Đầy lên ký ức tươi xanh…

(VNBĐ – Ghi chép).

1.

Cuối tháng Tư, những ngày cả nước hân hoan đón lễ Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, huyện Phù Cát với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo là hội viên các chi hội trực thuộc hai Hội. Chuyến đi đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp ở nơi đến và các thành viên trong đoàn.

Xe gồm các văn nghệ sĩ do nhà báo, nhà thơ Trần Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hội VHNT dẫn đoàn và xe còn lại gồm các phóng viên do nhà báo Lưu Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo dẫn đoàn. Trên con đường ven biển Quy Nhơn – Đề Gi, đoàn đã đến viếng và tham quan các di tích lịch sử văn hóa như Tượng đài Chiến thắng núi Bà, Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực… Những nén tâm hương được đốt lên để tri ân tiền nhân với lòng thành kính. Nắng đầu hạ có phần dịu hơn nhờ những cơn gió nồng vị biển.

Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Tượng đài Chiến thắng núi Bà. Ảnh: P.N

Đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tọa lạc ở một vị thế đẹp bên bờ biển cách không xa Tượng đài Chiến thắng núi Bà. Cơ hồ, tôi như còn nghe thoảng tiếng sóng rì rào bờ bãi, và dáng hình đất nước liền dải ngút ngàn về phía trùng khơi. Chợt nhớ đến câu thơ rất “đắt” của nhà thơ Trần Quang Khanh: Đất nước tôi chiều dài gần hơn chiều rộng… Ông đo khoảng cách địa lý bằng sự cảm nghiệm và ý thức dân tộc. Mỗi tấc đất, mỗi dáng hình đảo nhỏ khơi xa đều in hằn dấu chân tiền nhân mở cõi để cháu con nâng niu giữ gìn trước những thế lực ngoại bang hăm he xâm phạm. Lẽ vậy, mà tiền bối của người anh hùng Nguyễn Trung Trực từ quê nhà Phù Cát đã nuôi dưỡng tâm thức đó, để rồi cháu con là ông trở thành đầu lãnh nghĩa binh làm nên nhiều chiến công vang dội khiến quân Pháp kinh hồn bạt vía mà tiêu biểu là cơn “lửa gầm Nhật Tảo”. Để rồi các thế hệ sau ông, còn nhắc mãi khí phách: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Trưa ở Đồn biên phòng Cát Khánh, trong cuộc trò chuyện thân tình, nhà báo Lưu Ngọc Minh kể lại những kỷ niệm tác nghiệp “ba cùng” với các chiến sĩ của Đồn thuở nào. Hiện tại, Đồn biên phòng Cát Khánh hoạt động tuần tra trên một dải địa bàn 31 km biên giới biển của các xã Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Chánh và thị trấn Cát Tiến. Ngoài nhiệm vụ đó, Đồn Biên phòng phối hợp với các địa phương ở khu vực biên giới biển thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, thực hiện mô hình “Nâng bước em đến trường”, Đồn đã nhận đỡ đầu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiện đang hỗ trợ 9 em với số tiền 500.000 đồng/ tháng/ em.

Khi biết nội dung giao lưu có chương trình Quà tặng âm nhạc do Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Định thực hiện cùng với một chương trình văn nghệ gồm nhiều ca sĩ, nhạc sĩ ở tỉnh về biểu diễn phục vụ, thiếu tá Nguyễn Hữu Nghị, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cát Khánh tâm sự: “Văn hóa văn nghệ như món ăn tinh thần cho các chiến sĩ, để động viên các chiến sĩ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Đơn vị chúng tôi rất vui khi được đón tiếp và giao lưu cùng các anh, chị nhà báo văn nghệ sĩ trong chuyến thực tế này”.

2.

Buổi chiều, đoàn văn nghệ sĩ, nhà báo thâm nhập thực tế, tìm hiểu đời sống ngư dân bám biển ở Đề Gi. Tôi và vài đồng nghiệp dừng lại khá lâu xem ngư dân Phù Cát đưa những mẻ hàu giống xuống thuyền để di chuyển đến vùng nuôi dưỡng. Thấy tôi săm soi chụp hình những cội đá xanh rêu, cảnh gom lưới phơi khi chiều về, một chị ngư dân cười tươi rói, mạnh dạn: “Nhà báo, cho tui một tấm đẹp đẹp đi”. Mấy bà chị đang gom hàu vào thùng, cười nói vui vẻ tiếp lời: “Thấy bả mặc đồ lao động lấm láp vậy chứ lên đồ cũng lung linh lắm chớ hông có giỡn chơi đâu nha”. Cả hội cùng cười. Tui bấm máy lia lịa để bắt vài khoảnh khắc nào đó của nụ cười chan hòa vị biển kia. Nụ cười của chị thật đẹp. Tươi rạng như xóa đi những cơ cực phận người bám biển…

Chiều muộn, biên tập viên Thu Thủy kết nối trực tiếp với Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Định làm chương trình Quà tặng âm nhạc theo yêu cầu khán giả, những kết nối từ những người lính trẻ với nhắn gửi ấm áp, tình cảm. Và những lời hát vang lên từ Đồn Biên phòng Cát Khánh lan tỏa đến bạn nghe đài cả tỉnh. Điểm thú vị, là khi biên tập viên Thu Thủy kết nối với biên tập viên Mai Anh đang trực chương trình tại đài, để cho người lính biên phòng kỳ cựu Bùi Ngọc Tuyên thể hiện tài năng đàn hát, thì bất ngờ, trung tá Bùi Ngọc Tuyên có lời chào đầy thân gần với BTV Mai Anh: “Cậu chào Mai Anh ạ. Nhận ra cậu không?”. Cả hội trường ồ lên thích thú. Hóa ra, họ là bà con, vô tình được trò chuyện ngay tại chương trình. Lời hát của trung tá Bùi Ngọc Tuyên như có thêm lửa, tiếng hát cất lên nồng nhiệt, thắm tình trong tiếng vỗ tay rào rào của các chiến sĩ và các thành viên của đoàn thực tế. Gặp lại biên tập viên Thu Thủy sau chương trình, chị vui vẻ bảo với tôi: “Chương trình nhiều kỷ niệm em ạ. Ban đầu, các chiến sĩ ngại không giao lưu nhưng mà khi lên sóng, các bạn kể vanh vách ai đang buồn sao, bị bạn gái từ chối như thế nào… Còn có cậu em nuôi quân bẽn lẽn, như kiểu ủy quyền cho đồng đội kể hộ. Rất dễ thương. Chương trình mang lại nhiều kết nối vui, các chiến sĩ, mọi người cảm thấy thú vị. Các nhạc sĩ, ca sĩ thì sẵn sàng đệm đàn hát chay, cuộc giao lưu của cậu cháu biên tập viên Mai Anh ở phòng thu trực tiếp tại Đài rất ngẫu nhiên mà cũng thật ấn tượng. Anh Tuyên đàn hát tưng bừng bài hát Điệp khúc tình yêu…

3.

Buổi tối là đêm giao lưu văn nghệ phục vụ các chiến sĩ và nhân dân địa phương. Nhiều ca sĩ như Hoàng Dũng, Đức Thịnh, Quang Nhật, Thanh Quý… và những người lính như Bùi Ngọc Tuyên, Công Cường, Trung Tín thể hiện nhiều ca khúc truyền thống người lính với những lắng sâu. Chương trình còn có tiếng sáo dìu dặt của chiến sĩ Văn Tươi của Đồn Biên phòng; sự bùng cháy đầy năng lượng của ca sĩ Mỹ Phụng; lời hát Bài chòi độc đáo của vợ chồng NSƯT Hoài Nam – Hồng Trận… Ban nhạc cây nhà lá vườn của Hội VHNT thật tài hoa với những ngón đàn guitar điện, organ, violon, đàn kìm… của Hoàng Thông, Lưu Nhất Phong, Bùi Duy Phong, Hoàng Sơn. Nhạc sĩ góp mặt với đa dạng những thể hiện đầy chất ngẫu hứng, từ chơi các loại nhạc cụ đến trình diễn ảo thuật làm cho khán giả thích thú vỗ tay tán thưởng. Các nhà báo, cán bộ xã đoàn địa phương cũng góp tiếng hát của mình cho đêm giao lưu văn nghệ thêm trọn vẹn. Gặp mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa đang chăm chú xem chương trình, tôi bắt chuyện hỏi thăm, chị chia sẻ: “Nhà mình ở xã Cát Thành, hiện đang dạy tại trường THPT Ngô Lê Tân ở Cát Khánh. Đêm nhà mình qua đây chơi, thấy có chương trình nên ghé xem. Chương trình nhiều tiết mục hay, mình và nhiều người rất thích”. Lê Nguyễn Hoài Hải (sinh năm 2004, quê gốc Mỹ Cát, Phù Mỹ), chàng lính trẻ của đồn biên phòng Cát Khánh, phấn khởi: “Bọn em rất vui vì sau thời gian làm việc được nghe các anh chị văn nghệ sĩ chia sẻ và mang đến chương trình nghệ thuật đặc sắc. Chúng em còn nghe những tiếng hát rất tình cảm của đồng đội, màn thổi sáo da diết của người anh dưới mái nhà Đồn biên phòng Cát Khánh”.

Các văn nghệ sĩ, chiến sĩ đốt cháy mình cho đêm giao lưu văn nghệ. Ảnh: P.N

Kết thúc đêm giao lưu, các văn nghệ sĩ và chiến sĩ bắt tay nhau thân tình tạm chia tay. Tôi cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Văn Ngọc, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hoa, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Phan Minh Cần tản bộ từ Đồn Biên phòng về nơi nghỉ cách đó vài trăm mét, như để cảm nhận nhịp sống của vùng đất có cây cầu nối biển Đề Gi này với một sức sống mới thanh tân. Rồi như chẳng vội vàng, tôi và vài người bạn ngồi lại hàng quán bên cầu Đề Gi lai rai “vài ve” để chan hòa vào nhịp sống nơi đây. Cứ ngỡ có nhóm tôi “mánh lẻ”, sáng sớm trở dậy, mọi người kể nhau các anh văn nghệ sĩ đêm qua cũng “gầy độ” tự tình với Lưu Linh đến hai ba giờ sáng mới chịu tan. Vậy là “không hẹn mà gặp”, Đề Gi xứ này đã khiến nhiều người cùng thức, cùng say…

4.

Sáng hôm sau, trên đường về lại Quy Nhơn đoàn đã ghé thăm Vườn cây kơ nia trăm tuổi ở Nhơn Phúc (An Nhơn), đến thắp hương Nhà tưởng niệm thi sĩ Yến Lan ở phường Nhơn Hưng (An Nhơn). Trên chuyến xe ngược về phía biển, những câu chuyện về hành trình đi qua được các anh chị em trong đoàn rôm rả kể lại. Hồi nhớ về chuyến đi, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hoa – Phó Tổng biên tập Báo Bình Định bộc bạch: “Một ngày rưỡi đi qua nhiều địa điểm vùng miền, đã gom nhặt cho mình nhiều điều thú vị. Có những nơi tưởng như đã rất cũ, rất quen nhưng vẫn chưa từng đặt chân tới như Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan, vườn cây Kơ nia trăm tuổi… hay những điểm người ta đã check-in rần rần nhưng với mình vẫn còn mới như cây cầu vượt biển thứ hai trên đất Bình Định – cầu Đề Gi nối liền hai vùng biển Cát Khánh (Phù Cát) với Mỹ Thành (Phù Mỹ)…  Đặc biệt, Đồn Biên phòng Cát Khánh, điểm dừng chân chính của đoàn – phải đến hơn 25 năm mình mới có dịp quay lại nơi này. Khi ấy, mình còn làm phóng viên, có vài lần về công tác cơ sở và được “ăn nhờ ở đậu” tại đây, vì khi ấy làm gì có khách sạn hay nhà trọ. Đồn bây giờ đã rộng rãi, khang trang hơn trước rất nhiều. Ban chỉ huy Đồn cũng là những người rất mới. Riêng, tình cảm các anh dành cho khách vẫn nhiệt tình, nồng hậu và đặc biệt, những bữa cơm người lính nấu vẫn dân dã, mặn mòi hương vị của vùng quê xứ biển; đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” cũng rất vui…”.

Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan. Ảnh: Đào Phan Minh Cần

Như còn vương vít về chuyến đi, nhà văn Bùi Duy Phong, người đã trực tiếp chơi đàn trong đêm giao lưu văn nghệ với Đồn Biên phòng Cát Khánh thổ lộ: “Chuyến đi này, tôi được gặp gỡ và giao lưu cùng các nhà báo và anh em văn nghệ đã nghe tiếng lâu nay. Rất vui và thân tình. Mặt khác, là người ít được tiếp xúc với lực lượng vũ trang nên khi tận mắt chứng kiến sinh hoạt của các chiến sĩ Đồn biên phòng Cát Khánh, cho tôi nhiều cảm xúc. Cứ tưởng họ cứng nhắc “quân lệnh như sơn” nhưng ngoài những giờ tuần tra biên giới biển, trong sinh hoạt hàng ngày họ cũng rất lãng mạn. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng sáo cứ ngân nga mỗi sớm, mỗi chiều. Bất ngờ nhất là được thưởng thức những món ăn do chính những người lính trực tiếp vào bếp. Cũng những nguyên liệu của vùng biển Đề Gi nhưng rất hấp dẫn chẳng khác gì ở nhà hàng. Đêm giao lưu văn nghệ thật sự là một đêm bùng cháy cảm xúc của cả chủ lẫn khách. Tôi được hòa điệu cùng các anh em văn nghệ sĩ, được nghe lời ca, tiếng hát của những người lính mang quân hàm xanh, từ các cô nhà báo mà tưởng chừng cuộc sống của họ chỉ có những con chữ. Tiếng hát, tiếng đàn của chúng tôi cứ thế vang lên hòa vào vùng biển mặn Đề Gi, quyện vào màn đêm vốn rất yên tĩnh của một vùng biển thanh bình”.

Chuyến đi khép lại, nhưng những kỷ niệm đẹp, những xúc cảm còn dịu dàng neo đậu trong mỗi chúng tôi. Vài điều nhỏ nhắn dễ thương ấy, nhẹ nhàng mà lắng dịu như những con sóng ru êm, làm đầy lên trong mỗi chúng tôi những tươi xanh ký ức.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…