Vẻ đẹp từ món quà hồi môn

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Đã lâu thật lâu rồi, tôi có cảm giác nhạt lòng với thơ của thời bây giờ, có lẽ vì bội thực với thơ dở, thơ giả, vè giả thơ… Và cũng không hứng thú lắm khi được tặng thơ, dù rằng bạn tôi nhiều người làm thơ cũng được lắm! Chắc bệnh nghề nghiệp bắt mình soi thơ nhặt sạn, mổ xẻ phân tích và có chút khắt khe với các nhà thơ có danh xưng hội viên Hội Văn học Nghệ thuật, mang nghĩa chuyên nghiệp. Đã chuyên nghiệp thì phải có gì khiến mình đọc mà dâng trào cảm xúc tức thì, hay ám ảnh vấn vương suốt nhiều năm tháng… Mà không đồng cảm đồng điệu, không xúc động suy tư thì không viết được lời bình hay giới thiệu…

Vậy mà tối nay, đọc bài thơ hết sức tình cờ trên Facebook, có nhan đề Hồi môn của một bạn thơ chưa từng trò chuyện, chỉ kết bạn giao lưu, bỗng nhiên xúc cảm ùa về và ngay lập tức phải bình luận “Bài thơ hay quá” rất chân thành chứ không phải kiểu khen động viên.

Chị Lê Kim Tiết – tác giả bài thơ là cựu sinh viên khóa I khoa Toán của trường ĐHSP Quy Nhơn, hơn tôi 9 khóa. Vậy mà gặp chị ngoài đời thoáng qua, cứ nghĩ chị phải là dân khoa Văn chính hiệu… Giờ đọc thơ chị, mới hiểu vì sao, hóa ra thời thanh xuân, chị đã được thừa hưởng “hồi môn” quý báu này đây:

Người đàn ông đan rổ dưới ánh trăng
Hát vở tuồng Tiết Giao đoạt ngọc
Đêm ấy xanh
Bầy nhái đồng gõ phách
Hồi môn cho con gái mình tình yêu văn chương.

Đất An Nhơn, Bình Định – chốn nương mây và cậy nguyệt – trong thơ Yến Lan, từng in bóng “ông lão say trăng đầu gối sách” và “chàng kị mã áo đầy trăng trong bóng ngọc lưu ly” thấm đẫm chất lãng mạn mơ màng, giờ đây thêm bóng dáng “người đàn ông đan rổ” rất mộc mạc và đặc biệt rất Bình Định khi “hát vở tuồng Tiết Giao đoạt ngọc”. Thật đời mà lại thật thơ, mang hồn quê hương nghệ thuật Hát bội thuở xưa. Câu thơ lay động ký ức về một lớp người ngấm tuồng thơ Nguyễn Diêu, Đào Tấn vào trong cốt tủy, thuộc làu không chỉ tuồng tích mà đến từng câu nam câu khách từng điệu nói lối, từng điệu bộ diễn xuất… Câu hát đêm trăng trong thơ Kim Tiết thật lạ, không có trống chầu rộn rã, không phải từ kép đào lộng lẫy, mà từ công việc đan rổ lặng lẽ kiên trì và có phần buồn tẻ. Chỉ có câu hát vô tình len lỏi vào cô bé con giàu tưởng tượng, để khoảnh khắc chắc dễ đến gần năm mươi năm sau hồi tưởng vẫn bồi hồi nguyên vẹn cảm xúc ấu thơ: “Đêm ấy xanh/ Bầy nhái đồng gõ phách…”! Có những điều nói lên thật giản dị mà bỗng trở nên thiêng liêng vô cùng, ta gọi đó là tình yêu vô điều kiện. Tình yêu Hát bội, tình cha con, tình quê hương đong đầy trong từng câu chữ. Và quý báu hơn, đã thành “hồi môn” của người Cha dành cho con gái, ươm mầm “tình yêu văn chương” theo suốt cuộc đời.

Tình yêu đấy cứ bồi đắp mãi cho tâm hồn người con gái, có thêm những khoảnh khắc đời thường, thêm những bóng dáng từ ca dao dân ca xứ Nẫu và thắm thiết tình cảm gia đình:

Cha giăng câu đón gió mười phương
Di cảo lòng con câu hò trên nước
Thuở mẹ môi hồng
Thuở con lội ngược
Người dưng sao dạ vấn vương?
Mẹ bày con giữ gót chân hường.

Tôi chợt nhận ra niềm hạnh phúc ấm lòng biết bao khi Kim Tiết được sống lại khoảnh khắc yêu thương có Cha có Mẹ, có câu hát giao duyên “thuở mẹ môi hồng”, có câu hò điệu lý cho “dạ vấn vương”… Trên hết là niềm hạnh phúc xuân thì “Mẹ bày con giữ gót chân hường”. Ẩn trong những hoài niệm của chị, ta gặp được nét hồn người con gái Bình Định mộc mạc mà nghĩa tình, bình dị mà duyên dáng. Và cứ thế, chiếc áo mùa thu, sắc màu lá đỏ, dáng văn nhân… xui con biết bồi hồi cứ đến một cách thuần khiết để xao xuyến trái tim thiếu nữ.

Còn gì quý báu hơn khi đi qua bao thăng trầm lao đao của cuộc đời vẫn giữ được tình yêu văn chương buổi đầu, dù cho đứng trước những bài toán cuộc đời phải tính toán, phải giải ra bằng được ẩn số rắc rối. Điều Kim Tiết nhận ra và trân quý giữ gìn như gia bảo cho tâm hồn chính là: “Cha mẹ hồi môn cho con ánh nắng nguyên khôi”. Một câu thơ như đúc kết trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu thương từ Cha Mẹ làm đẹp cho cả một đời con, để mỗi ngày được sống là được đón nhận trọn vẹn vẻ đẹp ánh sáng đầu ngày nguyên khôi thanh khiết, đón nguồn sống dạt dào, đón nhận bao vẻ đẹp cuộc đời…

Đọc những dòng kết của bài thơ, tôi chợt nhận ra tâm hồn tác giả vẫn ngập tràn “ánh nắng nguyên khôi” nên trong tâm tưởng vẫn vẹn nguyên tình Cha nghĩa Mẹ, vẫn giữ được nét thanh tân của người con gái năm xưa được trao món hồi môn vô giá, để:

Con rung động trước điều giản dị
Nhan sắc không viết lời hoàn mỹ
Mắt nhìn lưu nét đẹp trong con.

Hồi môn

KIM TIẾT

Người đàn ông đan rổ dưới ánh trăng
Hát vở tuồng Tiết Giao đoạt ngọc
Đêm ấy xanh
Bầy nhái đồng gõ phách
Hồi môn cho con gái mình tình yêu văn chương

Cha giăng câu đón gió mười phương
Di cảo lòng con câu hò trên nước
Thuở mẹ môi hồng
Thuở con lội ngược
Người dưng sao dạ vấn vương?

Mẹ bày con giữ gót chân hường
Chiếc áo mùa thu
Hoàng hôn lá đỏ
Dáng văn nhân chiều xuân qua ngõ
Ai xui con biết bồi hồi?

Cha mẹ hồi môn cho con ánh nắng nguyên khôi
Con rung động trước điều giản dị
Nhan sắc không viết lời hoàn mỹ
Mắt nhìn lưu nét đẹp trong con.

* Ảnh minh họa: Trần Hưng Đạo

06.6.2021
TRẦN HÀ NAM

(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dấu xưa còn nhớ

Vân Phi là nhà thơ trẻ, thuộc thế hệ 9X với dòng thơ tự do, hiện đại. Mặc dù còn trẻ nhưng tác giả đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng độc giả bởi một giọng thơ rất riêng…