V.

(VNBĐ – Văn trẻ). Ngồi trong phòng nghỉ, người phụ nữ giật mình khi nhận ra những ký ức còn lại về V. xám đục và lạnh căm căm, hoặc đấy chỉ là cách không gian bên ngoài đang đánh lừa cảm giác của mình. Gió thốc và mưa bụi nhờ nhờ khoảng không phía trước, ánh mắt bà bất lực treo cố định một điểm trên bức màn mỏng vì mãi không thể xuyên qua được. Đống hồ sơ vẫn nằm trên bàn suốt từ đầu buổi đến giờ, bà dường như vẫn cần một chút thời gian để sẵn sàng chọn lấy một bệnh án. Giây phút bà giở ra đọc một bệnh án bất kỳ trong xấp hồ sơ kia, đồng nghĩa chấp nhận một sự thật rằng V. đã chết. Từng là một bác sĩ phẫu thuật, bà đã đấu trí với cái chết không biết bao nhiêu lần, cũng ngần ấy thời gian chứng kiến biết bao sắc thái khác nhau của cái chết, bà mẫn cảm và cũng đồng thời chai lì trước cái chết, điều mà bà coi như một phần của công việc này. Mấy năm nay thì khác, bà được thuyên chuyển đến một vị trí mới nằm trong khoa phục hồi – bác sĩ phục hồi trí nhớ. Những công nghệ đột phá thế kỷ đã mang lại cơ hội cho các bệnh nhân suy giảm và mất trí nhớ sau khi gặp phải thoái hóa hay tổn thương não. Với sự cho phép mã hóa dữ liệu kỹ thuật số để ghi đè trực tiếp vào bộ phận não, bà đã sung sướng và đầy tự hào khi được trở thành một phần của dự án này. V. không phải là một bác sĩ giống bà, cô bé chịu trách nhiệm thiết kế ký ức của những bệnh nhân dựa vào hàng loạt những mô tả, câu chuyện của họ để tạo thành nguồn dữ liệu hoàn chỉnh chuẩn bị cho việc mã hóa, cuối cùng chuyển đến giai đoạn sẵn sàng cấy ghép trực tiếp vào não bộ – công việc mà bác sĩ sẽ thực hiện. Quy trình này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ và “thợ xây kí ức” – một danh xưng mà bà thường dùng để gọi V., mỗi lần như thế cô bé lại cau mày cười vì sến. Lần đầu tiên gặp V. ở phòng nghỉ, bà nhanh chóng bị thu hút bởi cặp mắt tinh anh và đôi chút nổi loạn. Cô bé không cần cố gắng chứng minh nhưng dễ dàng khiến người đối diện nhận ra mình phù hợp với công việc này như thế nào. Mở ra hồ sơ bệnh án đầu tiên, ký ức của bà về cô bé chợt sống lại những ngày đầu đông ẩm ướt trong thành phố.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Một người phụ nữ may mắn sống sót sau tai nạn nhưng lại không bao giờ còn nhớ đến chồng mình và những ký ức đẹp đẽ về anh ta. Y tá kể rằng người góa phụ ấy nằng nặc đòi mặc lại chiếc váy cưới loang lổ hắc ín nhựa đường và máu khô khi đến phòng cấy ghép sau khi trải qua ba ngày hôn mê từ ca phẫu thuật. Lắng nghe xong về quy trình cấy ghép và những rủi ro hậu phẫu, người phụ nữ đồng ý và bắt đầu lục ra những chuyện đứt ghép rời rạc được vô tình giữ lại trong chiếc điện thoại vỡ nát, những bức ảnh màu nhòa ố, những bức thư nhàu nát mà không biết người phụ nữ lấy ra từ đâu. V. vừa xem qua tất cả, ánh mắt cô tập trung nhưng vẫn thừa chỗ cho một câu đùa:

– Sau này nhất định cháu phải chụp thật nhiều hình chồng sắp cưới của mình.

V. nói thật khẽ vì sợ người phụ nữ ở góc phòng nghe thấy, ánh mắt của góa phụ ngơ ngác và hoảng loạn khi không biết chiếc váy cưới trên người mình là dành cho ai – là người đàn ông trong những tấm hình đứng chung mà mình không hề có một gợi nhớ gì sao? Rồi bà quay sang nhìn V., cô bé đã bắt tay vào vẽ từng gương mặt, xây đắp từng mảng ký ức. Sẽ mất một vài ngày để hoàn thành và trong thời gian đó người góa phụ sẽ tiếp tục được bà theo dõi và thực hiện những chụp chiếu, trị liệu tâm lý cần thiết. Sau khi dữ liệu kỹ thuật số sẵn sàng, người góa phụ sẽ xem qua và chỉnh sửa một lần nữa trước khi được mã hóa và cấy sâu vào não. Trên màn hình bắt đầu chạy những bức vẽ chồng vào nhau tạo thành các hiệu ứng động. Dữ liệu ký ức V. thiết kế sống động kỳ lạ, nó không chỉ đơn thuần là những bức vẽ rời rạc mà là câu chuyện đậm nhạt khác nhau. Cuối cùng là hình ảnh cặp đôi bước đi dưới lễ đường trong trong một không gian rực rỡ sắc màu, gò má cô dâu ửng lên dưới nắng nhẹ buổi sáng, chiếc ghi lê màu đồng phô ra khi chú rể choàng tay ôm lấy vòng eo người vợ của mình… Tín hiệu khả quan sẽ được thông báo ngay trên thiết bị, báo hiệu ca cấy ghép thành công. Trong sự phấn khởi hôm ấy, bà đã chứng kiến hai người phụ nữ khóc. Người góa phụ tỉnh dậy, mơ hồ một khoảng lâu trước khi ôm lấy tấm ảnh òa khóc ngay trên giường bệnh, giữa những dây nhợ chằng chịt của van truyền. Giờ tan làm, V. ngồi đó bấu lấy hai bàn tay trong phòng nghỉ, nhìn thấy bà, cô không cố giấu những giọt nước mắt nóng hổi. Vuốt nhẹ ở lưng, bà tin rằng cô bé đã bắt đầu hiểu về công việc của mình. Lễ Giáng sinh năm đó, V. khoe tấm thiệp cảm ơn đầu tiên từ người góa phụ. Sau đợt ấy, bà không còn nhìn thấy V. khóc nữa.

Lấy một bệnh án khác, bà nhận ra ngay cậu thanh niên trong bức ảnh hồ sơ. Cậu trạc tuổi V., dáng vẻ nhanh nhẹn khi bước vào phòng khám. Cậu bắt đầu kể câu chuyện của mình khi còn là một đứa trẻ mồ côi, chưa một lần nhìn thấy mặt ba mẹ mình. Trước khi rời khỏi làng cộng đồng để chính thức trở thành một người đàn ông trưởng thành, cậu được gửi tặng vài món quà mà trong đó có một tấm ảnh ba và mẹ cậu chụp chung. Vừa kể cậu vừa lấy ra từ túi áo tấm ảnh hơi cong vênh ở các góc rồi đưa nó cho V., hình như cậu cũng biết được là ai nên xem qua trước, hoặc có thể cậu chỉ muốn đưa nó cho V., bà nhớ lại và mỉm cười. Cậu thanh niên không một câu trách móc ba mẹ mình, cậu vui vì mình đã tìm được đến đây để mong được sống cùng họ dù chỉ là trong ký ức không thể cầm nắm hay chạm vào.

– Vậy là cháu không mất trí nhớ hay suy giảm thần kinh gì sao – bà hỏi.

– Cháu không, cháu chỉ cần hoàn thiện ở trong này một chút – cậu vừa nói vừa chỉ tay vào lồng ngực mình.

Rõ ràng đây không phải là một ca phẫu thuật tim, cậu thanh niên cũng từ chối những trị liệu tâm lý. Bà thấy lòng mình chộn rộn vì biết rằng vẫn có rất nhiều người cần đến dự án này, họ cần một sự rõ ràng hình thù trong tâm tưởng hơn là cách để đối mặt với điều không hoàn thiện ấy. V. bắt đầu vẽ, chen vào giữa hai người lớn trong bức ảnh bằng một cái bóng con con như sự ràng buộc chậm trễ. Cậu thanh niên kể rất nhiều điều muốn trải qua với ba mẹ mình, hàng lông mi rung rung và nụ cười ngập ngừng mấp máy. V. cũng đáp lại nụ cười ấy bằng ánh mắt xao động như lòng sông. Hai đứa dành mấy ngày chỉ để ở bên cạnh và lắng nghe những câu chuyện, cuốn theo chiều những hành lang, băng ghế, góc đường. Ca cấy ghép thành công, cậu thanh niên biến mất và chưa bao giờ thấy quay trở lại.

“Vui nếu là phim khoa học, nhưng phim tình cảm thì hơi buồn nhỉ”, bà bỏ lửng câu nói khi gặp V. trong phòng nghỉ ngày hôm ấy.

V. vẫn ngồi ở đó, miết lại những góc cong vênh của tấm ảnh mà cậu thanh niên để quên.

– Cháu nghĩ cuộc đời hoàn toàn không phải bộ phim. Nó không có một kịch bản hay câu chuyện dài với một điểm kết – vui hay buồn gì đó. Chỉ có những đoạn trí nhớ rời rạc, những con người rời rạc, chúng ta già đi bằng những rời rạc đó. Công việc của cháu là tạo ra liên kết và điểm tựa. Ký ức kiên cố sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những chuyện tồi tệ khác, dù nó thật hay không.

Có lúc V. khó đoán, nhưng cũng có lúc V. làm bà phải bực dọc bởi tính cách bướng bỉnh dễ hiểu của cô bé. Bệnh án của người đàn ông già với vết sẹo dài trên gò má nhanh chóng gợi bà nhớ đến buổi gặp gỡ kỳ lạ. Lão yêu cầu V. thiết kế một ký ức với những lời tha thứ, xá tội từ ba bốn gương mặt được cắt ra từ tờ báo nào đó. Ánh mắt hắn trũng sâu không chú mục, cái cằm bạnh xanh rì chân râu thi thoảng gằn lên những đường nét thấy rõ. V. đã bối rối trước yêu cầu lạ này, cô chưa từng thiết kế những lời xá tội nào cả.

“Ông có thể tìm đến nhà thờ để thưa tội”, V. ngập ngừng.

Lão lắc đầu dứt khoát, muốn V. vẽ ra những chắp vá mà lão kể dưới đây. Sau cái chết của người vợ, lão truy tìm kẻ đã giết và hiếp vợ mình hòng bắt hắn chuộc tội. Trải qua những hành hạ bởi cơn đau đầu, với những uất ức và thất vọng, lão không thể quên mối nhục gã đã nhớ hơn tên mình. Rồi lão mừng vì cuối cùng đã tìm được, trả xong thù đời, mỉm cười vào ngày nhận bản án dài hơn nửa đời người. Nhưng thế đâu phải là đã xong xuôi, lão lại một lần nữa bị giày vò bởi những cơn đục đẽo trong tâm khảm bởi những ám ảnh về hận thù và những cái chết đã chứng kiến. Lão biết đấy mới chính là sự trừng phạt mà ngục tù đày đọa chứ không chỉ là sự giam cầm. Những lúc ấy lòng lão chỉ mong ánh sáng mau đến để được thôi co quắp nhễ nhại giữa nhơ nhớp ngục tù. Nó vẫn đeo đẳng lão thậm chí đến ngày mãn hạn, song sắt và cơn đau vẫn còn nguyên ở đó rõ hình thù.

Vết chém trên mặt khẽ rung mỗi khi lão cử động, cố gắng hoàn thành những câu chữ khó nhọc. Giờ đây lão chỉ muốn được sống trong những bình yên, được nhận tha thứ từ những người đã chịu đựng nỗi đau mất mát mà lão đã gây ra. Lão chỉ cần những gương mặt họ dễ chịu nhìn thẳng vào lão, vuốt ve và tha lỗi như tha lỗi cho một con chó già đã chịu đựng từng ấy năm tê dại. Lão già dứt lời đã lâu, V. không thích thú hỏi han thật cụ thể chi tiết như bao người mà cô đã thiết kế kí ức trước đó. Những run rẩy trên từng đầu ngón tay V. khiến bà lo lắng, cô chưa thể vẽ ngay, không thể vẽ lúc đó. Sáng hôm sau, khi bà vừa đến phòng nghỉ thì V. đã ngồi sẵn ở đó với bộ quần áo và gương mặt hôm qua.

“Cháu không thể vẽ cho ông ta”, V. nói rất nhỏ trong cổ họng.

“Ta cứ nghĩ cháu đã quen với áp lực từ công việc này”, bà bỏ lửng câu nói.

“Cháu đã tìm thấy trên báo, ông ta mới chính là người ngộ sát vợ mình. Như hóa điên và không chấp nhận được sự thật, ông ta phải tìm nơi để trút vào, người hàng xóm vô tội”, V. ngừng lại cố kiềm một tiếng nấc, “Giờ đây hắn muốn có những ký ức giả tạo đó để tìm sự thanh thản cuối đời. Chó má thật!”.

Lần đầu tiên bà nghe V. gọi công việc của mình là giả tạo, không biết cô đã giữ trong lòng bao lâu cho ý nghĩ đó, trần trụi và rất thật.

“Chúng ta không phải những nhà đạo đức, cảm xúc của cháu đang nhổ toẹt vào dự án này”, bà nói, “con người là loài vật ích kỷ, những mong muốn của chúng ta thoạt nghĩ vì người khác đến đâu đi nữa, cuối cùng cũng chỉ để thỏa mãn chính mình. Bệnh nhân, ta, và cháu,… nói xem ở đây ai là kẻ không ích kỷ”.

V. rời khỏi phòng nghỉ, nửa ngày sau cô mang bản thiết kế đến, gương mặt vô hồn nhìn vào màn hình như không chờ đợi điều gì. Những đoạn móc nối hiện ra chân thật đến khó tin, nó cứ như một đoạn phim được tua ngược rồi xuôi, cho đến khi nhân vật ở trung tâm giãn đi những hằn sâu vùng trán, cả vết sẹo cũng được nằm yên và hiền lành như con chó nhỏ. Ca cấy ghép thành công, thêm một mốc son nữa được lưu trong dự án vì đã vượt qua những rào cản về tuổi tác và những chấn thương tâm lý nặng nề. Đấy cũng là ca cuối cùng mà V. tham gia, cô nghỉ việc trước kỳ nghỉ Giáng sinh, không có tấm thiệp cảm ơn nào được gửi đến sau đó. Vài tuần sau, bà nhận được điện báo về cái chết của V. tại nhà riêng, chưa bao giờ bà thấy cái chết gần mình đến thế. Bà đồng ý với kết luận từ phía cảnh sát, không mở rộng điều tra, không tiến hành khám nghiệm, bà tin V. không cần những thứ đó, cô bé đã lựa chọn cho mình.

Bà ngồi yên trông vào bức ảnh hiếm hoi chụp V. lúc đang vẽ. Bà cố nhớ thật nhiều về V., cố hình dung V. với những góc cạnh khác nhau. Thế nhưng đến sau cùng, những ký ức của bà về V. chỉ nằm rải rác trong những tập hồ sơ bệnh án, mà ở đó thậm chí V. chỉ xuất hiện nhạt nhòa bên cạnh những người thực hiện cấy ghép. Bà chưa bao giờ nhìn thấy V. ở một bữa tiệc ngoài trời trong một bộ váy, bà chưa từng nghe cô kể về những mối tình. Thậm chí bà cũng chưa bao giờ quan tâm rằng ngoài vẽ ra, cô còn bận lòng mình với một điều gì khác không. Nếu không có điện báo, bà làm sao biết được V. sống một mình khi còn là một đứa trẻ. Và ánh mắt V. dịu dàng cảm thông lúc nghe cậu thanh niên mồ côi bà mà bà đã nhầm nghĩ chỉ đơn thuần là thứ tình cảm trai gái ngây thơ ở độ tuổi này, rõ ràng còn nhiều hơn thế. Bà chẳng biết gì về V. cả, bà càng không biết cô đã phải trải qua những gì, sự ích kỷ của V. là từ đâu mà có. Những đứa trẻ như V. đã chống chọi phải những điều gì trong thế giới này, thế giới có thể tổn thương một con người đến tận cùng tâm trí. Bà đã từng định đọc cho V. nghe đâu đó dăm câu mà một nhà văn sống lầm lũi đã chia sẻ khi nhớ về tuổi trẻ của mình. “Chúng ta là những đứa trẻ không có mục đích, và cũng không có vị thế. Chúng ta không có những cuộc đại chiến hay những cuộc khủng hoảng ngoài kia. Cuộc đại chiến của chúng ta là cuộc chiến về tinh thần, còn cuộc khủng hoảng của mỗi chúng ta chính là cuộc sống của chính chúng ta”.

Một lần nữa, đến sau cùng, bà và V. chỉ là những con người rời rạc trong những đoạn trí nhớ rời rạc về nhau. Suy nghĩ đó làm khẽ nhói lên thật đanh ở vùng trán, bà hấp tấp sờ lấy như sờ một nỗi đau.

Kỳ lạ thay, bà không biết liệu bản thân có thể còn tiếp tục cấy ghép vào đầu ai những đoạn trí nhớ hay thực ra đang giải phóng khỏi đầu mình những kỉ niệm còn sót lại trong hành trình tìm kiếm những rời rạc rất riêng – những rời rạc không thể cứ thế mà vẽ thành những hình thù. Trí nhớ vừa có thể thỏa mãn nhưng cũng đồng thời cầm tù ta đến bất lực. Điều gì sẽ xảy ra với những bệnh nhân khi ký ức được tô vẽ không còn kiên cố như lúc ban đầu nữa. Một buổi sáng thức dậy và họ có nhận ra là mình đã quên mất điều gì hay không hay chỉ là cảm giác bất an mơ hồ và mau chóng biến mất. Bà có lục tìm cũng không thấy câu trả lời, dự án không có câu trả lời nào cả.

V. có câu trả lời nào không, hay cuối cùng những gì V. để lại cũng chỉ là một cái tên và chút cảm giác nảy nở không rõ hình thù.

NGUYỄN ANH NHẬT
Sinh năm: 2000
Quê quán: An Hòa, An Lão, Bình Định
* Tác phẩm đã xuất bản:
– Chân đi không hết một cuộc tình (Tập truyện ngắn, NXB Lao Động, 2016)
– Truyện ngắn đăng các báo, tạp chí…
* Tôi viết văn, trước để giải tỏa mình, sau là mong đợi những phản chiếu rất riêng đến từ hành trình mỗi người đọc.

NGUYỄN ANH NHẬT

(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Biển quê

Anh có về uống giọt quê xưa
nơi căng phồng cả một thời tuổi trẻ
nơi mẹ khom lưng cạy hà, chiếc nón nhấp nhô 
biển chưa bao giờ lặng lẽ

Hỗn loạn

im lặng nghe đời mặc cả
im lặng trước lời khen chê
im lặng bên bạn bè, bên người thân đang vội vã

Câu xường rám khói

Mây lay bay gầm trời
Mơ nắng vàng chảy trên da chầm chậm
Mường dưới buông dài mái sàn dáng khói
Mường trên hoa trăng chín đỏ dập dờn

Trôi trên tầng mây

Nắm chặt tấm vé, cô thả trôi nỗi đau trên những tầng mây. Chắc là ngoài kia, sẽ có khoảng trời thuộc về riêng cô. Không có khổ sở, không có hối tiếc…