Một cuộc hẹn xoàng

(VNBĐ – Văn trẻ). Tôi suýt nữa quên mất cuộc hẹn chiều nay. Không phải đây là lần đầu tiên tôi gặp cậu ta, chỉ là thỉnh thoảng tôi vẫn quên những việc cần làm thường xuyên. Tôi có một vài phút chuẩn bị. Nói là chuẩn bị nhưng thật ra chỉ là ngồi ghế và nhìn ra ngoài cửa sổ. Nền trời xám, gió thổi nhiều nhưng chưa chuyển mưa. Hình như lần trước cậu ta đến thì mùa nắng vẫn còn, đó là một ngày nắng to, tôi nhớ như vậy. Cánh cửa khép hờ rồi đóng lại, đèn tín hiệu ngoài cửa từ xanh lá chuyển đỏ. Cậu ta rất đúng giờ, tôi có thể nhận xét như vậy. Lúc này chúng tôi bắt đầu thực hiện một vài kiểm tra, cuộc hẹn diễn ra như thế.

Ngay lập tức, cậu ta mở lời chào bằng một câu hỏi:

– Bác sĩ có thích những chuyến đi không?

Tôi dợm bối rối, thật ra điều này không lạ lắm. Cậu ta vẫn thích đặt những câu hỏi, ý tôi là cậu ta cũng biết cách đặt những câu hỏi hay đấy.

– Có, tôi từng đi du lịch kết hợp với chuyến công tác y tế cộng đồng năm kia.

Không rõ câu trả lời này có làm hài lòng cậu ta hay không, rõ ràng nhiệm vụ của tôi đâu phải là trò chuyện.

– Du lịch, ừ nhỉ, ai mà không thích du lịch. Tôi đố bác sĩ có thể không mô tả mình thích nghe nhạc, xem phim, du lịch khi tạo hồ sơ ở mấy trang hẹn hò trực tuyến.

– Tôi nghĩ tôi đã qua giai đoạn đó rồi.

Tôi bắt đầu chuẩn bị dụng cụ và những thiết bị cần thiết. Vết thương hậu phẫu của cậu ta cần sự chăm sóc y tế nhiều hơn là những đoạn hội thoại giống như thế này.

Tuy tôi không nhìn thấy nhưng có thể cậu ta vẫn đang ngồi xoay xoay thân người trên chiếc ghế, tiếng bánh xe di chuyển thành những âm thanh dễ chịu. Cậu ta đang chuẩn bị những câu hỏi, tôi biết là thế. Lần trước tôi đã được hỏi rất nhiều về cái gì đó được gọi là nền văn học thiểu số của một nhà văn có tiếng. Nói thật tôi đã không giúp gì nhiều cho cuộc trò chuyện lần ấy.

– Nhưng chắc anh cũng thắc mắc chứ, rằng người ta nói chuyện gì khi gặp nhau ấy?

Đây không phải là chủ đề tôi quan tâm lắm, ít nhất là cho đến lúc này, đúng hơn là đến giờ này tôi không quan tâm gì những cuộc trò chuyện.

– Tôi không chắc, những câu hỏi đại loại như nghề nghiệp, xu hướng tính dục, quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo?

– Mẹ kiếp, đó là tất cả những gì chúng ta quan tâm về nhau sao? Còn ước mơ, hỏi về ước mơ cũng được mà?

Tôi bật cười, cú kích động vừa rồi hình như làm vết thương của cậu ta nổi lên một cơn đau thoáng chốc.

– Anh không nghĩ như vậy sẽ khiến người ta ám ảnh về việc phải có một ước mơ à?

Cậu ta bỗng hạ giọng:

– Ừ, tôi đồng ý với anh đoạn này. Tôi sẽ gọi nó là mong muốn, một mong muốn. Mà, những cuộc hẹn nếu thiếu những thứ như vậy thì chán chết.

– Như cuộc hẹn này? – Tôi đáp lại đầy châm biếm, thầm mong rằng cậu ta sẽ hiểu ý tôi.

Nghĩ lại, một không gian như thế này đúng thật là không phù hợp để các cuộc hẹn có thể tiến triển tốt. Mùi cồn sát khuẩn, tiếng loa nhắc lượt, và quan trọng nhất, ý niệm về một nơi chỉ có nỗi đau và nhiễm trùng. Một cuộc hẹn, thật ra là mọi cuộc hẹn đều không nên xuất hiện ở đây. Một nơi như vậy chính là hố chôn của mọi vấn đề được thảo luận trong cuộc hẹn dù nó có thú vị hay là nhạt nhẽo.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Cậu ta vẫn im lặng kể từ lúc nãy, tôi không nghĩ mình có thể làm tổn thương cậu ta bằng một câu châm biếm non nớt như vậy.

– Bác sĩ, anh có phán xét những bệnh nhân của mình không?

Tôi im lặng.

– Tôi vốn biết chúng ta đều phán xét nhau, ý tôi là, không phải đó là cơ chế tiến hóa hay sao? Nhưng bác sĩ các anh phán xét bệnh nhân như thế nào ấy?

– Sao anh không cho tôi xem vết thương của anh nhỉ?

Cần thêm đèn và dụng cụ để kiểm tra liệu vết thương vẫn đang an toàn hay cần can thiệp thêm để tránh nghiêm trọng. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà quá dễ để một vết thương bị nhiễm trùng. Có nhiều người đặt niềm tin vào bệnh viện, thú thật điều đó tốt. Chúng ta mang đến bệnh viện một vết thương, lướt điện thoại trong lúc được vệ sinh và băng dán. Chúng ta rời đi với sự thỏa mãn, rằng mọi thứ sẽ được sửa chữa dễ như sửa một dòng mô tả bản thân trong hồ sơ hẹn hò trực tuyến.

– Trong lúc làm xét nghiệm để phẫu thuật cho một bệnh nhân, anh sẽ nghĩ gì? “Ôi, một ca loét dạ dày chảy máu do lạm dụng rượu. Thế mà người vợ vẫn tin hắn đã cai như lời hắn nói, niềm tin gia đình thật ấn tượng. Họ đang muốn điều gì chứ?”. Có phải như thế không? Hay một ca mà người anh trai đặt ra điều kiện hiến tạng cứu em nếu người em đồng ý bán đi doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản của người cha quá cố. Anh sẽ phán xét họ như thế nào. Và những mong muốn của họ, anh có hỏi đến không?

Tôi biết cậu ta đang cố đưa tôi vào những khủng hoảng mà bản thân gặp phải nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, phủ nhận hoặc công kích. Tôi không thích, và đồng thời tôi không thể thoát ra khỏi cuộc trò chuyện này. Nhưng điều đó không làm tôi bỏ qua những mảng miếng cậu ta đang hướng đến mình, một tay trẻ măng và những câu nói vô nghĩa. Cậu ta hẳn đã tìm đến nhiều người cùng những câu hỏi này, để họ phải đặt nghề nghiệp và vị thế xã hội của mình mà trả lời thỏa đáng những câu hỏi khác nhau với mục đích nhất quán và rõ ràng: chúng ta đang phản hồi với mong muốn của người khác như thế nào? Thú thật, tôi không chắc mình sẽ phải trả lời cậu ta như thế nào.

– Anh có muốn nói về mong muốn của mình không?

Tôi không chắc tại sao mình lại mớm cho cậu ta câu hỏi này. Mặc dù giống như chờ đợi nhưng lúc nghe tôi hỏi vậy, cậu ta giật mình và sửa lại dáng ngồi trên ghế.

– Ồ, có, tôi có. Tôi không chắc mong muốn của mình có phải là một sản phẩm được đẻ ra từ các xu hướng thái quá trong thế hệ tôi hay không. Nhưng, tôi có mong muốn. Tôi bắt đầu nhé.

Cậu ta bắt đầu dài dòng. Dẫu biết rằng đây là một trong hai khả năng thường gặp khi ta hỏi ai đó về mong muốn của họ, kiểu còn lại sẽ là khó xử. Chỉ là tôi đoán, nói thật, tôi chưa có cơ hội hỏi những bệnh nhân của mình trong lúc họ đang trên bàn mổ. Cậu ta bắt đầu kể cho tôi nghe về những mong muốn của mình. Những mong muốn rời rạc, những mong muốn với “bảy tám phần mong muốn và hai ba phần ước mơ”. Nói thật, tôi vẫn hiểu đại khái là cậu ta muốn nói điều gì. Cậu ta nói rằng những mong muốn sẽ không thể trọn vẹn nếu ta chưa lần nào nghi ngờ nó. Càng vượt qua được những nghi ngờ, mong muốn sẽ càng tiến gần hơn đến bi kịch. Cậu ta đã gặp phải bi kịch trên hành trình thực hiện mong muốn của mình. Càng lúc cậu ta càng không giữ được bình tĩnh và liên tục bứt tóc mình, đứng hẳn dậy khỏi ghế và đi vòng quanh trong căn phòng.

Từ một mong muốn hồn nhiên, cậu ta bắt đầu trùm lên đấy những thanh âm của thèm khát về một chuyến đi, một chuyến vẫy vùng. Những thanh âm đã lặp đi lặp lại mỗi đêm trước từng giấc ngủ. Cậu ta nói thành tiếng những chờ đợi khắc khoải của mình trong đêm, hồi hộp và bật cười sung sướng khi nghĩ về những cơn hút chết có thể xảy đến. Nếu ai đó cực đoan đem so những cảm giác ấy với chuyến công tác y tế cộng đồng của tôi, rõ ràng họ sẽ khinh khỉnh và đá tôi ra như đá một con chó phiền hà.

Cậu ta càng nói nhiều về những mong muốn ấy, tôi càng lo sợ. Tôi cố gắng ngăn cậu ta ngừng nói, ngừng chỉ ra những điều đang dần rõ ràng. Sự rõ ràng của của một ước muốn đã được ấn định nhưng đã bị ngăn lại không phải bằng những hoài nghi mà là sự lãng quên.
– Tôi không nghĩ anh đang tìm đúng bác sĩ, tôi có thể đưa cho anh danh thiếp của một vài bác sĩ tâm lý.

Tôi nói như vậy trong lúc đang chuẩn bị một liều kháng sinh cho cậu ta.

– Ồ không, tôi nghĩ anh là bác sĩ trẻ ấn tượng ở khoa ngoại này chứ. Tôi nên ở căn phòng này – ngồi trên chiếc ghế đệm rẻ tiền này, hít thở không khí đầy mùi cồn sát khuẩn, tiếng loa nhắc lượt. Nói thật, tôi có nghĩ đến căn phòng được xông tinh dầu thơm, ghế bành êm và tiếng sóng biển rì rào phát ra từ cái máy tạo âm thanh trên lò sưởi. Thế mà tôi vẫn chọn ở đây, sự việc diễn ra là thế.

Anh ta bắt đầu nói tiếp:

– Anh chính là bác sĩ tôi chọn đấy. Anh tốt nghiệp trường Y khoa và ngay lập tức đã có cơ hội cho mình. Anh đón lấy nhanh chóng, ồ thật nhanh chóng. Anh đón lấy nó như thể anh không có một mong muốn nào đang xếp hàng đợi. Như thể đó là cơ hội cuối cùng trong đời anh, như thể anh không tự tin vào bản thân mình thêm nữa. Giống như một loài chó thông minh nhanh chân ngoạm lấy. Ấy, không hề có ý xúc phạm, đừng để ý tới thói quen áp đặt giống loài, tôi đang khen anh đấy.

Tôi vẫn đứng đó nghe cậu ta. Châm biếm, có. Đay nghiến, có. Thương hại, có. Cậu ta nói rằng tôi không dám hỏi bệnh nhân mong muốn của họ là vì tôi sợ phải gặp gỡ mong muốn của mình. Cái đặc biệt của mong muốn, đó là ẩn sâu trong rất nhiều mức cường độ hay tính nội dung, nó đều có khả năng khơi gợi.

– Chết thật, nó khơi gợi một thứ còn không biết có thật hay không.

Cậu ta cười, cười to sau khi nói câu đấy. Và cậu ta hỏi tôi về chuyến du lịch kết hợp công tác y tế cộng đồng vào năm kia. Cậu ta cho tôi được giải thích, bào chữa, hay thậm chí là phản đối. Cậu ta rất tự tin biết rằng, cậu ta thắng chắc.

– Du lịch kết hợp công tác y tế cộng đồng, mong muốn của một bác sĩ sinh ra từ thế hệ tỉnh thức đấy sao?

– Tôi không đại diện cho thế hệ của mình, giống như cậu và những ước muốn của cậu.

Tôi nghẹt thở chờ đợi. May quá cậu ta không hỏi ngược lại tôi về ước muốn sau khi tuôn ra một tràng như vậy. Vì cậu ta không quan tâm hay là biết rằng sau khi câu hỏi đó được bật ra, phần còn lại sẽ là sự khó xử. Tôi không có mong muốn nào cả. Ám ảnh của tôi về điều này liệu có giống cậu ta khi không thể làm được điều mình đã mong muốn. Vậy đâu sẽ là điều đáng sợ hơn, không có hay là không thể thực hiện. Thú thật, tôi không chắc nữa. Cậu ta vẫn ngồi ở đó, thậm chí tôi còn không dám nhìn thẳng vào gương mặt.

– Anh vẫn cứ thế không nói gì sao? Cứ thế như một tên cuồng tín nhận ra mọi thứ đã lỗi thời và đành hèn nhát câm nín khi đấng tối cao đến gõ vào cánh cửa sao?

– Tôi không hiểu cậu đang nói gì, tôi là người của khoa học thực chứng.

– Mẹ kiếp, tôi nhổ toẹt vào cái thế giới khách quan mà ông đang theo đuổi. Tôi đang nói về thứ ở bên trong ông kìa, cái thứ đang lở loét từng ngày mà ông không hề hay biết.

– Thứ tôi quan tâm bây giờ là vết thương của cậu, nó không ổn lắm đâu.

Cậu ta thực sự nhổ một bãi xuống sàn nhà, vì tởm lợm vết thương của chính mình hay một lần nữa chứng minh rằng cuộc hẹn này thực sự quá bốc mùi.

– Khi nhìn vào vết thương của tôi, anh có nhìn thấy những run rẩy trong từng mô thịt không? Là run rẩy bất lực của một lô lốc tế bào bị nhốt trong một cái mẫu đựng nước tiểu đấy.

Bàn tay đã không thể giữ được ổn định khi tôi banh rộng vết thương và kiểm tra cho cậu ta. Những lời nói thô bỉ vừa rồi làm cho uy tín của một bác sĩ phẫu thuật như tôi bị lung lay, lung lay như hai bàn tay từng được tự hào là vàng son của khoa ngoại. Với đôi bàn tay như thế thì tôi có cần phí giờ để nâng niu những khao khát sần sùi và thô kệch kia của cậu ta hay không.

Nhưng thật tình, tôi đang một lần nữa nhìn chằm chằm vào nó. Khao khát của cậu ta là những chuyến đi dài, những chuyến đi xuyên qua dốc núi hay lướt ngang mặt hồ. Đấy có phải là hình chiếu mà thế hệ cậu ta trùm lên những ai đi ngang đó. Một mong muốn dù là sản phẩm của thế hệ, nó vẫn có một đời sống rất riêng mà những người cùng thời khó có thể xâm phạm được. Ở điểm này, tôi đồng ý với cậu ta. Cậu ta muốn đi thật xa khỏi những lãnh thổ được tăng sinh, hóa giải rồi tái tạo. Chuyến đi đó sẽ nuôi dưỡng cậu ta, dần trở thành một nỗi ham muốn thường trực và liên tục. Và rồi, như cậu ta đã nói, chuyến đi đó đã không xảy ra.

Tôi không hỏi về lí do, tôi hướng suy nghĩ về mình.

Đã từ lâu tôi không còn mong muốn gì, hoặc chí ít là không biết mình mong muốn gì. Vào ngày đầu tiên bắt đầu công việc ở viện, tôi hoài nghi nhận ra mình đã thôi dao động và dần ngả về một phía, một lối thoát kiểu phân liệt. Tôi vẫn tự vỗ về mình trước giấc ngủ mỗi ngày rằng trước đây tôi cũng đã có mong muốn, nhưng khi đứng trước cậu ta, tôi biết rằng mình chẳng có gì. Những mong muốn có kỳ hạn không và từ bao giờ tôi ám ảnh về thời gian đến thế, thậm chí không biết nó có thật hay không. Những nỗi lo lắng thì có, tôi biết là như vậy. Kỳ hạn làm tôi lo lắng, thời gian càng khiến tôi xa rời với tự do. Nhưng nói như lời của tay nhà văn mà cậu ta giới thiệu cho tôi thì vấn đề rõ ràng không nằm ở tự do, mà là lối thoát. Tôi vẫn mong đợi về lối thoát của mình, lối thoát khỏi phức cảm xác định. Và làm sao thoát ra được khi tôi vẫn còn những gắn kết về nó, dẫu không thường trực nhưng lại đáng kể như cuộc hẹn này.

– Sẽ cần phải băng lại và một liều kháng sinh, tất cả những gì tôi làm được cho cậu hôm nay chỉ đến thế.

Giờ là lúc băng lại vết thương của cậu ta, cuộc hẹn đi về những giây phút cuối. Một liều kháng sinh như đã hứa sẽ giúp cơ thể người bệnh cảm thấy ổn hơn, nhất là sau những cơn kích động vừa rồi. Chắc là vì thế mà thái độ của cậu ta có vẻ khác hơn khi nhìn tôi đầy cảm thông. Tôi không chắc, chưa thực sự có một nghiên cứu thuyết phục nào về tính đồng nhất của các biểu hiện gương mặt trên phạm vi toàn cầu. Nếu đấy không phải là một sự cảm thông, mà là do tôi muốn được cảm thấy như vậy thì sao. Nhưng dẫu sao cậu ta cũng đã đến, đối thoại cùng tôi. Cậu ta đến từ tương lai hay là quá khứ, đến để chỉ đường hay là dẫn lạc tôi. Trước cuộc hẹn này và sau cuộc hẹn này, nói thật, tôi vẫn không có câu trả lời. Cảm giác lạnh tê tái ấy là thật, trời đã chuyển mưa, mưa nhiều.

Cậu ta luồn ra khỏi cửa, dáng vẻ của một chàng thanh niên trẻ tuổi vụt qua lối thoát cuối hành lang. Tôi chưa kịp nặn ra một lời chào, hay là vẫn mong đợi cậu ta lại đến.

Nhanh tay pha một cốc cà phê, tôi giật mình vì đột ngột tiếng người bên cạnh, là cô y tá vẫn hay để ý đến tôi.

– Vết thương của bác sĩ đỡ chưa, chuyến y tế cộng đồng là vào tháng sau đấy.

Một lời dò xét hay nhắc nhở, nhưng rõ ràng không phải hỏi về mong muốn của tôi.

– Mọi thứ vẫn ổn, tôi vừa dùng kháng sinh rồi.

Cô ta không hỏi gì thêm, tôi cũng nuốt thật nhanh ngụm cà phê cuối rồi quay trở lại phòng mình. Đèn tín hiệu chuyển xanh, cuộc hẹn mới lại sắp bắt đầu.

NGUYỄN ANH NHẬT

(Văn nghệ Bình Định số 109 tháng 5.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Biển quê

Anh có về uống giọt quê xưa
nơi căng phồng cả một thời tuổi trẻ
nơi mẹ khom lưng cạy hà, chiếc nón nhấp nhô 
biển chưa bao giờ lặng lẽ

Hỗn loạn

im lặng nghe đời mặc cả
im lặng trước lời khen chê
im lặng bên bạn bè, bên người thân đang vội vã

Câu xường rám khói

Mây lay bay gầm trời
Mơ nắng vàng chảy trên da chầm chậm
Mường dưới buông dài mái sàn dáng khói
Mường trên hoa trăng chín đỏ dập dờn

Trôi trên tầng mây

Nắm chặt tấm vé, cô thả trôi nỗi đau trên những tầng mây. Chắc là ngoài kia, sẽ có khoảng trời thuộc về riêng cô. Không có khổ sở, không có hối tiếc…