(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình).
1.
Không phải để trả lời câu hỏi chung nhất: anh là ai, theo niềm tin xưa cũ “văn là người”. Bây giờ, với cuộc sống phức hợp, đa chiều, con người cũng đa diện, đa nhân cách đã đành. Nhưng không phải bây giờ – khi các phương thức sáng tác phát triển theo tốc độ văn minh kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo…, khái niệm “cái tôi” cá nhân quá biến hóa, thường khi biến mất – với bản chất của nó, văn học vượt qua mọi khoảng cách vùng miền, phong hóa, cả ý thức hệ…; những tác phẩm lớn thực sự chỉ có niềm ưu tư duy nhất về con người với thời đại của mình, cá biệt mà phổ quát, bé mọn và vô cùng. Cái riêng tư độc đáo ở đâu đó, tuy không phải là ta, nhưng là cái ta hướng tới trong xúc cảm, cộng thông: bạn hãy nhớ lại mình, những khi đọc các trứ tác thế giới.
Nhưng giải mã “cái tôi”, cũng là cách đi vào thế giới trong sáng tạo. Và ai cũng có thể làm được, ai cũng là một “vũ trụ thu nhỏ”, tức có thể thành “nhà thơ”. Con người ta vốn tự yêu mình: họ sẽ hiện lên khá chân thật, tự huyễn hoặc tự giễu – một biểu hiện khác của nó.
Phạm Đương nỗ lực đứng ngoài quy luật này bằng cái việc ngỡ đơn giản là rọi xét mình với cái tôi tự phản tỉnh; bằng sự tìm kiếm những mặt đối lập luôn có thể, trong mỗi vấn đề, sự kiện, con người, từ đặc thù công việc… nghề báo.
Bài thơ Giờ thứ hai lăm (cũng là tên tập thơ, xuất bản 2012, đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cùng năm), như một cách bộc bạch về mình, về thơ:
Bỏ lại mọi toan tính phía sau lưng
anh có giờ thứ hai lăm khuya khoắt
giờ thứ hai lăm ngọt nhạt
giờ thứ hai lăm bồn chồn
hai mươi bốn giờ đi qua nhìn anh bằng đôi mắt khác
một tên khùng trong bóng đêm
một gã rồ trước nến
…
anh chẳng đem lại gì cho em
trong giờ thứ hai lăm khuya khoắt
ngoài những câu thơ như khói thuốc
những câu thơ không nhiễm độc bao giờ…
Tức chỉ có giờ-ngoài-giờ này, con người mới không “toan tính”; giờ của thơ – những câu thơ “không nhiễm độc”. Cũng là, trong hai bốn giờ kia, mọi thứ, cả thơ, cả riêng tư dành cho em đều có thể phải “khác mình”. Một cách nói quyết liệt. Thẳng tuột. Một phản tư đau đớn!
Những câu thơ đèm đẹp, vuốt đuôi, trí trá; những véo von xu phụ, ví von thề bồi, thất tình…, dĩ nhiên, vẫn hiện diện cùng bản thể thực tồn, đâu đó, khó thể khác. Vậy nên tìm thấy giờ thứ hai lăm, một cách hướng về không gian/ thời gian khác cho sự thanh sạch, mình được là mình, là một phi lý tất yếu của người thơ này.
Chúng ta hãy quan sát cái toàn năng của thơ trong việc “tìm thấy” con người, vốn mỏng mảnh hơn nó tưởng:
Có lúc/ anh giơ tay theo đám đông/ mà không cần hiểu/ nhất trí trăm phần trăm/ sau cú giật mình/ không giống một hai ba dzô trăm phần trăm
đám đông ồn ào đám đông to tiếng/ đám đông lờ đờ đám đông chết lặng/ lúc nào cũng được nhân danh/ anh thành kẻ té nước theo mưa/ anh thành người khác
…
bao năm anh lẫn vào đám đông/ lúc nào cũng sợ mà không biết mình sợ điều gì/ sợ cả sự lặng thinh lẫn những nơi to tiếng
rồi một ngày/ anh thành đám đông lúc nào không hay/ một cánh tay chai sần một cánh tay tê liệt/ sau bao lần nhất trí
nhất trí thứ gì/ không biết!
(Đám đông có lúc).
Hoặc:
Chúng ta/ những con chim bị đánh lưới/ bị giăng bẫy/ bằng chính giọng hót của mình/ được ghi âm lại
…
những chiếc lồng xanh đỏ tím vàng/ từ nhà tù trá hình/ thành thiên đường của nhà thơ
giờ thì chúng ta đã quen với chiếc lồng/ mà quên giọng hót
(Tập làm quen).
Đặt vấn đề “giờ thứ hai lăm” như phát hiện trong tỉnh thức là thái độ không cam chịu. Nó thường trực phản xạ từ nội tại bản thân trước mọi hiện tượng, sự kiện; và sự “không cam chịu” ấy nhận ra rằng: con người, với những đặc trưng của mình đã dần biến mất trước “xu hướng” đám đông, hoặc biến thành một thứ khác trong chuyển đổi nhận thức, bởi chấp nhận thói quen khác.
Với Phạm Đương, thơ là một hành trình nhận thức. Cảm xúc chỉ là phút “mềm lòng” hoặc khoái trá “tìm thấy” mình trong chuỗi tư biện; nó thường mang vẻ tinh quái hoặc ẩn trong cách biểu hiện nhiều khi gây gổ, hoặc hóm hỉnh, bụi bặm. Một ẩn giấu để tồn tại và cũng thành giọng điệu cho thơ.
2.
Nhà thơ Phạm Đương – ký giả Trần Đăng, là nhà báo có “số má”, có thương hiệu của nhiều tờ báo lớn. Vấn đề nhận thức, lương tâm, nhiệt huyết, dũng cảm, sự thật…, những thiên chức nghề báo, luôn trong vùng cân nhắc cái gì nên, không nên đưa tin, thế nào là “có lợi”, “bất lợi”… Đi, gặp, nghe, thấy; ngay cả chưa kịp đi, thời bùng nổ thông tin, mở mắt ra đã nghe, thấy, đã ngớp thở sự lựa chọn. Cuộc giằng co, toan tính thường trực, mệt mỏi này, may thay chỉ/ còn có thơ chia sẻ:
buổi sáng
mở trang báo ra là gặp rác
ập đến từ mọi phía
cả cái phía từng được coi là sạch nhất
Sau chuỗi dài “tìm một ngày không có rác”, tìm “khuôn mặt sạch” mà không được, bất ngờ tìm được một thứ rác khác, là mình:
bây giờ anh mới thấy
đôi khi mình cũng là một thứ rác
vô cảm lặp lại mỗi ngày
mãn tính
(buổi sáng).
“Phát hiện”này về mình thật nhiều, đủ góc cạnh, biến hóa:
một ngày mới chào tôi bằng những mảnh vỡ
cố tìm lại ngôi sao vừa chạy trốn mặt trời
tôi hy vọng gặp lại mình một giây
trước khi bắt đầu sắm vai kẻ khác
(Những mảnh vỡ).
Hoặc:
tôi đã vo tròn mình lại/ để lách qua khe cửa hẹp/ để không bị va đập/ để không bị trầy xước/ tôi đã vo tròn mình lại/ đến mức không thể tròn hơn
trôi nhanh về phía những làng chài/ cơn bão bị giật ngược/ tôi đang bị giật ngược/ dù chưa bao giờ là bão/ đang trôi nhanh vào lãng quên không muốn nhớ
suýt nữa thì vỡ
(Suýt nữa thì vỡ).
Chuỗi bóc tách mình trong quan hệ với thế giới bên ngoài là phản xạ thường trực và vô vọng: như bóc các lớp vỏ chuối, càng vào trong càng phải kỳ khu, khó nhọc hơn, nhưng cuối cùng, không có cái lõi thực nào ẩn giấu cả.
Đọc Phạm Đương thấy một cái tôi luôn quẫy cựa, cái tôi trượt giá, cái tôi không trượt giá. Nhà thơ không có tham vọng cải tạo thế giới ngoài việc nhặt nhạnh chính mình trên đường; nhặt nhạnh những đối tác, đối chứng trên đường; rồi rải ra, nghiêm trang và tùy tiện. Đọc thêm một số nữa nhé:
đôi khi/ cáu cặn chỉ là sự tưởng tượng/ đôi khi/ không dám dốc ly/ dù đang rất khát
trong đáy cốc/ biết đâu/ ta gặp hạt đường/ chưa kịp tan
anh tự nhủ mình/ dù có gặp sự ngọt ngào/ cũng là cáu cặn
(Trong đáy cốc).
Hoặc đây là cảm nhận “trong ngôi nhà đại-đoàn-kết”:
tô trát tường mà làm gì/ nông dân không cần tô trát/ đập vào tôi những khẩu hiệu/ tô trát/ mùi ẩm mốc mùi rêu vữa và mùi ơn nghĩa
sống bằng tất cả những thứ mùi ấy/ con người trở nên câm lặng
mủi lòng trước bàn tay gầy guộc/ thăm thẳm đêm hai hốc mắt gia chủ/ tôi dát mỏng sự tử tế hiếm muộn của mình/ liền gặp ngay một cơn thịnh nộ:/ đừng nhân danh lòng tốt, bạn ạ!
(Trong ngôi nhà câm).
Và rộng rãi mênh mông trên không gian mạng:
Anh vẫn thường lướt web/ qua các trang facebook/ luận thật hay về những nhà kỹ trị/ sẵn sàng nhiếc mắng không thương tiếc/ một ai đó có tư tưởng bảo thủ/ dù người ấy thanh sạch
thanh sạch/ thứ xa xỉ trong thời buổi này/ đối với quan chức/ vẫn bị chửi
anh chém gió ào ào về lòng yêu nước/ mỗi khi nghe ngư dân đảo Lý Sơn bị tàu lạ đâm chìm/ anh khóc đầm đìa trên bàn phím/ nếu ai đó nói đến sự lầm than của nhân dân
chợt phát hiện một “hoàn cảnh thương tâm”/ được đưa lên trang một facebooker quen thuộc/ anh rê con chuột thật nhanh/ lướt nhanh lướt nhanh/ bỏ lại sau lưng “nhân dân”/ ngoảnh mặt thật nhanh với lòng yêu nước/ như một kẻ trộm sợ bị phát hiện
nhân dân và lòng yêu nước của anh/ như vỏ những quả trứng thối/ vẫn luôn màu trắng
(Khuôn mặt).
V.v…
“Anh” là ngôi thứ nhất mà cũng là ngôi thứ ba. Từ mình để hiểu, để bắt thóp tạng đông đảo trứng thối, vỏ vẫn luôn màu trắng ngụy trá trên không gian mạng. Sự thuyết phục của thơ Phạm Đương ở chỗ không nhân danh!
Chuỗi phản tư – phản tỉnh – phản biện xuyên suốt trong hành trình thơ, hành trình “tìm thấy mình”, đôi khi cũng đứt quãng: ấy là khi nhà thơ đối diện với những tình thân, người thân yêu. Chỗ yêu thương vin tựa này không cần chờ đến “giờ thứ hai lăm” để bộc lộ. Một Phạm Đương đã trở về với “thi sĩ thường tình” không cần liệu pháp, thủ thuật nào. Những Trong xó bếp, Di ảnh, Ngày cũ, Nhè nhẹ, Nhớ một khuya nào, Uống rượu với bạn chăn trâu… , là thế giới tràn đầy yêu thương, trân quý giữ gìn, hay nuối tiếc khi đã vời xa. Nó có lẽ góp phần làm nhà thơ thăng bằng hơn, hoặc là góc ủy mị, mềm yếu cố giấu của kẻ ưa gây gổ thỉnh thoảng vô tình bật ra, nhưng đó không phải là sự khác biệt tạo nên một Phạm Đương chúng ta đang khảo sát.
3.
Đừng loay hoay tìm cách chỉ ra thơ Phạm Đương theo kiểu trường phái, phong cách nào. Sẽ không có khuôn thước nào thể hiện tốt nhất những phát hiện, những bóc tách chính mình và thế giới như chính nó được sáng tỏ gọi tên. Nếu giỏi giang câu chữ, có thể viết thật hay bằng các thể thơ quen tai thuận mắt về vần điệu, nhạc tính gì gì đó, điều chuyển tải, ghi nhận hẳn sẽ giả ít nhiều.Phạm Đương đã lựa chọn cách thể hiện giản dị nhất có thể. Bài thơ, câu thơ, thậm chí không câu nệ quy cách ngữ pháp thông thường, nó chỉ như một hình ảnh, ý tưởng chợt đến; nó xuất hiện đúng nơi đúng chỗ như sự cần thiết; để phát hiện qua lại, người và thơ. Tự nhiên và bức thiết:
chúng ta cần phải thay đổi
không chỉ có thơ mới cần
thay đổi
bất luận hậu hiện đại hay tân hình thức
bất luận cái khỉ gió gì
miễn là tự cháy
tự cháy để được sáng
con đường của kẻ yếm thế
(Chầm chậm).
Tự cháy để được sáng, là cơ hội duy nhất trong sáng tạo chân chính.
Vậy để riêng/ khác, bề nổi chữ nghĩa thơ Phạm Đương là gì? Có thể thấy ngay đó là những phản xạ đối lập trong thơ ông, kiểu các cặp phạm trù: cá nhân/ đám đông, cao cả/ thấp hèn, sự thật/ ngụy trá, thiện lương/ cái ác, biểu hiện bề ngoài/ thực chất…Tự soi mình, lật trở những khác biệt có thể, cũng là phương thức hình thành tứ thơ. Nhưng thôi, chúng ta đang tiếp nhận thơ Phạm Đương và hãy để những bí ẩn sáng tạo được yên. Chỉ thấy nhà thơ luôn bạch hóa mọi thứ từ những liên tưởng và sự đối lập.
Như, khi con người phát hiện hạt thóc ba ngàn năm vẫn nảy mầm, câu thơ bật lên tự nhiên “không một nhà tù nào có thể nhốt được khát vọng”, và một hình ảnh khác ngược lại cũng theo đó xuất hiện, khi trái bom 35 năm ngủ yên bỗng phát nổ: “không một xiềng xích nào có thể giam được cái ác”. Và kết nối đó thành thơ:
Con người đang sống với những hạt thóc/ sau ba ngàn năm/ con người đang khóc với những trái bom/ sau ba mươi lăm năm
Chúng ta cười vui chúng ta mếu máo/ chỗ này tung hô chỗ kia lếu láo/ chúng ta đang đi trên những chiếc dây/ căng qua đời sống/ tìm sự thăng bằng giữa hạt thóc và bom
(Hạt thóc và bom).
Có khi chỉ là liên tưởng các hình ảnh, từ ngữ từ sự việc khác nhau, nhưng tạo hiệu ứng về sự cao cả và thấp hèn, sự thật và trí trá:
những chú gà ở đảo Song Tử Tây/ bới đào tung đất/ tróc cả móng chân
miệng không ngớt túc túc tục tục/ khản giọng trước đàn con/ lũ dế giun như thể/ lẩn quất dưới san hô
…
không có dế giun cũng không có thóc/ chỉ có sự nhẫn nại trước những khó nhọc/ lính sẽ bớt khẩu phần/ lính san sẻ yêu thương
túc túc tục tục
đào bới đến thối cả móng chân/ những chú gà ở đảo Song Tử Tây/ chẳng mơ biệt phủ…
(Những chú gà ở Song Tử Tây).
Mã khóa bài thơ ở “thối cả móng chân” và “biệt phủ”. Cái đối lập lớn nhất là hình ảnh gian lao, nhẫn nại, thiêng liêng đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của người lính đảo, và kẻ quan quyền lộ mặt tham ô ở đất bằng. Rất thời sự chuyện quan tham, những biệt phủ và lời biện hộ làm trò cười cho xã hội, đâu đó trên mặt báo. Bài thơ thành thơ nhờ viết về gà – những con gà gợi một niềm tin yêu khác tuyên truyền sáo rỗng nơi này, đồng thời lại mang tầm một “vấn nạn” đất nước nơi kia. Thật tài!
4.
Phạm Đương làm thơ không nhiều, nếu tính đếm từ 3 tập thơ và những bài ông đã công bố; nếu đặt vào cuộc lạm phát thơ bây giờ, khi “nhà thơ” xuất hiện, lây lan, lây lan nhanh, trên giấy in, trên mạng. Nhà nhà làm thơ, người người có thơ, nghệ sĩ thơ, chính khách thơ… Thôi kệ, chẳng sao cả, chẳng nhiễu loạn gì cả như nhiều người la hoảng, yêu thơ, dành thời gian cho thơ còn đỡ hại hơn ở không.
Ông không làm thơ lấy được, chắc rồi. Với nghề báo, không sự kiện nổi trội nào của xã hội ông không nắm bắt: chúng ta thấy nhiều từ những trích dẫn. Phạm Đương đã né tránh. Đã dấn thân. Ông loay hoay, nhiều khi tếu táo che giấu sự bất lực. Vo tròn rồi đánh mất mình, chưa đủ. Còn cái cách tuyệt vọng hơn:
không phải cách con mương cạn nước/ chờ mưa/ tôi là con ếch/ trong lòng giếng cạn
đừng đợi những điều không thể/ tôi đang vô ích/ từng ngày/ mà không biết
…
tôi dặn con ếch tôi/ coi chừng chết vì một lưỡi câu/ mà không thấy lưỡi/ nên đứng ngoài các cuộc mặc cả/ nên đứng ngoài những tuyên bố/ không trường sinh thì cũng an ủi chính mình
(cách tôi).
Không có bất kỳ cơ hội nào cho con ếch trong lòng giếng cạn!
Cuộc sinh tồn chỉ có thể là “giờ thứ hai lăm” và thơ, và xác định “gia bổn nhập lợi” như trong canh bạc: “tự cháy để được sáng”. Đó là lý do để chúng ta luôn dành cho nhà thơ “đứng ngoài những tuyên bố” này niềm hy vọng.
Mùa đại dịch, quê nhà, 07.8.2021
LÊ HOÀI LƯƠNG
(Văn nghệ Bình Định số 100 tháng 8.2021)