Từ mái tranh quê

(VNBĐ – Tản văn). Mái tranh quê nhà vẫn là cách gọi chung những ngôi nhà miền quê được lợp bằng tranh, vách đất. Ngôi nhà cha má tôi dựng lên từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, vẫn là vách đất, nền đất và những lớp đá ong chồng lên, giữ cái hè rộng bao bọc ngôi nhà. Trong ký ức tôi, ngôi nhà hình chữ L nằm giữa vườn cây trái sum suê nhìn ra đường làng. Vào dịp Tết, cha tôi trồng bông vạn thọ quanh lối đi, rồi thược dược đỏ, cúc kim vàng cạnh những luống cải trổ ngồng. Gian thờ phía bên phải, giữa là nhà cầu nối nhà trên và bên trái là nhà lẫm. Nhà lẫm rộng ấy, ngoài dùng làm phòng học, đọc sách và nghỉ ngơi nữa thì có vách ngăn làm buồng thuốc Bắc của cha tôi.

Các anh trai tôi học trường Cường Để nên trọ ở Quy Nhơn cuối tuần mới về. Cái phản kê giữa gian thờ, phía chái Nam có cửa sổ cũng kê cái giường là chỗ nghỉ ngơi và học tập của các anh. Bên chái Bắc gian thờ đặt cái bàn để sách vở, có cả cái kèn Tây, phía trên treo cây sáo trúc, cây guitar. Tôi thường khảy mạnh trên sáu dây đàn đọc theo thanh âm: mí, sí, sol, rề,… say sưa dò dẫm với ba bản nhạc Tiếng trùng dương. Những lúc trời mưa, chị em tôi nghịch nước mưa từ mái tranh đổ xuống, bong bóng trắng giòn tan nhanh chóng vỡ ra, chúng tôi thả thuyền, hứng nước đổ vào chai chơi đồ hàng mua bán nước mắm. Còn cha tôi thì dựa vào màu nước hổ phách đậm nhạt ấy để biết tranh mục cỡ nào, lo sắp xếp công thợ lợp lại từng gian mái nhà…

Gian nhà cầu nối rộng, kê cái phản tiếp khách cạnh nhà trên, và cái giường đối diện để lúc bệnh nhân đến nằm đưa tay ra cho cha tôi bắt mạch bốc thuốc. Phía sau nhà cầu nối bước ra là thềm hè bọc lấy cái sân hình chữ nhật, bao quanh là cái buồng gạo, gian nhà ăn có kê cái phản và bếp dài thông hai cửa mở ra sân vườn phía Bắc và phía Tây. Phần tiếp giáp cái sân nhỏ thoáng mát không vách, chỉ che tấm phên dại, đan thưa chắn cái sóng tre đựng chén bát để mưa khỏi tạt ướt. Trong cách bài trí nội thất bấy giờ, từ bếp nấu, bàn ăn, cái gióng treo, cái tủ,… đều tuần tự, ngăn nắp. Tiếp nữa là cái buồng lúa khép kín khuôn viên sân nhỏ, giáp với góc gian nhà thờ trên và có cửa mở ra vườn phía Nam. Dù gọi buồng lúa, buồng gạo nhưng vẫn kê cái giường và có một cái bàn để đồ đạc… Đây cũng là nơi khi hai chị gái tôi sinh con đầu lòng về nằm ở cữ, theo tục “con so nhà mạ con rạ nhà chồng”. Và sau mấy năm, gian phòng này cũng là phòng tân hôn của các anh trai tôi khi lấy vợ.

Sống trong nhà lá mái, mùa mưa thì ấm áp, mùa nắng thì mát mẻ. Mỗi gian phòng, mỗi buồng đều có cửa lớn, cửa sổ. Mặt trước gian lẫm là hướng Nam, gian thờ là hướng Đông, ngoài tấm cửa một cánh lớn bên phải và bên trái mở ra sân lớn, ở giữa có bộ cửa bàn pha bốn tấm. Khi nhà có giỗ, Tết thì mới mở ra hết.

Nhớ nhất là khoảng thời gian mùa hè, các cô, các chị giũ rơm rồi ngồi đánh tranh dưới bóng cây nhãn. Hôm lợp lại mái nhà là rộn ràng nhất. Bữa trưa đãi thợ, chị Năm tôi nấu gạo ba trăng trong nồi đồng thơm lừng, cộng với món canh rau lang nấu thịt bò thơm mùi sả, vấn vít cảm giác thèm ăn mãi. Những tấm tranh vụn mục được dỡ xuống, chị tôi chất thành những ô vuông dưới gốc cây chuối, tủ lá kín. Qua vài đợt mưa, nấm rạ mọc lên chùm chùm, hái đem vào nấu canh bồ ngót, mùi vị còn thơm trong mỗi bữa ăn đến giờ…

Mậu Thân năm 1968, tôi mười hai tuổi rời xa mái tranh quê nhà. Nhớ cái sân trước chị em tôi thường ngồi đón trăng lên, hay dưới bóng cây đào tiên đầu ngõ chúng tôi tranh thủ chơi trốn tìm rồi cãi nhau chí chóe. Xa nhà, không còn đi lượm xoài rụng đầy gốc tháng Ba, hay rón rén những buổi trưa sợ cha má biết, ra vườn trèo lên ngồi vắt vẻo chạc ba cây ổi, ăn những trái vú sữa ngọt ngào đã khèo sẵn bọc trong áo mang lên. Không còn theo các anh vác sào tre đi thọc tổ chim dồng dộc như chiếc giày treo ngược trên cây keo góc vườn. Không còn được cùng các anh chống bè chuối khi nước lụt ngập đầy sân, hay nước rút thì đào trùn nhử lươn vào ống trúm trong hầm chuối ngoài vườn…

Duy chỉ cái sân nhỏ sáng chiều gom bóng nắng nuôi dưỡng tôi lớn lên từ những giò muối dưa, những tỉn mắm ruốc, những chai nước mắm dang nắng trong hè, hay những lúc má đi chợ về chia phần những trái cam, măng cụt quanh sân nhỏ mà thương đến lạ. Cho đến hôm nay, mỗi khi về nhà từ đường tộc Nguyễn thắp nhang cha mẹ, nhìn cái sân nhỏ em tôi đã cho xây lại xung quanh bằng lớp đá ong mà nhớ biết bao. Phải chăng đó là nhân chứng từ mái tranh quê nhà lưu lại hôm nay. Cuộc sống luôn hướng về phía trước với những tiện nghi mới mẻ, hấp dẫn dễ làm người ta lãng quên. Trừ khi, con người ta cứ mãi neo với ký ức, men theo ký ức êm đềm ấy mà sống, mà lớn lên và nhớ về: “Anh về dỡ gỗ đa đa/ Cất nhà lá mái tháng Ba em hầu…”.

NGUYỄN THỊ PHỤNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…