Về nhà cùng con, ba nhé!

(VNBĐ – Tản văn). Những ngày cuối năm, khi xếp những thùng giấy lên chiếc xe tải dời nhà, tôi thì thầm với bức hình của ba, rằng: Hôm nay chúng ta về nhà, ba à…

Giống như thời khắc tôi cùng em trai hối hả thu dọn để đưa ba từ bệnh viện về, tôi cũng dịu dàng dặn dò ba, qua dòng nước mắt nghẹn ngào: Giờ ba về nhà với chị em con, nghen ba.

Người ta bảo, phải “gọi” để linh hồn người thân biết đường mà về nhà. Nhưng đó là sau này, tôi mới nghe dạy như thế. Còn lúc tôi nói với ba, là tự trong lòng mình thốt lên câu ấy, như bao lâu nay ba vẫn sống cùng gia đình chúng tôi, trong ngôi nhà cấp bốn chật hẹp.

Chúng tôi đón Tết năm nay ở nhà mới. Căn nhà phố xuống cấp, mùa hè vừa rồi đã được sửa sang, xây dựng lại. Cũng mất khá nhiều thời gian. Những tháng đó, tất cả chúng tôi ở nhờ chỗ khác, nơi mà bàn thờ ba tôi được dựng tạm, đơn sơ. Tôi mỗi khi đi vắng trở về, vẫn vừa mở cửa vừa chào ba theo thói quen: Ba, con đã về rồi nè!

Cũng y hệt hồi ba tôi còn bên cạnh con gái, con rể và hai đứa cháu ngoại tinh nghịch. Đồ đạc của ba không nhiều, càng chẳng có gì quý giá. Khi tự tay chuẩn bị cho chuyến đi xa cuối cùng của ba, tôi mới ngậm ngùi nhận ra điều ấy. Rằng sau cả một đời làm lụng, nuôi bốn đứa con ăn học, ba tôi nào có nắm giữ được gì cho riêng mình…

Nhà mới có một cái ban công hẹp, nơi tôi trồng hai cây dành dành và lá vối, thức uống ba tôi ưa thích. Tôi nhớ thuở bé ở quê, trước sân nhà dành dành nở hoa trắng xóa, thơm nức, lưu luyến mãi trong ký ức ấu thơ của một cô gái nhỏ. Cái câu “đời người như gió qua” thoáng cái mà rất thật, đau đáu và xa xót. Trong tâm trí tôi vẫn còn đó hình ảnh của gia đình mình quây quần bên nồi cháo cá lóc nóng hôi hổi, dưới ánh sáng yếu ớt của cây đèn hột vịt. Thời đó miền Tây vẫn chưa có điện. Rồi những cái Tết no ấm, sum vầy, khi chúng tôi đi học xa quê, chỉ về nhà đông đủ vào dịp năm hết Tết đến. Chúng tôi trưởng thành, đi làm, kết hôn, ba thành ông ngoại rồi ông nội, có phần lặng lẽ trong nhịp sống hối hả bây giờ.

Khi đã về hưu, mỗi tháng Chạp ba tôi lại lúc túc lên thành phố ăn Tết cùng con cháu. Đùm túm theo mớ rau trái hái từ vườn nhà, cái thùng xốp chứa đầy cá tôm đã được cắc củm dành dụm từ lâu lắc. Khoảnh khắc mùa xuân dường như khởi đầu từ chuyến đi “ngược hướng” từ quê lên phố của ba tôi. Còn nhớ có năm tôi làm siêng chở ba qua nhà bà con chúc Tết, ba hãnh diện khoe con gái hiếu thuận, giỏi giang… trong nỗi ngại ngùng của riêng tôi, một đứa bận rộn, tham công tiếc việc và hay cằn nhằn.

Tất cả loáng cái đã thành xa vời vợi. Chỉ có nỗi hối tiếc và day dứt của tôi khi ba đã rời đi, là gần mãi.

Cuộc sống bỗng như chậm rãi và đơn thuần hơn rất nhiều, khi tôi mỗi ngày hai lượt tưới cây, ngóng chờ một cái bông nở, chỉ để cắt mang khoe với ba. Qua làn hương trầm mặc, tôi kể với ba về đám trẻ con ham chơi nhà mình, về đứa con rể của ba vẫn hay nhậu nhẹt khá trễ, về cái vựa cá tôm của thím ở quê, về một năm nhiều đổi thay và mất mát của riêng tôi.

Tôi nói với ba mà như đang tự vỗ về chính bản thân mình…

Tôi nhìn quanh gian bếp, như vẫn thấy ba tôi ngồi đó, đợi con gái xào nhộng lá chanh, nấu canh chua bắp chuối bào. Trong bản vẽ thiết kế, vốn có một căn phòng nhỏ dành cho ba ở tầng trệt, bởi chân ba tôi vốn yếu, ngại cầu thang. Từ ngày ba mất, tôi hầu như chưa từng dám đối diện với những món ăn quen thuộc ấy. Tôi sợ cả những chuyến công tác ngắn dài, ngay cả đi chơi, du lịch… tôi cũng e dè không muốn nữa. Cảm giác phải rời khỏi nhà sao mà lưu luyến và tiếc nuối. Tôi dường như chỉ thấy an toàn và yên ổn khi “núp” trong mái nhà mình, nhìn thấy mớ cây cối của mình, thắp hương trên bàn thờ ba mình, nấu cơm cho người thân của mình mỗi ngày.

Một người bạn của tôi an ủi rằng, rồi sẽ qua thôi, cái giai đoạn hụt hẫng co ro này. Hãy cứ để nhà là chốn nương náu, mang lại bình yên cho bạn. Đừng suy nghĩ nhiều, cho ba bạn được nhẹ lòng mà đi… Tôi cũng tin rằng như thế, khi chưa kịp Tết mà nhà tôi đã đón nhiều lượt khách khứa ghé chơi. Là các em tôi, đến thăm ba và gia đình chị gái. Là bạn bè tôi, mang đến cặp dưa lưới xanh ngắt, cành đào chúm chím đầy nụ, cùng vô số mứt gừng, hạt bí… Là chính tôi, lúc ra chợ sắm sửa, đã mạnh dạn mua vài thứ đã lâu không nấu, vì sợ nỗi nhớ thương lại khiến mình khổ sở. Tôi dọn lên mời ba cùng ăn Tết với gia đình mình, bằng một câu quen thuộc: Về nhà với chúng con, ba nhé!

Tôi bước ra sân thượng, hít hà mùi thơm của hoa lá. Chậm rãi và khẽ khàng, tôi tin rằng ba cũng muốn con gái được an vui và hạnh phúc, như tôi đã từng, ngày còn có ba bên đời.

* Ảnh minh họa: internet

HOÀNG MY

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.