Trăng điên

(VNBĐ – Truyện ngắn). 

1.

Gã thả mình vào giấc ngủ buồn bã và rã rời khi kim đồng hồ chỉ đúng bốn giờ sáng. Giấc ngủ tựa như một thứ bóng tối đổ sụp xuống gã đầy tự nhiên, không thể cưỡng lại hay thấu suốt. Nhiều đêm, gã để giấc ngủ tuột khỏi tâm trí mình bằng cách cố theo chân nó. Gã sẽ nhắm nghiền mắt lại, nhưng thay vì hòa làm một với màu đen trước mắt mình, gã nhìn lại nó, thử theo dõi xem lúc nào nó sẽ tự động nhập vào mình. Mỗi lần như thế, giấc ngủ là một thứ gì đó thật xa vời, nằm ngoài tầm với của gã. Và trước khi gã nắm bắt được nó hay thấy được thứ gì khả dĩ như những bước chân đầu tiên của nó đến với mình, nó đã bỏ mặc gã lại với màn đêm đen đặc bao phủ lấy khắp ngóc ngách trong gã. Gã với màu đen là hai thế giới khác nhau, gã cứ đứng chôn chân trong tâm trí với bộ dạng của một kẻ thất bại ở bên ngoài màu đen. Thế nên nếu có thể được, mỗi lần ngả lưng xuống chiếc giường của mình, gã rất ít khi đặt cho tâm trí mình những câu hỏi và cố tìm cho mình những câu trả lời, trừ khi gã có nhu cầu thức trắng đêm, mà điều đó lại vô cùng hy hữu…

Mới vừa sáng hôm qua, gã đã bắt chuyến xe sớm nhất lúc trời còn nhá nhem tối để ra khỏi thành phố và trở về trong ngày trên chuyến xe trung chuyển cuối cùng. Cả cơ thể gã mệt lử. Nhưng gã nhất quyết lê bước chân vào nhà tắm kỳ cọ một tiếng rưỡi đồng hồ. Bụng đói meo, tâm trí lờ đờ. Gã nhai vội gói Omachi sống trong lúc chờ nước sôi. Gã chìm vào giấc ngủ sau mấy tiếng loay hoay tưởng chẳng mấy cần thiết lắm. Lẽ ra gã nên đặt lưng xuống giường ngủ vùi luôn một mạch tới sáng thay vì đi tắm. Và tốt hơn nữa, ngay cái giây đầu tiên đặt chân về đến nhà, gã nên sục ngay vào tủ lạnh kiếm thứ gì đó để bỏ bụng liền rồi leo lên giường mới phải. Tắm có thể để dành cho ngày mai, hoặc ngày mốt. Việc làm sạch cơ thể quan trọng với gã đến thế sao? Mới năm ngoái, gã suýt đột quỵ trong nhà tắm và phải bò lăn bò toài trên sàn nước dơ hầy để lê được tấm thân lên phòng nằm. Gã luôn bất lực trước những lựa chọn phù phiếm.

Mặt trăng tròn lơ lửng giữa khung trời đầy mây. Những đám mây cứ không ngừng nuốt chửng mặt trăng vào rồi nhả ra trong một nhịp điệu uể oải, vô tận không biết được mang đến bởi những cơn gió lộng từ tít trên cao kia hay vầng trăng tròn đang tỏa ra thứ ánh sáng bạc đầy mê hoặc. Những đám mây tan biến dưới ánh sáng của mặt trăng rồi lại kết lại thành đám mây mới. Gã ngắm nhìn mặt trăng từ giấc mơ của gã. Biết rằng những gì mình đang thấy chính là ký ức của đêm hôm trước. Gã để mặc cho mặt trăng nuốt chửng giấc mơ của gã, rồi lại nhả ra như những đám mây.

2.
Gã nghêu ngao hát khúc ca đã ăn sâu vào tiềm thức, không cần phải nhớ lời bài hát. Những ca từ cứ trôi tuồn tuột khỏi dòng suy nghĩ tựa những bọt nước. Giai điệu vọng lại từ góc nào đó thật sâu nơi cổ họng, vui mà nghe ra thật buồn thiểu não. Gã không còn biết mình đang hát những gì, chỉ là đang khao khát được phát ra tiếng động để khỏa lấp đi khoảng không im ắng, trống rỗng và mờ nhạt. Thế rồi nó đến. Từ một hốc kẹt nào đó mà nó đã luôn ở đó để chờ sẵn. Đợi đến khi dòng ý thức của gã lảng vảng trôi lại thật gần, rồi nhảy xổ vào, túm chặt lấy riết róng không buông. Gã còn chưa kịp định hình thứ gì vừa mới diễn ra nữa, thế rồi trong khoảng một phần trăm cái tích tắc ngắn ngủi gã biết, rằng chính là nó. Gã bắt đầu giãy giụa, uốn éo, làm đủ mọi trò con bò để thoát khỏi gọng kìm của thứ đó, nhưng tất cả nỗ lực chỉ uổng công. Rồi gã lại chìm nghỉm. Trước cả khi giai điệu của bài hát tắt ngúm.

Gã chới với trong cuộc giằng co giữa mệt mỏi đến rã rời, kiệt quệ và khao khát điên cuồng được thoát khỏi nó bằng mọi giá. Gã những muốn nói với chính mình rằng gã không điên, gã không sao hết, nhưng càng muốn phủ nhận thì nó lại càng hiện lên quá mức rõ ràng, sống động hơn bao giờ hết. Gã không muốn điên nhưng không thể không điên. Đến cuối cùng, gã nhận ra mình đau không phải vì mình đã điên, mà vì không thể che giấu cơn điên của mình với thế giới. Gã không cách gì ngăn nổi những tiếng la hét do chính mình phát ra thay cho tiếng hát. Gã không thể ngừng nguyền rủa, chửi bới và gọi ra những cái tên bất chợt hiện lên trong đầu để cầu cứu. Gã không có cách nào để làm cho nhân dạng méo mó và thảm hại của mình trở nên tàng hình trước con mắt của thế giới ngoài kia. Gã không thể lấy tay che đi trái tim trần đang sưng tấy và mưng mủ của mình, những mong những con mắt đang nhìn chằm chằm vào nó bớt soi mói, hằn học hay nghiệt ngã. Gã không thể cầu xin sự độ lượng của ngoài kia, vì chẳng có bất cứ thứ gì đáng được gọi là độ lượng với bản thân của gã cả.

Gã ôm đầu nhưng không phải vì cảm thấy đau. Trong phim, những người điên thường hay làm như thế. Trong góc phòng, trên chiếc giường quen thuộc của mình, dựa đầu vào bức tường loang lổ những vệt sơn bong tróc theo thời gian. Bức tường có cả thảy ba lớp sơn. Lớp sơn ngoài cùng màu trắng xanh, được sơn cách đây cũng đã gần mười mấy năm. Lớp sơn kế màu xanh da trời nhạt, được sơn khi căn nhà này được sửa sang lại lần duy nhất vào năm gã lên sáu. Và trong cùng là lớp sơn màu xanh lá cây, lớp sơn cũ nhất khi căn nhà này được xây dựng nên. Gã đập đầu vào tường theo nhịp một, hai, ba. Trong đầu gã là những kí ức về những người thân đã sống cùng với gã dưới mái nhà này. Lớp sơn mới nhất là do chính tay gã sơn. Năm đó, gã ra cửa hàng xây dựng mua một thùng sơn về để sơn phết lại nhà cửa theo lời của cô. Nhìn khắp một lượt căn nhà nồng nặc mùi sơn mới nhưng chẳng có bức tường nào trông ra hồn cả, cái nào nếu không hiện ra màu sơn cũ ở dưới lớp sơn mới thì cũng nhơm nhớp, như thể vừa mới bị tạt sơn vào thì đúng hơn, gã chỉ còn nước cười trừ.

– Để khô một lát chắc sẽ khá hơn!

Nói ra câu ấy xong, đến chính gã cũng còn thấy khó tin. Cô đảo mắt nửa như chấp nhận, nửa không cam tâm. Ngay từ đầu gã đã nói rằng đừng trông đợi mấy ở một kẻ vốn dĩ chẳng muốn làm đàn ông như mình rồi còn gì. Dù chẳng mong gì một tiếng cảm ơn hay lời khen ngợi trong dối trá chỉ để xóa đi sự gượng gạo kéo dài quá lâu, nhưng gã vẫn nghe tim mình chùng xuống trước cái quay lưng bỏ đi của cô. Bóng lưng cô cặm cụi xếp đồ vào va li hằn vào bức tường chưa khô sơn. Miệng gã thì khô khốc, đắng nghét. Chẳng có gì để nói ra khi ấy. Có lẽ sự im lặng chậm rãi trôi đi nói lên được nhiều hơn cả những gì gã cất giữ trong lòng. Gã biết ơn nỗi lặng câm khi ấy.

Nỗi sợ bị bỏ lại luôn ám ảnh gã. Người đàn ông đẹp trai nhất gã từng biết ở cùng mẹ con gã hồi còn nhỏ. Gã không biết đó chỉ là hai tháng. Khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ đủ để một đứa trẻ như gã có chút ấn tượng mang máng. Hình như đó là lúc căn nhà mới được sửa lại thì phải. Mẹ bắt gã gọi người đàn ông đó là chú, nhưng gã một mực khăng khăng gọi anh. Bất kể mẹ có viện ra bao nhiêu lý do, sửa lại gã bao nhiêu lần. Cuối cùng, mẹ cũng đầu hàng và để mặc gã gọi anh theo ý thích, một phần cũng vì người đàn ông ấy cũng thích gã gọi như thế. Anh lớn hơn gã bao nhiêu tuổi? Gã không nhớ. Khi mẹ nói anh lớn tuổi hơn gã rất nhiều nên phải gọi là chú mới đúng, gã đã tranh cãi lại rằng trông anh trẻ hơn những người mà gã phải gọi bằng chú. Ngày anh xách ba lô rời đi, gã đã nắm chặt lấy cổ tay gân guốc rám nắng của anh mà lắc lấy lắc để, vật nài anh ở thêm với mẹ con gã. Anh chỉ cười mà chẳng nói gì. Buổi chiều anh đi ra sân ga cùng mẹ gã phải ở nhà để trông nhà. Bóng chiều hắt lên bức tường rọi xuống nền nhà láng bóng đã được chính tay anh lau chùi cẩn thận từng ô với đôi tay vừa rắn chắc vừa mảnh dẻ. Bức tường mà bao đêm dài gã cố chịu đựng cơn buồn ngủ khi nằm cạnh anh trên giường, chỉ để nghe anh thủ thỉ kể cho nghe những câu chuyện không đầu không cuối do anh tự nghĩ ra, rồi lấy tay tạo ra bóng trên tường để minh họa. Gã chẳng thể nhớ nổi khoảng thời gian đó ngắn ngủi và chóng vánh đến thế, vì tất cả những kỷ niệm đong đầy trong đầu óc non nớt của đứa trẻ con vẫn còn vẹn nguyên nơi gã. Trong vòng tay của anh, gã từng hỏi:

– Mốt lớn lên em sẽ làm vợ anh nhé, chịu không?

Anh có lẽ đang nở một nụ cười nữa trong bóng tối nhập nhoạng của nửa đêm, vì gã nghe thấy rõ hơi thở của anh phả lên mái đầu của mình.

– Em là con trai mà, em phải kết hôn với một cô gái nào đó thật xinh đẹp chứ!

Sợ mẹ nằm ở giường bên nghe thấy, anh lại khẽ đưa tay lên miệng gã.

– Với lại, anh xấu thí mồ. Lại già nữa. Không hợp với em đâu.

Khi đứng đó ngắm nhìn bức tường sáng lên trong ánh nắng chiều và hồi tưởng lại những ký ức vừa mới còn là thứ gì đó thật gần, thật sống động như mới hôm qua, mới chỉ cách đây nửa tiếng, mười lăm phút, hay vài giây ngắn ngủi, lần đầu tiên trong đời gã cảm thấy hụt hẫng vì bị bỏ lại. Những thứ mới diễn ra cách đây không lâu giờ chỉ còn có thể sống lại trong ký ức. Bóng hình thân thương và gần gụi tựa như đưa tay ra là có thể nắm bắt ngay được giờ lại trở nên quá xa vời đến thảng thốt. Làm sao lại có thể như thế? Khoảng trống choáng ngợp đến mức khó có thể hít thở một cách thoải mái được. Trái tim như muốn nổ tung vì nỗi nhớ cồn cào. Anh không bao giờ trở lại một lần nào nữa. Mẹ nói anh phải đi xa để học đại học. Mẹ nói rằng anh sẽ gọi điện và viết thư về khi đã đến nơi an toàn. Nhưng những cuộc gọi, hay bức thư ấy của anh có lẽ chỉ là những lời hứa không bao giờ được thực hiện.

Gã không nghĩ mình là một người có quá nhiều nỗi ác cảm với những lời hứa không thể thực hiện. Thế mà mẹ lại kể rằng ngày còn nhỏ, gã ghét cay ghét đắng khi bị thất hứa. Trước sự kinh ngạc của gã, mẹ nhắc lại câu chuyện gã đã từng dằn dỗi như thế nào vì mẹ quên thực hiện lời hứa sẽ mua quà cho gã sau chuyến đi khám bệnh ở tận một thành phố lớn.

– Khi ấy, suýt chút nữa là mẹ còn không nhận ra con trai của mình đấy! Mẹ tự hỏi trong sợ hãi và hoang mang tột độ rằng không biết thằng nhỏ ghê gớm trước mặt mình này là ai nữa. Con khóc lóc, còn gào toáng lên, rồi gọi mẹ với tất cả những từ ngữ xấu xa mà con học được. Thế rồi dường như chừng đó còn chưa vơi bớt cơn tức giận trong lòng, con còn chiến tranh lạnh với mẹ cả ngày. Mẹ thề với chính mình là sẽ không bao giờ khiến con thất vọng vì bất cứ lời hứa nào nữa, và bằng cách đó sẽ dạy con trở thành một người có uy tín, biết trọng chữ tín.

Gã toan mở miệng định nói rằng ngay cả lúc này đây gã còn không nhớ nổi mình từng hứa gì với mẹ nữa thì mẹ lôi từ trong hộc tủ cạnh giường cái hộp bút bằng nhựa có in hình Doraemon. Gã bối rối khi bắt gặp những lọ thuốc rỗng trong hộc hơn là vì một cái hộp đựng bút cũ mèm, nhưng lựa chọn giữ im lặng. Gã chẳng còn lời nào để nói với mẹ hay có quá nhiều thứ mà lại không biết bắt đầu từ đâu? Mẹ còn bao nhiêu thời gian nữa? Mẹ đã đau đến mức phải phụ thuộc vào thuốc giảm đau hay sao? Liệu dùng quá nhiều thuốc giảm đau có khiến cho bệnh tình của mẹ ngày một trầm trọng?

– Mẹ lại quên đã hứa gì với con lúc trở lại đó tái khám lần thứ tư. Lúc đặt chân xuống nhà ga, mẹ sực nhớ ra nên vội vội vàng vàng đi tìm một nhà sách để mua cho con hộp bút. Nhưng lúc ấy nhà sách lại không có cái hộp bút với hình vẽ con muốn. Con không biết mẹ đã hồi hộp đến mức nào khi lấy từ trong túi xách ra cái hộp bút này đưa con đâu, mẹ cứ nơm nớp sợ con sẽ lại nổi cáu lên vì cái hình không đúng, rồi mẹ sẽ phải la hét, tranh cãi đủ thứ với con, chỉ để lại dỗ dành và an ủi con sau đó. Nhưng con có nhớ mình đã nói với mẹ câu gì khi con thấy mẹ vào nhà không?

– Mẹ đừng thử thách trí nhớ của một tên điên chứ!

– Con không phải một thằng điên, con của mẹ. Con đã hỏi mẹ khi ấy rằng mẹ có làm sao không. Con không biết khi vừa mới nghe con nói xong câu đó mẹ cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào đâu. Như thể mọi bệnh tật trên người mẹ đều tan biến hết thảy, mọi gánh nặng của cuộc đời mẹ cho đến lúc đó đều được trút ra hết.

Mẹ không giữ lời hứa cuối cùng với gã, rằng mẹ sẽ sống cho đến khi gã bước qua tuổi ba mươi. Người sợ sẽ làm gã thất vọng vì không thể giữ lời lại khiến gã trở nên tuyệt vọng. Gã không thể nảy sinh bất cứ ác cảm nào với những lời hứa nữa, nhưng gã cũng không còn tin vào những lời hứa hẹn.

Mẹ từng tựa đầu vào tường như gã bây giờ. Gã đếm những ký ức trôi trên dòng ý thức cho đến khi nó cũng cuốn cả gã vào đó.

3.
Trong đêm dài thăm thẳm, gã lần mò dưới ánh trăng điên đi hết từ ký ức này đến ký ức khác. Những nấm mồ. Nhưng gã từ chối nhìn chúng như những nấm mồ dù chúng giờ chẳng khác nào những nấm mồ. Không còn là những ký ức nữa, mà là nấm mồ. Không có hiện tại nào được lưu lại, để chất chồng lên những ký ức thành một cuộc đời. Chỉ có một quá khứ bị bỏ lại, quay lưng và để mặc cho đóng bụi. Chẳng phải đống bụi thời gian đó đủ để khiến ký ức thành một nấm mồ vô danh? Ký ức bị đè lên bởi thời gian, mà thời gian chắc cũng có sức nặng của nó. Những bước chân của gã bị ánh trăng điên gột rửa. Gã không có bất cứ vết tích nào của sự hiện hữu cả. Gã cũng trở thành một nấm mồ chôn giấu và cất chứa bao điều không thể quên, chẳng thể vứt bỏ lại sau lưng nhưng không thể mang theo đi đến cùng trời cuối đất. Lãng quên là một tội nghiệt, nhưng cất bước cũng chẳng khác nào một nỗi ám ảnh khôn nguôi và dai dẳng. Giữa ánh trăng đêm, gã tha thẩn đi tìm một sự cứu thoát. Cất tiếng kêu cứu bằng những câu hỏi không lời đáp:

– Có ai không? Có ai ở đây không?

Từ bao giờ, gã không thể cầu nguyện một cách bình thường nữa. Nếu cầu nguyện một cách bình thường, mẹ có nghe thấy không? Tại sao gã lại cầu nguyện mẹ khi cả đời đã nói chuyện với mẹ như hai mẹ con, không phải như hiện tại, mà chỉ còn là một người còn sống với một kẻ đã khuất, một bóng ma, một khoảng trống. Thứ từng là một mối quan hệ tưởng chừng như bất khả tách rời như mẹ con, giờ đây mong manh như một cơn gió, chẳng khác một làn khói hương thả vào trong hư không. Đến cả mẹ ngồi trước mặt gã còn có khi không hiểu nổi thì gã sẽ làm gì với mẹ bây giờ, một khoảng trống câm lặng vô tận?

– Mẹ ở đâu? Mẹ có nghe thấy con không? Mẹ có nhìn thấy con không? Mẹ có hiểu con đang muốn gì không?

Gã không thể hiểu nổi sự im lặng muốn nói gì với gã nữa. Rằng gã nên buông tay mẹ và sống cuộc đời của mình? Rằng gã nên đứng lên từ đống đổ nát mang tên cuộc đời và biết ơn vì mình vẫn còn một thứ gì đó có thể sửa chữa?

Một lời cầu nguyện tử tế sẽ là như thế này: Mẹ ơi, cô ấy nói với con rằng con chỉ muốn trốn tránh áp lực của một người đàn ông nên mới tự lừa dối chính mình rằng mình không phải một người đàn ông. Cô ấy khiến con nghĩ rằng chỉ cần cố gắng một chút nữa thì con sẽ có thể làm lại cuộc đời mình, cuộc đời của một kẻ đóng vai trò trụ cột của gia đình. Cô ấy nói con có thể làm được, vì ai cũng như thế cả. Nếu mọi người làm được, con cũng có thể làm được. Con cầu xin mẹ hãy giúp con có thể trở thành một người đàn ông, mẹ nhé! Con xin mẹ đấy! Con sẽ cố gắng mạnh mẽ, bởi vì cô ấy cần con, bởi con cần phải thế!

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Đôi khi trong mơ, anh lại trở về với gã. Gã không thấy khuôn mặt của anh với từng đường nét cụ thể. Gã biết đó là anh vì bóng hình đó mang lại cảm giác ấm áp và an toàn mỗi khi được nằm trong lòng anh. Anh cầm tay gã và gã tựa đầu vào vai anh. Anh ôm gã vào lòng. Gã sà vào lòng anh trong hình hài của một đứa trẻ. Anh cười với gã, nhoẻn miệng để lộ ra đôi hàm răng trắng và phả vào mặt gã hơi thở nồng ấm. Gã trở mình rồi quay mặt vào bức tường, cúi gập người xuống như thể để giữ bóng hình ấy ở lại với mình lâu hơn. Biết rằng một giấc ngủ chỉ vỏn vẹn tám giờ đồng hồ còn không dài bằng hai tháng được ở cùng anh khi đó. Không thể kéo dài tám tiếng thành hai tháng, cũng không thể giữ chân anh hơn hai tháng thành cả đời. Gã hét lớn với anh từ phía sau, bao giờ cũng vậy, trước khi giấc mơ kịp tan biến và gã choàng tỉnh giấc. Nhưng cố đến đâu, dường như vẫn cứ là không kịp. Anh bỏ đi trước khi câu hỏi của gã có thể thành câu.

– Anh ở đâu?

Có lẽ nếu trên đời này có một người đàn ông dành cho gã thì gã đã không phải làm một người đàn ông. Gã phải đóng vai một người đàn ông để làm gì chứ? Gã thường nói với chính mình rằng gã cần làm điều đó. Vì gã không thể hình dung cuộc đời mình sẽ ra sao khi không có cô. Cô không gọi gã là thằng điên. Cũng như mẹ, cô nói rằng chỉ cần ở cạnh cô, gã không phải bận tâm đến thế giới ngoài kia chỉ trích mình những gì. Nếu không có cô, gã chỉ còn lại chính mình với cái thế giới thù nghịch không có chỗ dành cho những tên điên. Nhưng thật ra, nếu phải nói thật lòng mình, thì gã không nghĩ mình đưa ra lựa chọn này vì lý do đó. Gã chỉ có một mình với cái thế giới tàn nhẫn ngoài kia, từ trước đến giờ, bất kể có ở cạnh cô hay với một người phụ nữ nào đó khác đi chăng nữa. Gã phải gồng mình trở thành người đàn ông của chính mình. Vá víu và bù đắp cho những lỗ hổng và khoảng trống trong vô vọng. Gã ghét phải làm điều đó, nhưng lại không biết phải thừa nhận sự thật đó với chính mình ra sao. Chẳng lẽ gã thảm đến thế sao? Gã từng sợ câu hỏi đó nhất vang lên trong đầu mình.

Gã phớt lờ tiếng chuông báo động inh ỏi vang theo mỗi nhịp đập của trái tim chưa từng được sinh ra để dối trá chủ nhân của nó. Gã cũng không cách gì qua mặt được trái tim của mình để tiếp tục sống như một diễn viên kém cỏi. Không thể qua mặt được cô. Không thể qua mặt được mẹ. Gã chưa từng nói ra một lời dối trá nào, nhưng dường như điều đó lại đồng nghĩa với việc cả ngàn lời dối trá độc ác đã tuôn ra từ miệng gã. Gã khóc với mẹ, nói rằng mình đã làm cho mẹ thất vọng khi không thể lớn lên thành một người biết giữ chữ tín. Gã đánh mất niềm tin với tất cả những ai bước qua cuộc đời mình, gã còn không thể tin rằng mình đáng tin cậy. Cuộc đời gã là một trò đùa của vị thần số phận hay sao?

4.
Mỗi khi gào lên, lồng ngực lại đỡ tức hơn một chút. Nhưng càng gào, ngực sẽ càng đau nhói, và cổ họng sẽ rát đến mức như có cả ngàn bánh cưa li ti trong đó đang kẽo kẹt hoạt động hết công suất, nhấm nhẳng từng chút một chút ý thức còn sót lại của gã. Gã sợ những đêm mất ngủ, oái oăm thay, thường là những đêm trăng tròn.

Từ trên ban công tầng hai, gã nhìn xuống mảnh sân nhỏ trước nhà phía dưới với ngổn ngang rác rến đang chờ được xe hốt rác của nhân viên môi trường tới dọn. Mỗi khi ánh mắt họ hướng lên nhìn gã sau mỗi tiếng gào, gã lại muốn lấy tay che miệng lại hết sức bình sinh hay bóp nghẹn cổ họng cho không thể phát ra âm thanh gì nữa. Gã không đủ can đảm để tự làm đau mình hơn nữa, nhưng lại có thể quên phắt đi gương mặt của những người đi đường đang nhìn mình ái ngại và tiếp tục gào thét trong điên cuồng. Đến một lúc nào đó, cho dù cả ngàn con mắt lấp đầy kín cả không gian thì thế giới này cũng chỉ còn một mình gã với sự cô độc đến đáng sợ. Gã không thấy được gì từ bất cứ thứ gì nữa ngoài một khoảng trống mênh mang kéo dài từ trong lồng ngực mình đến vô hạn. Chẳng gì lấp đầy nổi. Đến cả tiếng gầm gừ ngậm trong miệng cũng vang lên thấu tận trời xanh. Một lần nữa, gã chẳng hiểu nổi tại sao mình lại làm như vậy, để làm gì. Gã càng vụng về muốn thu lại nỗi đau lan ra thành một hố sâu khổng lồ thì lại càng trở thành một thằng điên, càng đắm sâu hơn vào cơn điên. Có phải chính cơn điên khùng bộc phát cùng nỗi đau đã đẩy gã càng lúc càng xa khỏi một sự cứu rỗi và rộng lượng nào từ phía những con người ngoài kia và chìm sâu hơn vào cái hố không đáy của chính gã? Nếu đó là một trách nhiệm mà gã không thể phủ nhận và nhất định phải chịu thì sao?

Mẹ kịch liệt phủ nhận khi gã tự nhận mình là thằng điên.

– Con chỉ cần nghĩ là mình hơi khác biệt so với đa số mọi người thôi, có được không?

– Cái khác biệt đó của con mẹ được gọi là bất thường đó. Khác biệt không hẳn đã điên, nhưng bất thường chắc chắn là điên, điên nặng luôn.

Mẹ một hai bắt gã hứa với mình rằng sẽ không bao giờ tự nhận mình bị điên cho dù có bị cả thế giới gọi là thế đi chăng nữa. Mẹ nghiêm nét mặt lại và nắm chặt lấy tay gã, nói nếu như gã không thể trở thành một người có uy tín thì ít nhất cũng phải làm được cho mẹ chuyện này.

– Mẹ muốn nói với con rằng đó là nguyện ước cuối cùng của đời mẹ hay sao?

– Đúng thế. Không chỉ là nguyện ước của mẹ, mà đó là trách nhiệm của con khi con sinh ra làm con trai của mẹ. Con chỉ được nhớ rằng mình xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất, nếu không ai tôn trọng con thì chính con phải tôn trọng mình.

Gã không biết mẹ có nghĩ những tiếng ậm ừ cho qua chuyện của gã sau đó là một lời hứa chắc nịch và đáng tin cậy hay không. Nỗi đau gã phác thảo cho mình trong những cơn điên cuồng khờ dại có cả sự thất vọng vì không làm tròn lời hứa với mẹ. Dù gã không chắc đó có phải là một lời hứa đúng nghĩa. Gã nghĩ rằng tất cả những ai từng không nghĩ rằng gã điên đều bỏ mặc gã, gã cũng chỉ có thể tự bào chữa rằng mình không điên, chỉ là do mình quá cô đơn mà thôi. Trong cơn điên ấy có cả nỗi sợ rằng chính những người tin tưởng vào sự tỉnh táo và bình thường của gã nhất nếu chứng kiến bộ dạng của gã lúc này chắc hẳn sẽ chẳng còn kiên định như đã từng. Đến cả những nấm mồ của ký ức rồi cũng sẽ vụt biến mất. Mẹ sẽ gọi thẳng gã là một thằng điên, giải thích rằng không phải vì mẹ đã bắt gã hứa một điều quá sức đến nỗi không thể giữ lời mà do chính anh đã tự hủy hoại mọi thứ. Anh sẽ không còn nở nụ cười toét miệng xuề xòa trước mọi câu hỏi của gã. Cô sẽ lớn tiếng trong nước mắt rằng mình đã hối hận làm sao khi không tin những gì gã nói ngay từ đầu.

Gã không phải là một thằng đàn ông. Gã là một tên điên. Gã phát điên vì cô độc. Gã hét lớn hơn bao giờ hết với cái thế giới đang chìm vào tĩnh lặng của ánh trăng nửa đêm, như thể muốn nói rằng gã chưa từng điên. Chưa từng có lúc nào gã là một thằng điên.

YUKIKO TENGO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.