Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Có một bài hát Nga với điệp khúc “Nước Nga, ôi nước Nga”, cái điệp khúc cứ xoáy vào tâm hồn tôi, khiến tôi mãi bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Tôi có may mắn được hai lần sang thăm nước Nga – bấy giờ là Liên Xô. Lần thứ nhất vào năm 1985, khi Liên Xô tổ chức “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên Xô”. Lần thứ hai vào năm 1988, tôi theo một lớp học trong ba tháng tại Viện Văn học mang tên M.Gorki.

Tôi gắn bó với văn học Nga từ ngày còn học phổ thông. Những tác phẩm kinh điển của văn học Nga, những tác phẩm Nga – Xô viết mà tôi đọc ngày ấy đã đưa tôi vào khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngay khi nhập học, tôi đã không do dự chọn chuyên ngành “Văn học Nga – Xô viết” để theo học. Đơn giản, vì tôi yêu văn học Nga.

Nước Nga đã sống trong tôi qua tất cả những tác phẩm văn học mà tôi đã đọc, những tác phẩm âm nhạc cổ điển mà tôi đã nghe, cũng như những bài hát Nga đã từng theo tuổi trẻ của tôi vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam bộ.

Mới đây, nghe lại bài hát rất quen thuộc trên youtube “Cuộc chiến tranh thần thánh”, lúc âm nhạc vừa cất lên, tôi đã thấy tất cả những khán giả trong nhà hát lặng lẽ đứng dậy, trang nghiêm nghe bài hát như nghi lễ khi hát quốc ca, dù bài hát ấy không phải quốc ca Liên Xô, cũng không phải quốc ca Nga. Có cái gì rất thiêng liêng, khó giải thích về tinh thần nghe nhạc này của người Nga. Xin trích một đoạn trong từ điển mở Wikipedia viết về bài hát này: “Chỉ hai ngày sau khi Đức tấn công Liên Xô, ngày 24 tháng 6 năm 1941, một bài thơ có tựa đề “Cuộc chiến tranh thần thánh” của nhà thơ Vasily Ivanovich Lebedev-Kumach được đăng trên các báo “Izvestia” và “Sao Đỏ”. Sau khi bài thơ công bố, Trưởng Đoàn ca múa nhạc Cờ Đỏ Hồng quân Liên Xô Alexander Vasilyevich Alexandrov ngay lập tức phổ nhạc. Không có thời gian để in ấn các bảng ký âm và bè phổ, Alexandrov đã viết chúng lên bảng bằng phấn, để các ca sĩ và nhạc sĩ chép lại chúng vào bản ký âm của riêng mình. Mọi người chỉ có vỏn vẹn một ngày để tập dượt, và ngay ngày hôm sau, ngày 24 tháng 6 năm 1941, một buổi công diễn được tổ chức ngay trước Nhà ga Belorussky. Các nghệ sĩ của Đoàn ca múa nhạc Cờ Đỏ Hồng quân Liên Xô đã luân phiên trình diễn, mà theo một nhân chứng, đến 5 lần ngay trong ngày hôm đó”.

Bài hát Cuộc chiến tranh thần thánh ngay lúc đó đã theo những người lính Nga ra trận, nó không chỉ lay động tâm hồn người lính Nga mà còn rung chuyển cả nước Nga. Lầm lì, mãnh liệt, tha thiết, kiêu hãnh, hành tiến âm nhạc của bài hát này đã cuốn bước chân của hồng quân Xô viết trên những nẻo đường chiến trận khắp Liên Xô và khắp cả châu Âu. Nó như một bản Thánh ca, nên không ngạc nhiên khi người Nga nghe bài hát này cất lên đều đứng cả dậy. Phải chăng, đó là điều mà thế giới vẫn gọi: “Sự bí ẩn của tâm hồn Nga”.

Sự bí ẩn của âm nhạc Nga rõ nhất trong bản giao hưởng số 7 của Dimitri Shostacovich.

Trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, tôi đã đồng nhất sự bí ẩn của tâm hồn Nga với lòng yêu nước, dù sự bí ẩn này còn rộng lớn hơn thế nữa. Nó là sự khoan dung, lòng nhân ái đặc biệt của người Nga, của “Tính cách Nga” – tên một truyện ngắn nổi tiếng thời chiến tranh Vệ quốc của văn hào Aleksey Tolstoy, ra đời năm 1944. Truyện ngắn này nổi tiếng đến mức, cùng với những bài bút ký của Ilya Erenbua, nó đã nằm trong ba lô của những người lính xô viết đi đến tận ngày họ cắm ngọn cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội Berlin. Cùng với âm nhạc, văn học Nga đã làm tròn sứ mệnh của mình đối với đất nước và đối với nhân loại. Một nền văn học vĩ đại như thế, làm sao không bí ẩn?

Nước Nga thu hút tôi bởi sự giản dị đến kinh ngạc. Đó là sự giản dị của những gì lớn lao, bình thản. Sự giản dị của những gì ta có thể đặt kênh giao tiếp ngay lần đầu gặp gỡ, nhưng rồi dường như mãi mãi ta không thể chạm tới “lõi”, đi tới “đáy” của nó. Nước Nga là cây bạch dương ta dễ dàng nhìn thấy và đồng cảm được, nhưng cũng là những cánh đồng đất đen bất tận khô cằn khi mùa tuyết tan, là những cây thông kiên gan đứng dưới trời đông lạnh -20o, là những ngôi nhà thờ mái nhọn vút lên lời nguyện cầu lặng lẽ và buồn bã.

Chợt nhớ lại, vào ngày 12.8.2000, chiếc tàu ngầm mang tên Kursk của hải quân Nga đã bị tai nạn khi hoạt động trên biển Barenst khiến 118 thủy thủ đoàn thiệt mạng. Tôi đã bật khóc trước cái tang chung của cả nước Nga ấy, cứ như những thủy thủ bị thiệt mạng ấy là anh em họ hàng với mình. Tôi không hiểu vì sao, và rất nhiều người Việt yêu và thương nước Nga cũng không hiểu vì sao như vậy.

Chúng ta bây giờ đã làm bạn với cả thế giới. Nhưng như một câu ngạn ngữ Nga đã nói: “Bạn càng cũ càng quí”, ta đã có một người bạn cũ đúng theo nghĩa ấy – nước Nga:

“Ôi nếu thiên thần lên tiếng gọi:
“Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường!”
Tôi sẽ đáp: “ Thiên đường xin để đấy,
Xin cho tôi ở cùng Tổ quốc yêu thương!”
(Xéc – gây Êxênhin)

Vâng, nước Nga không phải là thiên đường, như có lúc những ai đó đã nhầm. Nước Nga chỉ là, và mãi mãi vẫn là nước Nga thôi. Vì thế mới có sự lựa chọn ngỗ ngược của Êxênhin – thi sĩ, sự lựa chọn khiến chúng ta chợt cảm thấy nước Nga quyến rũ hơn cả thiên đường. Vâng, nước Nga trong thơ Êxênhin chỉ là một chú chó nhỏ, một cây bạch dương, một căn nhà gỗ, một mùi cỏ dại… Một nước Nga lớn lao mà bé nhỏ, đau khổ mà hạnh phúc.

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió, cơn vọt trào mãnh liệt của tháng Năm xanh, và tuyết trắng như bài ca buồn bất tận trên con đường thiên lý…

Với tôi, nước Nga mãi mãi bí ẩn và gần gũi, khoan dung và giản dị như một người bạn cũ. “Bạn càng cũ càng quí”. Đúng như vậy.

THANH THẢO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…