tạo hình trong tư thế ngồi xếp bằng hai chân, đầu đội mũ hình trụ, tay cầm tràng hạt. Hiện nay, pho tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

Tượng Siva Đại Hữu. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Định

Gần khu vực phế tích tháp Đại Hữu, trước đây người Pháp đã phát hiện thêm một mảnh bia ký, gọi là bia Chánh Mẫn. Hiện nay, bia ký này được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Năm 2018, phế tích Đại Hữu được khảo sát lại và đưa vào hệ thống tra cứu bản đồ Khảo cổ học tỉnh Bình Định. Đó chính là những cơ sở ban đầu để các nhà khảo cổ học và đơn vị liên quan tiến hành khai quật, lần tìm vết tích Chăm trên vùng đất của quê hương Phù Cát này.

2.

Tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích Đại Hữu do Sở VH&TT Bình Định phối hợp cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức vào ngày 14.7, TS. Phạm Văn Triệu, Phó trưởng Phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) thành viên chủ trì buổi báo cáo đã nêu ra nhiều kết quả đạt được trong quá trình khai quật khảo cổ học tại Đại Hữu.

Cuộc khai quật tiến hành với diện tích 200m2. Sau 02 tháng khai quật, đã xuất lộ một phần tường tháp phía Bắc, phía Nam, nền móng phía Đông tháp và hố thiêng trong lòng tháp. Tường tháp phía Bắc có chiều dài xuất lộ: 3,7m; dày: 3,0m. Mặt ngoài tường tháp có chiều cao xuất lộ là 0,74m với 12 lớp gạch. Tường tháp phía Nam có chiều dài xuất lộ: 4,5m; dày: 3,0m. Mặt trong tường tháp phía Nam có chiều cao còn lại 0,9m với 13 lớp gạch, được xây mài khít tạo thành mặt phẳng. Tường tháp phía Đông không còn, quá trình khai quật đã xuất lộ hệ thống chân móng tháp và vẫn còn phát triển về cả ba hướng Đông, Nam và Bắc. Đặc biệt, lần khai quật này đã phát hiện hố thiêng giữa lòng tháp, là kiến trúc trung tâm của ngôi tháp, nằm sâu dưới nền gạch kiến trúc tháp. Đây là nơi diễn ra những nghi thức đầu tiên trước khi tiến hành xây dựng ngôi tháp, cho nên đây được xem là nơi linh thiêng nhất. Hố thiêng được xây bằng gạch có mặt bằng hình vuông mỗi cạnh dài 0,5m; sâu 2,42m.

Toàn cảnh hố khai quật. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bình Định

Quá trình khai quật phát hiện được số lượng 102 hiện vật đá với nhiều loại hình và kích thước khác nhau. Về chất liệu đá có ba loại là đá cát kết, đá hoa cương và đá ong. Trong đó, những hiện vật có trang trí được tạc trên đá cát kết, gồm nhiều loại hình như: bệ thờ, bia ký, phù điêu trang trí hình người, động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen, chày nghiền. Bệ thờ phát hiện tại phế tích tháp Đại Hữu bị vỡ chỉ còn lại một góc bệ, với kích thước còn lại dài 37cm, rộng 29cm; dày 18,5cm. Hai mặt bệ thờ bị vỡ tạo thành mặt phẳng, bên hông bệ thờ trang trí hình vú phụ nữ được tạo hình căng tròn nhưng bị vỡ chỉ còn lại 04 cái. Lần khai quật cũng đã phát hiện được 05 mảnh bia ký, chất liệu đá cát kết. Chữ khắc theo phương nằm ngang, nét chữ thanh mảnh. Trong số các bia ký được phát hiện, có mảnh bia ký kích thước lớn, cao 72cm, rộng 26cm, dày 17cm với 12 dòng chữ.

Bên cạnh đó, quá trình khai quật phát hiện được 06 hiện vật phù điêu trang trí hình người thể hiện những đề tài mang nội dung tôn giáo. Trong đó, có 02 hiện vật tiêu biểu là phù điêu hình đầu người (cao 16cm; rộng 12cm; dày 7cm) và phù điêu hình nữ thần (cao 20cm; rộng 18cm; dày 6,2cm). Đặc biệt, phù điêu hình nữ thần thể hiện với thân thẳng, bộ ngực căng tròn, tay trái gập ngang đưa ra trước bụng. Nữ thần đeo vòng cổ với họa tiết chuỗi hạt tròn kết hợp với dải cánh sen cách điệu, chính giữa là hình bông hoa bốn cánh. Vòng đeo bắp tay trang trí những đường gấp khúc, chính giữa là hình bông hoa lớn.

Phù điêu trang trí hình người từ phế tích tháp Đại Hữu. Ảnh: V.P

Quá trình khai quật cũng phát hiện 02 phù điêu trang trí hình động vật là rắn và Makara, Kala. Tiêu biểu là phù điêu thể hiện Makara, Kala, phù điêu bị vỡ phần trên, có kích thước còn lại cao 76cm; rộng 44cm; dày 45,5cm; phát hiện 03 mảnh phù điêu trang trí hình cánh sen, tiêu biểu có một phù điêu kích thước lớn, cao 35cm, dài 46cm, dày 22cm. Lần khai quật này cũng phát hiện 01 chày nghiền có dáng hình trụ tròn, kích thước dài 19,6cm, đường kính 5,2cm. Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật chất liệu đất nung, như: Gạch, chóp tháp góc, gốm trang trí điểm góc, đồ gốm gia dụng của Champa, Việt và Trung Quốc; hiện vật đồ kim loại có tiền đồng khắc chữ “Minh Mạng thông bảo”; đục sắt…

3.

Từ kiến trúc khai quật được và các loại hình hiện vật khác nhau. Bước đầu các chuyên gia khảo cổ học nhận định, về mặt bằng kiến trúc, phế tích tháp Đại Hữu có quy mô lớn, bình đồ hình vuông có cửa giả, tương tự các công trình kiến trúc tháp Champa tại Bình Định, có nhiều nét tương đồng với các di tích như tháp Dương Long, tháp Hưng Thạnh, tháp Cánh Tiên, phế tích Tháp Mắm…
Theo TS. Phạm Văn Triệu, từ những di tích và di vật, so sánh với kiến trúc tháp Champa đã được khai quật nghiên cứu, kết hợp với bia ký đã được người Pháp phát hiện trước đây, có khả năng phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng giữa sau thế kỷ XIII, dưới triều vua ŚrīJaya Simhavarmadeva (1257 – 1265).

Cuộc khai quật phế tích Đại Hữu bước đầu đã có nhiều kết quả đáng quý về di tích lẫn di vật, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề tiếp theo cần thực hiện. Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho hay: Hiện nay, xung quanh dưới chân núi và trên mặt bằng của cả hai đỉnh núi Đất, người dân tiến hành xây nhiều ngôi mộ, điều này gây nguy cơ xâm hại kiến trúc còn tồn tại dưới lòng đất. Cần khoanh vùng, không chôn cất người đã khuất trong phạm vi khu phế tích. Cần thực hiện việc bảo tồn di tích, giữ nguyên hiện trạng di tích đã được xuất lộ, dùng bạt che lấp lại, chống hiện tượng rêu mốc và cây mọc. Có thể thấy, diện tích khai quật 200m2 là rất nhỏ so với quy mô tổng thể của khu phế tích tháp Đại Hữu. Nhiều bộ phận kiến trúc của ngôi tháp vẫn chưa được làm rõ. Ngoài ra, với quy mô lớn, liệu phế tích tháp Đại Hữu là kiến trúc một tháp hay là quần thể với nhiều công trình tôn giáo và phục vụ tôn giáo? Chính vì vậy, cần phải tiếp tục khai quật, nghiên cứu tổng thể hơn về phế tích này. Bảo tàng tỉnh Bình Định sẽ có kế hoạch đề xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục mở rộng quy mô khai quật phế tích này trong năm 2024.

BẢO NHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

Làng chiếu Chương Hòa

Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình…