Vọng âm của biển…

(VNBĐ – Bút ký). Cầu ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của ngư dân ven biển, được tổ chức nhằm bày tỏ tín ngưỡng dân gian với công ơn của thần Nam Hải (tức cá Voi – cá Ông), cầu mưa thuận gió hòa, thuyền bè bình an, ắp đầy cá tôm sau mỗi chuyến ra khơi. Ở Bình Định, lễ hội này giống nhau, có ở hầu hết các vùng ven biển và thường được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 6 Âm lịch.

1.

Lễ hội gồm phần với các nghi lễ: lễ vọng, lễ nghinh thần, lễ tế cô hồn, lễ chánh tế, lễ xây chầu bả trạo mở đầu cho nghi thức hát án. Phần hội được tổ chức với các hoạt động thể thao và Hát bội. Tôi trực tiếp xem lễ hội cầu ngư nhiều nhất ở xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn. Từ năm 1992, lễ hội cầu ngư được phục dựng sau quãng thời gian dài gián đoạn. Ngày 11.2 Âm lịch hằng năm, lễ hội bắt đầu diễn ra song đã được chuẩn bị cả tháng trời. Những ngày này, đêm đêm bên mép sóng, những điệu múa, nhịp hô hát của đội bả trạo, đội múa gươm tập luyện rộn rã.

Nhắc về lễ hội truyền thống của địa phương, ông Nguyễn Dư, thường được gọi là “Dư Bài chòi”, tâm sự: “Cứ đến hẹn lại lên, ai cũng trông ngóng để cùng bà con ngư dân tỏ lòng với biển. Hai năm qua, Nhơn Hải chỉ làm gói gọn, không tổ chức lớn vì dịch Covid, bà con buồn so. Năm nay tổ chức hoành tráng, mời cả đoàn hát Tuồng Đào Tấn của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định về diễn, bà con vui vẻ, phấn khởi lắm”.

2.

Nhơn Hải không phải là nơi tổ chức lễ hội cầu ngư sớm nhất ở Bình Định vì ngay đầu tháng Giêng ở Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn), lễ hội khai sơn cầu ngư đã diễn ra tại vạn đầm Xương Lý. Thành truyền thống, lễ hội này tại Nhơn Lý được tổ chức vào hai thời điểm: Mùng 10 tháng Giêng ở Xương Lý và mùng 10 tháng 5 ở Hưng Lương. Lý giải điều này, anh Nguyễn Đình Xuân, Đoàn Phó đoàn bả trạo, cho hay: “Ngày trước, Nhơn Lý có hai làng. Mỗi làng có đình, miếu, vạn đầm khác nhau nên tổ chức ngày lễ cầu ngư riêng và giữ đến giờ”. Lời anh Xuân khiến tôi nhớ đến những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Trọn – Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ. Theo chị Trọn, Phù Mỹ có nhiều xã tổ chức lễ hội cầu ngư như Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Thành. Trong đó, có xã Mỹ Thắng tổ chức hai lễ cầu ngư vì có 2 đầm vạn.

Khi nhắc về vai trò Đoàn Phó đoàn bả trạo Nhơn Lý, anh Xuân cười hiền: “Mình lớn lên ở đây, từ nhỏ đã mê thích lễ hội cầu ngư nên gắng học hỏi từ các tiền bối điệu thức, câu ca, rồi tham gia vào đoàn bả trạo của quê hương”. Anh Xuân cho hay, từ năm 1998, đoàn bả trạo của Nhơn Lý được thành lập. Năm 1999 ra mắt chính thức và ngay năm đó đã đăng cai hội thao miền biển. Hiện tại, đoàn bả trạo Nhơn Lý có 30 người. Sau 2 năm gián đoạn vì dịch, lễ hội cầu ngư Nhơn Lý đã được tổ chức trở lại. Lễ hội diễn ra 4 ngày, từ mùng 10 tháng Giêng, có đoàn Nghệ thuật Tuồng Phước An về trình diễn. Nhắc về những đêm diễn ở Nhơn Lý, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đoàn tuồng Phước An tâm sự: “Anh em trong đoàn thực sự xúc động khi được bà con Nhơn Lý yêu quý, nhiệt tình ủng hộ. Ai nấy đều rất phấn khởi khi được trở lại sân khấu và góp phần vào ngày hội lớn nhất của bà con nơi đây”.

Lễ hội cầu ngư, là dịp để những người con của biển được tỏ lòng thành kính, ơn biển. Lần trở về Nhơn Lý này, tôi được nghe người dân nơi đây thuật lại nhiều câu chuyện về biển và ân đức của thần Nam Hải. Ông Quang kể: “Năm Quý Tỵ (1953), mành chiếc ông Bạch Hỷ bị chìm. Giữa đêm sóng to gió lớn, dòng nước chảy xiết nhưng may mắn được ông Nam Hải phù trợ đưa vào bãi Kỳ Co, 11 người trong thuyền không mất một ai. Hay năm Kỷ Mùi (1978), cơn bão số 5 phủ vào Nhơn Lý, 40 thuyền máy bị chìm. Các ông Hồ Văn Can, Văn Hoành, Nguyễn Phục được ông Nam Hải cứu sống đưa vào Ghềnh Ráng – Quy Nhơn. Đó chỉ là một trong số nhiều câu chuyện được lưu truyền ở Nhơn Lý về sự linh thiêng của thần Nam Hải. Thần Nam Hải đã thành một tín ngưỡng, sống trong tâm thức của mỗi ngư dân bám biển quê tôi”.

3.

Lễ hội cầu ngư của các vùng ven biển Bình Định diễn ra ở những thời điểm khác nhau. Như Nhơn Lý – tháng Giêng và tháng 5; Nhơn Hải – ngày 10.2 Âm lịch; Tuy Phước – ngày 16.2 Âm lịch; Phù Mỹ – tháng 5 – 6 Âm lịch,… Trong lễ cầu ngư, những trình thức biểu diễn của các đoàn bả trạo luôn là điểm nhấn đặc biệt của nghi thức cầu ngư. Trong số những đoàn bả trạo của các địa phương, có lẽ đoàn bả trạo Bình Thái ở Phước Thuận (Tuy Phước) được nhiều người nhắc nhớ hơn cả. Đội bả trạo nơi đây có 24 thành viên chính gồm: tổng sanh, tổng lái, tổng cờ, tổng thương, 2 bồ hổ, 2 lồng đèn, 16 trạo phách. Những năm gần đây, đoàn bả trạo Bình Thái đang “chững lại”, một phần bởi người cầm chịch đội bả trạo vùng quê này – NNƯT Hồ Thành Long bị tai biến, không thể đồng hành hát diễn, làm lễ cùng đoàn. Suốt nhiều thập kỷ qua, ông được xem như là “linh hồn” của đoàn bả trạo Bình Thái. Ông chuyên vai tổng sanh. Vai này có nơi gọi là tổng mũi, tổng tiền, là người điều khiển vở diễn hát múa bả trạo. Vai diễn đòi hỏi sự thuần thục, chính xác, nhất là trong những nhịp gõ sanh để bắt nhịp cho các thành viên khác hát diễn.

Hát bả trạo tại lễ hội cầu ngư Nhơn Hải. Ảnh: V.P

Ngư dân vốn xem lễ hội cầu ngư là một ngày thiêng liêng mà cháu con dẫu đi làm ăn xa xứ cũng gắng sắp xếp trở về. Ông Đặng Văn Hiếu, vạn trưởng vạn nghề Bình Thái thổ lộ: “Bà con ở đây mong ngóng lễ hội cầu ngư và mê xem bả trạo lắm. Mấy năm nay, vì dịch giã nên việc tổ chức lễ hội cũng thu gọn lại. Ai cũng mong dịch dã được kiểm soát, lễ hội được tổ chức quy mô hơn để bà con được sum tụ, vui vầy”.

4.

Xã đảo Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn có điểm khác biệt về mặt địa lý nên nghi lễ tổ chức lễ hội cầu ngư có khác trong nghi thức. Đó là chi tiết thả tấm lụa đỏ xuống nước trong khi làm lễ rước thủy thần, tượng trưng cho bắc chiếc cầu để vời thủy thần lên đảo. Đây là nét sáng tạo riêng trong tín ngưỡng tâm linh của người dân nơi đây. Nghệ nhân Trần Hữu Phước tâm sự: “Ngày 16.3 Âm lịch hằng năm, dân Nhơn Châu từ trẻ đến già đều thức dậy thật sớm để cùng chứng kiến các ông, các bác dong thuyền ra khơi đón rước thủy thần về lăng Ông. Lễ hội cầu ngư nơi này luôn được chính quyền địa phương và bà con đồng lòng, chung tay góp sức tổ chức, tuy giản đơn nhưng ấm cúng, nghiêm trang. Không chỉ bà con địa phương mà ngay cả khách du lịch cũng khá hứng thú với lễ hội này”.

Biển luôn dang rộng vòng tay như người mẹ vĩ đại. Có người nói, thần Nam Hải như một bấu víu lúc hoạn nạn nơi khơi xa. Có lẽ như thế. Nhưng, tôi nghĩ nhiều hơn về niềm tin, sự hy vọng một mùa biển ấm no của người dân. Lễ hội cầu ngư là sự hồi đáp với biển bao dung, mong mùa an lành, để tự biển mênh mông, mỗi ngư dân như gửi trao niềm hy vọng, thành tâm cùng thần Nam Hải. Và, để nghe từ biển những vọng âm khát khao một cuộc sống tươi đẹp…

PHI NGUYỄN

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…

Bừng thức Đề Gi

Đầu năm 2023, khi các phân đoạn của tuyến đường ĐT 639 dọc bờ biển từ TP. Quy Nhơn đến địa phận xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) hoàn tất, Đề Gi đã bừng thức…

Ngày xuân đi hội Chùa Bà

Nhón những bước chân trên nền gạch thẫm trong khuôn viên chùa, tôi mường tượng xa xôi về một thuở phồn vinh xưa cũ vào đầu thế kỷ XVII…