Ngược nguồn Hà Dớ…

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Cuối tháng 4.2022, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định có chuyến thực tế tham quan Canh Liên. Đây cũng là lần đầu tôi được tiếp xúc với xã vùng cao ở huyện phía Nam tỉnh này. Và cũng là lần đầu tiên, tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ và còn đầy hoang dã của suối Hà Dớ, nghe những câu chuyện kể dân gian thú vị liên quan đến con suối này.

1.

Từ thị trấn Vân Canh, để đến trung tâm xã Canh Liên phải vượt qua cung đường đèo dài hơn 20km với nhiều dốc cao, ngoằn ngoèo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Canh Liên là nơi tập trung hầu hết các ngọn núi cao nhất của huyện miền núi Vân Canh. Đặc biệt, ở phía Đông xã Canh Liên có núi Hòn Ông và Hòn Bà cao hơn 1.100m so với mực nước biển. Rải rác trên địa bàn xã còn có hơn chục ngọn núi khác có độ cao từ 600 – 1.000m.

 

Nơi đầu nguồn của suối Hà Dớ. Ảnh: P.N

Khi nhích dần độ cao qua những dốc đèo đến Canh Liên, chúng tôi cảm nhận rõ dần khí hậu trong lành, mát dịu, và cảm giác khoan khoái dễ chịu khi đến với không gian ngát xanh của núi rừng. Vì vài trục trặc nhỏ, nên đoàn nhà báo dừng lại vài trạm ở các dốc đèo. Vô tình, đó là dịp để mỗi người có thể bước xuống tản bộ, phóng tầm mắt về phía xa chân đồi ngút mắt, để cảm nhận sự mênh mông, khoáng đạt của thiên nhiên hùng vĩ.

Ngay khi đặt chân đến trung tâm Canh Liên, nhiều thành viên trong đoàn đã thảo luận sôi nổi việc tham quan một số điểm của địa phương. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất sẽ đến con suối nổi tiếng hàng đầu của xã vùng cao này – suối Hà Dớ. Từ UBND xã Canh Liên đến con suối tầm 4km. Đoạn đường này, chúng tôi phải nhờ xe ôm ở làng chở đi bởi đường đất dốc, nhỏ, gồ ghề, xe ô tô không thể tiến sâu vào suối được. Thực may, đang mùa khô nên con đường đi đến suối được người dân ở đây đánh giá là tương đối “dễ thở”. Các thanh niên của làng như quen thuộc con đường nên chạy xe cứ nhẹ như không. Thấy nhiều người trong đoàn tỏ vẻ lo lắng, Thiên – một chàng trai làng, vừa xuống ga, hạ số một xuống con dốc vừa cười hì hì, bảo: “Đường vầy thì em chạy vô tư. Mấy anh chị cứ ngồi im, bám chắc là được. Không sao đâu!”.

Chỉ tầm 15 phút, chúng tôi đã đến bên hạ lưu con suối. Nhưng đường lên tham quan suối, giờ mới thực sự bắt đầu. Theo các chàng trai làng, để đến được nguồn thác, phải mất một giờ đi bộ, men theo dòng chảy đi ngược lên phía thượng nguồn bằng cách vượt qua những mỏm đá lởm chởm, những lối đi nhỏ hẹp, nhiều gai nhọn nguy hiểm. Đoàn thực hiện chuyến đi Hà Dớ lần này hoàn toàn không có sự chuẩn bị nào của một dân leo rừng leo núi gì cả. Ngoài mấy chai nước và ít trái cây, lương khô, hành lý mà chúng tôi mang theo là sự hồ hởi muốn khám phá một nơi lạ lẫm mà chưa một ai trong đoàn từng đặt chân đến. Đoàn hôm ấy đi 14 người thì đã có hơn quá nửa bỏ cuộc giữa chừng. Chỉ còn 6 người là những thanh niên gắng hoàn thành đoạn đường khó khăn này.

Phải thú thật rằng, nơi đây còn giữ được khá nhiều nét hoang sơ trong những nơi ở Bình Định mà tôi từng đặt chân đến, chưa có nhiều sự can dự của con người. Men theo dòng chảy ngược về phía thượng nguồn, tôi thích thú với những dáng hình của đá, muôn hình vạn trạng hiện diện dọc theo con suối. Có những hòn đá nằm dưới lòng suối đã rêu phong bề mặt theo thời gian. Khi đi qua suối, bước lên những hòn đá này, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ bị trượt ngã. Trong đoàn chúng tôi, không ít thành viên đã ngã sõng soài trên lòng suối. May là dòng suối cạn, người bị ngã chỉ trầy xước nhẹ.

Đoạn giữa suối, có một tảng đá lớn bằng phẳng, rộng, tầm 20m2. Đó là điểm dừng chân để mọi người có thể nghỉ ngơi sau khi ngược nguồn Hà Dớ một quãng dài. Ngồi tại đây, chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng nước chảy rào rạt, tiếng lá cây khe khẽ xao lộng như tưới tắm ngõ ngách tâm hồn mình. Vục mấy dòng nước rửa mặt, cảm giác dễ chịu lan tỏa. Nhiều người trong đoàn không nén được trước đoạn suối mang vẻ đẹp bình yên, thơ mộng này nên mang máy ảnh, điện thoại ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ.

Du khách tham quan suối Hà Dớ. Ảnh: Lê Thanh Hải

Bao vất vả cũng được đáp đền khi cuối cùng chúng tôi cũng đã đến chỗ thượng nguồn, mở ra trước mắt là một thác cao tầm 10 mét, nước đổ xuống trắng xóa. Bọt nước tạo thành một lớp sương mỏng mảnh vây phủ một quãng nơi mặt hồ dưới chân thác nước. Không khí mát rợi phả từng cơn vào mặt vào mũi, sảng khoái vô cùng. Bao mệt nhọc như giãn dần ra. Ai nấy cũng đều tấm tắc về con suối đẹp. Có người còn cười, bảo, vậy mà hồi giờ mình ít biết về con suối này, đúng là một thiếu sót lớn. Chúng tôi tận hưởng không gian tuyệt đẹp và không khí trong lành nơi thượng nguồn ấy, hít căng lồng ngực, nán lại một lúc lâu tại đây, bịn rịn chẳng muốn rời chân…

2.

Sau chuyến ngược nguồn Hà Dớ, tôi hỏi han khá nhiều những cư dân Canh Liên về con suối xinh đẹp này, nhất là thắc mắc liên quan đến cái tên “Hà Dớ”? Và, tôi đã được nghe lại một câu chuyện dân gian thú vị, lý giải về cái tên Hà Dớ hiện tại. Xin tường thuật lại truyền thuyết dân gian ấy như sau:

Lúc trước, chỗ con suối Hà Dớ bây giờ vẫn rất rậm rạp, người dân còn ít nhân khẩu nên chưa khai hoang tới đó. Vì cuộc tự cung tự cấp nên dân làng thường đi săn tập thể. Một ngày nọ, dân làng săn được một con nai tơ nên ai nấy đều vui mừng. Mọi người bàn tán, nói chuyện rôm rả trong lúc ngồi đợi chia phần. Bỗng nhiên có người đàn ông đứng phắt dậy, chỉ tay về phía chiếc hũ sành đựng tiết nai rồi nói:

– Đấy! Lúc nãy chạy khỏe lắm mà. Bây giờ có giỏi thì đội cả cái Dớ (hũ sành) chạy luôn đi. Rượt theo săn lại tụi tao, giống như tụi tao đã làm với mày đi!

Ông ta vừa nói xong thì tiết nai từ trong cái hũ bỗng bắn thành tia về phía người đàn ông đó. Lập tức, ông ta chết khô như máu vừa bị rút cạn. Những người còn lại thấy thế hoảng loạn, họ xô đẩy nhau mạnh ai nấy chạy. Một số ít về được tới làng. Người dân sau đó cùng nhau làm rất nhiều cung nỏ. Nhưng cứ đi bao nhiêu người là phải nằm lại bấy nhiêu. Già làng bất lực, bảo dân chúng ai đi được bao xa thì đi, miễn sao còn mạng. Thế nhưng cứ ra khỏi làng là cái Dớ chạy theo liếm hết. Già làng thấy tình hình ngày càng nghiêm trọng, nên kêu gọi những thanh niên còn sót lại đi P–rah Dớ (đi bắn cái hũ sành) để cứu người dân. Già gọi hoài, gọi mãi cuối cùng cũng có người mở cửa bước ra. Đó là một câu bé mồ côi khoảng chừng mười lăm, mười sáu tuổi. Cậu bé nói với dân làng rằng mình là trẻ mồ côi, có chết cũng sẽ không vướng bận điều gì. Do vậy, trong vòng ba ngày cậu cầm chân cái Dớ, dân làng phải tranh thủ rời đi. Còn mà sang đến ngày thứ tư, thấy đám khói bùng lên, có nghĩa là thứ kia đã không còn nữa.

Cậu bé xuôi theo dòng nước, kéo ba gùi tên nhọn đến nơi hôm trước mổ hươu. Rồi cậu cõng từng cái gùi leo lên cái cây cao nhất. Sau khi làm xong cái chòi tạm trên ngọn cây, cũng như chuẩn bị vật dụng cho ba ngày xong xuôi đâu đó, cậu bé ca hát vang rừng cho quái Dớ đi săn người.

Sau ba ngày đêm giương nỏ, số tên mang theo chỉ còn đúng 3 cây. Máu trong cái Dớ cứ như cái lưỡi dài loằng ngoằng, khi liếm chỗ này, lúc lè chỗ khác. Cả núi tên bắn vào nó cũng chỉ như bắn vào hư không. Khi chỉ còn lại mũi tên cuối cùng, cậu bé bắn thẳng vào trong miệng Dớ. Thế rồi một tiếng rú ghê rợn vang động khắp rừng…

Cái Dớ đã vỡ tung thành nhiều mảnh. Mặt trời ngày thứ tư cũng vừa ló dạng. Từ đó, nơi cậu bé bắn hạ con quái Dớ gọi là P-Rah Jớ (có nghĩa là bắn cái hũ sành). Ngày nay, theo phát âm của người dân nơi khác, họ gọi P-Rah Jớ là Hà Dớ hoặc là Hà Dế, chính là gọi tên con suối hiện nay của xã Canh Liên.

Truyền thuyết dân gian về Hà Dớ như tô điểm thêm nét đẹp huyền mị cho con suối này. Canh Liên đang hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Suối Hà Dớ với vẻ đẹp được thiên nhiên ban tặng, nghiễm nhiên trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng của địa phương. Hà Dớ còn đó nhiều tiềm năng, như một người đẹp ẩn sâu trong đại ngàn, chờ những bước chân tìm đến đánh thức…

PHI NGUYỄN

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cá chép hóa rồng

Bức ảnh “Cá chép hóa rồng” này được nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Quang chụp vào cuối năm 2022 tại cửa biển An Dũ, nơi cuối nguồn sông Lại Giang hướng ra biển…

Mũi Vi Rồng, ngọc quý làng chài Tân Phụng

Mũi Vi Rồng hiện ra trước mắt chúng tôi, trông nó như một con rồng ngoan ngoãn đặt hai chân xuống mặt nước, phần đầu với từng bờm đá cao thấp vươn lên trên, chất đá vàng xen đỏ…

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…