Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

(VNBĐ – Ghi chép). Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người, không chỉ bởi những danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử, con người hồn hậu hiếu khách, mà nơi đây còn quyến luyến lòng người bởi một thế giới ẩm thực phong phú, hấp dẫn.

1.

Tự xa xưa, người xứ Nẫu truyền tai nhau những những câu ca dao, tục ngữ để “định vị” các món ăn ngon của quê hương mình, như khi nhắc đến món bún trứ danh vùng đất An Thái ở Nhơn Phúc, An Nhơn, có câu: “Nón ngựa Gò Găng/ Bún song thằn An Thái”; hay về món bánh ít: “Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”. Hoặc khi nói về rượu Bàu Đá, loại thức uống này đã đi vào văn chương với những câu thơ đầy hình tượng: “Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhín/ Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly” (Yến Lan). Cũng vì đắm đuối với món ngon Bình Định mà hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Giao và Nguyễn Phúc Liêm đã cùng nhau viết nên cuốn Văn hóa ẩm thực Bình Định in năm 2005, đề cập đến gần 100 món ăn hấp dẫn của người xứ Nẫu với đủ các loại đặc sản, món ăn vùng sơn cước, món ăn vùng sông nước, các loại mắm, bánh, thức uống… Mỗi loại có một cách thưởng thức riêng, có món phải dùng bằng tay mới… đúng điệu. Rồi như sợ người ta nghĩ chưa đủ đầy về “cách ăn” của người xứ Nẫu, hai nhà nghiên cứu kịp thời bổ sung: “Nói vậy không có nghĩa là Bình Định có phong cách ăn hoang sơ, chém to kho mặn hay là ăn bốc nói phét! Không, nếu các bạn nhìn lại những món ăn tuy bình dị mà rất sang, như các món “Rượu nếp, tôm chua, khổ qua dồi” mới thấy họ là những người sành ăn mà không cầu kỳ, họ khai thác hết mọi tiềm năng trong món ăn như nem chợ Huyện: “Ai về Vinh Thạnh quê em/ Ăn nem chợ Huyện xem đêm hát Tuồng”. Hay món lòng cá chẽm: “Sống không ăn lòng cá chẽm tươi/ Xuôi tay ngẫm lại vị đời đủ chưa”.

Ẩm thực đã gieo những luống cày trên cánh đồng văn chương với bao phong phú diễn đạt. Gần đây, năm 2023, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ đã ra mắt quyển sách Thương lắm nục ởi. Làm dâu đất Bình Định gần 40 năm, bà tỏ tường nhiều món ngon của dân xứ Nẫu. Những món như bánh tráng, bánh xèo, mắm ruốc, mắm cua, cá nục, gié đắng… với phong phú hương sắc, cách ăn, cách chế biến, cả mùi vị của ký ức, hiện diện trên trang viết của bà. Nhiều khi tôi nghĩ, những bữa cơm nồng ấm thân tình, có vẻ như sẽ làm nhòa dần những lạ xa, để người với người thêm thân gần, để người với đất thêm nồng nàn gắn bó. Lẽ vậy, mà nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ mới bộc bạch rằng: “Tôi là người đầu tiên trong gia đình mình biết ăn các món của người miền Trung. Chắc cũng do cái tật ưa lê la nơi này chỗ nọ, rồi cái tính ham hỏi muốn nghe, và cái miệng lại thích thử ưng nếm. Nhưng trước khi lập gia đình, có vẻ như hết thảy những điều đó chỉ sượt qua tôi, hoặc có lưu giữ lại thì cũng không trọn vị bằng khi được làm dâu Bình Định…”.

2.

Ẩm thực, nghiễm nhiên đã thành một phần quan trọng tạo nên nét cuốn hút của một vùng đất. Và đối với một tỉnh đang đầu tư thúc đẩy du lịch như Bình Định, ẩm thực càng giữ vai trò quan trọng. Cuối tháng 10.2023, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Bình Định được thành lập và tổ chức kỳ đại hội đầu tiên. Đây cũng là thời điểm Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam vừa mới công bố 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, trong đó Bình Định có bốn món được ghi danh: Rượu Bàu Đá, nem chợ Huyện, bánh ít lá gai, chả ram tôm đất. Việc hình thành tổ chức xã hội – nghề nghiệp này góp phần quảng bá, phát huy được những giá trị văn hóa ẩm thực Bình Định với cách làm khoa học và chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng tự phát, thiếu sự bài bản trong việc khai thác giá trị văn hóa ẩm thực Bình Định để trở thành sản phẩm du lịch trong thời gian qua. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa ẩm thực thành điểm nhấn quan trọng, thu hút du khách du lịch trong và ngoài nước.

Các đầu bếp của Bình Định trình diễn ẩm thực phục vụ du khách. Ảnh: P.N

Cuối tháng 3.2024, Bình Định tạo dấu ấn mạnh mẽ khi tổ chức thành công Tuần lễ Thể thao, Văn hóa và Du lịch Bình Định 2024. Là một trong những sự kiện chính nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Thể thao, Văn hóa và Du lịch, Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định lần đầu tiên tổ chức tại Bình Định (diễn ra từ 22 – 24.3) do Sở Du lịch, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Bình Định và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện. Mở đầu thành công cho Lễ hội là tiệc buffet diễn ra vào ngày 22.3, giới thiệu 77 món ngon tiêu biểu của Bình Định như nem, chả chợ Huyện, bánh cuốn Tây Sơn, bánh tráng dừa Tam Quan, bún dây Bồng Sơn, bánh hỏi Diêu Trì, bánh ướt Hoài Nhơn, gié đắng Tây Sơn, bánh xèo tôm nhảy, bún rạm Phù Mỹ, bún chả cá Quy Nhơn… Theo ông Nguyễn Hoàng Sâm, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định, đây là những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực truyền thống, phong vị đặc trưng của từng huyện, thị xã, thành phố. Không chỉ trực tiếp trải nghiệm món ngon, đại biểu và du khách còn được tình nguyện viên chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, cách chế biến, giá trị dinh dưỡng của món ăn. Tiệc buffet được tổ chức tại khu phức hợp TOCEPO bên đầm Thị Nại, mang đến một không gian ẩm thực thi vị. Nhiều vị khách nước ngoài tỏ rõ sự thích thú khi chứng kiến các đầu bếp từ Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định trổ tài đầu bếp ngay tại buổi tiệc. Mọi người chú ý nhiều hơn khi các đầu bếp trực tiếp chế biến món bánh xèo tôm nhảy. Những khuôn bánh nóng hôi hổi tỏa mùi hương của bột gạo chín, của mùi dầu ướp nóng thấm trong từng con tôm đất, của mùi hành chẻ thơm lựng như đánh thức khứu giác thực khách. Tiếp nối Lễ hội, thực khách được “mục sở thị” các đầu bếp trổ tài trong Chương trình Quảng diễn Văn hóa Ẩm thực vào chiều 23.3. Tại đây, 12 món ăn đặc sắc được các đầu bếp quảng diễn, gồm: Bánh tráng cuốn Tây Sơn, bánh xèo tôm nhảy, bún song thằn An Thái, salad Đà Lạt, đọt mây xào thịt, pha chế cocktail, gà organic hầm đông trùng hạ thảo, cá ngừ sasimi, gỏi sứa tai, tré Bình Định, chả bắp Tây Sơn và đặc biệt là món kimbap của Quận Yongsan.

3.

Phần chính, tạo sức hút nhất với du khách của Lễ hội văn hóa ẩm thực là hoạt động từ các gian hàng ẩm thực tại đường Đống Đa (TP.Quy Nhơn), trưng bày, giới thiệu hơn 50 gian hàng. Trong đó, có 27 gian giới thiệu các món ẩm thực tiêu biểu, đặc sắc của Bình Định; 12 gian hàng của các tỉnh bạn: Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, Ẩm thực Đông Nam bộ, Ẩm thực Nam bộ; 01 gian hàng của đại diện Quận Yongsan – Hàn Quốc; ngoài ra, còn có gian hàng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh giới thiệu 50 sản phẩm OCOP của Bình Định gắn với ẩm thực. Anh Lê Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Vĩnh Thạnh, phụ trách gian hàng của huyện Vĩnh Thạnh giới thiệu nhiều món độc đáo từ đơn vị mình như rượu ghè, rau dớn cá niên, đọt mây xào, thịt heo rừng… Anh cho hay, bà con Vĩnh Thạnh kết hợp trong những ngày hội văn hóa dân tộc thiểu số, quảng bá các món ăn dân dã truyền thống, đồng thời phục vụ khách du lịch theo hình thái du lịch cộng đồng. Vĩnh Thạnh là nơi luôn tạo cho tôi nhiều xúc cảm bởi những nét độc đáo riêng về văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực nơi đây. Nhiều lần theo chân nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh, tôi được hiểu hơn về đất và người nơi đây với bao giá trị được gìn giữ. Nhà nghiên cứu văn Yang Danh tâm sự: “Vĩnh Thạnh là nơi định cư chủ yếu của người Bana Kriêm. Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, như: lễ hội mừng lúa mới, các điệu dân vũ, làn điệu hát ru, diễn tấu cồng chiêng…. Bên cạnh đó, Vĩnh Thạnh là nơi có nhiều di tích lịch sử, nhiều cảnh đẹp như suối Tà Má, hồ Định Bình, thành Tà Kơn, các nhà sàn truyền thống ở Kon Blo, Kon Trú, Tà Điệk… và đặc biệt là có nhiều món ăn của người Bana Kriêm gắn chặt với đời sống cư dân ở đây, đây cũng là điểm nhấn góp phần thu hút khách du lịch hiện nay”.

Các đầu bếp trình bày món bánh hồng và bánh hỏi trong một cuộc thi về ẩm thực trong Tuần lễ Thể thao, Văn hóa và Du lịch Bình Định 2024. Ảnh: P.N

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định đã tạo ra một không gian văn hóa ẩm thực ý nghĩa, để các cơ quan quản lý văn hóa, các nghệ nhân, đầu bếp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực. Đến các gian hàng ở thời điểm nào, tôi cũng thấy đông nghịt khách thập phương thăm thú và thưởng thức các món ngon Bình Định và các tỉnh bạn. Một chiều muộn ngày 23.3, tôi chứng kiến khá đông thực khách dừng lại khá lâu ở gian hàng Đồng Nai. Họ đang xem đầu bếp ở đơn vị này làm món xôi chiên phồng. Chánh văn phòng Hiệp hội du lịch Đồng Nai, chị Trần Thị Tuyết Trâm thuyết minh cuốn hút về món xôi chiên phồng. “Đây là món ăn vừa được ghi vào Kỷ lục Châu Á. Việc chế biến món xôi chiên phồng rất công phu, tỉ mỉ. Ở Đồng Nai, chỉ 10 đầu bếp làm được món này. Đây được xem là một trong những món ăn thu hút du khách thập phương của tỉnh, là niềm tự hào của người Đồng Nai. Chúng tôi rất vui, khi được giới thiệu đặc sản quê hương mình tại Bình Định, cũng vô cùng thích thú, khi trực tiếp xem và nếm thử nhiều món ngon của Bình Định. Ẩm thực Bình Định rất đa dạng và phong phú, các món ăn đặc sắc, đậm đà. Đó là một thế mạnh lớn góp phần phát triển du lịch, tạo thương hiệu riêng về văn hóa ẩm thực cho Bình Định”, chị Trâm chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Hương Duyên, du khách đến từ Gia Lai, hào hứng: “Tôi cùng các bạn đến du lịch Quy Nhơn đúng thời điểm diễn ra sự kiện Tuần lễ Thể thao, Văn hóa và Du lịch, ngoài được xem các vận động viên quốc tế thể hiện những cuộc đua thuyền máy gay cấn, xem các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu hấp dẫn, xem nhiều cảnh đẹp của Bình Định, chúng tôi còn được thưởng thức nhiều món ngon của Bình Định và một số tỉnh khác được quy tụ về trong không gian cạnh bên đầm Thị Nại. Mọi người trong đoàn đều hứng khởi và hài lòng về chuyến đi lần này, còn mua nhiều đặc sản của Bình Định để về làm quà cho người thân và bè bạn”.

Ẩm thực Bình Định, đã từng bước “định vị” gắn với phát triển du lịch. Việc đầu tư cho văn hóa ẩm thực đã được các ngành chức năng quan tâm và quảng bá hiệu quả, thiết thực. Phát biểu tại buổi khai mạc Lễ hội văn hóa ẩm thực 2024, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Để du lịch Bình Định có bước phát triển đột phá và đạt được các mục tiêu kỳ vọng, tỉnh Bình Định đang nỗ lực, tập trung đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó khai thác thế mạnh ẩm thực đặc trưng của địa phương gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng của tỉnh là một trong những hướng đi chủ đạo của ngành Du lịch thời gian tới”.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…