Trang phục thời Tây Sơn

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Dưới thời phong kiến, trang phục với tư cách là văn hiến áo mũ của một quốc gia độc lập, mang một diện mạo vừa có nét tương đồng, vừa có điểm dị biệt so với trang phục của các nước lân cận. Nếu trang phục thời Hậu Lê được du nhập từ nhà Minh (Trung Quốc) thì trang phục thời Tây Sơn có nhiều điểm mới dựa trên những cải cách từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Chúa Nguyễn từ khi vào phương Nam mở cõi, dần dần có ý định độc lập với triều đình chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm 1744, chúa tự ý xưng vương, quyết thay đổi nghi lễ, trang phục từ cung đình cho đến dân gian Đàng Trong đều nhất loạt theo phong khí mới. Từ việc kế thừa một phần trang phục của nhà Lê, tham khảo hình dạng áo mũ trong Tam tài đồ hội của nhà Minh, đặc biệt phổ biến kiểu áo cổ đứng cài khuy, vua chúa triều Nguyễn đã tạo nên “một cõi y quan văn hiến” khác hẳn với các triều đại trước. Như vậy, có thể thấy chế độ áo mũ của nước Việt thường xuyên diễn ra các đợt cải cách, sửa đổi, xuất phát từ tâm lý muốn khẳng định sự tiến bộ và khác biệt về văn vật trong sự đối sánh giữa các vương triều Đại Việt với vương triều Trung Quốc.

Qua sử liệu ghi chép mô tả các dạng trang phục của vua quan nhà Tây Sơn, có thể bước đầu nhận định, phẩm phục triều Tây Sơn đã chịu ảnh hưởng từ cải cách của chúa Nguyễn Phúc Khoát và có nhiều nét tương đồng với quy chế áo mũ của triều Nguyễn Gia Long về sau.

Năm 1778, Charles Chapman – thành viên sứ đoàn Anh quốc, đến kinh đô Hoàng Đế [An Nhơn, Bình Định ngày nay], miêu tả vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc: “Nhà vua mặc một chiếc áo dài bằng lụa vàng đậm, thêu những con rồng và những ký hiệu bằng chỉ vàng. Ông đội một chiếc mũ chật, phía sau nhô lên, phía trước trang trí những đồ châu báu – nổi bật lên trên những đồ châu báu là một viên đá lớn lơ lửng trên không, cách phần phía trước mũ này 135 mm và được giữ vững bằng một sợi dây vàng xuyên qua. Mỗi lần đầu của nhà vua cử động là mỗi lần viên đá này rung rung và sáng rực lên. Phần lớn các vị quan đều mặc áo dài lụa có màu sắc khác nhau, thêu hình những con rồng, mũ họ đội được trang trí bằng những bông hoa bằng vàng hoặc mạ vàng. Họ đeo đai lưng, một vài người mặc áo dài rộng hơn màu hồng điều có khuy móc bằng vàng và được trang trí mã não hồng đính vào cùng thứ kim loại. Bề ngoài của họ nom thực sự đẹp mắt và dù còn thiếu rất nhiều vẻ uy nghi, lộng lẫy như các hoàng thân phương Đông khác, khung cảnh vẫn khiến ta có cảm giác một vị vua quyền lực được quần thần bao quanh đang hiện diện”[1]. Trang phục của binh lính thì “mười hai lính gác, mặc đồ dạ màu xanh lơ, đội một thứ như là mũ cát (casque: mũ bảo hiểm) bọc giấy sơn được trang trí bằng những bông hoa và những họa tiết bằng sắc trắng sạm đen, giống trên chuôi kiếm và bao kiếm của họ”[2].

Đối với trang phục của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, sách Thanh thực lục cho biết: “loại đai thắt quốc vương nước ấy dùng trong nước là đai nền đỏ, nay muốn gia ban đai nền vàng để tỏ rõ sự biệt đãi”[3], đồng thời cho biết “Nguyễn Quang Bình (chỉ người đóng giả vua Quang Trung sang nhà Thanh) về nước, khi qua Quảng Đông, từng nói thích Mãng bào nội địa vì vẻ hoa mĩ, bình sinh chưa từng thấy bao giờ, liền mua mấy tấm ở kinh đô, lại đặt mua ở Hồ Bắc, Hán Khẩu đem về. Nay quốc vương ấy lại gửi dạng thức sang, xin dệt Mãng bào giao long, để làm trang phục triều hội”[4]. Tưởng loại Mãng bào Quang Trung yêu thích là dạng áo kiểu Mãn, Càn Long đã rất mừng, nói “nếu quốc vương này quả có ý đó, trẫm ắt đặc biệt gia ơn, ban cho Lễ phục. Không những ban cho mũ đính đá bảo thạch màu đỏ, áo Mã quái thêu bốn rồng ổ, còn cho theo phục sắc của A Ca, thưởng Mãng bào vàng kim, để tỏ rõ sự biệt đãi”[5], nhưng vua quan nhà Thanh đều không ngờ “dạng thức Mãng bào Nguyễn Quang Bình gửi sang là dạng áo cổ tròn theo quy chế Hán”[6]. Tuy nhiên, vì tình cảm đặc biệt dành cho Quang Trung, Càn Long không những không khiển trách mà còn tự nhủ rằng: “Trẫm biết tục nước ấy xưa nay theo quy chế Hán, y phục đầu tóc đều không thể thay đổi được”[7]. Qua tranh Càn Long bát tuần vạn thọ khánh điển đồ, có thể thấy hình ảnh vua Quang Trung giả xuất hiện trong tranh đội mũ Xung Thiên đính trang sức bằng vàng ở trán mũ, mặc long bào màu đỏ thêu hoa văn rồng mây, sóng nước theo dạng thức bào phục thịnh hành tại Trung Quốc và Việt Nam vào thế kỷ XVII, XVIII.

 

 

Tượng vua Quang Trung chùa Bộc (Hà Nội) và hai vị triều thần phối hưởng đều đội mũ Xung Thiên, Bổ phục Kỳ Lân, theo mô típ tạo tượng TK XVIII. Ảnh: N.T.Q

Gặp nhau tại lễ Bát tuần đại khánh của vua Càn Long năm Canh Tuất (1790), các sứ thần Triều Tiên miêu tả vua Quang Trung [được đóng thế] và sứ thần Tây Sơn, như sau:

Seo Ho Su cho biết: “Ban triều hạ ở điện Thái Hòa và ban tế lễ ở đàn Tịch Nguyệt mới thấy cái gọi là Bản phục. (Bản phục) thì quốc vương đầu chít Võng cân, đội Thất Lương Kim quan, mình mặc Long bào màu đỏ, thắt đai bạch ngọc. Tụng thần (bề tôi đi theo) cũng chít Võng cân, đội mũ Ngũ Lương quan màu đen, mặc Mãng bào, về màu sắc có kẻ mặc màu xanh, có kẻ mặc màu tía, thắt đai vàng, hoa văn trên áo bào vằn vện quái lạ”[8].

Yu Deok Gong ghi nhận: “Vua tôi Quang Bình đều mặc áo mũ Mãn Châu […] Tụng thần là Thượng thư bộ Lại Phan Huy Ích và Thượng thư bộ Công Hạo Trạch hầu Võ Huy Tấn hai người, dáng người thấp bé, mặt mũi khô sạm, răng thưa mà đen. Những người đi theo còn lại cũng đều nhỏ thó. Coi vậy thì Quang Bình là người cao lớn của nước ấy vậy […] Vua nước ấy ngẫu nhiên hỏi sứ thần nước ta rằng cách Nhật Bản xa hay gần. Sứ thần đáp lại. Vua nước ấy định nói tiếp thì bọn Phan Huy Ích liếc mắt ngăn cấm, thật đáng sợ vậy […] Nhóm tùy tùng Phan Huy Ích mặc áo mũ Mãn Châu cũng rất biết xấu hổ. Bảo rằng về nước thì không như vậy, ngày mười ba, yến lễ tại Thái Hòa điện, sẽ dùng nghi lễ cũ của nước tôi vào triều tham. Đến ngày mười ba lại có vị Đại Tư Mã nằm ốm ở sứ quán mới vào chầu, đứng trên Phan Huy Ích. Ba người bỗng chốc thay đổi cách ăn mặc trước đây. Mũ Phốc đầu, đai vàng, áo bào hoặc đỏ hoặc biếc, có hoa văn rồng, mãng; riêng hai lá phúc hậu sau áo quá cao, khi khấu đầu thì nhô lên hai vai, tựa như hai chiếc sừng. Võng cân tết bằng tơ, kết lưới quá thưa, lại không thắt chặt”[9].

Kim Jeong Jong mô tả: “Quan An Nam búi tóc cao dùng Võng cân, bào phục vào chầu và đai sừng rất giống với nước ta, vả lại còn đội mũ gọi là mũ Văn Công”[10].

Theo mô tả của sứ thần Triều Tiên Seo Hao Su, thì vào các buổi triều hạ, tế lễ, vua Quang Trung giả còn đội Thất Lương quan kết hợp với Long bào màu đỏ; các quan tùy tòng đội Ngũ Lương quan kết hợp với Mãng bào. Lương quan là loại mũ Triều phục (kết hợp với áo màu đỏ) kiêm Tế phục (kết hợp với áo màu đen hoặc xanh) theo quy chế Tống Minh, chúng tôi đã trình bày tại phần khảo về Triều phục của bá quan nhà Lý. Lương quan phối với Long bào, Mãng bào là sự kết hợp độc đáo, có lẽ chỉ xuất hiện ở triều đình Tây Sơn. Đây có thể chính là quy chế phẩm phục mới theo ghi nhận của tờ Chiếu lên ngôi của vua Quang Trung “áo mũ vào chầu nhất nhất tuân theo quy chế mới”. Bên cạnh đó, các dạng áo mũ của vua quan Tây Sơn được đề cập trong ghi chép của sứ thần Triều Tiên như Phốc Đầu, Ô Sa, Văn Công, Mãng bào, Long bào, Võng cân v.v… đều là những dạng phục sức được sử dụng trong triều đình nhà Nguyễn. Điều đó chứng tỏ, quy chế phẩm phục của triều Tây Sơn được đặt định trên cơ sở quy chế áo mão triều chúa Nguyễn Phúc Khoát, sau cải cách năm 1744. Ví như việc sử dụng Võng cân, trong khi các quan triều Lê Trung Hưng đều xõa tóc, thì sau cải cách năm 1744, quan lại Đàng Trong búi tóc, thắt Võng cân theo quy chế của nhà Minh. Mũ Văn Công thì tiếp tục được áp dụng làm mũ Thường phục của quan văn nhất, nhị, tam phẩm triều Nguyễn. Ngoài ra, hình ảnh các quan Tây Sơn thể hiện trong tranh Càn Long bát tuần vạn thọ khánh điển đồ và Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cẩn tứ yến chi đồ đều mặc Bổ phục, đội mũ Ô Sa, tương tự các quan Triều Tiên. Riêng vị quan dẫn đầu sứ đoàn, Nguyễn Quang Hiển, mặc Bổ phục màu tía, đội mũ Xung Thiên, trước trán mũ đính quả cầu đỏ. Theo quy chế triều Lê Nguyễn, chỉ có vua chúa mới được đội mũ Xung Thiên. Như vậy có thể cải cách triều phục của triều đình Tây Sơn còn bao gồm việc áp dụng mũ Xung Thiên đối với một số vị vương công đại thần.

Về quân trang của triều Tây Sơn Nguyễn Huệ, Bùi Dương Lịch cho biết “Tây Sơn cho quân mặc áo màu, phần nhiều là màu đỏ tía, trên đỉnh nón, mũ đính lông chiên đỏ, lại thường mặc áo gấm màu”[11]; Sách Minh đô sử miêu tả Nguyễn Huệ “Văn Huệ mặc áo ngân giáp (áo giáp bạc), đầu đội mão thêu đỏ”[12]. Tạ Chí Đại Trường trong Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, cho rằng trong phong trào Tây Sơn có cả một hệ thống tổ chức mang tính tôn giáo. Nguyễn Nhạc được loan tin có gươm thiêng, được xưng tụng là Thượng sư; Nguyễn Lữ cũng mang danh Đại Pháp sư toàn Đàng Trong, vậy nên quan quân Tây Sơn mang màu đỏ thần thánh lên lá cờ, lên sắc mũ áo[13].

Sau cải cách y phục của chúa Nguyễn Phúc Khoát, quần chân áo chít dần trở thành dạng trang phục truyền thống của toàn Đàng Trong, bất kể là vùng đất của dòng dõi chúa Nguyễn hay vùng đất của anh em Tây Sơn. Chapman mô tả trang phục dân gian Đàng Trong dưới sự cai trị của Nguyễn Nhạc năm 1778 cho biết, đàn ông và phụ nữ Nam Hà đều mặc cùng một loại áo cổ nhỏ cài cúc bắt chéo trên ngực. Còn John Barrow cho biết trang phục vùng Gia Định và Nam bộ năm 1792: “Y phục của người dân Nam Hà không chỉ đã trải qua một cuộc biến cách mà còn được rút bớt đi rất nhiều […] Quần áo của giới nữ không có gì là hấp dẫn. Nhìn chung một chiếc áo vải bông dài lụng thụng, màu nâu hoặc xanh, buông rủ xuống tận giữa bắp đùi, một chiếc quần đen bằng vải thô dày, may rất rộng, là y phục thông thường của họ. Họ hoàn toàn không dùng bít tất và đi giày, nhưng tầng lớp trên đi một loại dép hoặc giày vải rộng. Về Lễ phục mặc trong những dịp đặc biệt, một quý bà thường mang một lúc ba bốn chiếc áo màu sắc, dài ngắn khác nhau, chiếc ngắn nhất là nổi bật hơn cả […] Y phục của người đàn ông ít phân biệt với y phục nữ giới, nếu có là một chiếc áo khoác và đôi ống quần dài. Một số người chít khăn quấn đầu, có hình dáng giống như chiếc khăn xếp của người Hồi giáo. Một số khác đội nón, mũ có hình dáng khác nhau và làm bằng những chất liệu khác nhau”[14].

Vào ngày thường, quân dân Tây Sơn cũng mặc áo chít cài khuy, vấn khăn cao trên đầu theo tục của người Đàng Trong. Theo mô tả của Chapman năm 1778, Nguyễn Nhạc sau khi cởi bỏ quần áo thiết triều thì “mặc áo lụa ngắn đơn giản với những chiếc cúc kim cương, quấn quanh đầu một mảnh lụa đỏ như một chiếc khăn”[15]. Nguyễn Huệ khi ra Bắc xin cưới công chúa Ngọc Hân, cựu thần nhà Lê Trần Danh Án vốn căm ghét quân Tây Sơn đã mô tả Quang Trung đội chiếc khăn Trương Giác chất cao trên đầu. Trương Giác là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân thời Hán, còn gọi là giặc khăn vàng. Như vậy, loại khăn Quang Trung vấn trên đầu đương thời là khăn màu vàng[16], được vấn rối, “chất cao” trên đầu. Với bản tính khoan hòa, gần gũi với dân chúng, Quang Trung Nguyễn Huệ khi lên ngôi tại Thăng Long đã tôn trọng phong tục của nhân dân hai miền Nam Bắc, cho phép “y phục dân gian Nam Hà, Bắc Hà đều được theo phong tục của mỗi miền, chỉ có áo mũ vào chầu của bá quan thì nhất nhất tuân theo chế độ mới”[17].

Qua tư liệu ghi chép mô tả các dạng trang phục của vua quan Tây Sơn, có thể cho ta nhận định, phẩm phục triều Tây Sơn đã chịu ảnh hưởng từ cải cách của chúa Nguyễn Phúc Khoát và có nhiều nét tương đồng với quy chế áo mũ của triều Nguyễn Gia Long về sau. Riêng sự kết hợp giữa Lương quan với Long bào, Mãng bào, mũ Xung Thiên với Bổ phục là những biến cách độc đáo, chỉ xuất hiện dưới triều Quang Trung và màu đỏ là đặc trưng của đội quân “áo vải cờ đào”.

NGUYỄN THANH QUANG

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

CHÚ THÍCH:
[1],[2] Charles Chapman. Relation d’un voyage en Cochin-Chine en 1778. tr.30 và 27.
[3],[4],[5],[6],[7] Thanh thực lục (bộ biên niên sử viết về triều Thanh Trung Quốc), Q.1349. tr. 32-34.
[8] Seo Ho Su. Yên hành ký.
[9] Yu Deok Gong. Loan dương lục – Q.1
[10] Kim Jeong Jong. Yên hành lục tuyển tập – Thượng sách.tr.573.
[11] Bùi Dương Lịch. Lê quý dật sử. tr.77, 181.
[12] Lê Trọng Hàm, Hội chủ. Minh đô sử.
[13] Tạ Chí Đại Trường. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802.tr.474.
[14] John Barrow. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793). tr.76, 83.
[15] Chapman năm. Relation d’un voyage en Cochin-Chine en 1778. tr.32.
[16] Tản Ông di cảo phụ tạp lục – Tây Sơn hành. A.2157.
[17] Hàn các anh hoa – Tức vị chiếu.VHc.00893.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.