Ngày xuân đi hội Chùa Bà

(VNBĐ – Bút ký). Nắng rắc vàng xuống những mái lá ô che bán buôn người quê, nắng làm óng lên những lọn tóc đã điểm sương hay mun đen xuân xanh ngày hội. Dòng người đông đúc tụ về một vùng quê vốn thường ngày yên ả. Từng tiếng trống đằm, vang, bắt nhịp cho những bước chân đều đặn của các thành viên Ban tế lễ thực hiện nghi thức Nghinh thần rước sắc, khai lễ Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. Hai mươi chín tháng Giêng âm lịch, đến hẹn lại về…

1.

Năm ngoái, cũng vào độ này – ngày cuối tháng Giêng, tôi về An Hòa (Phước Quang, Tuy Phước) hòa cùng niềm vui của bà con nơi đây khi Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay, chưa đến ngày hội mà dân tình đã náo nức. Tôi cùng vài người bạn kéo nhau đi lễ. Từ Quy Nhơn băng qua cánh đồng Phước Nghĩa, Phước Hòa mới thấy màu xanh lúa non mênh mang. Chẳng biết đoạn nào trước đây là vùng trũng xa xôi, trập trùng sóng vỗ. Giờ chỉ còn những cơn gió thổi qua rười rượi. Ông anh là nhà điêu khắc đi cùng tôi nhìn cánh đồng bạt ngàn rồi nói bâng quơ: “Đất thế này dễ sinh nhân tài”. Nhân tài nào thì tôi chẳng tỏ tường bao quát hết thảy, chứ thi sĩ Xuân Diệu ở bên sông Gò Bồi, soạn giả Tuồng lỗi lạc Đào Tấn bên cánh đồng Phước Lộc thì đã quá nổi danh mà bất kỳ ai có đôi chút liên quan đến sáng tác văn chương nghệ thuật của “miền đất võ xứ văn chương” đều hay biết. Hai tài danh ấy của Tuy Phước là đại diện cho một giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm một lần của Bình Định. Đó như một biểu tượng mà chẳng phải vùng đất nào cũng có được. Và Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn cũng là một biểu tượng với những độc đáo khác…

Ban tế lễ cùng người dân địa phương đang tiến hành làm lễ Nghinh thần rước sắc. Ảnh: V.P

Đến Chùa Bà, mọi người tự túc tham quan, la cà khám phá. Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII. Những cuộc lặn lội di dân, những sắp đặt phận người và cái cúi đầu tạ ơn thổ thần của những người Hoa theo một lẽ nào đó chẳng còn ở lại quê hương cố xứ, đã đến đây, bắt rễ mảnh đất An Hòa này – cứ như những thước phim trắng đen lỏng lẻo liên kết đi qua suy tưởng. Đã bao lớp sử cũ cùng trăm, ngàn câu chuyện hư huyền khói sương truyền tụng dân gian đã phủ lên vùng đất trầm tích này. Từ những năm 1610, khi Cảng thị Nước Mặn bước vào thời kỳ phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư đến đây lập nghiệp. Khi đó, khu vực thôn An Hòa ngày nay là nơi tọa lạc cảng thị Nước Mặn. Người Hoa mở phố buôn bán sầm uất, cùng với các hình thức tín ngưỡng, họ đã lập Chùa Bà (Thiên hậu miếu) để thờ cúng. Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu Thánh mẫu, người thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn. Buổi đầu, Chùa Bà chỉ là một ngôi miếu nhỏ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận Nhân dân. Họ thường đến đây để đi lễ, tỏ lòng hàm ơn Thiên hậu Thánh mẫu đã phù hộ cho họ di cư an toàn, cuộc sống no đủ. Dần dà, khi đã an cư lạc nghiệp, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ cho miếu thêm khang trang. Từ đó, tên gọi “Chùa Bà” ra đời. Khi các cư dân hòa nhập với cuộc sống người Việt, nhiều yếu tố văn hóa được người Việt tiếp thu và ngược lại. Chùa Bà đã trở thành tín ngưỡng chung cho cả người Việt lẫn các sắc tộc đã định cư nơi này. Lúc này khách thập phương lui tới chùa đông đảo hơn, hình thức tín ngưỡng cũng dần lớn lên, Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn trải qua thời gian hơn 400 năm được tiếp nối, gìn giữ và phát huy, trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tâm linh quan trọng, mang tính cộng đồng cao của địa phương và của tỉnh Bình Định.

Chiều 29 tháng Giêng (tức ngày 09.3 dương lịch), các thành viên Ban tế lễ Lễ hội Chùa Bà thực hiện nghi thức chính Nghinh thần rước sắc, rước biểu trưng Ngư – Tiều – Canh – Mục. Ban tế lễ, cùng hàng trăm học sinh ở Phước Quang nhịp nhàng bước chân theo nghi thức làm lễ. Hai bên đường dẫn lối vào Ban thờ chính của Chùa Bà, người dân đã tập kết tự khi nào, râm ran nói cười. Những cư dân thường nhật buôn bán nhỏ lẻ trong vùng cũng quây quần về khuôn viên chùa. Đủ mọi mặt hàng áo quần, bánh mứt, xôi đậu, lược, đồ thủ công mỹ nghệ… Cảnh nói cười, bán mua rộn rã xua đi cái im vắng thường ngày. Lễ hội không chỉ là dịp cho người dân Phước Quang mua bán đắt hàng mà còn giúp người dân vùng lân cận kiếm thêm thu nhập trong vài ngày phục vụ du khách thập phương. “Thường ngày mình bán ở các trường học, đêm đến theo các gánh lô tô đủ các xã huyện gần An Nhơn. Mấy năm nay, mình hay đến Chùa Bà mỗi dịp lễ, thu nhập có nhỉnh hơn so với thường ngày”, anh Phan Đình Nhân quê ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, chủ gánh hàng bán kem khói tâm sự.

Tôi bị giọng hô hát quen thuộc hút đến một góc khuôn viên của Chùa Bà, nơi NNND Minh Đức, NNƯT Nguyễn Phú và các nghệ nhân Bài chòi ở Tuy Phước, An Nhơn đang biểu diễn phục vụ bà con. Các hiệu lấy thẻ, điệu bộ tươi vui rộn ràng. Những câu hát mang đậm tính dân gian khiến người tham gia hội đánh Bài chòi thích thú. Đến đoạn NNƯT Nguyễn Phú và NNND Minh Đức hô hát đối đáp con Nhì Nghèo, ai nấy đều cười rân. Khi đức ông chồng “hiệu Phú” ca thán về bà vợ ăn hàng: “Con vợ tui nó giỏi vô song. Đi chưa tới chợ đã mong ăn hàng. Sớm mai nó cất gánh lên đàng. Ăn vài thuyền cháo vững vàng ra đi…” thì NNND Minh Đức vào vai bà vợ cũng có màn hô hát đáp trả ngoa ngoắt điệu đàng: “Một ông cũng để tui ra. Hai ông cũng để tui ra. Tui dìa tui buôn tui bán, tui trả nợ bánh tráng, tui trả nợ bánh xèo. Còn dư tui trả nợ thịt heo, ông đừng lầm tui nữa, kẻo mang nghèo về sau”. Tôi nghe những tiếng khúc khích của các chị, các dì, các cô xen trong lời hô hát của nữ nghệ nhân Bài chòi cổ hàng đầu hiện nay. Và len lén đâu đó, mấy ông chồng trung niên cũng tranh thủ bày tỏ với nhau: “Bà vợ tui mà thế này, chắc chết…”. Gặp tôi sau một lượt trình diễn, NNND Minh Đức mới vui vẻ thủ thỉ: “Vui con ạ. Năm nào đến Lễ hội, cô cũng hay diễn ở đây. Bà con nơi đây rất ưng nghe hát Bội, Bài chòi. Diễn đêm hay ngày đều đông khán giả, mọi người quý lắm”.

2.

Theo lệ, Lễ hội được tổ chức trong 03 ngày (từ ngày cuối của tháng Giêng âm lịch đến mùng 02.02 âm lịch). Như muốn cảm nhận trọn vẹn không khí lễ hội, tôi la cà ở đây sớm chiều cùng bè bạn. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ cổ truyền thể hiện nét tín ngưỡng văn hóa dân gian, như: Lễ tế thần: Thiên hậu Thánh mẫu (tế Bà), Thai sanh Thánh mẫu, Thành hoàng bản cảnh nhằm cầu mong các vị thần linh phù hộ, độ trì làm ăn thuận lợi, gặp nhiều may mắn, bảo hộ việc sinh sản mẹ tròn con vuông; Lễ khai kinh cầu quốc thái dân an; Lễ nghinh thần rước sắc, rước biểu trưng Ngư – Tiều – Canh – Mục với những hình tượng ngư dân đánh bắt khơi xa, vụ mùa bội thu… Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động: Hội đánh Bài chòi dân gian, biểu diễn hát Bội, trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền, biểu diễn võ thuật…

Đông đảo bà con đến xem Đoàn Tuồng Đào Tấn biểu diễn trong phần hát Thứ lễ tại Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. Ảnh: V.P

Dưới những bóng sứ, những cội cây già trầm mặc khi nắng ngày dần buông, người dân tụ về đông đúc hơn vào chiều mùng 2 tháng Hai âm lịch khi Ban tổ chức lễ hội thực hiện phần lễ theo nghi thức Nhà nước. Theo dòng người dâng hương, lúc đứng trước tiền sảnh của gian thờ chính, mắt tôi như bị hút về hình ảnh của hai người đàn ông: một râu tóc bạc phơ và một trung niên đang trò chuyện với nhau qua bức bờ thành cao ngang ngực. Cái nắm tay hỏi han thân tình của họ tựa hai cha con lâu ngày gặp lại nhưng cũng làm người khác thấy ấm lòng. Tôi bắt chuyện, thì mới hay, họ là bà con xa, người đàn ông lớn tuổi tên Võ Văn Chung ở làng mai Háo Đức, An Nhơn. Ông đã gần tám mươi, nhưng mỗi năm, đến ngày lễ hội, lại về Tuy Phước tham gia như một lẽ mặc định. Còn người thanh niên ngoài bốn mươi kia là anh Võ Văn Hải ở thôn An Hòa nằm trong Ban tế lễ. “Nhà  tôi sát vách chùa. Mỗi lần lễ hội diễn ra, tôi và một số anh em địa phương chung tay thực hiện các nghi thức. Cứ vậy mà đã mười mấy năm làm trong Ban tế lễ rồi”, anh Hải chia sẻ.

Xớ rớ chiều muộn, tôi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ một mình bước thấp bước cao vào chùa. Tôi bắt chuyện: “Chân cô bị sao không? Sao cô không rủ bạn đi cùng cho vui?”. Bà cười. Rồi niềm nở đáp lời: “Tôi thường đi với một bà bạn nữa. Nay bà ấy đau rồi. Năm nào tổ chức lễ, tôi cũng đều ra đây dâng hương”. Bà tên Huỳnh Nữ Ngôn (ở thị trấn Tuy Phước). Bà kể, ngày xưa đứa cháu của bà bị hiếm muộn chạy chữa khắp nơi nhưng không thành, thế rồi không hiểu sao khi về Chùa Bà thắp hương cầu khấn, một duyên lành nào đó mà đứa cháu đã mang thai, vuông tròn sinh nở. Không riêng gì bà Ngôn, mà nhiều người đến với lễ hội mà tôi có dịp tiếp xúc, họ đều như đặt để một niềm kính ngưỡng vô hình trong niềm tin phước lành với tiền nhân. Chẳng ai đi tìm cái rạch ròi lý giải kia trong mơ hồ khói sương, chỉ là tự sâu trong lòng mỗi người, đều hướng đến một lòng thành, một niềm tin và những điều an bình tốt đẹp, như vậy đã là một sự tử tế.

Đây là năm thứ hai mà Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đi vào hoạt động với tầm vóc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Làm sao để phát huy hơn di sản là điều mà các nghệ nhân, những nhà làm quản lý văn hóa, các cấp ngành quan tâm. Trung tuần tháng 5.2023, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức tọa đàm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn. Tọa đàm góp phần làm rõ tên gọi, các giá trị lịch sử, văn hóa, gợi mở ra nhiều vấn đề cấp thiết xoay quanh việc ứng xử, bảo vệ và phát huy di sản trong giai đoạn hiện nay. Tọa đàm đã mang đến nhiều thông tin và ý kiến hữu ích, đáng để những cơ quan, đơn vị quản lý di tích văn hóa lưu tâm. Gặp lại nghệ nhân Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý di tích Chùa Bà, một lần nữa ông nhấn mạnh lại phát biểu của mình trong cuộc tọa đàm năm ngoái mà ông từng đề cập. Ông nói: “Giờ đây, Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi mong rằng, Lễ hội sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền để có những phát triển tương xứng với di sản này. Không gian di tích Chùa Bà được quan tâm xây dựng, đầu tư cơi nới hơn, di sản được phát huy thế mạnh hơn trong sự kết nối, lan tỏa qua sự kết hợp, thúc đẩy du lịch”. Phát biểu trước các nghệ nhân, bà con địa phương và khách thập phương, ông Nguyễn Hùng Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước thông tin: “Huyện đang phối hợp Sở VH&TT xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản Lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn đến năm 2030; đồng thời, quy hoạch mở rộng khuôn viên Di tích lịch sử – văn hóa Chùa Bà, xây dựng mới tuyến đường vào chùa Bà; tôn vinh các nghệ nhân, người nắm giữ di sản, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tổ chức khôi phục, nhận diện các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan đến di sản Lễ hội để xây dựng, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”.

Đã có những động thái cụ thể, dự hướng từ phía địa phương cùng các đơn vị liên quan hướng về di sản và sự phát triển chung của di sản. Ngày xuân đi hội Chùa Bà, tôi như cảm nhận rõ hơn niềm vui từ những nụ cười thô mộc ấm áp, chân nhận hơn những giá trị lịch sử, tinh thần đã như thường hằng trong đời sống người dân nơi đây. Len ấm trong mùa xuân đang hiện diện, dường như mạch ngầm sức sống vẫn đang kiên bền, can trường, đắp bồi cho những tươi xanh hy vọng…

VÂN PHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Nhà thơ Lệ Thu

Nhà thơ Lệ Thu sinh 1940 ở Tuy Phước, Bình Định, nguyên là Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, đại biểu Quốc hội khóa IX. Bà đã in 13 tập thơ và tập “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường”…