Lỵ sở phủ Quy Nhơn đầu thế kỷ XVII

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Thể theo thánh lệnh của Đức Giáo Hoàng Urbain VIII, các linh mục thuộc dòng Jésus đến Đàng Trong lập cơ sở truyền giáo. Năm 1618, Linh mục Cristophoro Borri và Pierre Marquez đáp tàu đến Hội An. Tại đây được sự bảo trợ của quan Trấn thủ Quy Nhơn, Cristophoro Borri với 02 linh mục đã ở trước đó là François Buzomi và François de Pina, họ theo chân quan Trấn thủ cùng đến Nước Mặn – Bình Định. Họ đã ở đây hơn 03 năm.

Về châu Âu, đến năm 1631 tại La Mã, Cristophoro Borri xuất bản tập Tường Thuật Về Sứ Mạng Mới Của Các Cha Dòng Jésus Tại Vương Quốc An Nam (tiếng Ý là Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina). Sau đó sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Năm 1931, từ bản tiếng Ý của Cristophoro Borri, tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) ở Đông Dương đã đăng bản Tường thuật này bằng tiếng Pháp, do Trung tá Auguste Bonifacy dịch và chú thích. Auguste Bonifacy đang giảng dạy Lịch sử tại Đại học Hà Nội, là thông tín viên của trường Viễn Đông Bác Cổ thời bấy giờ. Năm 2011, Phạm Văn Bân đã chuyển bản tiếng Pháp này sang Việt ngữ, được xem là bản dịch mới nhất so với Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên trước đó.

Không thể phủ nhận vai trò của Cristophoro Borri, tại cơ sở truyền giáo Nước Mặn, ông sống kề cận với François de Pina, một trong những người đã khai sinh chữ viết theo mẫu tự La Tinh mà người Việt đang dùng hiện nay. Chủ bút của Tập san Đô Thành Hiếu Cổ là Linh mục Léopold Michel Cadière đã có nhận xét: “Bản tường thuật của ông đã chứng tỏ ông có một kiến thức đầy đủ, tuyệt vời đối với thời đại đó và ngôn ngữ bản xứ”.

Qua Tường thuật của Cristophoro Borri, nhận ra được một vài sự kiện vào đầu thế kỷ 17 ở phủ Quy Nhơn (Province de Quinhin), các thừa sai đã gọi đây là Pulucambi – Pulocambi. Những sự kiện rất quan trọng và cần thiết cho Bình Định ngày nay. Như biết được vị trí Lỵ sở phủ Quy Nhơn thời bấy giờ. Biết được một người là sứ thần của Chúa Sãi, sinh quán ở Nước Mặn là xã Phước Quang huyện Tuy Phước bây giờ. Ông đã đến Thủy Chân Lạp mở một đồn thu thuế cũng như các khu thương mại tại Prey Kor, tức là vùng Sài Gòn ngày nay. Biết được Nước Mặn cũng là địa điểm khai sinh ra chữ Quốc ngữ, tức là chữ viết của người Việt hiện thời…

Về lỵ sở của phủ Quy Nhơn
Phủ Quy Nhơn là tỉnh Bình Định của ngày xưa. Vua Lê Thánh Tông chinh Nam chiếm thành Đồ Bàn của người Chiêm vào năm 1471, đã lấy vùng đất này lập ra phủ Hoài Nhơn, cho lệ vào dinh Quảng Nam, quản 03 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Khi về hẳn Đàng Trong, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cải Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn vào năm 1602, chỉ một thời gian ngắn ngủi trước lúc Cristophoro Borri đến Nước Mặn. Với tường thuật của Borri, ngày nay có thể nhận ra được lỵ sở bấy giờ của phủ Quy Nhơn cụ thể là ở chỗ nào.

Theo tường thuật, khi các thừa sai theo quan Trấn thủ Quy Nhơn đáp thuyền về Pulucambi, thuyền ghé các phố thị dọc biển Quảng Ngãi, nơi mà quan Trấn thủ có quyền và được ngưỡng mộ giống như ở Pulucambi. Đến địa phận Pulucambi, quan Trấn thủ cho chuyển sang đi đường bộ để tôn vinh và tạo sự thích thú cho các thừa sai. Ông ra lệnh mang đến 9 con voi, 100 người đi kèm, nhóm thì đi bộ, nhóm thì đi ngựa.

Đầu địa phận Bình Định họ cập bến, chuyển sang đi bộ. Nơi đó có lẽ là cửa Kim Bồng ở Tam Quan ngày nay. Bản dịch năm 2011 chép: “Bằng cách đi thuyền, chúng tôi đến địa bàn dinh Pulucambi và hãy còn một ngày đường để đến dinh thự của quan Trấn thủ…” (nguyên bản tiếng Pháp: De cette façon nous arrivâmes à la province de Pulucambi; alors qu’il restait encore une journée de chemin avant de joindre le palais du gouverneur).

Dinh thự của quan Trấn thủ chỉ cách nơi cập bến một ngày đường đi bộ. Trên quãng đường đi, đoàn còn ghé lại nhà của một trong các chị em gái quan Trấn thủ, được thiết đãi nồng hậu các món ăn theo phong cách châu Âu, rồi đoàn mới tiếp tục lên đường đến dinh thự. Xem ra vậy hẳn là Dinh thự của quan Trấn thủ (le palais du gouverneur) chưa ra khỏi địa phận huyện Bồng Sơn ngày ấy, có nghĩa là địa phận của huyện An Lão, huyện Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn của tỉnh Bình Định ngày nay.

Nếu xét bản đồ mà các thừa sai dòng Jésus vẽ năm 1650, thấy Province de Quinhin hay là Pulocambi có 03 phố thị của 03 khu vực tính từ Nam ra Bắc. Khu vực huyện Tuy Viễn có “Nehoc Man” được chua là Eau Salée – Nước Mặn, khu vực huyện Phù Ly có “Nehoc Nohot” được chua là Eau Douce – Nước Ngọt, khu vực huyện Bồng Sơn có “Benda” – chưa rõ chính xác là gì, nhưng chắc là Bến Đá (!?).

Một góc bản đồ Vương quốc An Nam do các thừa sai dòng Jésus vẽ năm 1650. Ảnh: TL

Với nguyên ngữ tiếng Pháp “le palais” trong đoạn tường thuật trên, Việt ngữ có nghĩa là lâu đài, cung điện, dinh thự, dinh trại, tư dinh… Hay còn là phủ đường, với nghĩa khác là lỵ sở của một phủ.

Xét Địa Bạ Bình Định năm 1815 thời Gia Long, tại tổng Hạ huyện Bồng Sơn có xã Lại Dương, trong xã có phường Phủ cũ [坊府𦼨]. Hình dung ra phường Phủ cũ thời Gia Long, nó có liên quan với lỵ sở của phủ Quy Nhơn thuộc các triều đại thời các Chúa trước kia.

Cũng xét Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ do Đốc suất Nghệ An – Đoan Quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm Giáp Ngọ 1774. Bản đồ được vẽ để giúp quân Trịnh vượt sông Gianh nhân Đàng Trong rối loạn, do Quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền làm nhiều điều bạo ngược mà có cuộc quật khởi của ba anh em Tây Sơn. Với Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ, ở giữa vũng Trà Ổ và Thì Phú hải môn (cửa biển Thì Phú) về phía đường Thiên lý là vị trí phường Phủ cũ thời Gia Long, tại đây Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ có ghi 3 chữ Nghị Trung phủ (誼中府). Nghị Trung phủ là phủ quan, hàm nghĩa là chỗ các quan, bạn cùng triều làm việc. Như vậy phường Phủ cũ của thời Gia Long, trước kia chính là Phủ đường, là Lỵ sở của một phủ. Nay là khu phố Diễn Khánh của phường Hoài Đức thị xã Hoài Nhơn.

Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ – Khu vực huyện Bồng Sơn. Ảnh: T.L

 

Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ được vẽ trên nền những bản đồ có từ trước, nên với khu vực Bình Định chỗ thì chép là phủ Quy Nhơn, chỗ thì chép là phủ Quy Ninh. Cho nên Nghị Trung phủ ít ra cũng có từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Tường thuật của Cristophoro Borri cho thấy Dinh thự Quan Trấn thủ còn thuộc địa phận huyện Bồng Sơn thì nó chính là Nghị Trung phủ.

Xem ra vậy khu phố Diễn Khánh ngày nay chính là Phủ đường phủ Quy Nhơn, không những là Lỵ sở phủ Quy Nhơn của thời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát, còn là lỵ sở phủ Quy Ninh thời chúa Dũng Nguyễn Phúc Tần, là lỵ sở phủ Quy Nhơn thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cũng có thể tính luôn là lỵ sở phủ Hoài Nhơn thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng năm 1600, lúc mà chúa còn ở Đông Đô, nhân có sự phản loạn của Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn ở Nam Định, chúa mạo danh đi dánh dẹp mà đem binh thuyền vượt về ở hẳn Đàng Trong không ra Đông Đô nữa.

Lỵ sở của một phủ một huyện ngày xưa, nếu ngày nay ta còn mơ hồ là có khiếm khuyết về lịch sử. Chỉ với mơ hồ đó sẽ nhận định lệch lạc cá tính, tâm tình, cách ứng xử của người xưa.

PHAN TRƯỜNG NGHỊ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sáng tác ở Quy Nhơn

Dạo đó, tôi với Thụy Kha và Trọng Tạo cũng nhờ những chuyến đi thực tế với Văn Cao nên đã viết được cả thơ và nhạc. Thậm chí, chúng tôi còn làm cả một “đề án” xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca”…

Người Bana Kriêm đón khách trong ngày Tết

Khi những cành mai rừng bắt đầu bung nở, khắp các thôn, làng của người Bana Kriêm ngập tràn không khí nhộn nhịp, vui tươi, người người, nhà nhà cùng nhau chuẩn bị đón Tết…

Đào Tấn với Xuân Quang biệt lũy

Làm quan mà được dân yêu, vua quý trọng là điều hiếm có. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Đào Tấn được Tự Đức ban tặng bài thơ kể Phủ Doãn Đào Tấn hộ vệ thuyền vua…

Quy Nhơn: Nghe, thấy và nghĩ

Nếu tính tuổi, Quy Nhơn thực chất là một thành phố trẻ, đang tràn đầy sức sống. Người xa thành phố vài chục năm về sẽ ngỡ ngàng bởi những đổi thay…