Di sản văn hóa Chăm H’roi từ góc nhìn nghệ thuật dân gian

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Hệ thống di sản văn hóa Chăm trên đất Bình Định đã và đang làm cho các nhà khoa học, du khách trong và ngoài nước hấp dẫn bởi những ngôn ngữ tiềm ẩn của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm cổ và nghệ thuật dân gian. Đây là những địa chỉ cụ thể, trên bản đồ di sản văn hóa Chăm mà Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang chỉ đạo triển khai. Chúng ta cần làm sáng tỏ nghệ thuật dân gian của người Chăm H’roi ở Bình Định để được ghi nhận đậm nét vào bản đồ di sản văn hóa, bởi đây là bảo tàng sống về cộng đồng người Chăm H’roi hiện nay.

Chủ thể sáng tạo của nền nghệ thuật dân gian Chăm là nhân dân lao động, trước hết là cộng đồng người Chăm Ahiêr (Chăm theo Bà-la-môn giáo), thuộc ngữ hệ Malayô – pôlinêdi (ngữ hệ Mã lai – Đa đảo). Hàng nghìn năm trước, ngay từ khi lập quốc, người Chăm đã tiếp nhận Bà-la-môn giáo và sau này là Ấn giáo; tầng lớp quý tộc, tăng lữ đã để lại nét văn hóa “cung đình” Chăm, mà di sản để lại là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm thể hiện rất nhiều nơi trên dải duyên hải miền Trung, khá đậm đặc là khu di tích Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam, hệ thống tháp Chăm ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… Còn người dân lao động vùng nông thôn, miền núi lưu truyền, giữ lại những nét văn hóa bản địa. Về sau tiếp cận tộc người Bana bản địa cũng nhanh chóng giao lưu ảnh hưởng bản địa hóa từ ngữ hệ Môn khơ me (ngữ hệ Nam Á) lẫn nhau. Sự dung hội văn hóa từ nhiều nguồn khác nhau đã được người Chăm Vân Canh chọn lọc, lưu lại những gì phù hợp, hình thành nên một kiểu thức văn hóa Chăm địa phương. Có thể nói, kho tàng văn hóa truyền thống của người Chăm H’roi Vân Canh hiện nay là quá trình dân gian hóa văn hóa Brahman Chăm và bản địa hóa văn hóa Vaioya Chăm, là sự dung hội có chọn lọc giữa những yếu tố nội sinh (truyền thống bản địa) và yếu tố ngoại sinh (từ đa nguồn, trong đó chủ yếu là văn hóa Bana bản địa). Điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội ấy đã hình thành nên những giá trị văn hóa Chăm đặc sắc của tộc người Chăm ở Vân Canh hiện nay, là di sản văn hóa phi vật thể cần được nghiên cứu, gìn giữ và phát huy trong diễn trình xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Trong suốt diễn trình lịch sử, người Chăm đã sáng tạo nền văn hóa đặc sắc, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm, cùng với Giava và Khơme được đánh giá là một trong ba nền nghệ thuật đặc sắc ở Đông Nam Á. Ngoài những giá trị văn hóa vật thể như tháp, đền, phù điêu, tượng đá, bia ký thì cộng đồng người Chăm hiện nay đang lưu giữ vốn văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc. Đó là kho tàng truyện cổ dân gian, ca dao tục ngữ, thành ngữ, câu đố và đặc biệt là kho tàng dân ca, dân vũ, nhạc lễ, nghi lễ, quyện với hệ thống nhạc cụ đa dạng và độc đáo, là tài nguyên quý giá và nguồn cảm hứng cho sự phát triển sáng tạo nghệ thuật hôm nay.

Mặc dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, bị lớp thời gian phủ lấp nhưng nghệ thuật dân gian Chăm vẫn tồn tại trong cộng đồng dân tộc nhờ vào môi trường lễ hội. Những giá trị văn hóa ấy trước đây chỉ tồn tại trong các lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng, do đó ít phổ biến, đôi lúc bị rơi rụng, mai một. Sau khi chúng ta có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XVIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kế đến là Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước thì chủ thể văn hóa Chăm H’roi đã khơi dậy những gì ngủ yên, được đầu tư sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy có hệ thống và những kế hoạch cụ thể. Ngoài việc kiểm kê, trùng tu, chống xuống cấp các di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm, thì di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật dân gian Chăm cũng được sưu tầm, nghiên cứu nhằm duy trì và phát huy những nét tinh túy, tốt đẹp. Một số lễ hội đặc sắc có nguy cơ mai một cao đã được khôi phục như lễ hội cầu mưa, lễ hội đổ đầu mừng năm mới, kèm theo đó là sự phục hồi các đội nhạc lễ, múa lễ, hát lễ luôn được thể hiện tại các Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định và Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật dân gian Chăm không chỉ bó hẹp trong các nghi lễ mà đã bước vào đời sống sinh hoạt thường ngày, trong hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng cùng với sự hình thành các đội văn nghệ của các làng Chăm trong quá trình xây dựng làng văn hóa.

Ở lĩnh vực văn hóa phi vật thể, âm nhạc luôn gắn chặt với múa trong các nghi thức dân gian, nghi lễ tín ngưỡng như lễ xây cột con trâu, hội đổ đầu mừng năm mới… Trước đây, âm nhạc và múa đều mang đậm tính thiêng, chỉ để phục vụ nghi lễ, không được sử dụng làm chức năng vui chơi giải trí có tính trần tục. Hệ thống nhạc cụ Chăm rất phong phú và đủ các bộ trong một dàn nhạc… đặc biệt là bộ trống đôi với tiết điệu Pah kơh toan rạo rực lòng người dự hội.

Trong các lễ hội Chăm đều có múa. Múa Chăm luôn đi với các tiết điệu trống cũng đồng thời là tên các tiết điệu múa; ví dụ điệu múa Pah kơh toan là cũng chỉ điệu trống pah kơh toan thúc giục. Tôi có dịp dự lễ hội cầu mưa, lễ hội đổ đầu của làng Chăm H’roi, xét về ý nghĩa, chúng tôi cảm giác có nét giống nghi lễ Rica nưga của người Chăm Ninh Thuận (Chăm Bà-la-môn hiện nay) và tôi cũng rất lấy làm vinh dự đã được chứng kiến nghi lễ nhập Kút của người Chăm Bà-la-môn, ở đó như đã cho tôi cảm giác bị hút hồn bởi nghệ thuật tạo hình cùng với âm nhạc và múa.

Nghệ thuật dân gian Chăm là một kho tư liệu quý do các thế hệ vun đắp, gìn giữ, lưu truyền. Với đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những giá trị đó đã được sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Sự hình thành đội văn nghệ truyền thống Chăm trong các hội thi, liên hoan là điều kiện tốt để khai thác vốn di sản văn hóa phi vật thể được gìn giữ từ các nghệ nhân Chăm, là điều kiện để chính người Chăm thể hiện vốn di sản văn hóa đặc sắc của mình.

Nhìn chung, những năm qua, tỉnh Bình Định đã chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, bảo lưu và phát huy vốn văn hóa, văn nghệ dân gian Chăm đưa vào hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa. Chúng ta đã trùng tu, chống xuống cấp, tôn tạo và từng bước khai thác sử dụng, phục vụ nghiên cứu, gìn giữ và phát huy hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm, góp phần phát triển du lịch. Những gì chúng ta đã và đang làm còn ở mức khiêm tốn so với kho tàng di sản văn hóa Chăm nói chung, di sản nghệ thuật dân gian Chăm H’roi nói riêng. Một số tư liệu văn hóa dân gian Chăm cả vật thể và phi vật thể đã và đang thất truyền hàng ngày hàng giờ. Rồi những nghệ nhân Chăm như nghệ nhân Trần Đình Lưu, Đoàn Măng Téo, người giữ nhiều vốn văn hóa văn nghệ Chăm nổi tiếng đã ra đi vĩnh viễn mang theo những bài trống và phong cách biểu diễn có một không hai. Và các nghệ nhân hát Ari, Ayal, thạo múa cổ truyền Chăm như Đoàn Thị Thiếu, Nguyễn Thị Ngọc Hương nay cũng đã lớn tuổi. Các chương trình sưu tầm văn hóa phi vật thể Chăm H’roi chúng ta đã triển khai trong các năm qua vẫn chỉ ở mức khiêm tốn, trong khi vốn nghệ thuật dân gian Chăm thì đa dạng, phong phú ngày càng mai một. Đòi hỏi chúng ta phải có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa là đặc biệt quan trọng.

Năm 2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong gia đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030). Trước đó, ngày 28.02.2018, UBND huyện Vân Canh cũng đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc huyện Vân Canh gắn với phát triển du lịch. Đây là những văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này có tầm quan trọng về định hướng phát huy di sản văn hóa của người Chăm H’roi. Điều đó góp phần vào quá trình phát triển văn hóa, đẩy mạnh công tác khai thác, phát huy tác dụng của di sản phi vật thể trong quá trình xây dựng những mô hình làng văn hóa Chăm hiện nay, cũng như đẩy mạnh, gắn kết phục vụ phát triển du lịch bền vững bằng các dịch vụ cộng hưởng, được sáng tạo từ những nét nghệ thuật dân gian đặc sắc Chăm H’roi với di tích tháp Chăm trên mảnh đất Bình Định.

PHƯƠNG NAM

(Văn nghệ Bình Định số 100 tháng 8.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cá chép hóa rồng

Bức ảnh “Cá chép hóa rồng” này được nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Quang chụp vào cuối năm 2022 tại cửa biển An Dũ, nơi cuối nguồn sông Lại Giang hướng ra biển…

Mũi Vi Rồng, ngọc quý làng chài Tân Phụng

Mũi Vi Rồng hiện ra trước mắt chúng tôi, trông nó như một con rồng ngoan ngoãn đặt hai chân xuống mặt nước, phần đầu với từng bờm đá cao thấp vươn lên trên, chất đá vàng xen đỏ…

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…