Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu

(VNBĐ – Thơ và lời bình). “Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu…”, cuối cùng thì Chế Lan Viên đã trở về với mặt đất, với không gian làng quê, với con trâu giữa bạt ngàn hoa lau dân dã. Nhưng không phải trở về làm chú mục đồng nghêu ngao vô tư, vẫn còn đó một ý thức về bản thân – nhà thơ! Để lại tiếp tục làm một hành trình siêu tưởng, hóa thân thành vua Đinh thuở chăn trâu cắt cỏ “đánh trận giặc cờ lau” mà nói chuyện của thời đại mình…

Hành trình trở về ấy hơn nửa thế kỷ, từ buổi ban đầu cậu học sinh mười bảy tuổi đã tự nhận mình mang tiền kiếp dân Chàm khóc than cho một dân tộc “điêu tàn”, ngạo nghễ “ta nằm ở giữa cân trời đất – khối ngọc chưa nghiêng một hướng nào”! Đến thời Cách mạng tháng Tám, Chế đã hòa vào dàn đồng ca thời đại, phủ nhận quyết liệt cái Tôi lãng mạn, sung sướng và tự hào “Ta là Ta mà vẫn cứ mê Ta”! Để rồi sau bao thăng trầm biến động, ngơ ngác trở về tìm con người bản thể, ông chợt nhận ra sau bao năm tháng cất giọng hùng tráng và say sưa, mình đã mất đi bao hồn nhiên thuở cũ! Khi con người chạm ngưỡng ranh giới sống – chết thường sống thật với lòng mình nhất, để nói những lời thành thật. Xét ở phương diện này, nhà thơ có thể không hổ thẹn với những gì mình viết ra vì tất cả đều là thật. Thời “Điêu tàn”, Chế đã ngoảnh nhìn quá khứ để ngẫm về một thân phận trong sự tồn vong của một dân tộc để tiếc thương hoài niệm; chặng đường từ “Ánh sáng và Phù sa”, Chế đã nhập vào hiện thực máu lửa anh dũng của chính dân tộc Việt mình, trong tư thế “nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” để viết những vần thơ như mũi chông hòn đạn nhắm thẳng quân thù, không ngẫm ngợi nhiều cho sống – chết của cá nhân; và khi cuộc sống trở lại bình an, Chế mới thật sự có những phút giây sống cho riêng mình, sau khi đã qua bao trải nghiệm bể dâu:

Thế mà không đâu
Gặp Thập Nhị sứ quân đầu rừng cuối quận
Thành ra người dẹp loạn
Rồi làm tướng làm vua
Lắm chuyện nhức đầu

Rốt cuộc, bao nhiêu năm đóng vai kẻ khác, cuốn theo thời cuộc, thói quen ấy không dễ bỏ ngày một ngày hai nên kể cả khi quay lại “chầm chậm tới mình”, một lần nữa “nhà thơ cưỡi trâu” vẫn ngỡ mình là vua Đinh tìm về chốn cũ, tìm bạn mục đồng mà bỗng chốc thấy bơ vơ vì đã quá xa thuở hàn vi dân dã. Có còn tìm lại được gì chăng?

Thì vẫn còn đó, vẹn nguyên: cành lau vàng vọ, con trâu nghé ngọ, tiếng gió, mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ… Những hiện hữu của một thời quá vãng giúp kẻ trở về thảng thốt nhận ra mình đã quá vô tình! Như vua Đinh mải miết trận mạc, mải dẹp loạn, làm tướng, làm vua không một phút rảnh rang trên hành trình bước lên đài danh vọng. Khi phải bận tâm “lắm chuyện nhức đầu”, thì có phút rảnh rang nào nhớ chút hương xa đồng nội!

Ôi cái thuở “nhà thơ cưỡi trâu”, mới đẹp mới đáng luyến tiếc làm sao! Được thả mình mơ chiến trận oai hùng một cách hồn nhiên, giắt cờ lau để chúng bạn công kênh thán phục. Có con trâu bầu bạn, hát nghêu ngao, chuyện trò thủ thỉ, người và vật quyến luyến thân thương. Còn lúc trở về tìm lại, chợt nao lòng:

Cho tôi về với cành lau
Vàng vọ
Về với con trâu nghé ngọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu?

Không gian hiu hắt ngàn lau xào xạc, cả buổi chiều tiếng “nghé ngọ” vọng khắp như tìm kiếm lơ ngơ, đứa trẻ mục đồng năm xưa mải chơi lưu lạc phương nào để “cặp sừng bỡ ngỡ… không biết cọ vào đâu”? Có một tiếng nói nội tâm thôi thúc giục giã “cho tôi về…”, về để tìm lại chính mình của một thời xưa ấy! Khoảnh khắc hoài vọng ấy để chợt nhận ra tất cả “đã lâu…”, đã xa… đã cuốn đi tất cả những gì một thuở là của mình…

Như vua Đinh bị bao quanh bởi “danh vọng ầm ào, vinh quang xí xố”, nhà thơ chợt nhận ra cái vô nghĩa lý của trò chơi quyền lực, chán ngán và mệt mỏi bởi chúc tụng, ganh ghét, bon chen. Đối cực tâm trạng được hình thành trong khoảnh khắc phân thân giữa quá khứ – thực tại. Liên tiếp là những câu hỏi mang tính chất tự vấn, kiếm tìm:

Hoa Lư ở đâu?
Hoa lau ở đâu?
Hồn lau ở đâu?
Hồn ta ở đâu?

Chất suy tưởng trong thơ Chế Lan Viên đã phát huy cao độ hiệu quả thẩm mĩ trong đoạn kết đầy trăn trở này! Nhịp thơ riết róng, khắc khoải trong điệp khúc “…ở đâu?” lan tỏa nuối tiếc day dứt. Và liên tưởng điệp trùng nối kết thành không gian lung linh thực – ảo: Hoa Lư – hoa lau – hồn lau – hồn ta… Những nỗ lực kết nối để trở về với đất cũ, cảnh xưa. Tìm lại hồn xưa, đẹp xưa là để tìm lại một thời rất đẹp của hồn ta. Mỗi lời thơ thấm thía cảm giác của một người đã đánh mất quá nhiều, nhưng đọng lại là phút như gặp lại chính mình. Trở về với bản lai diện mục, nghĩa là chưa đánh mất chính mình, âu cũng là hạnh phúc!

TRẦN HÀ NAM

Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh

CHẾ LAN VIÊN

Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu
Đánh trận giặc cờ lau.
Thế mà không đâu
Gặp Thập Nhị sứ quân đầu rừng cuối quận
Thành ra người dẹp loạn
Rồi làm tướng làm vua
Lắm chuyện nhức đầu
Cho tôi về với cành lau
Vàng vọ
Về với con trâu nghé ngọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu?
Đã lâu không nghe hồn lau nữa
Xa tiếng gió xạc xào
Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ…
Chỉ nghe danh vọng ầm ào
Vinh quang xí xố
Hoa Lư ở đâu?
Hoa lau ở đâu?
Hồn lau ở đâu?
Hồn ta ở đâu?
1988

(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…