Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Tôi còn nợ quê hương mình”

(VNBĐ – Chân dung văn nghệ sĩ). Từ năm 1955, tại các đô thị miền Nam bắt đầu nổ ra các cuộc đấu tranh xuống đường đòi dân sinh dân chủ, chống chế độ Sài Gòn. Trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, học sinh sinh viên tổ chức ca hát trong những “đêm không ngủ”, “đêm đốt lửa căm thù”. Trần Long Ẩn lúc ấy là người có giọng hát không hay trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Lại được bạn bè khuyến khích sáng tác, thế là anh viết một loạt các bài như: Người mẹ Bàn Cờ, Hoa lục bình, Hát trên đường tranh đấu, Hành khúc thành phố, Người cha bến tàu, Người hát cho phận mình…

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn (trái) và nhạc sĩ Trương Quang Lục. Ảnh: Nhạc sĩ Trương Quang Lục cung cấp

Trong những bài của Trần Long Ẩn sáng tác trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” kể trên, Bà mẹ Bàn Cờ là bài hát được quần chúng cả nước biết đến nhiều nhất. Về hoàn cảnh tác giả đã viết bài hát này, xin kể một câu chuyện như sau: Vào một đêm mưa cuối tháng 4.1970 ở Sài Gòn, tại một ngã tư đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) và Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), Trần Long Ẩn tình cờ thấy những người mẹ, người chị, các bác xích lô khu vực Bàn Cờ đang chuyển đồ ăn, thức uống vô cho học sinh, sinh viên, đồng bào ta đang chiếm giữ khuôn viên tòa đại sứ Lon Non (nay là trụ sở UBND Quận 3) để trả thù việc Lon Non tàn sát dã man bà con Việt kiều ở Campuchia. Đêm hôm ấy Trần Long Ẩn không sao ngủ được. Sáng hôm sau, anh bắt gặp bài thơ ngắn Bà mẹ Bàn Cờ của Nguyễn Kim Ngân, bạn học cùng lớp ở đại học, và những nốt nhạc đầu tiên bỗng từ đáy lòng bật lên để rồi sau đó hình thành nên ca khúc Người mẹ Bàn Cờ: “Hỡi người mẹ Bàn Cờ !/ Hỡi người em Bàn Cờ !/ Hỡi người chị Bàn Cờ !/ Có người mẹ Bàn Cờ,/ Tay gầy, tóc bạc phơ,/Chuyền cơm qua vách cấm,/ Khi ngoài trời đổ mưa…”.

Sáng 01.5.1970, bài hát này đã kịp thời vang lên trước tòa đại sứ Lon Non và khu vực Bàn Cờ, được quần chúng nhiệt tình hưởng ứng.

Ngày 17.4.1972, Trần Long Ẩn rời Sài Gòn ra vùng giải phóng. Trước đó, một ngày cuối đông năm 1971, Trần Long Ẩn về lại Nhơn Hòa, An Nhơn thăm quê hương, người thân lần cuối trước khi thoát ly, nhưng để giữ bí mật, anh không cho ai biết dự định ra vùng giải phóng của mình, kể cả cha mẹ mình. Sau đó, gia đình của anh đã tốn rất nhiều công sức, thời gian, kể cả tiền bạc tìm kiếm đứa con trai đi biệt tích. Mãi sau ngày giải phóng anh mới được về gặp lại gia đình.

Những năm tháng ở vùng giải phóng, đối với Trần Long Ẩn vô cùng quý giá. Anh có dịp nghiên cứu, học hỏi thêm về nhạc lý, dân ca, văn học, chính trị, triết học… Những người anh đi trước như: Lưu Hữu Phước, Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Hồ Bông, Ngô Y Linh, Giang Nam, Hoài Vũ… đã “rút ruột” truyền nghề lại cho những đứa em từ giã đô thị đến với núi rừng chiến khu, đến với cách mạng. Ở chiến khu 2 năm, đến đầu tháng Tư 1974, Trần Long Ẩn được ra miền Bắc học tập. Cùng đi trong đoàn ra miền Bắc có các anh Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Trần Văn Ánh, các chị Hồng Thị Hạnh, Trần Thị Thanh Lê…

Ngày 30.4.1974, Trần Long Ẩn tới Hà Nội. Ở đây, theo đúng nguyện vọng, anh được vào học Trường Âm nhạc Việt Nam, và được dành mọi phương tiện thuận lợi nhất, cả đàn piano để học tập. Thầy giáo giảng dạy anh, có các nhạc sĩ Chu Minh, Ca Lê Thuần, Nguyễn Thị Nhung, Đinh Quang Hợp, Tô Hữu Huệ… Tròn 1 năm sau, 30.4.1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và anh đã trở lại Sài Gòn.

Chính bước ngoặt lịch sử trọng đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã chắp cánh cho NS Trần Long Ẩn. Từ năm 1978 đến 1982, anh tiếp tục học đại học sáng tác tại Nhạc viện TP.HCM trang bị hành trang âm nhạc cho sự nghiệp sáng tác bay cao, bay xa. Trong quãng thời gian này, anh cho ra đời một số sáng tác được quần chúng yêu thích: Tình đất đỏ miền Đông, Đàn sáo Hậu Giang, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Đêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong, Trên mảnh đất tình người…

Đặc biệt ca khúc Tình đất đỏ miền Đông ra đời cuối năm 1975 được chấm giải A trong một cuộc vận động sáng tác của ngành âm nhạc Giải phóng. Nói về ca khúc này, NS Trần Long Ẩn cho biết: Miền Đông là vùng đất anh hùng của Nam bộ, là chiến khu của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Ở đó có biết bao sự tích anh hùng mà đôi khi nghe đến chúng ta tưởng chừng như huyền thoại, như chiêm bao! Mảnh đất ấy anh đã có dịp sống qua trong những năm đầu đi theo cách mạng. Ở chiến khu miền Đông, anh lại nhớ đến một câu hát của NS Hồng Việt “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Từ đó mà trong anh bật lên câu hát: “Cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ,/ Cây lúa trổ chờ nước đổ trên nguồn,/ Cả quê hương rạo rực thơm đất mới,/ Đang chờ sức người vun xới những mầm xanh…”.

Ngoài chủ đề tư tưởng, từ ca khúc này, kỹ thuật sáng tác của NS Trần Long Ẩn đã “chững chạc” hẳn so với những ca khúc trước đó. Về khúc thức, bài được viết theo thể hai đoạn AB. Đoạn A gồm những tiết nhạc, câu nhạc nối tiếp nhau liên tục. Ca từ của đoạn này như những câu thơ “yêu vận” (gieo vần ở lưng chừng câu): “cơn mưa nhỏ” với “cây lúa trổ”, “thơm đất mới” với “người vun xới”, “miền Đông đất đỏ” với “nghe máu đổ”… nghe khá thuận tai. Giai điệu đoạn B được dàn trải, nghe tự hào, phấn chấn. Trong toàn bài, tác giả đã sử dụng điệu thức “oán” (Hò-Xừ-Xang-Xê-Cống-Líu) với điệu thức “nam” (Hò-Xừ-Xang-Xê-Phan-Líu) của dân ca Nam bộ để tạo nên âm hình giai điệu. Có thể nói bài hát Tình đất đỏ miền Đông là một trong những ca khúc hay trong thời kỳ đầu mới giải phóng.

Bài Đàn sáo Hậu Giang, Trần Long Ẩn viết vào năm 1977, chỉnh sửa nhiều lần về mặt kỹ thuật và tư duy sáng tác, đến năm 1979 mới đem ra phổ biến. Tuy lấy cảm hứng từ câu “Ai đem con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng bay xa”, nhưng ở đây anh lại muốn nói lên hình ảnh người nông dân Hậu Giang như con sáo bay xa trong cách nghĩ, cách làm ăn mới, cơ giới hóa, đạt hiệu quả cao hơn. Về âm nhạc, anh khai thác âm hưởng dân ca Nam bộ để viết cho tốp nữ biểu diễn: “… Đời vui sáo bay gọi bầy,/ Về miền Tây, thăm đất Hậu Giang./Thương câu hát tiếng ru bao đời,/ Thương cây lúa lớn nhanh theo người…”.

Trần Long Ẩn viết bài Đi qua vùng cỏ non vào khoảng 1978-1979 trong hoàn cảnh miền Nam đất nước gặp muôn vàn khó khăn sau ngày giải phóng. Với nhịp 3/4, tốc độ vừa phải, giai điệu sâu lắng, bài hát thể hiện những suy tư, tìm kiếm để đến với chân lý cuộc sống, để có lòng vững tin ở ngày mai tươi sáng của đất nước: “… Những người dân nước tôi mang con tim thời đại,/ Đẹp nhất cuộc sống vì mọi người…”.

Với bài Một đời người một rừng cây, sáng tác vào năm 1984, nhạc sĩ Trần Long Ẩn muốn gửi gắm một kỷ niệm trong đời, đồng thời nêu lên một triết lý, một quan niệm sống. Hình ảnh những cây cổ thụ thân cành gãy đổ vì bom đạn giặc, nhưng trên đó lại mọc nhiều cụm lan rừng, chim kéo về làm tổ hót vui ám ảnh anh từ ngày vượt Trường Sơn ra Bắc. Anh liên tưởng đó như những thế hệ cha anh dũng cảm hy sinh để con cháu được vui tươi, hạnh phúc. Rồi hình ảnh rừng đước, cây mọc gần nhau, thân vươn thẳng lên trời, giống như những con người sống bên nhau vượt gian khổ, gìn giữ bảo vệ quê hương: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây./ Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người,/ Trẻ trung như cụm hoa hồng,/ Hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về…”.

… Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai,/ Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình,/ Phải chăng may nhờ rủi chịu, phải chăng trong đục cũng đành…”.

Đầu năm 1998, trong quá trình thực hiện bộ phim tư liệu Đêm hoa đăng nói về cuộc đời các nghệ sĩ dân gian Nam Bộ trong những gánh hát rong trước đây, đạo diễn Mộng Long ở Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu đã yêu cầu Trần Long Ẩn viết ca khúc cho bộ phim. Anh vui vẻ nhận lời bởi lẽ nội dung bài hát cũng lại là điều anh từng tâm đắc, từng mong muốn được làm “người hát rong” trên chính quê hương mình. Thế là ca khúc Xin làm người hát rong ra đời: “… Kiếp này xin làm người hát rong,/ Để cho tình yêu lên tiếng./ Để cho trái tim bội bạc/ Không còn đến trong đêm hoa đăng”.

Trong giọng Mi thứ với điệu slow surf, âm hình giai điệu bài hát nhẹ nhàng sâu lắng như lời tâm sự sâu kín, như tiếng ru hời của mẹ, như lời tâm tình bạn bè nhắn nhủ gọi mời hãy trở về với cội nguồn dân tộc, với quê hương xứ sở, hãy hát lên tiếng hát của chính con tim mình, không để pha tạp ngoại lai.

Khi được mời viết ca khúc cho phim Đất khách, gồm 5 tập, kịch bản Lý Lan, đạo diễn Tường Phương, Trần Long Ẩn đã để nhiều thời gian với công sức nghiền ngẫm toàn bộ kịch bản phim và cả truyện ngắn gốc cùng tên được chuyển thể của Lý Lan. Và thế là ca khúc Trên mảnh đất tình người ra đời với giai điệu mang âm hưởng nhạc Hoa vừa bồi hồi vừa da diết: “… Hãy giữ lấy tình yêu con người,/ Dẫu có cách ngăn đừng nghi ngại,/ Mơ một hôm nắng lên sum họp/ Với những người đang chờ nhau,/ Với những người biết chờ nhau”.

Bài hát góp sức với phim tạo nên một bản ký họa khá rõ nét về một bộ phận người Hoa sinh sống trên đất Việt Nam cùng những số phận, hoàn cảnh khác nhau với những điều sâu kín trong tâm hồn của từng nhân vật. Có điều khá lý thú là giọng hát thể hiện ca khúc Trên mảnh đất tình người trong phim lại của chính ca sĩ – diễn viên Thanh Thúy, người sắm vai Lệ Mai, cô gái người Hoa, một trong những nhân vật chính của phim Đất khách.

Khi nhắc tới quê hương An Nhơn, Bình Định, nhạc sĩ Trần Long Ẩn lộ vẻ trầm tư: “Tôi còn nợ quê hương mình”. Không căn vặn thêm, nhưng tôi rất hiểu hàm ý sâu xa câu nói ấy của anh!

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sinh ngày 29.9.1944 tại thôn Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn – là một trong những cái nôi Hát bội của tỉnh Bình Định. Đam mê ca hát từ thuở thiếu thời nhưng rồi anh trở thành sinh viên ban Triết Tây phương của Đại học Văn khoa Sài Gòn. Và thời cuộc đưa đẩy, anh trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…