Địa chỉ đỏ bên tán rừng xanh

(VNBĐ – Bút ký).

* Tác phẩm dự thi Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài “Cựu chiến binh tỉnh Bình Định trong thời kỳ đổi mới”

Bên con đèo Ngụy nằm dưới chân núi Đầu Voi thuộc địa phận thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh (Phù Cát) có một ngôi nhà nhỏ của vợ chồng người lính giải phóng, đơn sơ nhưng thanh đạm, phong phanh mà ấm áp. Ngôi nhà đầy ắp tiếng cười của đồng đội, đoàn viên thanh niên, thân nhân liệt sĩ… trong những ngày lễ Tết. Họ đến từ nhiều vùng đất nước, đến để thăm hỏi, tri ân và động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Cũng từ ngôi nhà này, chuyện làm ăn theo hướng mới được lan tỏa, chuyện cũ được khơi sáng, nhiều hài cốt liệt sĩ nằm tận hố núi vực sâu được tìm lại, đưa về nghĩa trang địa phương hoặc về với quê nhà. Ngôi nhà ấy là của vợ chồng cô Lê Thị Hậu – CCB xã Cát Hanh (Phù Cát) và chú Phạm Phú Yên – nguyên bộ đội đặc công Sư đoàn 3 Sao Vàng.

Quên mình
Chú Phạm Phú Yên sinh năm 1942 trong một gia đình bần nông thuộc thôn Vĩnh Long, xã Cát Hanh (Phù Cát). Thuở nhỏ, ông sáng dạ, ham học nhưng do nhà nghèo và liên tục sơ tán tránh bom đạn nên việc học hành dang dở. Năm 17 tuổi, ông theo anh chị trong làng gia nhập du kích xã và được tham gia vài trận đánh địch trên đất quê hương. Năm 1965, ông vào bộ đội, miệt mài khổ luyện rồi thành chiến sĩ đặc công – công binh Tiểu đoàn 90 của Quân khu 5, sau trực thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng. Địa bàn hoạt động của đơn vị ông trải dài từ Quảng Ngãi đến Bình Định. Chân ông giẫm qua nhiều tuyến lửa cam go, đối mặt với quân thù trong nhiều cuộc giằng co quyết liệt và nhiều trận đánh bất ngờ, táo bạo, góp phần cùng đơn vị làm nên nhiều chiến công vẻ vang.

Cuối năm 1967, nhận được lệnh hành quân thần tốc tiến đánh tỉnh lỵ Bình Định trong dịp Tết Mậu Thân 1968, ông cùng tiểu đoàn ngày đêm vượt rừng từ Quảng Ngãi vào Bình Định. Đến vùng rừng núi phía Tây huyện Phù Cát, đơn vị được lệnh dừng chân vì mất liên lạc với cơ sở. Trong một ngày đêm nằm chờ, ông cảm thấy nhớ nhà, nhớ người thân vô cùng. Thỉnh thoảng, ông leo lên những gộp đá cheo leo nhìn về hướng làng nhưng làng mênh mông quá. Rồi ông tự nhủ: “Thôi, cứ chờ ngày giải phóng!”… Không đủ điều kiện tiến đánh tỉnh lỵ, cấp trên lệnh cho đơn vị ông xuôi đường xuống đánh quận lỵ Phù Cát đúng vào giờ giao thừa đón Tết. Tại đây, địch có sự chuẩn bị trước nên phòng thủ rất kỹ. Sau nhiều đợt tấn công quyết liệt nhưng không thành, đơn vị ông rút về địa bàn xã Cát Hiệp, củng cố lực lượng rồi ra ga Khánh Phước (Cát Hanh) xuống căn cứ Núi Bà dưỡng quân. Đường xuống núi Bà đi ngang làng Vĩnh Long nhưng ông không dám ghé thăm nhà, cũng không dám cho gia đình biết tin. Đến đoạn Núi Vú – một vị trí chiến lược quan trọng dưới chân cụm Núi Bà – đơn vị ông chạm mặt với một trung đoàn thuộc sư đoàn Mãnh Hổ. Nhanh như chớp, Tiểu đoàn trưởng Hồng ra mật lệnh chiến đấu bằng ám hiệu. Các chiến sĩ lập tức bám địa hình, dựa địa vật chiến đấu ngoan cường, giành thế chủ động phản công. Cuộc chiến kéo dài hơn một tháng, địch bị tiêu hao nhiều sinh lực, lặng lẽ rút quân về hướng quận lỵ. Khi chúng vừa rút khỏi trận địa, đơn vị ông đã lập tức báo tin cho các đơn vị giải phóng đóng quân trên Núi Bà cùng rút về khu Đông Tuy Phước, tránh được những trận “mưa” bom và chất độc hóa học.

Tháng 3 năm 1968, địch chi viện mạnh cho các tuyến phòng thủ Bắc Bình Định bị quân giải phóng đánh thủng trong dịp Tết, ông cùng một tổ đặc công bôi mình bằng dầu máy thải, đội bèo lục bình, bí mật men theo những con mương từ khu Đông Tuy Phước lên đánh sập lô cốt địch trên vực đất phía Tây cầu Ông Đô (TT Diêu Trì, Tuy Phước), tạo điều kiện để đồng đội tiếp cận, đánh phá cầu. Tiếng nổ lớn, khiến địch ở các chốt gần hoảng loạn, nháo nhào gọi bao vây. Thiết giáp M113 từ hướng Phú Tài ùn ùn chạy ra lội ào xuống ruộng, bắn như mưa bấc. Phía quận lỵ Tuy Phước, địch giăng hàng đường chính, đón lõng đường phụ, tra xét từng người… ông cùng tổ đặc công ngâm mình trong những khúc mương sâu, chờ đêm đến, rút về núi Kỳ Sơn ở xã Phước Nghĩa (Tuy Phước). Địch theo dấu, truy lùng đến chân núi liền bị các ông đánh trả và diệt gọn một đại đội thám báo, trong đó có hai tên lính Mỹ.

Đầu tháng 9 năm 1969, sau khi tham gia cùng tiểu đoàn diệt gọn 130 chiếc xe tăng địch tại 3 thôn Tân Hưng, Tân Lập, Châu Me của xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), ông nhận lệnh ở lại Châu Me bắt liên lạc với cơ sở để khảo sát vị trí đổ quân của địch từ hướng biển và tổ chức đánh địch khi chúng chi viện. Tại đây, ông chọn ngôi nhà mái bỏ hoang làm nơi trú ẩn, đào công sự ngầm và nhiều hầm bí mật dọc con suối sau nhà. Chưa kịp bắt liên lạc thì tổ đặc công của ông bị một đơn vị thiết giáp Mỹ bao vây. Chúng giữ khoảng cách, bắn đại liên, M79 vào nhà. Ông cho đồng đội rút trước rồi cùng 2 người ở lại ghìm chân. Sau nhiều loạt đạn, ngôi nhà rùng mình, ông cùng 2 người ở lại ngụy trang bằng rổ lá tre khô che đầu nhích từng bước một ra suối. Vừa đến được một căn hầm bí mật, ông bị chúng phát hiện, bắn tả tơi. Hai chiến sĩ cùng đi với ông hy sinh ngay trước miệng hầm. Ông gom hết vũ khí của đồng đội chống trả quyết liệt. Đến khi không còn viên đạn nào, chúng gọi tàu rọ đến xách ông lên. Ông bị thương ở cổ, vai và nhiều vùng khác. Chúng đưa ông ra hạm, neo ngoài biển 3 tháng, sau đó đưa vô Phú Tài, đưa lên Pleiku rồi đày ra Côn Đảo. Đến năm 1973, ông được trả về theo diện trao trả tù binh.

Thành điểm tham quan – học hỏi
Đất nước thống nhất, ông Yên gặp lại cô giao liên từng đón đưa đơn vị ông mấy năm trước rồi cưới làm vợ. Cô là Lê Thị Hậu, sinh năm 1943, người cùng thôn, là cơ sở mật trong vùng địch tạm chiếm, nuôi giấu mấy chục cán bộ và bộ đội giải phóng trong nhà, ngoài rẫy… Từng bắt tù binh Mỹ giải lên Sông Biên (Sông Côn đoạn chảy qua địa phận núi rừng Tây Sơn) giao cho quân giải phóng. Cô là cấp ủy, Trưởng ban Binh vận xã Cát Hanh trước ngày giải phóng, từng bị bắt, chịu cảnh tù đày tra tấn như ông.

Bước vào làm ăn tập thể theo mô hình Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, ông được phân công làm Đội trưởng một đội sản xuất. Đội ông phụ trách luôn dẫn đầu các đội trong HTX nhưng tính ra bình quân mỗi ngày cũng chỉ được 7 lạng lúa/ lao động chính. Lúc này, nhà nước có chế độ đãi ngộ thương binh. Ông xứng đáng được nhận đãi ngộ nhưng giấy tờ đã mất sạch và người làm chứng lúc ông bị bắt cũng đã hy sinh… Thoáng buồn nhưng nghĩ lại: “Mình vẫn còn may hơn những đồng đội đã nằm lại mãi mãi ở chiến trường”. Rồi ông bàn với vợ lên vùng núi Hóc Quả dưới chân núi Đầu Voi khai hoang, canh tác. Vợ ông đồng tình, cùng ông dựng chòi, vỡ rẫy, trồng sắn, khoai, đậu, bắp… Chỉ trong một thời gian ngắn vợ chồng ông đã có cái ăn, vượt qua những tháng ngày đói nheo đói nhóc.

Năm 1995, nhận thấy đất hóc tốt, vợ chồng ông gom hết tài sản dành dụm được mở rộng rẫy lên hướng sườn đồi, nâng diện tích rẫy lên hơn 50 ha. Ông thuê máy san ủi đất thành 3 vực. Vực thấp, ông làm lúa, múc ao nuôi cá. Vực trung, ông trồng xoài, đậu, rau màu và chăn nuôi bò, gà. Vực cao là núi, ông trồng bạch đàn, sau thay bằng keo lai. Thay vì trồng keo 10 năm theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành Lâm nghiệp: hàng cách hàng 2,5m, cây cách cây 2m, ông trồng dày hơn và chỉ 4 năm khai thác, sản lượng cao hơn, đặc biệt là tránh được rủi ro như: bão, lửa. Ông vận dụng tốt mô hình VAC vào canh tác nên tiết kiệm được chi phí đầu tư. Ông lấy phân hữu cơ từ chăn nuôi để trồng trọt; lấy rơm, thóc từ ruộng để chăn nuôi; lấy rau muống, chuối cây nuôi cá; mua tài liệu nghiệp vụ thú y về học cách chăm sóc và tự phòng trị bệnh cho vật nuôi… Ruộng ông ba vụ, lúa luôn oằn bông trĩu hạt. Cá nuôi chóng lớn, liên tục xuất bán. Xoài trồng trĩu quả. Bò nuôi chật chuồng…Không lâu sau, vợ chồng ông bắt đầu có của ăn của để, nuôi được 3 người con ăn học đàng hoàng và mua được nhà ở TP Quy Nhơn. Ông được UBND tỉnh Bình Định tặng thưởng về thành tích nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.

Tiếng lành đồn xa, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tìm đến đất ông tham quan, học hỏi. Vợ chồng ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và luôn bày tỏ mong muốn thành công sẽ đến với mọi người. Nhiều người nhờ tham quan mà mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại mang lại hiệu quả cao như ông Nguyễn Văn Thu ở xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ), Ba Danh ở xã Cát Hiệp (Phù Cát)… Anh Hà Tấn Trung ở thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) chia sẻ: “Thấy mô hình trang trại của vợ chồng ông Bốn Yên ở Cát Hanh (Phù Cát), tui mê mất. Mê nhất là mô hình nuôi ốc bươu đen trong ao rau muống để bán trứng. Tui về đem hết tiền dành dụm chuẩn bị xây nhà, thuê máy đến móc, ủi mấy cái rẫy điều cỗi làm thành một trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, trại đã đẹp và bước đầu mang lại hiệu quả rồi!”… Có người nhờ tham quan trang trại vợ chồng ông mà nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp mới như anh Bùi Văn Viên ở xã Mỹ Phong (Phù Mỹ) dốc lực khai phá và trồng mới một trại xoài mấy nghìn cây ngay trên vùng đất ẩn nhiều đạn pháo chiến tranh. Xoài anh đã cho trái hơn 10 năm nay. Dưới tán xoài, anh thả gà vườn. Chúng ăn mối và các loại côn trùng từ tự nhiên nên chóng lớn, ngon thịt. Hàng năm anh thu về gần cả tỷ đồng từ xoài, gà.

Nhớ lại những ngày đầu lên Hóc Quả khai hoang, cô Hậu tâm sự: “Hồi đó lên đây, ba bề là núi, không đường, xa trường, xa chợ… Ông nhà tui phải phát dọn để có lối ra đường. Các con tui đến được trường học, phải qua nhiều suối, cầu tạm do ổng bắt. Nhờ quen chịu khổ chứ không thì không có được như ngày hôm nay. Giờ lớn tuổi rồi, không quản hết được, chúng tôi chia đều rừng rẫy cho các con và trông coi giúp chúng nó”.

Cầu nối liệt sĩ với thân nhân
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Yên báo cáo với chính quyền địa phương rồi cùng vợ cất bốc mấy chục hài cốt liệt sĩ trên vùng đất Cát Hanh đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã. Ông làm cẩn thận, tỉ mỉ, bàn giao đầy đủ tên tuổi, quê quán của liệt sĩ cho chính quyền nhờ vậy mà nhiều thân nhân liệt sĩ đã tìm được chính xác hài cốt con em mình đưa về nghĩa trang quê nhà. Ông đã nhiều lần mượn xe đạp rong ruổi đến địa bàn các xã: Cát Tài, Cát Nhơn, Cát Minh (Phù Cát), Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước)… tìm người thân các liệt sĩ hy sinh ở chân Núi Bà để chỉ mộ cho họ. Ông đã tìm được 5 thân nhân, giúp họ chuyển được 5 hài cốt liệt sĩ đưa về ang táng tại nghĩa trang địa phương. Ông đã liên lạc với UBND xã Phổ Châu (Đức Phổ, Quảng Ngãi) chỉ rõ những mộ liệt sĩ nằm rải rác trong các vườn nhà dân, bờ suối, chéo ruộng ở địa bàn ba thôn: Tân Hưng, Tân Lập, Châu Me và hỏi thăm về mộ hai chiến sĩ đặc công hy sinh trong chuyến công tác Châu Me cùng ông nhưng không ai biết.

Chú Phạm Phú Yên – người đội nón đứng giữa, đang xác định mộ liệt sĩ tại Dốc Dài. Ảnh: Phan Văn Hổ

Những năm tháng khai hoang – lập nghiệp ở Hóc Quả, ông đã nhiều lần cùng vợ ngược lên núi Hòn Chè ở xã Cát Sơn (Phù Cát), nơi từng xảy ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân giải phóng với Mỹ Ngụy, để tìm lại hài cốt liệt sĩ. Ông bảo: “Hồi đó hành quân qua vùng tuyến lửa, những anh lính cũ hay chỉ những chòm cây xanh kịt trong trảng rừng thấp, bảo rằng dưới đó có người nằm lại nên cây cối tươi tốt hơn mọi chỗ. Đào lên, nếu không còn cốt, lấy nắm đất bỏ vào thau nước sạch, nước nổi màng nhờn mỏng, để lâu không tan thì chính xác là mộ”. Căn cứ vào những kiến thức ấy mà vợ chồng ông quyết tâm đi tìm. Ông bà tìm nhiều ngày, nhiều chuyến nhưng vì địa hình địa vật thay đổi và cây rừng lớn nhanh nên cũng chỉ được một bộ hài cốt liệt sĩ là người địa phương…

Đưa anh Nguyễn Đức Thọ ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vào gặp vợ chồng ông Yên để hỏi tìm mộ cha anh là bộ đội quân khu hy sinh cuối năm 1967 tại vùng đồi thấp nằm giữa hai huyện Phù Mỹ – Phù Cát theo lời giới thiệu của một thân nhân liệt sĩ đã được ông Yên chỉ và bốc mộ giúp cách đây vài năm, tôi thật sự cảm động trước tấm lòng ông bà với người thân liệt sĩ. Ông bảo: “Năm ấy có một cán bộ Quân khu 5 hy sinh ở Dốc Dài, lúc tiểu đoàn tui qua dốc, bà nhà có chỉ mộ ông nhưng lâu quá, không biết tìm được không. Thôi, cứ ở lại đây, vợ chồng tui sẽ cố gắng hết sức!”. Rồi vợ chồng ông bà sắp xếp cho chỗ nghỉ, lo cơm nước cho mười mấy người nhà anh Thọ. Ngày lên Dốc Dài tìm mộ, vợ chồng ông chuẩn bị đầy đủ mâm lễ để anh làm thủ tục khấn nguyện. Sau bốn ngày đào cuốc vật vã dưới nắng trời, không tìm ra hài cốt, cô Hậu chạy xe vào TT Phù Cát tìm gặp một đồng đội cũ chở ra để xác định lại vị trí mộ. Người này đinh ninh chính chỗ ông Yên đang đào là mộ liệt sĩ năm ấy. Mọi người đào rộng ra phía vực, đến chiều thì gặp một phần đất đen ngòm nhưng không có cốt. Ông Yên suy nghĩ một lúc lâu rồi cẩn thận hốt một vốc đất bỏ vào thau nước trong, nước nổi một lớp màng nhờn mỏng và màng nhờn có màu lóng lánh. Ông bảo: “Có khi lâu ngày, mưa lớn, nước chảy làm trôi mất cốt…”. Không lấy được hài cốt người thân nhưng anh Thọ vẫn quyết định mua lọ sành đựng nắm đất đen mang về chôn cất. Ngày đưa các anh về quê, vợ chồng ông Yên cũng làm một mâm cơm đạm bạc. Anh Thọ thay mặt gia đình cảm ơn vợ chồng ông và xin được gửi tiền ăn uống, lễ vật cúng kính trong những ngày ăn ở nhờ nhưng ông bà không nhận. Ông bảo rằng: “Người nằm xuống là đồng đội của vợ chồng tui. Chúng tui phải có trách nhiệm với họ và con cháu họ. Các thân nhân khác đến đây cũng vậy. Không nói chuyện tiền nong, ơn nghĩa!”.

PHAN VĂN HỔ
(Ban CHQS huyện Phù Mỹ)

(Văn nghệ Bình Định số 107 tháng 3.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…