“Vùng da thiêng” – nơi câu thơ sinh nở…

(VNBĐ – Đọc sách). Bốn năm sau lần ghi dấu ấn song hành đồng điệu – phức điệu cùng Mẫu Đơn trong Ký tự nàng (2020), My Tiên trở lại với Vùng da thiêng, (NXB Hội Nhà văn, 2024) bước độc hành hiển lộ chân dung đầy đặn hơn cho một hồn thơ. Tên tập thơ khá gợi, khiến người đọc không khỏi tò mò, nhưng vẫn là sự tiếp nối cảm hứng làm nên cá tính thơ My Tiên: từ không chấp nhận hiện thực trói buộc dựng nên thế giới của thiên nhiên hoa cỏ, tình yêu đậm màu xúc cảm – nhục cảm, khôn nguôi khát vọng cho mình – cho người. Đó là mảnh đất màu mỡ cho câu thơ sinh nở – dù là sinh ra nỗi buồn, phạm trù cái thiêng vì thế không thoát tục mà đậm màu trần tục.

Cuộc sinh nở nào cũng gắn liền với những cơn đau, thậm chí đau chết đi sống lại. Người đọc gặp lại trong thơ My Tiên hình ảnh Có những đêm mưa lột sạch nỗi buồn/ Người đàn bà lôi mình đi chết (Vết sẹo mưa). Chết như một hướng giải thoát khỏi những ràng buộc, tẻ nhạt, tuyệt vọng, cũng là cách để đi đến cái tột cùng, vĩnh hằng. Còn có gì vĩnh hằng hơn sự chết? Dù là mùa đông với những khoảnh khắc dịu dàng nhất cũng không ngăn được nhân vật trữ tình nghĩ đến sự chết: Mùa đông làm người ta không còn sợ hãi/ Nghĩ nhiều hơn về sự chết. Bởi chết như một Cách lưu giữ khoảnh khắc, Nàng chầm chậm ru mình chết khẽ/ Cho tới khi khoảnh khắc ấy vĩnh hằng. Biết chết cũng là biết sống, hiện sinh trong thực tại, chứ không phải chấp nhận trạng thái mờ nhạt, lay lắt, mòn tù.

My Tiên đã phản ứng quyết liệt với hiện thực xám đen từ Ký tự nàng, nơi của ngôi nhà dán đầy nội quy, một quả cầu đen khổng lồ, thành phố đổ bê tông vào lòng, những thứ trang nghiêm, Khi chiếc lá cũng được đổ khuôn/ Và xanh theo nguyên tắc … Một hiện thực – hố thẳm: bầu trời đã hóa thành cái hố/ chỉ là để chôn vài hạt bụi ngây ngô (Hạt bụi ngây ngô). Trong Vùng da thiêng, hố thẳm ấy đã thăng cấp thành vực thẳm: Vực thẳm khôn cùng bao bọc lấy em/ Bóng đêm làm em ngộp thở (Chiếc túi mùa thu). Cô nói về thứ lề thói cũ kỹ, tuyệt vọng, vết thương, Tiếng cãi vã sực tỉnh giấc mơ/ Mảnh bát vỡ đâm xuyên cửa sổ/ Cắt đứt cơn mưa thờ ơ/ Bức tường rạch từng vết nứt (Vết sẹo mưa). Nơi sự giả dối lên ngôi, cũng là cái chết của cái đẹp: Người khép nép bưng bê câu nói/ Dâng lên ngai vàng giả dối/ Bông hoa cúi đầu tỏa hương/ Ước được úa tàn ngay tức khắc (Sự trưng bày một bông hoa). Cái đẹp bé nhỏ, mong manh trong hình hài chim non khản cổ đớp trời, để rồi gục chết trong hy vọng mồ côi (Trở lại cuộc người). Cái chết vô phương kháng cự trong hiện thực bạo tàn, nhưng cũng là lựa chọn chủ động để không phải thỏa hiệp, giữ cho thế giới của cái đẹp được vẹn nguyên.

Sinh nở trong thơ My Tiên, là sinh ra từ đổ vỡ, đớn đau ấy. Khai sinh trong Vùng da thiêng đồng nghĩa với phục sinh, như thể Giàn hoa giấy phục sinh mùa xuân (Cánh hoa thanh tân). Một cuộc trở lại cũng thật lạ, dữ dội: Tôi ước mình hoang vu/ Như loài cây bị sét đánh giữa trời/ Thân thể tách đôi/ Bao tình yêu trú ngụ/ Tung cánh cho một lần thoát thai. Cuộc sinh nở mang tính chất thần thoại, khiến người đọc nhớ về những cuộc khai sinh vũ trụ, ở đó tôi khát vọng nắm lấy mặt trời/ bóc từng lớp sáng ngụy trang chói gắt (Thanh âm của rừng). Nhưng rất nhanh chóng, tôi trở về “nguyên hình” nhỏ bé cỏ hoa: tôi ước mình cỏ dại, tôi ước mình dương xỉ…

Đây mới là thế giới thường tồn trong thơ My Tiên, đầy ắp cỏ dại, dương xỉ, cánh hoa mấp máy/ nở giữa bàn tay sương gầy (Giọt sương cẩm tú), sen nhụy vàng thẹn thùng bên môi thở (Sen), nụ đậu biếc hóa thân trong ấm trà (Ký ức hoa đậu biếc), hoa giấy Cánh hồng run rẩy nụ hôn đầu trong gió (Cánh hoa thanh tân), sử quân tử lả mềm (Tự sự em 1)… Khỏi phải nói nhà thơ say đắm cỏ hoa đến thế nào. Thế giới cỏ hoa đối lập với hiện thực khắc nghiệt, mong manh, chóng tàn, mang đầy đủ vẻ đẹp nhạy cảm, mềm mại, cũng là nơi thiên tính nữ của nhà thơ bộc lộ. Người đọc bắt gặp người nữ trong thơ My Tiên thơ thẩn, đắm đuối trong thế giới cỏ hoa, và rất nhiều khi, chủ thể trữ tình nhập vào hoa làm một.

Cùng với hiện hữu cỏ hoa là hiện hữu da thiêng gắn tình yêu đậm màu trần thế mà linh thánh, với cặp đôi anh – em hòa vào nhịp điệu vũ trụ để lần nữa tái sinh: Em mặc niệm chính mình/ Em tôn thờ vầng dương anh/ Ngoài trời bừng nở những sinh linh/ Còn em hoàn toàn tan biến (Sâu trong khe sáng). Một vùng da rất thực mà cũng mang tính biểu tượng Dưới da muôn hoa nở rộ (Thanh âm của rừng), Ngàn ấu trùng hóa bướm dưới da đêm (Tự sự em 2), khởi nguồn cho những rung cảm tình: Anh chải tóc em từ quá khứ/ Dịu dàng chảy trên ngực xuân thì/ Mắt hồng khép hé bờ mi/ Anh nhẹ nhàng hút nhụy của trăm năm chưng cất (Cánh hoa thanh tân). Thực và thiêng đan cài trong thế giới tình yêu của My Tiên, cô không ngần ngại đưa vào thơ những thi ảnh giàu nhục cảm mà không sỗ sàng, gợi nhớ vũ trụ nguyên sơ của Adam và Eva, dệt nên một vườn địa đàng giữa cỏ hoa. Thi ảnh trong thơ cô mang tính lưỡng lự, nước đôi, táo bạo mà vẫn e ấp nguyên khôi: Sự rạn nứt của giếng hoang cổ tích/ Giải thoát con bống chờ đợi ngàn năm (Ký ức xanh), Xác con chim xăm vào chỗ kín của quá khứ/ Con bướm nở ra từ vết cứa của hiện tại (Trở lại cuộc người), Nụ ban mai mới lớn/ Lênh đênh trên ngực em tím ngát/ Thả trôi theo khe gió ngọt ngào (Giọt sương cẩm tú)… Hiện hữu cỏ hoa, mời gọi căng phồng hơi thở những khe, những đồi, mộ thiêng đồng thời là ánh sáng, khởi đầu tuyệt diệu cho phục sinh, hồi sinh: Chúng ta nảy mầm khoảng trống/ Giữa những nụ hôn (Chênh vênh miền ký ức). Đầu tiên và cũng là cuối cùng: Trao cho anh sự hé nở đầu tiên/ Và gặp gỡ cuối cùng (Lấp lánh mắt hạnh phúc). Vùng da thơm ngát nàng dâng hoa trái phụng thờ là nơi trú ngụ của tình yêu và ươm mầm sự sống.

So với Ký tự nàng, Vùng da thiêng đã bớt đi rất nhiều sự quẫy đạp cùng tuyệt vọng, kiểu: Mây xô nhau tự tìm lối thoát, mưa lột sạch nỗi buồn, giọt nước mắt gào thét, tủ bàn cựa quậy nổ tung, con kiến bò vào giấc mơ, tảng đá tự xô mình xuống biển… Bớt đi sự nổi loạn để thêm đằm thắm, mộng mơ, năng lượng kiến tạo mạnh hơn phá hủy, những câu thơ tan chảy dịu dàng thấm vào người đọc. Tôi không cho đó là sự dịu dàng thỏa hiệp, mà là một bản ngã đã vững vàng hơn với ba động của đời sống dẫu còn đó những chông chênh: Ở đường biên của vực thẳm và khởi đầu/ Em như nghệ sĩ đi dây (Nơi tận cùng). Như thể Con bướm nở ra từ vết cứa của hiện tại, điểm tựa của My Tiên rất nhiều dựa vào thơ. Mở đầu Vùng da thiêngMột câu thơ cất cánh/ Kết nối tôi trở lại cuộc người (Trở lại cuộc người), khép lại cùng Giọt nước cô độc, cuộc trở lại Đôi lần phải ngồi dậy đặt tên/ Cho thi thể của mình. Thơ nối con người với đời sống: chúng ta làm thơ buộc vào những chiều mưa xối xả. Một xác tín mạnh mẽ so với hoài nghi ngày trước: Tôi tự hỏi thơ làm được gì/ Hay chỉ đồng lõa với cơn mưa/ Bỏ rơi tôi trong những ngày buồn nhất (Những giọt thơ cuối cùng).

Với Vùng da thiêng, My Tiên tiếp tục tự họa một gương mặt thơ riêng, táo bạo mà dịu dàng, say mê mà đằm thắm, khao khát ươm mầm cái đẹp chân thực hồn nhiên không trói buộc. Thơ cô nhiều những tứ thơ mới mẻ, thi ảnh lạ, tổ hợp từ độc đáo… mặc dù người đọc đôi khi cảm thấy “bước hụt” với những chông chênh ít nhiều trong kết cấu chỉnh thể và câu chữ. Cánh cửa thơ luôn rộng mở với những người trẻ dám bước đi và hứa hẹn đi xa, nơi những vùng da thơm thơ vẫn tiếp tục hẹn mùa sinh nở.

DUYÊN AN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…

Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…