Dưới chân đèn

(VNBĐ – Văn trẻ). Ông già ngồi ngoẹo một bên như sắp sửa nằm xuống vỉa hè. Lâu lâu, lão lại giật đùng đùng lên kêu khóc hệt con cá giãy chết. Người lão gầy tong, má lão sưng húp những cục u đỏ bầm và mưng nước như trái cây chín nẫu lăn lóc trong xó chợ. Cái miệng sứt răng há ra hứng lấy bụi đất và nắng nóng hầm hập. Lão khiến người ta ghê sợ, căm ghét, thương cảm. Lão nằm một mình, giữa cái vỉa hè rộng thênh thang trước một cây xăng đã đóng cửa. Ngay trên cái đầu bạc, dãy chợ đang huyên náo. Dưới đôi dép mòn gót, ngã tư xôn xao. Xung quanh lão là mênh mông trống trải, nếu không tính đến những cái nhìn tò mò khó hiểu rơi ngổn ngang rồi bay biến. Kiếp người bụi bặm khốn khổ hơn một gã hề không có khán giả, nhưng chuyện đó có hề gì, nếu có tiền thì có hề gì.

Đến giữa trưa, hai cái bóng dài xọc mò tới. Một người cúi xuống lão với khuôn mặt bọc gọn trong khung mũ bảo hiểm cũ rích. Lão già vội nhắm tịt mắt lại, càng rên rỉ to hơn khi nhác thấy cánh tay chìa ra toan đỡ cái lưng già oặt ẹo. Thấy vậy, người đàn ông ngần ngừ hạ tay xuống, nửa khom nửa đứng.

– Có sao không ngoại, sao khóc dữ?

Từ dưới nhìn lên, chỉ thấy cái đầu tròn lẳng đen xám quay qua quay lại như dò hỏi lại như không. Nắng nóng, bụi và mồ hôi chạy dọc theo lưng trần nhồn nhột. Lão lại rên những tiếng dài như thúc giục. Hình như có ai đó nói chuyện với nhau rào rào như rang lạc. Rồi gã đàn ông vội vàng nhét vào vạt áo lão một tờ tiền polimer kèm theo mấy tiếng dặn dò rất nhỏ: “Ráng ăn uống mua thuốc nha ngoại. Vô mát mà nằm”. Tiếng dặn dò còn đẩy tờ tiền trồi sụt trong áo, người kia vội vã kéo bạn bước đi, mắt liếc ngang ngó dọc như chạy trốn.

– Sao tự nhiên cho chi hai trăm dữ vậy?

Phước đút tay vào túi, dí đầu xuống sát mép tai Nhơn, vừa đi vừa nhì nhằng trong cổ họng.

– Thì thấy tội…

– Tiền cho không đủ tiền lời cha nội ơi! Mày cũng rảnh lắm!

– Thì thôi, thôi đi đi lẹ!

Nhơn rảo nhanh đến bên đường, nhảy lên chiếc Wave cà tàng dựng kế đống túi rác ngổn ngang của buổi chợ tàn, lật đật nổ máy. Phước cũng chạy theo, vừa đi vừa làu bàu gì đó trong cổ họng. Hắn đợi Nhơn chạy khỏi cổng chợ rồi mới níu cái yên xe lại, leo lên ngồi ghé lên hai cái giỏ sắt đựng khoảng chừng chục bó hoa đồng tiền màu cam chói.

– Hoa héo hết rồi. Giờ sao?

– Đem vứt chứ sao! Cắm không? Cho đó.

– Của ôi thì nhớ tới tôi. Thôi rinh của ông về đi giùm tôi cái. Không biết tiền lời đủ tiền cho không.

– Rồi, rồi, đủ không đủ thì cũng có tiền công cho ông.

– Chứ muốn gì? Tối tui sang. Tới rồi, để xuống đầu ngõ đây.

Nhơn bóp thắng, xe dừng ở đầu một con hẻm nhỏ đến mức đuôi xe không chui lọt. Nhơn nhìn Phước bước xuống rồi lững thững đi vào ngõ, cho đến khi hắn tan vào tường như hồn ma trong thứ bóng tối lờ nhờ phía sau những tấm tôn gỉ sét. Nhơn lại quay xe ra, những viên đá vỡ trên vỉa hè kẹp chặt hai cái lốp xe mòn vẹt cứng ngắc. Nhơn rồ ga, bánh trước chồm tới nhảy khỏi vỉa hè hòa vào dòng người.

Hôm sau, tầm tám giờ rưỡi sáng, lão lại mò ra đường. Lần này lão bắt xe ôm đi chợ Bò. Thị trấn đang vào phiên chợ huyện tựa như một lồng chim tao tác trên yên xe của một gã bán chim cá cảnh thường đứng ở góc quẹo vào công viên huyện. Lão đi nhanh vào đám đông, lẩn vào những bà già gánh rau và gái trẻ bán cá. Tới cổng chợ lão trùm khăn lên, khoác bao cám con cò, ngồi phịch xuống hè đánh uỵch. Rồi tiếng kêu khóc vang lên.

Đang khóc thì đèn đỏ. Lão trải bao ra lăn lộn. Người ta sững lại đôi chút rồi nổ máy, tiếng động cơ át những tiếng rên khàn. Và với bụi đường, sân khấu của lão lại trống vắng.

Sáng nay, Sang đi chợ khá muộn. Tối qua chồng cô về lúc nửa đêm. Thằng Khang đã ngủ say, Sang mới giật mình thức giấc khi nghe tiếng cạy then cửa rột rẹt. Sáng nay, Sang ráng chờ chồng dậy trông con rồi mới cắp giỏ nhựa đỏ ra chợ. Từ xa chị đã thấy người xe chảy ùn ùn vào cổng chợ huyện. Chị len ngang dòng người đi dọc theo hẻm cắt ngang quốc lộ cũ, định bụng băng qua ngã tư vào chợ. Đèn đỏ, chị dừng lại trước cái bóng dài của trụ đèn, một ông già đang ngồi dưới chân trụ như dính liền với cái bóng râm của mặt trời. Cái màu áo vải kaki liền với màu nền đất đến nỗi như hòa vào nhau, nếu không có tiếng rên Sang thậm chí còn không nhận ra có người ở đấy. Dưới đít ông già, góc bao cám con cò lộ ra, mục rã. Trời, sao giống nội mình dữ dằn.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Sang toan cúi xuống đỡ người ta thì có tiếng ai hô lên: “Này chị kia!” rất lớn từ bên kia đường. Chị quay đầu nhìn, thấy mặt trời chói lói, dưới mặt trời một tủ nhôm sáng loáng như vừa mới được chà lau. Một người đàn bà đang vẫy tay sau những khúc mía.

Giờ thì, khi đã qua bên này đường, Sang mới ngửi thấy toàn mùi mật và cam quýt phảng phất. Chủ tiệm kéo tay Sang vào sâu trong hiên, khuất sau chồng bàn nhựa đỏ còn lật ngửa lên trời. Tay của người đàn bà hay vặn bã mía cứng như cùm, Sang thoáng thấy hơi đau.

– Lừa đảo em ơi, kệ đi trời…

– Lừa thật hả chị? – Sang trợn mắt.

– Ừ, lừa. Phiên nào chả ghé, đều như vắt tranh. Đừng có cho, biết chưa. Ngữ ấy không làm mà đòi có ăn, không lừa cũng đừng cho, biết chưa. Để tiền mua sữa cho con.

Sang hơi giật mình sau khi nghe chị chủ cắn răng nhả ra mấy tiếng nhỏ như muỗi kêu. Tim chị đập bình bịch, chị nhìn lại chỗ ông già. Bóng nắng hơi lệch đi để lộ cái bao cám cò ông lót làm chỗ ngồi. Trời! Nó vẫn cứ làm chị nhớ nội. Hồi những năm cuối đời, chân nội bị liệt, nhà không có tiền mua xe lăn, nội cứ ngồi trên cái bao nhựa mà lết đi tới khi nằm xuống. Cái tiếng xoèn xoẹt của bao nhựa bị kéo lê trên nền sân đất, cái tiếng rột roẹt khi nội cố nhỏm dậy để chống tay leo lên bậc thềm vẫn ám ảnh chị trong giấc ngủ, vẫn trở đi trở lại khi chị nhìn thấy một cái bao cám cũ sờn.

Thế nhưng, Sang vẫn gật đầu cảm ơn rồi gỡ tay chị nước mía xăm xăm bước vào chợ, lướt qua ông già. Đi rồi mà tà áo chị vẫn bị ghì lấy, chặt lắm, bởi đôi mắt đục và những tiếng hừ dài. Đi thì đi, hôm nay đói!

Độ nửa buổi sau, Sang trở lại với một bên tay xách cái làn đựng rau cỏ, tay kia xách bịch gạo hoa vàng năm ký lô. Chị thoăn thoắt đi ra đường cái. Qua ngã tư, chị chủ tiệm thấy chị dúi bị gạo vào trong lòng ông già rồi thì thầm gì đó với lão mới rời đi.

– Hết ngõ, can tới đấy rồi còn cho thì cho chịu! – Chị ta tặc lưỡi.

Lão trở về khi trời đã chạng vạng, ngày nào cũng giờ này là hết giờ kiếm ăn. Người già hành nghề như lão tiền kiếm dễ mà cũng khó, tại tâm cả. Hôm nay còn có gạo thế là đỡ cơm được nửa tháng, còn tiền trong túi lão dốc hết ra khúm núm vào hiệu thuốc Tây đổi lấy một bọc thuốc bổ rồi vội vàng trở về. Bà già nằm nhà cả một ngày, chắc buồn ghê lắm.

Trước nhà lão trọ có con hẻm thông với trục đường lớn. Trên đường lớn có một cái trường tiểu học, ngày nào lão cũng phải đi ngang. Chỗ ấy thì đông, khóc lên chắc chắn có người coi, nhất là giờ tan tầm, khi người ta đón con.

Lúc mới hành nghề, lão đã nghĩ đến chỗ đó đầu tiên, cứ thấy chỗ nào đông đông thì đóng đô ở đó, coi chừng mất địa bàn, người đi trước đã bảo thế. Hắn làm ăn ngon lành lắm, ngày kiếm vài trăm, đêm ăn nhậu phè phỡn, sáng đội nắng mang kính giả mù xin ăn. Lúc hắn bảo phải giữ chỗ, lão hơi khinh nên không tin, tới cữ là bỏ đi về chăm bà già. Thế là bị giật mất. Sáng ra, một đứa bé con lấm lem đứng đấy nhìn lão chằm chằm. Nó không biết giãy khóc. Nó chỉ đứng ôm cái nón mê dựa cột cổng, ai cho tiền cũng lắc đầu chỉ lấy bánh mì. Nó đi lạc. Thôi thì người lớn không chấp trẻ con, ông cứ cho thằng xin bánh mì chỗ đấy mà đứng, bọn học sinh có nhiều bánh mì chứ làm gì có tiền mà khóc. Vả chăng, khóc trước bầy trẻ cũng mất mặt già.

Hôm nay lão về không thấy thằng xin bánh mì đứng chỗ cũ. Trước cổng trường vắng tanh. Trên tường tiệm bán đồng hồ đối diện, hàng loạt kim ngắn rơi thẳng xuống số sáu dưới cùng. Liếc thấy một thằng nhỏ khác mặc đồng phục đang bị một người đội mũ lưỡi trai dắt đi, ông già hơi nghiêng đầu, ráng nheo mắt nhìn theo. Tên kia cũng nhìn ông già, cặp mắt sáng lên sắc lẹm đầy cảnh cáo. Nhưng lão vờ như không thấy, cứ băng sầm sầm qua đường.

Đường qua bên kia vắng tanh. Tựa như băng qua bờ chết chóc.

Dưới ánh chiều chao đảo, lão vừa chạy vừa hô con ơi con ơi váng trời đất. Đùng một cái, hai tay gầy chồm tới chụp chân thằng nhỏ lại. Thằng nhỏ giật mình khóc ré lên. Dường như lúc này nó vừa tỉnh ngủ, cặp mắt mơ màng bị nước mắt rửa ra, trong vắt. Ông già quỳ mọp, ôm lấy cái chân bé nhỏ của nó như ôm một khúc củi trầm quý giá. Rồi một già một trẻ gần như bị lôi cả đi.

Tên kia nghiến răng đá ông già, toan hất ra thì mấy người đi đường cũng dừng xe bắt đầu vây lại. Người trong nhà túa ra và ngay lập tức có tiếng còi thúc giục của bảo vệ trường. Hắn buông tay đứa nhỏ, leo lên xe máy lủi mất, nhanh chẳng kịp kêu. Trước khi đi còn để lại mấy câu chửi tục: “Đù má thằng già!”.

Sau chừng hơn nửa tiếng năn nỉ thằng nhỏ, ông già mới đi được. Nó buông tay ông ra khi vẫn còn nấc từng tiếng rấm rứt. Thế nhưng ông phải đi, giờ nó ở đấy chờ cha mẹ tới đón là xong, cần gì trông nom nữa. Nó có ba má lo chứ bà già nhà ông đâu có ai lo. Thế là lão già xách cái bao nhựa lên, quày quả đi ra.

Trong đồn công an bật điện sáng trưng, quạt chạy vù vù. Lão đi một thôi dài mà vẫn thấy vầng sáng loang dưới chân mình. Ngước lên, đèn đường đã bật. Quay đầu lại, bóng thằng nhỏ suýt bị bắt cóc ngồi trên băng ghế với cô văn thư vẫn thấp thoáng sau khung cửa mở, vẫn khiến ông bồn chồn. Rồi ông nghĩ đến chuyện ba mẹ nó sắp đến đón. Ông có thể nói vài câu, đừng để mấy đứa nhỏ một mình, kiểu thế. Người ta khờ lắm mà đời thì có lắm chuyện chẳng ngờ.

Thế là đi nửa đường, ông quay đầu lại, đứng canh chừng dưới một trụ đèn.

Lúc Nhơn đèo Sang chạy tới đồn công an, bóng dây tóc trước phòng chờ đã bu đầy bóng muỗi cỏ. Hai vợ chồng ôm con ra khỏi cửa trong cuống quýt và hốt hoảng. Hốt hoảng đến mức họ nghe xong chuyện nhưng vẫn không tìm được người tốt bụng đã cứu con mình ở đâu.

Đột nhiên, qua làn nước mắt Sang thoáng thấy dưới cột đèn có người. Nhơn nhìn lại, ông già ăn xin đứng sững như pho tượng trong chỗ khuất. Trên cơ thể lành lặn và gương mặt rắn rỏi là nỗi ngạc nhiên khó nói thành lời. Nhơn nhớ sắc đỏ cam của tờ tiền đã khiến anh phải chạy xe ôm tận khuya. Sang nhớ gạo thơm đựng trong túi nhựa năm ký lô trắng hêu hếu. Nhưng rồi người ta thấy hai vợ chồng siết tay con cúi gập người về hướng đó, lâu thật lâu. Bóng tối chia cách họ, không thấy mặt bốn người ra sao.

THANH LY

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cầm

Ánh trăng mờ tỏ. Trạng Vinh tựa hồ như nhìn thấy bóng hình quen thuộc của cô đào hát năm xưa ẩn hiện giữa làn sương khói mong manh huyền hoặc…

Tiếng sáo 

Những ngón tay và đêm 
Ngân lên
Đâu đó có người mở cửa 
Ánh trăng tràn vào nhà 
Và tiếng sáo men theo những bước chân vội vã 

Làn hương

Thoát ra từ những đêm dài
Bay ra từ cơn gió
Hương tự mình lang thang
Bầu trời mặt đất rộng
Bởi làn hương loang dài.

Trên căn gác nhà K

Vẫn căn gác riêng tôi những ngày trong suốt
Ngoài kia thênh thang phố xá thẳng hàng
Thấp thoáng cánh áo phất phơ chiều lẻ gió
Khêu đêm rộn ràng những bước chân hoang