Bình Định nên có tên đường Bàn Thành Tứ Hữu

(VNBĐ – Bình Định mến yêu).

1.

Rất dễ có đồng thuận khi gọi Bình Định là “miền đất võ, xứ văn chương”, không chỉ người bản địa. Võ thì phải rồi, nơi trải cả trăm năm biên viễn hun đúc khí chất người nơi đây sống hào hiệp, trượng nghĩa; nơi có phong trào Tây Sơn lẫy lừng, và trong dân thật nhiều câu ca cả nước biết, tạng “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”, nơi được chọn cứ hai năm một lần tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam… Còn văn? Không kể thời Đào Duy Từ những áng văn thơ Nôm: Ngọa long cương vãn, Tư Dung vãn được đánh giá hay nhất xứ Đàng Trong, không kể những trứ tác kịch Hát bội của Đào Tấn, Nguyễn Diêu cuối thế kỷ XIX, thời Thơ Mới 1932-1945, Bình Định đình đám những danh gia trong Thi nhân Việt Nam: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên. Ấy là chưa kể “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ mới”.

Nhiều văn nhân, thi sĩ bây giờ về Bình Định có cảm nhận “trăng Bình Định khác, sóng biển Bình Định cũng khác”. Ngay cả tháp Chàm, cũng hun hút vời vợi dấu thời gian bí ẩn. Thực ra trăng và sóng của tự nhiên, và tháp Chàm của rêu phong tuế nguyệt vẫn vậy, nhưng vọng qua tâm thức khác của hồn người, cái tâm thức được lọc từ trầm tích văn hóa, từ bể dâu thời cuộc. Mà khác. Bây giờ chúng ta thường lý giải bằng khái niệm “địa – văn hóa” cho những nối tiếp hay phát sinh một hiện tượng văn hóa, xã hội, hoặc khái niệm “địa linh – nhân kiệt” giải thích sự ra đời các nhân vật kiệt xuất.

Trên vùng đất “kinh xưa” Đồ Bàn, Hoàng Đế thành – vùng đất quy tụ những lộng lẫy và tàn phai, những hiệp nghĩa và khốc liệt thành bại, những vinh quang và uất hận – những anh hùng và nghệ sĩ hẳn sẽ được nối tiếp sinh ra hoặc tụ lại.

Như, những hiệp khách dưới ngọn cờ tụ nghĩa của Tây Sơn tam kiệt làm nên những chiến công hiển hách. Với văn chương thời Thơ Mới, quanh môi trường trường Collège Qui Nhơn, những “Thái Dương văn đoàn” rồi sau này tinh tuyển thành “Nhóm thơ Bình Định”, rồi “Trường thơ Loạn”, quy tụ thi nhân Bình Định và nhiều tỉnh thành về, sôi động và lừng lững những tuyên ngôn, tài năng nức tiếng văn giới cả nước: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê…

Trong đó, nhóm thơ Bình Định được người yêu thơ gọi là “Bàn Thành Tứ Hữu” hay nhóm Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng, thứ tự ứng với Hàn, Yến, Quách, Chế. “Tứ linh” là cách phong tặng có phần khuôn sáo, nhưng “Bàn Thành Tứ Hữu – Bốn người bạn văn chương thành Đồ Bàn, là đặc hữu của riêng Bình Định!

2.

Họ gặp nhau hàng tuần luận bàn về văn chương, chia sẻ với nhau về ý tưởng, sáng tác. Dễ dàng nhận thấy, thời kỳ này, trừ Quách Tấn lựa chọn sở trường Đường thi, ba người còn lại xu hướng nhanh chóng đi qua cổ điển, đi qua chủ nghĩa lãng mạn đang thịnh hành, bước vào tượng trưng, siêu thực, tạo nên một “trường” thơ riêng của Bình Định.

Bốn người bạn thành Đồ Bàn, là một biểu tượng đẹp của tình yêu văn chương, tất cả vì văn chương, cho văn chương, bất luận sự khác nhau về thiên hướng sáng tác, nền tảng mỹ cảm. Quách Tấn in Một tấm lòng, rồi Mùa cổ điển bên cạnh những Gái quê – Hàn Mặc Tử, Điêu tàn – Chế Lan Viên, Giếng loạn – Yến Lan, như sự tự tin có phần cố chấp về vẻ đẹp Đường thi bên cạnh những nỗ lực tìm tòi cái mới của các bạn. Họ thân nhau, gắn bó với nhau bằng sự liên tài, dù khác biệt, và đều tạo nên thành tựu lớn, trang trọng hiện diện trong Thi nhân Việt Nam danh tiếng của Hoài gia, trong đó Quách thi sĩ được đánh giá là đại diện xuất sắc cuối cùng của thơ Đường.

Con mắt tinh đời của Hoài Thanh – Hoài Chân hẳn nhìn thấy cái đẹp, cái bí ẩn lừng lững, và mới, của chất cổ điển Quách Tấn: Bồn chồn thương kẻ nương sông bạc/ Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng/ Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi/ Tình hoang mang gợi tứ hoang mang… (Đêm thu nghe quạ kêu – Quách Tấn).

Hãy đọc lại hai câu kết của bài thơ để thấy cái vang động khác biệt không chỉ bởi thi tài: nó còn phải xuất phát từ cái riêng của đất và người nơi đây.

Có một cuộc tranh luận khá căng của Hàn Mặc Tử và Yến Lan, chữ loạn hay lạng trong câu ca dao: “Chiều chiều mây kéo về kinh/ Ếch kêu giếng loạn (lạng) thảm tình đôi ta”. Hàn cho rằng phải là “giếng lạng”, Yến bảo “giếng loạn” hay hơn. Có cái giếng lạng thật, cũng giống như mả lạng: kiểu giếng hoang, bị lấp dần đáy, cỏ dại mọc ở thành giếng, ếch nhái lọt vào sinh sống; còn mả lạng là mộ chôn lâu đời, nấm đất sạc sài, không còn người hương khói. Cũng có thể phát âm người Bình Định “loạn” trại thành “lạng”. Vấn đề là, từ nào hay hơn?

Đến nửa năm sau, Hàn thừa nhận ý “giếng loạn” của Yến là sâu hơn, bởi giếng lạng chỉ là cái giếng hoang, còn loạn mới thấu cái lý cái tình từ câu lục gợi ra: “mây kéo về kinh”. Kinh – đất Thuận Hóa, và Bình Định – vùng Tây Sơn, cuộc đổi dời hai vương triều, và vùng đất này tiếp nhận thời loạn khốc liệt nhất, đến “thảm tình đôi ta”. Chữ “giếng loạn” (cũng là tên tập thơ đã thất lạc của Yến Lan), gợi ý nhóm thành lập “Trường thơ Giếng loạn” rồi sau rút lại là “Trường thơ Loạn”, có tuyên ngôn bằng lời bạt của Hàn Mặc Tử cho tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên!

Tranh luận, bất đồng, khác biệt, là chuyện bình thường ở những người có tài, có tri kiến, nhưng họ hết lòng cho nhau, cho văn chương.
Chế Lan Viên (sau này thành một “đại công thần” nền thơ cách mạng) từng nhận định: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”. Nể tài nhau, không có cái đố kỵ, tị hiềm: họ vừa tài vừa lớn!

Sinh thời, Hàn Mặc Tử từng viết: “Cái đời tôi, tôi chưa xem ra gì, nữa là danh vọng”. Và những ngày bệnh tật cuối đời, Hàn tin cậy ký thác di cảo thơ mình cho Quách Tấn. Những bản chép tay đã thất lạc ít nhiều trong thời loạn, Quách thi sĩ đã nỗ lực xuất bản thơ bạn, một phần qua trí nhớ. Có thể vì ngoại cảnh, Quách Tấn chưa trọn tình với bạn được, nhưng ông cũng đã cố gắng hết mức trong niềm ân hận. Chính ông cùng gia đình, đã di dời và xây dựng phần mộ Hàn thi sĩ từ làng phong Quy Hòa ra Ghềnh Ráng, một thắng cảnh của Quy Nhơn, ngày 13.02.1959, để người yêu thơ tiện đến viếng. Giờ, nơi đây hậu thế gọi Đồi Thi Nhân, một địa chỉ văn hóa đầy tự hào của Quy Nhơn, Bình Định.

Năm 1992, thi sĩ Yến Lan – người cuối cùng của Bàn Thành Tứ Hữu – bị bệnh nặng, nằm viện hàng tháng, ngỡ không qua nổi, ngày xuất viện ông bảo con là nhà thơ Lâm Huy Nhuận từ Hà Nội vào chăm cha, đưa mình lên Ghềnh Ráng viếng mộ Hàn Mặc Tử. Bên mộ bạn, trong cái thinh lặng vời vợi của biển và trời, trong tiếng vọng của sóng vỗ chân ghềnh và gió thời gian nượp nượp, hẳn ông hồi tưởng về cái thuở đôi mươi cùng chí hướng hăm hở văn chương, về lời hẹn một ngày gần nhất đoàn tụ cùng nhau bên chiếu văn từng ấm nồng mộng ước hơn nửa thế kỷ trước.

Cái gì đã gắn kết họ hơn nửa thế kỷ, kẻ còn người mất, qua chiến tranh ly loạn, qua cách biệt lòng người và thời cuộc? Văn chương! Chỉ tình yêu văn chương qua vẻ đẹp của ngôn từ và chiều sâu tư tưởng mới gắn kết những con người vượt qua mọi khác biệt tôn vinh nhau, cùng tạo nên giá trị cao cả cho đời.

Họ là 4 ngọn núi kỳ vĩ khởi từ chân đế bền vững của văn chương có tên Bàn Thành Tứ Hữu!

3.

Năm 1736, kế thừa giềng mối của thân phụ Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích sáng lập Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên “chiêu tập và mời gọi anh tài”. Hơn 30 năm tồn tại, với chủ súy họ Mạc, đã “…chiêu mộ văn sĩ, yêu chuộng từ chương, phong lưu tài vận, nổi tiếng một cõi…” (Lê Quý Đôn), “…văn chương bắt đầu rực rỡ ở chỗ góc biển chân trời” (Trịnh Hoài Đức)… Trải gần 300 năm, người yêu văn chương mọi thời luôn ghi nhận công tích những người sử dụng tiếng Nôm tạo nên mảng văn Việt sáng giá của phương Nam. TP. Hồ Chí Minh có tên đường Chiêu Anh Các. Hà Tiên có Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các. Như một nét văn hóa. Là sự ghi nhận, tôn vinh các nỗ lực tạo dựng những giá trị văn chương, văn hóa của tiền nhân.

Sự xuất hiện của “Thái Dương văn đoàn”, “Nhóm thơ Bình Định”, “Trường thơ Loạn” ở Bình Định những năm 30, thực sự có đóng góp đáng trân trọng thời Thơ Mới 1932-1945. Đặc biệt, khi “Nhóm thơ Bình Định” gom gọn lại với “tứ hữu” – bốn người bạn văn chương – nối tiếp truyền thống từ Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Diêu…, khởi đầu những giá trị lớn văn đàn hiện đại của Bình Định, đóng góp quan trọng cho văn chương đất nước.

Giá trị văn chương của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn còn mãi với thời gian. Đã có những tôn vinh của hậu thế: tên đường, nhà lưu niệm… Nhưng chưa đủ, chưa hết những lấn cấn trong cách nhìn, cách nghĩ một vài nhà quản lý về những điều ngoài văn chương.

Khi tôn vinh tiền nhân, chẳng ích gì cho chính họ, mà là cho chúng ta, cho các thế hệ đời sau được sống trong tình yêu thương, ngưỡng mộ cội nguồn.

Rất nên có tên đường Bàn Thành Tứ Hữu, ít nhất là ở Quy Nhơn, nơi được mệnh danh là “thành phố thi ca”: không chỉ vì giá trị văn chương của bốn vị, mà cụm từ này còn là điển hình, độc đáo về tình bạn trong văn chương, tình yêu văn chương, cái mà thời nay dường như đang dần thiếu vắng.

Cũng như, rất nên xây dựng một Nhà Lưu niệm Bàn Thành Tứ Hữu, đâu đó trên Đồi Thi Nhân, cạnh mộ Hàn chẳng hạn. Nếu có thể gắn vào nhau, tên đường và nhà lưu niệm như một quần thể, còn tuyệt hơn. Khi ấy, việc hàm ân tiền nhân, việc giáo dục về truyền thống văn chương cho các thế hệ trẻ một vùng đất sẽ thiết thực hơn. Và với người yêu thơ cả nước, với khách du lịch, quần thể này là một địa chỉ văn hóa sang trọng.

Dân trí ngày càng được nâng cao. Con người không chỉ hưởng thụ tiện nghi vật chất mà sẽ dần tăng nhu cầu hưởng thụ tinh thần; du lịch văn hóa, lịch sử sẽ ngày càng được chú trọng.

Sẽ chẳng có phát triển nào bền vững nếu không song hành cùng phát triển văn hóa. Những vốn quý của đặc hữu Bình Định đã đến lúc được đánh thức đúng tầm!

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cá chép hóa rồng

Bức ảnh “Cá chép hóa rồng” này được nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Quang chụp vào cuối năm 2022 tại cửa biển An Dũ, nơi cuối nguồn sông Lại Giang hướng ra biển…

Mũi Vi Rồng, ngọc quý làng chài Tân Phụng

Mũi Vi Rồng hiện ra trước mắt chúng tôi, trông nó như một con rồng ngoan ngoãn đặt hai chân xuống mặt nước, phần đầu với từng bờm đá cao thấp vươn lên trên, chất đá vàng xen đỏ…

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…