Đọc hai cây bút tản văn Bình Định

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Hiện nay, cây bút Bình Định đầu tiên tạo ấn tượng mạnh cho tôi ở tản văn không ai khác là nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ. Với chị, viết tản văn chính là thế mạnh độc tôn và cũng là cái “cần câu cơm” lâu nay của chị, bên cạnh truyện ngắn. Có thể chính bản thân tác giả cũng không thể thống kê bản thân đã viết đã đăng bao nhiêu tản văn trên các báo, tạp chí, tuần san… của Trung ương và địa phương. Tản văn, với chị, như là một kiểu nhật ký về cuộc sống hàng ngày, với những điều mắt thấy tai nghe, mỗi khoảnh khắc cuộc sống đều có thể tạo nên những rung động những suy ngẫm.

Cho đến nay, dù cho chỉ có một tập tạp văn Nến, bờ sông và acoustic, nhưng bảy tập truyện ngắn của chị có nhiều tác phẩm lối viết không cách xa mấy với tản văn, chỉ khác chăng là thêm một chút hư cấu hay đơn giản hơn là đặt lại tên nhân vật, thêm thắt chút cấu tứ cho chặt chẽ, mà đọc vào người biết chuyện có thể thấy tới tám phần thực, hai phần hư. Tản văn chính là tư liệu sống, là tích lũy vốn sống trải nghiệm cuộc đời, là bước chuẩn bị thai nghén cho một vài truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ. Tôi nghĩ văn của chị chính là chưng cất từ chính cách sống rất riêng của gia đình chị – với anh Đỗ Ngọc Hoánh, một guitarist và là một “dân chơi” thứ thiệt, hiểu theo nghĩa sang trọng nhất của từ này. Trải nghiệm tân toan cuộc đời và đủ va chạm tiếp xúc với mọi giới mọi thành phần xã hội và luôn nhận được sự kính trọng, nể vì cũng vì cái chất chơi đó. Để rồi theo tiếng hát với cung đàn, theo ly rượu nồng, đời đã tan chảy vào văn Nguyễn Mỹ Nữ. Văn ấy, độc giả đầu tiên khó tính không ai khác lại chính là phu quân kiêm tài xế – người đồng hành của chị. Nên Nguyễn Mỹ Nữ là một người bận rộn, mà lại rất ung dung nhàn tản trong cái bận rộn dễ chịu ấy, được suy ngẫm về từng khoảnh khắc, từng giá trị sống chẳng phải là một cách sống chậm hay sao? Bởi vậy, đọc văn Nguyễn Mỹ Nữ dù là truyện hay tạp văn cũng cần phải trong tâm thế thưởng thức đời, như cầm ly rượu lên phải thưởng thức làn hương, nhấm nháp để biết cái nồng cái thơm thấm vào đầu lưỡi, chứ không vội vàng, đọc tạp như uống tạp được. Nguyễn Mỹ Nữ là người như vậy, nên rất đồng cảm và viết về bạn như là viết cho chính mình: “Nhưng trên tất cả chị được là chính mình và cảm thấy hạnh phúc. Bởi hãy còn cái góc sống bé nhỏ này đây. Hãy còn một chốn bừa bộn của riêng mình” (Chốn bừa bộn của bạn tôi). Bản thân tác giả cũng có cái “góc sống bé nhỏ” mà chị có thể viết hết bài báo này, truyện ngắn nọ, tản văn kia. Văn Nguyễn Mỹ Nữ là kiểu dẫn chuyện của một “bà tám” duyên dáng, đã “tám” thì người đối diện chỉ có ngồi gật gù. Từ chuyện trong nhà mình đến chuyện hàng xóm, chuyện ngõ chợ cho đến những mảnh đời vất vả mưu sinh, những hồi ức hoài niệm, những khắc khoải riêng tư cứ thế mà thành chuyện. Mà văn Mỹ Nữ không phải là thứ văn hiền lành, đèm đẹp, dễ mủi lòng. Trái lại, là kiểu giọng văn của chị đại, tưng tửng lạnh lạnh một chút, điều đó theo lí luận văn học có thể gọi là phong cách nhà văn chăng? Tôi nghĩ, văn là người với Nguyễn Mỹ Nữ quả không sai chút nào – mỗi câu chữ có thể nhận rõ thái độ ứng xử với đời! Hãy đọc thử một đoạn văn đã được chưng cất của chị thành tùy bút, có lẽ phải qua rất nhiều tản văn, tạp bút mà chị đã cẩn thận ghi chú: Bắt đầu viết từ 2016 và giờ, mới xong. Quy Nhơn, dịch giã và mưa bão. Có thể thấy cách chị trăn trở về đề tài sở trường cũng chính là lĩnh vực mà cả anh với chị gắn bó, làm nghề chung với nhau nhiều nhất. Tạp văn Nến, bờ sông và acoustic ra mắt vào 2017, mà đến 2021, chị mới có thể bày tỏ trọn vẹn góc nhìn dành cho anh: “Ở ngôi nhà nhỏ của anh chị, các bạn trẻ còn hoạt động sân khấu vẫn tìm đến để thăm hỏi, chuyện trò và nhờ anh hỗ trợ. Anh rất sẵn lòng cung cấp cho họ thông tin, lục tìm và in cho học những ca khúc, sử hộ họ một nốt nhạc bị phô, giúp họ một cách nhả chữ, phát âm… Chị thêm trân trọng anh, bởi đó và những bạn nghề thêm thương quý anh bởi vậy. Phải chăng anh là thế! Luôn luôn là thế! Một người rất mực tận tụy với niềm đam mê của mình…” (Và guitar – Tùy bút). Viết về người bạn đời, 30 năm rồi 35 năm vẫn dành cho nhau những lời như thế, còn lời nào đẹp hơn không? Cứ như hai anh chị dựa vào nhau, vượt lên cảm giác khó chịu ngạt thở vì cái uế tạp xung quanh, để chìm đắm trong không gian của guitar, của những giai điệu mê đắm. Để sống như lời một bài hát “em tôn thờ anh suốt đời, anh tôn thờ em suốt đời” (Hoàng Thi Thơ). Văn Mỹ Nữ có sự tinh tế, sành điệu và sự tỉ mỉ của một người phụ nữ chịu khó tìm tòi, đã tạo món thì dù đơn giản, bình dân nhưng phải ngon, bổ dưỡng. Chị viết trong Thập cẩm… mắm với cách mở đầu khiến người đọc không thể lướt qua bài viết: “Tôi sống ở Thị Nại và khoảng ngày này, cái chợ Đầm gần nhà mới ê hề cá, tôm téo, cua đồng…chứ! Những con cua be bé, nâu đen bò lổm nhổm, loằng ngoằng xếp chồng xếp lớp lên nhau trong những chậu to, chậu nhỏ. Qua tay các bà nội trợ, là có ngay xoong canh rau thêm đĩa cà pháo, tha hồ, xì xụp húp chan cộng với tiếng cắn và nhai cà đôm đốp. Bữa cơm nhà chợt thêm phần sinh động bỗng rộn rã bao âm thanh. Cua đồng nấu canh rau, cua đồng nấu riêu, ai dám kêu dở nhưng khiến sao, trời lành lạnh hoặc có mưa lại thèm ăn cơm với mắm cua khan”. Cứ nhẩn nha như thế, chị dẫn dắt vào món mắm cua được đích thân mẹ chồng chế biến và truyền nghề, đọc vào hấp dẫn đến nỗi không dám dẫn ra ở đây vì sợ mọi người…thèm! Không gian tản văn của Nguyễn Mỹ Nữ là vậy, từ gian bếp lên nhà trên, phòng ăn, phòng khách, ngõ chợ, quán cà phê, quán bar, và tất nhiên không thể thiếu với dân Quy Nhơn là biển. Biển Quy Nhơn hào phóng từ thuở ông hoàng thơ tình Xuân Diệu tiếp tục là nguồn cảm hứng bất tận với những kẻ làm thơ viết văn trên mảnh đất này. Và biển trong tạp văn Nguyễn Mỹ Nữ lại là một trải nghiệm của người tắm biển: “Mỗi ngày với biển tôi nhận ra biển rất lạ và đầy bí ẩn. Giả như, có hôm mưa vậy mà nước biển ấm áp đến không tưởng được. Cả đầu cổ thân hình mình đẫm ngập nước khi hứng trọn vẹn cơn mưa và trầm người trong biển, sảng khoái đến vô ngần. Và có hôm trời bỗng nắng ráo, vậy mà sóng biển cao như mái nhà và nước lạnh cóng. Rồi có hôm, sóng vừa phải nhưng lại có gió mạnh khiến nước dập dềnh và mình ở trên biển mà như thể được mát xa”…

Nối dòng từ Nguyễn Mỹ Nữ sang một cây bút viết ký có “thương hiệu” là nhà văn, nhà thơ, nhà báo Trần Quang Khanh, một người yêu biển và nghiện tắm biển để tìm một nét đặc trưng trong văn của tác giả Theo dấu trâu lung. Trước hết hãy đọc một đoạn tạp bút Tắm biển Quy Nhơn của anh – một người có thâm niên… tắm biển:

“Bãi tắm Quy Nhơn so với thập niên trước giờ đã sạch, đẹp và an toàn hơn nhiều. Không còn tình trạng nước thải chảy tự do ra biển; đội vệ sinh mặt nước và nhất là ý thức của người dân thành phố đã làm hạn chế rất nhiều rác thải, xác súc vật chết lềnh bềnh trên bãi tắm. Đội bảo hộ, rồi phao giới hạn cho phần nước được tắm cũng giúp người tắm biển yên tâm hơn, có ý thức bảo trọng hơn!

Và có lẽ thế mà mỗi sáng được ngửa người trên biển nhìn mây bay, nghe tiếng sóng ì oạp bên tai… đã là một khoái lạc trần gian của nhiều người dân Quy Nhơn. Và tôi!

“Ngày mai em đi/ biển nhớ tên em gọi về”!

Cảm giác khinh khoái trên sóng nước biển Quy Nhơn xem ra bà chị Mỹ Nữ biết thưởng thức hơn ông anh. Đoạn văn trên là những quảng cáo cực kỳ hấp dẫn cho thương hiệu biển Quy Nhơn với khách du lịch, đầy đủ thông tin chỉ số về một nơi du lịch lý tưởng, đúng văn phong của một cây bút viết ký chuyên nghiệp! Còn cái tôi của tản văn được đúng hai chữ cùng với câu của Trịnh làm Quy Nhơn nổi tiếng. Toàn bộ bài tản văn ấy, tác giả cũng chỉ dành khoảng một phần tư để diễn tả “cái sự sung sướng” của người tắm biển! Trích một đoạn, thiết tưởng phần nào cũng nhận ra đặc trưng tản văn của tác giả!

Quang Khanh là một nhà báo kỳ cựu, cây bút chuyên viết chính trị – văn xã cho báo Đảng suốt một thời gian dài trước khi qua nhận lãnh trọng trách Phó Chủ tịch Hội và Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định. Anh ham viết, thích chơi và thử sức mình ở nhiều thể loại văn học: Truyện ngắn, thơ, bút ký… và đã ra những đầu sách riêng. Nhưng đặc thù của một người phụ trách chuyên san văn nghệ phải bao quát và định hướng từng chuyên mục cho đúng tôn chỉ mục đích vừa là điểm mạnh nhưng cũng là điểm chưa “đã” khi đọc Trần Quang Khanh. Một người được đào tạo bài bản từ Đại học Tổng hợp Huế, ham viết nhưng lại phải tự định ra những khuôn khổ chuẩn mực, lâu dần sẽ thành thói quen tự biên tập, gọt giũa văn mình nhiều khi cẩn trọng quá mức cần thiết. Cho nên tản văn, tạp bút cũng là nơi ít nhiều Trần Quang Khanh có thể bộc lộ cái tôi của mình một cách tự nhiên nhất, trong thể văn không câu nệ gò bó chữ nghĩa và tư tưởng. Trần Quang Khanh định danh cho tập sách Phố nhớ quê mùa của mình là tạp bút để có thể giãi bày, kể lể, tâm tình những chuyện mà nếu như truyện ngắn, thơ hay bút ký e rằng khó tránh khỏi đụng chạm, bắt bẻ của người đọc nhiều thành phần. Một bạn văn lâu năm, người cộng sự đắc lực và đủ hiểu tường tận về tác giả là nhà văn Lê Hoài Lương đã đọc kỹ và nhận xét khá thẳng thắn trong lời bạt tạp bút Phố nhớ quê mùa: “Hãy tiếp nhận Trần Quang Khanh theo cái cách anh đến với chúng ta. Đó là, Trần Quang Khanh hồn nhiên, hồn hậu yêu. Anh không cường điệu, không làm dáng, không sắm vai. Cảm thế nào, yêu thế ấy. Có khi còn ngô nghê. Nhưng thật. Yêu, gọn lỏn một chữ đẹp đẽ ấy, chứ không phân biệt sang trọng yêu hay cù lần yêu. Vâng, là gom nhặt từng vụn yêu thương với cái nghĩa đẹp nhất của từ này” (Chút tình gom nhặt để yêu thương). Tác giả cuốn sách đã trân trọng in nguyên lời bạt ấy, cũng là một nét ứng xử mà chính anh thể hiện trong tản văn của mình, mặc dù, trong giới văn nghệ, nhận xét nhau bằng một từ “ngô nghê” không ít anh sẽ sửng cồ quyết ăn thua đủ hoặc cạch mặt nhau ra! Đọc tạp bút Trần Quang Khanh, bản thân người viết bài này cũng tiếp nhận theo cái cách Lê Hoài Lương đề nghị, bằng cái tình cũng như độ hiểu biết dễ đến hơn 30 năm của hai anh em để có rất nhiều đồng cảm. Sự tỉnh táo của một người làm báo cũng như kinh nghiệm quản lý, điều hành trong báo, tạp chí, Hội và cả CLB Xuân Diệu cho tôi góc nhìn một Trần Quang Khanh khá cẩn trọng, chỉn chu trong câu chữ, không bao giờ đẩy lời lẽ của mình lên mức gai góc, quyết liệt đến cực đoan. Vì anh vốn lành, nhưng không hiền! Nếu cần thì cũng có thể nói nhẹ mà đau, nhưng e rằng chỉ thích hợp cho ai chịu lắng nghe và tiếp thu. Dùng văn để moi gan móc mề kẻ khác, vạch mặt những kẻ câu chữ sang chảnh mà tim gan tím bầm, không phải anh không có khả năng, mà bản thân anh sẽ phải bị yêu cầu giải trình, trả lời với tư cách người đứng đầu. Hơn nữa, có phải coi nhau như kẻ thù đâu, vẫn phải quan hệ công tác tiếp xúc nhau hàng ngày, bằng mặt không bằng lòng vẫn phải nhìn mặt nhau, nên chỉ viết tản văn thôi mà vẫn khó cho anh quá, khi phải thận trọng từng câu chữ: “Và cả chúng tôi cũng khác. Cả bọn ngày xưa có dư chục đứa, giờ điểm danh lại đã mất đi hẳn vài người. Bởi người thì vĩnh viễn đi xa, người thì còn đó mà “trở mặt” đến nỗi số điện thoại chẳng còn trong danh bạ, hoặc bạn với bạn lại không thể ngồi được chung một bàn với nhau…” (Đành thôi, thời gian). Có phải là do thời gian không? Cái anh không nói ra ai cũng nhận thấy, nhưng họ làm sao có thể bắt bẻ, vì anh vẫn trước sau gọi là “bạn” mà! Bắt bẻ có khác nào tự nhận mình là kẻ “trở mặt”! Ai bảo văn Quang Khanh không có… võ? Quang Khanh là người rất kinh nghiệm trong biên tập, ngay từ khâu đầu tiên là “rút tít” cho bài viết, nên đọc tạp bút của anh, chỉ cần thấy tiêu đề là đã hình dung phần nào thông điệp tác giả muốn gửi gắm: Tiễn đưa câu hát, Ngửa mặt trên dòng sông, Nét xưa làng tuồng, Thương nhớ đò ngang, Phố nhớ quê mùa, Cởi áo cho mai, Tết của mỗi người, Cố hương… Tiêu đề, hoặc là gói trọn thông điệp bài viết, hoặc khơi gợi trí tò mò của độc giả, hoặc đơn giản kiểu Nhâm nhi chình mun giữa đầm Châu Trúc, Xuyên đêm xe khách Sài Gòn là đã hình dung tác giả sẽ khắc họa ấn tượng riêng ở những câu chuyện kể bình thường. Những chiêm nghiệm suy tư, triết lý cao siêu sẽ không tồn tại mà hơi hướng trữ tình bộc lộ rõ trong cách thức tự sự! Cũng phải thôi, anh vốn là nhà thơ mà, yêu cái đẹp, tôn thờ sự toàn thiện toàn mỹ thì những tạp bút tất yếu phải rất nhiều xúc cảm, tiếc nuối, hụt hẫng trước những bề bộn ngổn ngang của đời mà thôi! Bởi vậy, đừng đòi hỏi ở Quang Khanh một cách viết khác bứt phá hơn, táo bạo hơn, phá cách hơn, vì tạng anh vốn vậy! Nhưng những gì anh viết ra, gửi gắm chúng ta có quyền tin tưởng và nhất là hãy thưởng thức, chia sẻ trong một mỹ cảm hướng về những điều tốt, điều thiện của cuộc sống một cách chân thành.

TRẦN HÀ NAM

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…