Tình người trong đại dịch

(VNBĐ – Ghi chép). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống nhân dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng tâm dịch. Cả hệ thống chính trị và người dân vừa căng mình chống dịch vừa thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Trong gian khó, nguy nan, tình người ấm sáng…

Cả cộng đồng cùng dốc sức…
Một buổi sáng trung tuần tháng Tám, chúng tôi dừng lại khá lâu trước “Gian hàng 0 đồng” do UBMTTQ Việt Nam huyện Tuy Phước phối hợp cùng Ban Chỉ huy quân sự, Hội LHPN và Huyện đoàn Tuy Phước thực hiện. Điểm tiếp nhận gian hàng được đặt tại Trung tâm VH-TT&TT huyện. Bà con lục tục mang gạo, mì, các loại rau củ đến “Gian hàng 0 đồng”. Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Nguyễn Công Ý, Bí thư huyện đoàn Tuy Phước cho hay: “Chúng tôi tiếp nhận hàng vào các ngày thứ 2, 4, 6, chuẩn bị và trao các suất quà cho bà con vào các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Chúng tôi di chuyển “Chuyến xe 0 đồng” đến địa phận các xã, mang các nhu yếu phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, gạo… để cung cấp cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong các vùng giãn cách, những hộ dân đang cách ly tại nhà”. Bà Quang Cẩm Thu, Trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái Tuy Phước, trải lòng: “Đây là lúc cần hơn hết sự chung tay của cộng đồng. Chúng tôi huy động sự giúp đỡ của bà con, trao các phần quà, các thiết bị hỗ trợ y tế cho các nhân viên y tế, các chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện và đồng bào tâm dịch xã Phước Hòa (Tuy Phước), Nhơn Phong (thị xã An Nhơn)”.

Người dân đến đóng góp, hỗ trợ cho “Gian hàng 0 đồng” tại huyện Tuy Phước. Ảnh: V.P

An Nhơn là nơi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 22.8, thị xã An Nhơn đã có 150 ca mắc Covid-19, điều trị khỏi 90 ca, 2 ca tử vong. Cũng trong những ngày này An Nhơn có 5 xã phường trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập. Để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, TX An Nhơn đã bổ sung nhiều giải pháp mạnh hơn như: Tăng cường quản lý các chợ truyền thống, quản lý cách ly người về từ vùng dịch, quản lý người ra vào địa bàn, thành lập các đội tuần tra kiểm soát xã, phường… Mặc dù vậy, An Nhơn vẫn xuất hiện nhiều ca dịch cộng đồng do tình trạng “chặt ngoài lỏng trong”. Hiện TX đã thành lập 4 khu cách ly tập trung với 718 giường đảm bảo hoạt động an toàn. TX đã cho thành lập các tổ Covid cộng đồng, mỗi tổ từ 3-5 thành viên phụ trách 30-50 hộ dân. Hiện đã có 1.080 tổ với 3.398 người tham gia. Mặt trận và các đoàn thể đã tích cực vận động hỗ trợ bà con gặp khó khăn trong các khu cách ly, phong tỏa, thành lập “Chuyến xe 0 đồng”, mỗi xã phường đều thành lập các “Tổ đi chợ” để giúp bà con, nhất là các gia đình đang cách ly tại nhà được đảm bảo vấn đề lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Chị Lê Vũ Vân Kiều, Chủ tịch Hội LHPN An Nhơn tâm sự: “Hiện tại, mỗi ngày, 177 cán bộ, hội viên phụ nữ nòng cốt và tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch Covid – 19 trên địa bàn. Không chỉ làm tốt công tác hậu cần được giao, chị em còn hỗ trợ đắc lực Tổ giám sát cộng đồng. “Gian hàng 0 đồng” đã tặng gần 2.500 xuất quà, chuyển 2 tấn gạo và 200 thùng mì tôm đến bà con 15/15 xã, phường. Hội LHPN cũng thành lập 15 Đội Phụ nữ Áo xanh “Đi chợ giúp dân” tại 15 xã, phường”.

Theo bà Trương Thị Bích Hoa, Chủ tịch Hội LHPN TP Quy Nhơn, khi dịch Covid-19 với biến chủng mới bùng phát trở lại, các cấp Hội phụ nữ thành phố đã phát huy tinh thần “Đoàn kết, tương thân, tương ái”, sáng kiến nhiều mô hình hay, hiệu quả, đồng thời tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ủng hộ vật chất, tinh thần cùng chung tay chống dịch.

Hội LHPN phường Hải Cảng xây dựng mô hình “Bữa sáng 0 đồng” nhằm chia sẻ đến người dân lao động bữa ăn nghĩa tình trên địa bàn. 21 cơ sở Hội của thành phố tham gia tổ chức hỗ trợ cải thiện các bữa ăn phụ cho các lực lượng tại 3 điểm chốt Quốc lộ 1D, 1A và Cảng cá Quy Nhơn từ ngày 19.7 đến 03.10. Ngoài ra, chị em còn tham gia làm kính chống giọt bắn để tặng bà con tiểu thương tại các chợ; tiếp sức tại các điểm tiêm vaccine; ủng hộ tiền và nhu yếu phẩm qua các kênh kêu gọi của MTTQ, Hội Chữ thập đỏ…

Mô hình bữa sáng 0 đồng của Hội LHPN phường Hải Cảng. Ảnh: Hội LHPN TP. QN

Với phương châm “Xung kích, san sẻ, chung tay”, tuổi trẻ tỉnh Bình Định cũng đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực như tuyên truyền phòng dịch thông qua hình thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hỗ trợ thông tin cho người dân; tổ chức các chuyến xe 0 đồng, chuyến xe nghĩa tình; tham gia trực chốt, tổ chức bếp ăn ăn tình nguyện tiếp sức tuyến đầu chống dịch… Mô hình “Shiper áo xanh đi chợ giúp dân” do Thành đoàn Quy Nhơn và Đại học Quy Nhơn tổ chức đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ các chốt kiểm tra phòng chống dịch, các hộ gia đình cách ly tại nhà, các điểm cách ly trên địa bàn thành phố. Bạn Nguyễn Văn Hòa, phụ trách đội “Shiper Áo Xanh” cho biết: “Các tình nguyện viên của đội thực hiện việc vận chuyển cơm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các điểm chốt, các điểm cách ly tại nhà, khách sạn trên địa bàn thành phố… trung bình mỗi ngày hơn 100 suất. Công việc vất vả nhưng các tình nguyện viên đều dốc lòng, dốc sức góp phần cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19”. Và điều đáng quý là DNTN Phương Linh đã đồng hành cùng chương trình “Shiper Áo Xanh”, hỗ trợ 2.000 lít xăng tiếp sức cho ĐVTN tình nguyện vì cộng đồng.

Tại Phù Mỹ, người dân từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch ngày càng nhiều, trong khi các khu cách ly của xã đã đủ số người quy định, nhiều hộ dân đã tự nguyện giao nhà ở, nhà từ đường để làm nhà ở cách ly. Bác sĩ Nguyễn Thái Học – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện – giao hẳn ngôi nhà từ đường của họ tộc ở xã Mỹ Tài cho 3 người từ TP. Hồ Chí Minh về ở cách ly. Bà Lê Thị Minh, 70 tuổi ở thôn Trinh Vân Bắc, xã Mỹ Trinh dọn đồ đạc đến sống với người con trai cùng thôn, giao ngôi nhà đang ở cho 5 thanh niên từ tâm dịch về ở cách ly…

Điều kiện sinh hoạt trong khu cách ly thiếu thốn, nhất là khẩu trang và nước sát khuẩn nên nhiều đoàn thể ở các xã, thị trấn đã quyên góp, hỗ trợ kịp thời. Đoàn Thanh niên thị trấn Phù Mỹ đã quyên góp và hỗ trợ cho 2 khu cách ly ở thị trấn nhiều nhu yếu phẩm trị giá 4 triệu đồng; Hội Nông dân xã Mỹ Lộc hỗ trợ cho các khu cách ly hàng nghìn khẩu trang và nhiều chai nước sát khuẩn; các chiến sĩ dân quân, công an các xã Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ An vào tận các phòng cách ly để đưa cơm và nhu yếu phẩm… Những việc làm ấy ngoài ý nghĩa đảm bảo công tác cách ly an toàn, hiệu quả… còn là tình người, mong muốn những người cách ly khỏe mạnh sớm trở về đời sống bình thường.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao hỗ trợ nhu yếu phẩm tại chốt kiểm soát dịch TX. An Nhơn. Ảnh: Thanh Toàn (MTTQ tỉnh)

Chỉ tính đến trung tuần tháng 8, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiếp nhận hơn 28 tấn hàng hóa trị giá hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các đoàn thể tổ chức 11 “chuyến xe nghĩa tình” phân phối 1.415 suất quà cùng một số nhu yếu phẩm khác trị giá hơn 710 triệu đồng, góp phần hỗ trợ người dân các địa phương khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nghĩa đồng bào dang rộng vòng tay…
Trong cơn đại dịch, tình người được nhen lên ấm áp với những hỗ trợ, chia sẻ thiết thực. Không chỉ san sớt nhau những khó khăn tại quê nhà, người Bình Định còn hướng đến bà con ở xa quê và cả đồng bào đang ở vùng dịch chịu nhiều khó khăn hơn.

Ngày 11.8, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định về việc tổ chức thêm 5 chuyến bay (mỗi chuyến khoảng 190 người) đón công dân Bình Định sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 về quê. Trước đó, tỉnh đã tổ chức thành công 5 chuyến bay đón 935 công dân Bình Định đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM có hoàn cảnh khó khăn về quê an toàn. Chuyến bay thứ 6 ngày 17.8 đưa 195 công dân và chuyến bay thứ 7 ngày 22.8 đưa 192 công dân về khu cách ly tập trung của tỉnh. Toàn bộ chi phí về quê và thực hiện cách ly tập trung đều được tỉnh hỗ trợ. Nghĩa cử cao đẹp này nhằm chia sẻ với TP. Hồ Chí Minh trong công tác chống dịch và hơn hết, là tình cảm quê hương dang rộng vòng tay đón nhận những người con Bình Định xa quê đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Khi xem những hình ảnh bà con bước xuống sân bay Phù Cát, có người còn dắt díu theo con nhỏ trong bộ đồ bảo hộ, ai nấy đều xúc động. Kết nối với anh Trần Duy Linh (Hoài Ân), người đã được hỗ trợ đưa về quê trên chuyến bay nghĩa tình, anh thổ lộ: “Mình có 3 con nhỏ, vì con nhỏ nên vợ ở nhà chăm các con chỉ có mình là lao động chính trong nhà. Tình hình dịch nên công việc của mình cũng khó khăn. Thêm nữa gia đình mình cũng đang có tang chế nên cả nhà mong mỏi về chịu tang mẹ. Tình hình chung, ai cũng khó khăn cả, gia đình mình may mắn được tỉnh và Hội đồng hương hỗ trợ về quê trong chuyến bay ngày 4.8. Mình thực sự rất mừng và xúc động khi được trở về quê nhà”.

Ngành y tế tỉnh nhà ngay trong giai đoạn khó khăn nhất vẫn đưa lực lượng hỗ trợ vùng dịch TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương như trước đó cũng đã từng “chia lửa” với Phú Yên, Bắc Giang, Đà Nẵng… Cụ thể, ngày 29.7, Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức đoàn công tác hỗ trợ tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh chống dịch gồm 02 bác sĩ, 06 điều dưỡng và 03 KTV xét nghiệm. Ngày 30.7, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa cử đoàn công tác gồm 14 bác sĩ, điều dưỡng tham gia chi viện cho TP. Hồ Chí Minh điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngày 10.8, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa tổ chức tiếp đoàn công tác thứ hai gồm 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng, 2 KTV xét nghiệm nhằm hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Giữa tháng Bảy, trên chuyến xe nghĩa tình, thị xã An Nhơn cũng đã gửi đến bà con đồng hương những nhu yếu phẩm từ quê nhà. Anh Phan Văn Phúc, một người An Nhơn xa quê hiện đang sinh sống tại TP. HCM xúc động chia sẻ: “Nhận được quà hỗ trợ từ phía quê nhà, bà con trong này mừng và xúc động lắm. Các anh em trong Hội đồng hương An Nhơn đã tiếp nhận và mau chóng giao các phần quà cho bà con An Nhơn. Ở Sài Gòn còn có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là vào lúc dịch lan rộng khắp thành phố, khó thêm khó. Những món quà nhỏ lúc cấp bách này thực sự rất cần thiết”. Anh Phúc cũng đã đứng ra vận động các bạn cùng khóa 1998-2001, Trường THPT An Nhơn 1 và các mạnh thường quân đóng góp để cứu trợ bà con. Đến ngày 9.8, các phần quà được trao tặng đến bà con An Nhơn với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.

Nhóm Thiện nguyện TT Bình Dương (Phù Mỹ) ủng hộ tiền xăng cho người từ tâm dịch về quê. Ảnh: B.T.P

Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, trên QL1A, mỗi ngày có hàng ngàn người từ các tỉnh thành phía Nam trở về quê hương bằng phương tiện xe máy. Quán ăn, trạm xăng bên đường ngừng phục vụ, và cũng có không ít sự e ngại, dè dặt khi tiếp xúc. Những gương mặt hốc hác, những ánh mắt thảng thốt, lo âu bởi hành trình trở về nhà tránh dịch gặp không ít khó khăn, hiểm nguy…

Thấu cảm được tình cảnh của những đoàn người tự phát hồi hương tránh dịch, chị Nguyễn Ngọc Linh Đa và nhóm Thiện Tâm Tùy Duyên (Quy Nhơn) đã tự nguyện chốt trực 24/24 tại QL1A dưới chân đèo Cù Mông để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ những người hồi hương. Trong 3 ngày từ 30.7 – 01.8, nhóm Thiện Tâm Tùy Duyên đã hỗ trợ hơn 1.200 lượt người với các phần quà gồm thực phẩm thiết yếu, sữa, nước uống, xăng, hỗ trợ sửa xe… với chi phí hơn 120 triệu đồng do các nhà hảo tâm đóng góp.

Cám cảnh đôi vợ chồng trẻ và đứa con thơ trên đường về Quảng Bình, chị Nguyễn Thị Song Sinh, bán bánh mì ở thị trấn Bình Dương (Phù Mỹ) đã không nhận tiền bán bánh còn mua tặng thêm lốc nước suối. Từ cảm xúc đó, chị đã yết bảng “Bánh mì, nước uống 0 đồng cho khách đường xa” rồi thực hiện phục vụ miễn phí cho những người hồi hương ghé lại. Nhiều người thấy chị Sinh làm vậy đã góp thêm cơm, bánh, nước uống. Qua hơn một tháng hoạt động, nhóm chị Sinh đã hỗ trợ hàng nghìn suất cơm, nước uống, bánh ngọt và tiền xăng cho người đi xe máy từ các tỉnh phía Nam ngang qua. Gần đây, nhóm còn hỗ trợ cơm nước cho các khu cách ly ở phía bắc huyện Phù Mỹ, phòng khám Đa khoa khu vực Bình Dương và chốt kiểm dịch chân đèo Phú Thứ… Không chỉ có chị Linh Đa, chị Sinh, dọc theo QL1A, những ngày tháng 7, đầu tháng 8, dễ dàng bắt gặp những tấm bảng ghi vội đặt bên đường: “Miễn phí”, “Hỗ trợ người về quê tránh dịch” cùng cơm, bánh mì, nước uống, sữa, xăng…

Ban Thường trực UBMTTQ VN tỉnh phối hợp với Hội đồng hương Bình Định tại TP. HCM và UBMTTQ VN tại TP. HCM tổ chức “Chuyến xe nghĩa tình” vận động người dân trong tỉnh cùng chung tay góp sức với người dân TP.HCM khắc phục khó khăn do dịch Covid19. Qua đợt kêu gọi, đã vận động được hơn 380 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá hơn 8,4 tỷ đồng hỗ trợ người dân tại TP. HCM. Đồng thời, thông qua Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM, MTTQVN tỉnh và các hội đoàn thể cũng đã tổ chức chương trình “Quà xứ Nẫu gửi Sài Gòn thương” gồm 3 đợt với gần 4.000 suất quà cho bà con Bình Định tại Sài Gòn đang gặp khó khăn do dịch.

Trong những ngày đầy lo âu, phấp phỏng, đau buồn do đại dịch, tình người đã bật sáng như một nguồn sáng bất diệt. Tình cảm ấy là đức tính vốn có, tự trỗi dậy theo phản xạ tự nhiên, hiển hiện bằng nhiều việc làm bất ngờ, đầy cảm động, không kể hết được.

Đấy là niềm tin, sức mạnh đoàn kết để toàn dân cùng chung tay, chung lòng vượt qua đại dịch.

NHÓM P.V

(Văn nghệ Bình Định số 100 tháng 8.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…