Tiếng lòng thao thiết của người trẻ trước cuộc đời

(Đọc tập thơ Ngày mắc cạn của Vân Phi, NXB Hội Nhà văn, 2020)

(VNBĐ – Đọc sách). Ngày mắc cạn là tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ Vân Phi. Tập thơ đã tạo một dấu mốc quan trọng trong hành trình hơn 10 năm cầm bút của anh. Từ những bài thơ đầu tay viết vào thời sinh viên, rồi sau khi ra trường và cho đến hôm nay là cả một chặng đường với những thay đổi lớn. Càng về sau, Vân Phi viết chắc tay hơn, để lại dấu ấn rõ nét hơn đối với độc giả.

Ngày mắc cạn với 42 bài, chủ yếu được viết theo thể thơ tự do. Thể thơ này dễ bộc lộ tình cảm, cảm xúc một cách tận cùng của chủ thể trữ tình. Mỗi bài thơ như một câu chuyện kể, câu chuyện ấy có thể vui, có thể buồn nhưng đa phần nỗi buồn chiếm ưu thế. Đó là những suy tư, trăn trở; đôi lúc là những cảm xúc thăng hoa bất chợt nhưng tất cả là tiếng lòng thao thiết của một người trẻ luôn hướng về cuộc sống, về quê hương, nguồn cội. Muốn về lại ngày xưa,/ nghe tiếng vót nan trên chiếc chõng tre/ ngày đôi tay ba chắc mầm cây rựa/ từng nhịp, từng nhịp đã thành điệu khúc/ chiếc rế bên hiên nhuộm khói bếp đen huyền (Ta tìm gì phía ấy ngày xưa).

Viết về điều gì thơ Vân Phi cũng chất chứa những nỗi niềm day dứt, đó là sự thức ngộ của một người trẻ đang sống trong một xã hội mà mọi thứ thay đổi chóng vánh. Cái mà con người quan tâm nhất như niềm tin, biết đâu rồi cũng sẽ có ngày mắc cạn? Câu hỏi ám ảnh tâm hồn người thơ, cứ chập chờn, cứ quẩn quanh, cứ day dứt trong tâm não và cả sự hiện hữu ở bên ngoài. Có một sớm loài người mắc cạn/ trên xác ngày ngỡ tươi tắm dưới bình minh/ họ đã trao nhau niềm tin bọc qua kẹo ngọt/ họ nâng niu về sự sống như biển cả bao dung ôm lấy những thân phận bé mọn/ họ bàn về tự do và minh triết của loài người/ về môi sinh/ về tuyệt diệt/ nghiêm túc và hồ hởi/ như cái cách tôi thấy họ vinh danh loài vích biển,/ trên bàn nhậu// có một mẹ vích lạc vào bãi cạn đêm qua (Ngày mắc cạn).

Vân Phi cảm nhận trong sự khủng hoảng niềm tin và cả những ám ảnh về thân phận. Mọi thứ được nhìn trong cặp mắt đầy hoài nghi, ẩn tàng nhiều bất trắc. Vì thế, đôi lúc anh cảm thấy lạc lõng, chênh vênh giữa cõi người. Và cũng chính điều này là câu trả lời xác đáng nhất vì sao trong thơ Vân Phi luôn có hình ảnh của những giấc mơ, tìm lại ngày xưa, nỗi mong ngóng được trở về quê cũ để sống lại những ký ức xa xăm, muốn được hồi sinh, muốn được trở lại xuân thì…

Thơ Vân Phi luôn ẩn hiện những hoài niệm về quê hương, làng xóm, về mẹ cha và cả những gì vốn gắn bó thân thuộc từ thuở thiếu thời. Chủ thể trữ tình trong thơ Vân Phi nhớ về cố hương với tất cả sự “thèm khát”. Bởi từ khi rời làng lên phố “ta” đã quăng mình vào cuộc mưu sinh được thua cơm áo nên nỗi nhớ về mảnh đất chôn nhau lại càng da diết hơn. Ta lên phố/ giã từ bùn lấm gót chân/ quăng mình vào cuộc mưu sinh được mất/ dường như đã chẳng còn gì có thể làm tổn thương ta giữa trùng khơi quăng quật/ ngoài nỗi cô đơn. Sự cô đơn đã ăn mòn vào đời sống hiện tại, nên nhân vật trữ tình “xin” trở lại quê hương để “nghe đêm rót vào cuống rạ trơ khô nỗi niềm cổ tích/ và hơi đất nồng nàn tình người chân thật…” (gã con nít ngoại ô). Cuộc sống phồn hoa nơi phố thị với bao hào nhoáng nhưng cũng lắm đua chen nên “gã nhà quê” lên phố cố oằn mình thích nghi để mà tồn tại. Sự thích nghi “miễn cưỡng” thành ra vui ít buồn nhiều. Để rồi, nhà thơ cố “va vào xưa cũ”: ta gặp ta một chiều nay/ bên hiên phố đã rơi dày niềm xưa// ta về tìm chút buồn vui/ phố im lìm quá, ta cười riêng ta. Nhưng tất cả lại “vỡ trôi”: va vào một chút lặng thinh/ nghe đêm rớt xuống đời mình hoang vu. Bất giác trong “giấc chiêm bao ngày nguyệt thực”, vào lúc đêm khuya khoắt anh đã tự “khâm liệm” chính mình.

Hiểu và nếm trải nỗi lòng của những người ly hương, vì thế những vần thơ Vân Phi viết về điều này bao giờ cũng thấm đẫm nỗi niềm và sự cảm thông sâu sắc. Bài thơ viết cho đứa em gái rời quê lên Sài Gòn làm đứa con xa xứ, đọc mà nghe quay quắt, ngậm ngùi: này cô gái tuổi em mười sáu/ xa quê hương xa mẹ xa cha/ xa giàn tigôn hoa vỡ bên hiên nhà/ xa áo trắng thơ ngây, em làm đứa con xa xứ.

Mười sáu tuổi phải rời quê? Là thân con gái? Mà phố thị ở đó với bao lọc lừa, cạm bẫy? Sài Gòn, phố che chân mây rong dài sợi nắng/ chẳng như quê mình thênh thang gió neo cánh đồng xanh/ em, cô gái quê lên chốn thị thành/ vẫn vất vả đôi bàn tay bé// dẫu ở nơi đâu thì em vẫn thế/ sống thẳng ngay, chân chất đượm nghĩa tình/ mặc cho năm tháng xói mòn đời bạc thếch/ em tự an ủi mình mạnh mẽ hơn xưa.

Ngôn từ trong thơ Vân Phi chứa đựng khả năng biểu cảm lớn vì đó là ngôn từ của cảm xúc, tình cảm của một trái tim chân thành. Thơ anh mang vẻ đẹp thuần khiết, hồn hậu ngay cả khi chữ nghĩa đang dùng để diễn tả, phản ánh những điều hụt hẫng, bất an. Qua Ngày mắc cạn, Vân Phi đã trải lòng mình với mọi thứ xung quanh để cảm nhận thấu đáo và sâu sắc hơn về con người và cuộc đời. Với những gì mà anh chuyển tải không chỉ đơn thuần là tâm sự của riêng anh mà nó còn phản ánh tâm thế của rất nhiều người trong xã hội hiện đại.

Là tập thơ đầu tay nên Vân Phi cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định của một người làm thơ trẻ. Như việc anh quá say sưa, ôm đồm và cố tạo ra sự “mới mẻ” trong cái gọi là thơ hậu hiện đại. Nhưng với sự cầu thị, niềm đam mê và sống tận hiến hết mình với văn chương như anh; tôi tin, anh sẽ là một cây bút đầy hứa hẹn trên con đường chữ nghĩa ở phía trước.

NGUYỄN VĂN HÒA

(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…