(VNBĐ – Đọc sách).
(Đọc sách Từ bước chân Dế Mèn của Lê Nhật Ký, NXB Khoa học xã hội, quý I, 2024)
Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ. Ông được xem là một trong những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực văn học thiếu nhi hiện nay với những công trình quan trọng như Văn học cho thiếu nhi (viết chung với TS. Châu Minh Hùng, 2003), Hệ thống thể loại văn học trong văn học thiếu nhi (viết chung với TS. Châu Minh Hùng, 2009), Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (chuyên luận, 2016)… Mới đây, ông công bố Từ bước chân Dế Mèn. Đây là tập tiểu luận văn học thiếu nhi, do NXB Khoa học xã hội ấn hành quý I, 2024.
Đến với tập sách, có lẽ ấn tượng đầu tiên của độc giả là nhan đề đầy sức vẫy gọi Từ bước chân Dế Mèn. Theo Lê Nhật Ký, Dế Mèn phiêu lưu ký được xem là một trong những tác phẩm truyện mở đầu đỉnh cao của văn học thiếu nhi Việt Nam. Trên tiến trình vận động, phát triển của nền văn học thiếu nhi nước ta, bước chân của chàng hiệp sĩ Dế Mèn những năm 40 của thế kỷ XX ấy, nói cách khác là kiệt tác đồng thoại trên của nhà văn Tô Hoài để lại dấu ấn sâu đậm, có ảnh hưởng đến nhiều tác giả, tác phẩm về sau. Từ bước chân Dế Mèn, dĩ nhiên phải kể đến những đóng góp quan trọng của các tác phẩm văn học thiếu nhi trước đó, văn học thiếu nhi không ngừng lớn mạnh, trở thành bộ phận quan trọng của nền văn học dân tộc.
Đặt nhan đề tác phẩm “Từ bước chân Dế Mèn”, hẳn tác giả còn có ẩn ý trong việc chiêm nghiệm lại hành trình nghiên cứu, giảng dạy văn học của bản thân. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội ngành Ngữ văn, Lê Nhật Ký chuyển về công tác tại khoa Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn và được phân công giảng dạy bộ môn văn học trung đại. Năm 1996, ông chuyển sang Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non của Trường và từ đó, gắn bó với văn học thiếu nhi với “vốn liếng” gần như bằng không. Thế nhưng, lối rẽ về phía trẻ con như ông vẫn hay đùa ấy là một bước ngoặt lớn. Từ bước ngoặt đó, trên hành trình giảng dạy, nghiên cứu văn học thiếu nhi nhiều gian nan nhưng cũng đầy ý nghĩa, Lê Nhật Ký đã và đang làm cuộc bộ hành miệt mài, chung thủy, say mê, trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu của cả nước về văn học thiếu nhi.
Từ bước chân Dế Mèn tập hợp 27 bài viết mà phần lớn đã được công bố trên các diễn đàn học thuật uy tín là các tạp chí chuyên ngành, hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia. Nếu như Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại là chuyên luận được nâng cấp từ Luận án tiến sĩ của tác giả thì Từ bước chân Dế Mèn là tập hợp những tiểu luận được chọn lọc từ hàng trăm bài viết suốt gần 30 năm nghiên cứu văn học thiếu nhi của Lê Nhật Ký. Độ lùi của thời gian cùng sự cẩn trọng của tác giả là một chỉ dấu cho sự đảm bảo chất lượng học thuật của tập tiểu luận này.
Với 27 bài viết dày dặn, Từ bước chân Dế Mèn bao quát một phạm vi khá rộng về văn học thiếu nhi Việt Nam, từ thể loại, tác giả, tác phẩm, hiện tượng, giai đoạn, vùng miền văn học cho đến những nghiên cứu liên ngành giữa văn học thiếu nhi với văn hóa, tôn giáo, báo chí, dạy học…
Trong tập tiểu luận này, một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất, cũng là thế mạnh làm nên “vị thế chuyên gia” (chữ dùng của PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn học, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học – trong lời đầu sách) là thể loại truyện đồng thoại. Vấn đề này được đào sâu trong các tiểu luận “Về cách hiểu truyện đồng thoại ở Việt Nam”, “Cốt truyện đồng thoại và kỹ thuật kể chuyện”, “Nhà văn Võ Quảng với truyện đồng thoại”, “Truyện đồng thoại của Tô Hoài”, “Truyện đồng thoại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI”… Xuyên suốt trong các tiểu luận này là sự khẳng nhận vị trí tiên phong, vai trò chủ xướng cùng những đóng góp to lớn của thể loại truyện đồng thoại trong văn học thiếu nhi Việt Nam: “Truyện đồng thoại ở Việt Nam đã trải hơn nửa thế kỷ phát triển, với sự đóng góp của nhiều thế hệ tác giả tài năng và tâm huyết. Trên thực tế, đây là thể loại văn xuôi dành cho trẻ em có số lượng tác phẩm phong phú nhất, có tác phẩm gây được tiếng vang không chỉ trong mà ngoài nước, được xếp vào hàng kiệt tác văn học thiếu nhi” (tr.53).
Một trong những “phương diện làm nên phát kiến và đóng góp sáng rõ” (PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, tr.7) của nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký trong tập sách này là những nghiên cứu công phu về văn học thiếu nhi Bình Định, thể hiện qua các tiểu luận “Nhà văn Bình Định với truyện đồng thoại”, “Văn học thiếu nhi ở Làng Sông”, “Phạm Hồ, viết cho thiếu nhi là một hạnh phúc”, “Dấu ấn văn hóa Phật giáo trong Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ”, “Truyện viết tiếp của Phạm Hổ và Võ Đức Thọ”… Trong các bài viết này, thông qua những kiến giải lý thú và thuyết phục, Lê Nhật Ký đã chứng minh một cách xác đáng Bình Định là một trong những cái nôi và là vùng văn học thiếu nhi lớn của cả nước trên hầu hết các phương diện in ấn, phát hành, sáng tác, dịch và giới thiệu, lý luận phê bình, giảng dạy.
Là giảng viên đại học, công việc nghiên cứu văn học thiếu nhi của Lê Nhật Ký còn gắn chặt với hoạt động dạy học. Cho nên không phải ngẫu nhiên, trong tập tiểu luận lần này, tác giả dành sự ưu ái cho vấn đề giảng dạy văn học thiếu nhi trong nhà trường. Đây cũng là trăn trở của Tiến sĩ Lê Nhật Ký trong hành trình đi tìm cái đẹp của văn học thiếu nhi và mang cái đẹp ấy đến với các thế hệ học trò là những giáo viên trong tương lai. Điều này được thể hiện qua nhiều bài viết giá trị, nhất là về phương pháp luận như: “Dạy học truyện Tấm Cám theo hướng mở”, “Truyện đồng thoại với rèn luyện kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh tiểu học”, “Giảng dạy và nghiên cứu tác phẩm thơ văn Võ Quảng trong nhà trường”, “Xây dựng học phần văn học thiếu nhi trong chương trình đào tạo đại học, ngành Sư phạm Ngữ văn”…
Những năm gần đây, văn học thiếu nhi Việt Nam có nhiều bước phát triển vượt bậc với đội ngũ sáng tác đông đảo, tác phẩm đa dạng, các hoạt động biên dịch, giới thiệu, ấn hành sôi nổi, còn nghiên cứu phê bình vẫn gần như chưa đáp ứng được thực tiễn đời sống. Trong bối cảnh đó, Từ bước chân Dế Mèn là một sự bổ khuyết kịp thời. Đến với tập sách, chúng ta không chỉ nhận ra chân dung nhà nghiên cứu Lê Nhật Ký những “đóng góp cụ thể, riêng biệt và khác biệt” (tr.7), mà còn được bước vào thế giới lung linh sắc màu của văn học thiếu nhi từ góc nhìn của phê bình, nghiên cứu.
PHẠM TUẤN VŨ