Thuê bao quý khách…

(VNBĐ – Truyện ngắn).

1.

Quân gọi điện thoại, hỏi Thùy có ở nhà không, Quân sang. Khi đó Thùy đang thừa thãi thời gian, chẳng biết làm gì cho hết ngày. Dạo gần đây, Thùy hay rơi vào tâm trạng chán chẳng muốn làm gì. Mà càng ở không lại càng chán. Càng chán lại thấy ngày dài… Lẩn quẩn mãi không thoát ra được. Một đứa bạn khuyên Thùy: “Đến trung tâm tư vấn tâm lý đi. Chứ tao nói mày chẳng nghe, vừa mệt vừa hao nước miếng!”. Đồ keo kiệt, tiết kiệm với Thùy cả cái thứ chẳng quý báu gì!

Thùy cũng từng đến trung tâm tư vấn trong một trạng thái khác, cứ tưởng khi đó là nguy kịch nặng nề nhất trong cuộc đời, không thể vượt qua nổi. Sau này, Thùy mới nghiệm ra cái tính quan trọng hóa vấn đề nó hại Thùy. Lần nào Thùy cũng nghĩ: “Chết rồi, lần này quá sức chịu đựng rồi!”. Chuyên viên tham vấn tâm lý là một người trẻ măng, có khuôn mặt baby mà thoạt nhìn, Thùy nhớ ngay đến hình ảnh thằng Út nhà Thùy mỗi lúc nó hăm hở cầm cái đùi gà nóng hổi vừa được lấy ra từ nồi cháo. Và cũng tự dưng Thùy không còn có hứng thú chia sẻ gì với “thằng bé” ấy. Không khéo vấn đề của chuyên viên còn nặng hơn của khách hàng thì mệt! Thùy bỏ về không để lại lý do.

Lần này, Thùy không đến gặp chuyên viên mà gặp cha xứ. Đúng hơn thì Thùy đi dự lễ ở nhà thờ. Tan lễ, Thùy chưa về ngay mà lang thang trong khuôn viên sân vườn để làm một việc: đếm xem tối nay có mấy nụ quỳnh nở?

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Công việc này khiến Thùy thích thú một cách kỳ lạ. Dù rằng, cái khoảnh khắc ngắn và đẹp nhất của một bông hoa ấy, Thùy đang “khò khò” trên giường rồi. Vậy mà mỗi lần đếm nụ hoa, Thùy vẫn hớn hở như thể bụi hoa đó đang ngự trị trong chính căn phòng của mình. Đến bụi quỳnh cuối cùng, cạnh ghế đá nơi có bức tượng Đức Mẹ bằng gỗ, vị cha già nở nụ cười hiền hậu: “Mùa này hoa nở nhiều phải không?”. Thùy giật nảy mình, tại sao cha biết Thùy đang đếm hoa? Vị cha như nhìn thấu tâm can Thùy, đọc được cả thắc mắc ấy qua ánh mắt tròn xoe của Thùy. Ông nói thật chậm: “Con biết không, nơi góc vườn này mang tên Bình Yên đấy!”. Mắt Thùy tròn to hơn. Giọng cha ấm áp: “Đúng vậy”. Ông chỉ tay về phía ngã tư: “Con thấy đấy, ngoài kia là phố phường nhộn nhịp. Trên gương mặt người đầy những lo toan, sầu khổ, ghen ghét, oán hận… Và cánh cổng nhà thờ đã ngăn cách chúng với con người. Đấy, nơi đây không mang tên Bình Yên thì là gì?”. Thùy đến ngồi cạnh cha, ánh mắt cô như một hồ nước, rộng và buồn mênh mang: “Có nghĩa là khi con ra khỏi cánh cổng, tâm trạng nặng nề ấy sẽ bấu vào cổ con, đeo theo con, có khi còn trừng mắt nhìn con, mắng: “Tan lễ sao còn chưa về, sao để tôi đợi lâu thế? Có biết tôi mỏi chân lắm rồi không?”. Mắt Thùy chùng xuống như buổi chiều đến quá vội bởi đám mây u ám. Cha nhìn Thùy, ân cần: “Mọi vấn đề do con người gây ra thì đều có cách giải quyết. Hãy tin như thế!”.

Quân lại nhắn: “20 phút nữa Quân đến đó!”. Thùy chán ngấy cảnh gặp Quân mà chẳng biết nói gì. Nói ra chuyện gì cũng thấy nhạt. Nhạt đến độ có bỏ thêm vài tấn muối thì cũng không đậm đà hơn được, không thể cứu vãn được. Thường thì gặp nhau, đi ăn, rồi Quân kiếm cớ gì đó để về phòng. Mà nhiều khi cũng chẳng cần cớ gì thì Thùy vẫn về phòng vì còn biết đi đâu. Nghe nhạc thì cả hai không hợp thể loại, xem phim thì không phải lúc nào cũng có phim hay để xem, đi nhà sách thì Quân chỉ đứng ngoài giữ xe và soi gương ở kính chiếu hậu để nặn mụn… Thôi thì về nhà. Về nhà cũng lại chẳng biết nói chuyện gì. Đứng tựa cửa nhìn ra vườn thì có vẻ bi thảm quá, ngồi đối mặt nói chuyện thì không biết nói chuyện gì, mà nằm ườn ra thì nhạy cảm, dù thật lòng Thùy chẳng có ý gì. Chú của Thùy từng bảo: “Đừng để con trai về phòng. 100 thằng thì đến 99,9 thằng khi bước một chân vào phòng con gái thôi đã nghĩ đến chuyện đó!”. Nhưng Thùy không tin lời chú cho đến khi để Quân bước vào phòng Thùy…

Thùy nằm dài trên salon. Điện thoại để hờ hững trước mặt. Thùy chạm vào màn hình cảm ứng, định nhắn cộc: “Thùy bận” nhưng ngập ngừng hồi lâu. Bỗng Thùy nhớ lại lời cha xứ: “Ở mỗi chặng đường trong cuộc đời, ta đều có phận sự phải hoàn thành việc ở chặng đường đó. Có phải con đã dừng lại trạm dừng chân nào đó quá lâu rồi không?”.

2.
Quân từ nhà tắm đi ra, chỉ quấn cái khăn trên người. Bằng giọng nói ngọt ngào nhất có thể, Thùy nhìn thẳng vào mắt Quân: “Nếu chúng ta có con thì sao?”. Quân điềm nhiên trả lời: “Thì nuôi chứ sao?”. Quân không phát hiện ra có gì lạ, vì lần nào Thùy cũng hỏi Quân câu này, và lần nào Quân cũng trả lời như một cái máy đã cài đặt sẵn. Sau đó thì tuyệt nhiên mất tích vài tháng, có khi cả năm mà chẳng hỏi xem “con chúng ta” có hay không, nếu có thì mấy tháng rồi. Và nôn nóng gặp nhau để áp tai vào bụng nói chuyện với con, giống như những ông bố biết cách làm vui lòng mẹ đứa trẻ. Thùy nghĩ đến đó cảm thấy ê chề quá! Tự dưng Thùy có linh cảm đứa trẻ đã hình thành từ cách đây vài phút, bố của nó là một gã trai “chuẩn men” theo kiểu chỉ cần bước một bước chân qua khỏi cửa phòng con gái là nghĩ ngay đến chuyện đó. Và mẹ nó là người lợi dụng sự có mặt của nó để trốn chạy chuỗi ngày nhàm chán. Thùy thấy cả hai đều tệ ngang nhau. Nghĩ mà thương cho đứa trẻ!

3.
Ở một cửa hàng thuốc Tây, Thùy được nhân viên phổ cập cách thử thai rất chi tiết. Thùy cũng chỉ là mua cho có, chứ linh cảm cho Thùy biết rất rõ: đứa trẻ đang dần hình thành trong Thùy. Bắt đầu là cảm giác bồn chồn, rồi nhạt miệng, ngực căng… Có vài lần Thùy còn nôn ọe khi ngửi thấy mùi cá biển bốc lên từ nhà hàng xóm. Vậy là chính xác rồi! Thùy nghĩ ngay đến việc “bắt” Quân lại để “chịu tội” chung với Thùy. Cô nhắn tin: “Đến gặp Thùy gấp!”. Quân tử tế gọi lại cho Thùy, hỏi: “Có chuyện gì à?”, giọng Quân hiền khô và chẳng giống tên sở khanh đang tìm đường tẩu thoát. Máu nóng trong người Thùy dịu xuống. Quân ân cần hỏi: “Em ổn không? Sao lại im lặng?”. Giọng Thùy ngập ngừng: “Hình như… em có con rồi!”. Thùy cố tưởng tượng ra sắc mặt Quân nhưng không thể, chỉ nghe giọng Quân điềm nhiên: “Thì anh sẽ nuôi!”. Thùy hỏi lại: “Phải là chúng ta nuôi chứ!”. “Ừ, em đừng lo lắng gì kẻo ảnh hưởng đến đứa trẻ!”. Thùy cúp máy, thẫn thờ nghĩ: Mình lúc nào cũng đa nghi, Quân không phải là một ông bố tồi. Thùy sửa lại suy nghĩ hôm trước là cha đứa bé rất tốt, chỉ có mẹ đứa bé là ích kỷ. Ý nghĩ ấy khiến Thùy thấy đỡ tội nghiệp nó hơn.

Ngoài giờ đi làm, Thùy tích cực đọc các loại sách kiến thức về chăm sóc trẻ, phụ nữ mang thai. Thùy siêng năng dọn dẹp lại nhà, chuẩn bị đón thêm thành viên mới. Cứ như thể đứa trẻ ấy sẽ xuất hiện trong nay mai. Nó sẽ ngồi bên cạnh khi Thùy làm việc, ngoan ngoãn như một chú mèo con. Thùy nghĩ nếu nó là con gái, Thùy sẽ sắm cho nó rất nhiều váy hoa và giày búp bê đủ màu. Cuối tuần, nó sẽ cùng bố mẹ đi dạo công viên và chụp những bức ảnh thật đẹp. Nếu nó là con trai, hẳn sẽ cao ráo và đẹp trai giống Quân. Tính tình của nó chắc cũng ngoài lạnh, trong ấm, tỏ ra đầy bí ẩn như Quân để khối cô gái chết mê chết mệt! Nhưng là con gái hay con trai thì phải chờ hơn ba tháng nữa mới biết được. Trong thời gian đó, Thùy có khối việc phải làm.

Trước tiên là việc đối phó với người thân. Ở quê Thùy, không chồng mà sinh con gọi là chửa hoang. Khi đó nỗi ô nhục của cha mẹ không có gì sánh nổi. Họ sẽ thất vọng như thế nào về Thùy, đứa con mà họ đặt niềm tin tuyệt đối. Ngày Thùy vừa mới tốt nghiệp đại học, họ đã hối thúc Thùy lấy chồng, tổ chức đám cưới đàng hoàng để còn nở mày nở mặt với xóm làng. Khổ thân họ vì từ trước đến nay, Thùy chưa nghĩ sẽ ràng buộc người đàn ông nào bằng tờ giấy hôn thú. Còn tiệc cưới, dưới cái nhìn của Thùy, đó chẳng khác nào hình thức tra tấn tập thể. Thùy phải làm sao để họ chấp nhận việc Thùy không chồng mà có con? Hay là Thùy khỏi về nhà trong suốt thời gian ấy. Cũng chỉ độ vài tháng cuối thai kỳ thôi mà, còn lại thì vẫn về bình thường. Cùng lắm Thùy khoác thêm cái áo khoác bên ngoài.

Kế đến, Thùy phải chuẩn bị tinh thần đối phó với dư luận chung quanh. Thùy không có ý định giấu giếm cái thai. Đứa trẻ chẳng có lỗi gì. Chưa ra đời đã phải trốn chui trốn nhủi thì tội nó quá! Rồi mọi người sẽ hỏi cha đứa trẻ là ai. Thùy nên khai Quân ra hay để lấp lửng cho xóm nhiều chuyện trong công ty có đề tài để bàn? Khi đó, tất cả đàn ông từng quen biết, trò chuyện với Thùy đều nằm trong danh sách “thủ phạm”.

Cuộc sống của Thùy bận rộn hẳn lên. Những nỗi lo lắng cũng rõ ràng chứ không mờ ảo như ngày trước. Chúng như một đoàn quân hùng dũng tiến lại gần Thùy, mạnh mẽ và đông đúc. Thùy ở trạng thái thiếu chủ động, không biết phải chiến đấu với tên nào trước, tên nào sau. Thùy nhớ lại có đọc trong một cuốn sách nào đó, việc người mẹ stress sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần thai nhi. Thùy cầm điện thoại gọi cho Quân.

4.
Hồi chuông đổ dài. Thùy gọi thêm lần thứ hai, thứ ba, vẫn là tiếng nhạc chờ đều đều đến lạnh lùng ấy. Sao bỗng dưng tình yêu của Thùy dành cho đứa trẻ mới hôm qua còn đầy đặn, nay đã vơi xọp đi thế này. Thùy nghĩ, nếu Quân biến mất, có khi Thùy không còn hào hứng gì với đứa trẻ nữa. Nhưng Quân không biến mất mà gọi lại cho Thùy. Vẫn cái giọng điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra ấy: “Có chuyện gì không em? Khi nãy anh bận họp!”. Tự dưng Thùy nghĩ đến việc phải quan tâm đến bố đứa trẻ hơn, ít ra là cũng biết Quân đang làm công việc gì, có áp lực lắm không? Giọng Quân có vẻ buồn: “Có vài chuyện, nhưng anh sắp xếp được. Còn em?”. “Em thì không sao, nhưng con chúng ta…”. Thùy nói rất chậm và bỏ lửng câu nói để xem phản ứng của Quân thế nào. Nhưng Quân không có phản ứng gì, chỉ bảo: “Anh sẽ sắp xếp thời gian đến thăm em!”, rồi cúp máy. Thùy bị hụt hẫng, bao nhiêu kiêu hãnh của “thời con gái” mới vài ngày trước còn, nay biến mất. Để một gã trai “chẳng ra gì” như Quân xem chuyện ghé thăm Thùy giống một hình thức ban ơn! Mà thôi, mọi thứ đã khác, Thùy cũng phải tập khác đi. Thùy định nhắn hỏi Quân: “Anh yêu con của chúng ta chứ!”, nhưng thôi vì biết luôn câu trả lời của Quân: “Đương nhiên rồi!”. Thùy chọn lọc ra một câu hỏi cụ thể hơn để nhắn cho Quân: “Anh sẽ đến ở cùng với mẹ con em chứ?”. Bao giờ Quân cũng trả lời tin nhắn rất nhanh: “Nhất định rồi! Chúng ta là một gia đình mà!”. Thùy vẫn chưa yên tâm, hỏi tiếp: “Bao giờ anh tới?”. Tin nhắn ấy không được gửi đi vì Thùy thấy như vậy là lụy tình quá, hạ thấp mình quá, ràng buộc Quân quá! Dù gì cũng phải giữ lại chút kiêu hãnh chứ!

5.
Sự kiêu hãnh còn sót lại trong Thùy tồn tại thêm đúng ba ngày. Sáng của ngày thứ tư, Thùy nhấc máy gọi cho Quân nhưng điện thoại chỉ phản hồi lại bằng giọng nói quen thuộc “thuê báo quý khách tạm thời không liên lạc được…”.

Lần nào cũng vậy, rơi vào tình huống này, Thùy không thể nghĩ lạc quan theo kiểu: máy hết pin, Quân tắt máy vì bận họp, đi đến nơi không có sóng, v.v… được. Thùy luôn nghĩ bi quan: Quân đã cao chạy xa bay. Đã bao nhiêu lần Quân bị nghi oan bởi suy nghĩ ấy của Thùy. Nhưng lần này là thật! Quân đã rời khỏi thành phố.

Thùy buông thõng người xuống salon sau khi xác thực điều đó từ một mối quan hệ uy tín. Vậy là viễn cảnh chụp ảnh gia đình ở công viên không thực hiện được. Vậy là Thùy sẽ phải đối đầu với hoàn cảnh làm mẹ đơn thân. Và tủi nhục nhất là Thùy bị một đứa “chẳng ra gì” bỏ rơi trong lúc đang mang giọt máu của hắn. Thùy thấy mình bị tổn thương thật sự! Ý nghĩ ấy khiến Thùy muốn nổi loạn, nhưng bằng cách nào? Quăng ném đồ đạc, gào thét thật to, ngửa cổ tu hết một chai rượu… Tất cả hành vi đó dường như không cân xứng với tâm trạng Thùy hiện tại. Thùy chọn cách im lặng và quan sát thái độ của chính mình. Đó cũng là phản ứng quen thuộc của Thùy mỗi khi gặp chuyện buồn. Thùy nhìn quanh căn phòng rất ngăn nắp và ấm cúng của mình. Trên tường đã treo những tấm ảnh trẻ em rất dễ thương. Một đôi giày bằng len xinh xinh Thùy mua hôm đi siêu thị. Con gấu bông bé xíu… Mắt Thùy dừng lại ở dụng cụ thử thai… Cô cầm nó, đi vội vào nhà tắm.

Thùy bước ra từ nhà tắm, cô không có thai!

Bỗng Thùy thấy cô đơn quá! Cả đứa trẻ chưa kịp hình thành kia cũng bỏ Thùy mà đi. Thùy thấy áy náy với đứa trẻ vì mình đối xử với nó tệ quá! Thùy chẳng giống những người mẹ yêu thương con vô điều kiện. Chưa gì đã có ý nghĩ sẽ bỏ rơi nó nếu Quân đối xử tệ với Thùy. Ừ, thì Thùy công nhận từ đầu rồi, Thùy là người mẹ ích kỷ mà. Nhưng nó có tội tình gì mà phải sống với một ông bố không ra gì và một bà mẹ ích kỷ chứ? Chi bằng nó đừng đến trong cuộc đời này.

Ý nghĩ ấy kéo cô về với khoảng trời tươi sáng vừa mới bừng lên trước mắt. Thùy thở phào, không thấy buồn bã gì nữa. Chỉ còn thấy thương cho Quân, bởi anh đã phải vất vả chạy trốn khỏi thành phố tươi đẹp này!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…