Thơ của người “Lang thang qua chiến tranh”

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). 

LTS: Nhà thơ Thanh Thảo tên khai sinh: Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thanh Thảo vào công tác ở chiến trường miền Nam. Sau 1975, ông làm ở Hội VHNT Nghĩa Bình và sinh sống tại TP. Quy Nhơn cho đến khi chia tách tỉnh, chuyển về làm Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi đến khi nghỉ hưu.
Thanh Thảo được mệnh danh là ông vua trường ca và là một nhà báo sắc sảo ở nhiều thể loại, đến nay đã cho xuất bản hơn 20 đầu sách, chủ yếu là thơ và tiểu luận. Nhà thơ Thanh Thảo đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1979), giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam (1995), giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về Văn học Nghệ thuật (2001) và giải thưởng Văn học Đông Nam Á (2014). Hiện ông đang được Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về VHNT năm 2021. Từ số này, VNBĐ lần lượt giới thiệu tiểu luận của nhà văn Lê Hoài Lương về hành trình thơ Thanh Thảo.

Nhà thơ Thanh Thảo trong chuyến trở lại thăm Trường Sơn. Ảnh: Phạm Đương

Kỳ I:
Cuộc “lang thang” định mệnh

1. Từ lang thang, cơ nhỡ
Tôi mượn tên cuốn tự truyện của Thanh Thảo để làm cái tựa cho bài viết này về ông. Và cũng bắt đầu bằng 2 cuốn sách in cùng lúc năm 2017 ấy: Lang thang qua chiến tranh (LTQCT) và Cơ nhỡ trong hòa bình (CNTHB). Nếu cặp “chiến tranh” và “hòa bình” là khái niệm đối lập luôn xảy ra nối tiếp nhau mỗi thời đoạn lịch sử, thì “lang thang” và “cơ nhỡ” là liên đới bổ sung. Dường như nhà thơ chơi chữ?

Nhưng không phải. Nếu ta chấp nhận điều vô lý, có vẻ trái khoáy, về cuộc “lang thang” của một người tình nguyện cầm súng vào chiến trường chống Mỹ đang hồi khốc liệt, dù mình có cơ hội “hoãn”, để… làm thơ, thì chuyện lang thang – cơ nhỡ có can hệ nhau như điều tất yếu. Mà quan trọng: nó làm nên một lộ trình thơ nhất quán và khác biệt của ông.

Các nhà văn thế giới viết tự truyện khá nhiều: Thời thơ ấu, Tự thú… của L.N. Tolstoy, Sống để kể lại của G.G. Márquez, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của Murakami Haruki…Nhà văn Việt cũng vậy, Tự truyện của Tô Hoài, chẳng hạn. Hai cuốn sách dù không ghi thể loại nhưng đúng là một dạng tự truyện của nhà thơ Thanh Thảo, ghi lại những sự kiện 5 năm sống, chiến đấu (1971-1975), thời gian đầu hòa bình thống nhất, rồi liên đới nhằng nhịt đến mấy mươi năm sau. Cụ thể, cuộc lang thang cơ nhỡ này khởi đầu bằng lý do xung phong vào chiến trường, mà đăng ký đích danh là B2; từ đó tái hiện lại cuộc sống, con người, bè bạn và mình từ cơ quan Binh vận Trung ương cục ở R; chiến trường Mỹ Tho, hàng tháng trời qua bưng biền Đồng Tháp hay mấy tháng đi bộ trên Trường Sơn sốt rét suýt chết; quan niệm về thơ, về sự ra đời những bài thơ, tai nạn thơ, hạnh phúc thơ. Mảng trong hòa bình còn là những chiêm nghiệm, đúc kết về thơ, về những nhà văn tên tuổi, bè bạn: Định Nguyễn, Nguyễn Trung Đức, Thái Bá Lợi, Trúc Thông, Nguyễn Khoa Điềm, Văn Cao, Nguyên Ngọc, Đặng Đình Hưng… Không chỉ chuyện văn chương mà còn là suy ngẫm đời sống xã hội nhiều mặt.

Mở đầu cuộc “lang thang” trực diện thế này: “Bây giờ, tôi mới hiểu, vì sao cũng trải qua chiến tranh, cũng ở chiến trường 5 năm như nhiều người khác, mà tôi tuyệt đối không nhận bất cứ một sự khen thưởng nào, dù đó là huân huy chương, thậm chí là bằng khen/…/ thì ra, mình chỉ là kẻ lang thang qua chiến tranh. Không ai thưởng huân chương cho kẻ lang thang cả/…/ Tôi, muốn lang thang qua chiến trường để làm thơ…” (Tr.34, 35-LTQCT). Nhưng cũng xác quyết: “Dù là kẻ lang thang, tôi vẫn là Việt Cộng thứ thiệt/…/, không ba chỉ, ba rọi gì hết/…/ không bao giờ phản bội lại lý tưởng của mình/…/ là kẻ lang thang qua những cánh rừng của tự do, và không chấp nhận bất cứ một sự trói buộc nô lệ nào”. (Tr. 42, 43- LTQCT). Người “không chấp nhận bất cứ một sự trói buộc nô lệ nào”, hẳn nhiên, dù “làm việc chăm chỉ và có hiệu quả” (những bài báo cho các Đài), thì vẫn “lang bang, thiếu hẳn ý thức kỷ luật, lại ham vui quá trớn, lại hay “truyền lửa” tự do và tình chiến hữu bình đẳng cho các em cháu liên lạc và công vụ, những em cháu vốn được dạy bảo phải tôn sùng các vị thủ trưởng như Thánh” (Tr.57).
Đúng là chuyện của kẻ “lang thang” qua chiến tranh. Kiểu, “tiệc cu xanh” cả chục người uống rượu xong cao hứng nổ súng lên trời bên bờ sông Vàm Cỏ náo loạn cả “cứ”, chuyện ông bí thư chi bộ đêm đêm núp trong rừng, rình nghe hai gã trẻ rì rầm nghi bàn chuyện tiêu cực, bị ném đá vì nhầm là heo rừng,… thì nhiều; rồi thật nhiều những thiếu đói, buồn quạnh, những gian nguy; những con người gần gũi, những thoáng gặp ấn tượng trên đường… Hồi ức cứ tự nhiên hiện diện, không theo trình tự nào cả, cũng “tự do” như người; kèm theo đó là nhiều bài thơ có “lý lịch xuất thân”, minh chứng cho mục đích đi chiến trường của ông. Nó được kể bằng giọng thân thiết, pha chút giễu cợt, cả những yêu thương và đắng chát.

Nhưng vấn đề là thơ, cái lý do chính để “lang thang”? Người đã vậy, thơ càng không có gì trói buộc!

Tôi nhớ mình từng ngạc nhiên khi lần đầu đọc hai bài thơ Thử nói về hạnh phúcMột người lính nói về thế hệ mình. Ngạc nhiên vì 2 bài thơ được viết năm 1972, 1973 trên “cứ”. Sau này, khi có “độ lùi” nhất định, văn chương viết về chiến tranh, nhiều cảm thức “nhìn lại” đượm nét suy tư về một thời, cũng rải rác đâu đó. Nhưng trong thời chiến, người trong cuộc – người lính Thanh Thảo viết về “thế hệ mình” chân thực, trần trụi, và buồn, thật buồn. Đó là sự khác biệt.
Họ nghĩ về thế hệ mình thế này:

một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận/ mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82/ vẫn thường vác trên vai/ một thế hệ thức nhiều hơn ngủ/ xoay trần đào công sự/ xoay trần trong ý nghĩ/ đi con đường người trước đã đi/ bằng rất nhiều lối mới.

Chuyện “thức nhiều hơn ngủ” và “xoay trần trong ý nghĩ”… là rất “không ổn”. Lại còn cách nói có vẻ hảo hớn:

tất cả những gì chúng tôi có được/ đều trải cho nhau/ trải ra đất/ thật tình/ với quân thù – chi đến tối đa/ với bè bạn – phải chơi hết mình.

Từ Trường Sơn, đường đất, đường rừng, từ những đêm mưa bốn bề đẩy xuồng qua Tháp Mười, đến lộ 4 tắt đường B52 bừa ba đợt, không thiếu cái khắc nghiệt, hoang tàn, chết chóc của chiến tranh. Cảm nhận của người lính đã hiện lên thật lay động. Xin trích một số đoạn cuối bài thơ khá dài:

chúng tôi qua cái khắc nghiệt mùa khô/ qua mùa mưa mùa mưa dai dẳng/ võng mắc cột tràm đêm ướt sũng/ xuồng vượt sông dưới pháo sáng nhạt nhòa
đôi lúc ngẩn người một ráng đỏ chiều xa/ quên đời mình thêm tuổi/ chân dép lốp đạp mòn trăm ngọn núi/ mà không hề rợp bóng xuống tương lai.

Và:

tôi bỗng thấy mặt mình trên mặt nước/ mặt nước trôi những dề xăng đặc/ mặt nước trôi những trái bình bát/ mặt nước trôi quê hương không còn nguyên vẹn
và tôi thấy/ trôi qua mặt mình bao nhiêu gương mặt/ trẻ măng/ loang loáng theo con nước/ tủa về những đồng sâu/ hun hút/ buổi chiều
đó là những người qua trước/ không phải trước hai mươi năm/ đó là những người qua sau/ không phải sau hai mươi năm
mà vào buổi chiều ấy/ trên những dòng kênh ấy/ pháo bắn và nước chảy/ thế hệ chúng tôi-/ nhìn rất rõ/ mặt mình.
(Người lính nói về thế hệ mình – 1973)

Sẽ không cần bình tán gì thêm. Bài thơ đương nhiên gây rắc rối to cho Thanh Thảo lúc ấy, và mãi nhiều năm sau này cứ gờn gợn trong suy nghĩ nhiều người. Nhưng cũng được nhiều bạn bè văn nghệ thích. Và nhất là những người lính, những người hoạt động cách mạng bị tù đày thuộc lòng. Nó nói thật tâm trạng họ. Cũng là sự tiếp nhận và ngạc nhiên cho “phía bên kia” khi được dịch, in ở Mỹ nhiều năm sau hòa bình, khi đã nối lại bang giao hai nước. Họ tiếp nhận như tiếp nhận những vần thơ lính đâu đó trên thế giới, mảng đề tài này.

Nó khác với thơ của các nhà thơ viết về chiến tranh, trước và cùng thời ông. Bởi vì, kẻ “lang thang” Thanh Thảo cho rằng “Người làm văn nghệ, người nghệ sĩ, tuyệt đối không cần sự ưu ái của nhà cầm quyền, bất kể là nhà cầm quyền nào. Có một thiên chức dành riêng cho nhà thơ, nhà văn, người nghệ sĩ, và đó là thiên chức người nghệ sĩ phải biết, trước khi nhà cầm quyền biết” (Tr.137- LTQCT). Và: “Bao nhiêu người nằm lại ở chiến trường, nằm lại trên Trường Sơn, họ cần một tiếng nói về họ, về thế hệ đã hy sinh mất mát đến thế, mà có thể chả được gì. Thơ không thể im lặng hoặc đãi bôi. Thơ cũng không thể lên gân hay tuyên truyền. Nhất là nó không thể háo danh” (Tr. 37- CNTHB).

Thơ và quan niệm về nhà thơ/ người nghệ sĩ ấy, cho thấy dù viết về chiến tranh hay đề tài khác trong hòa bình, ông vẫn luôn nặng nợ, món nợ vừa là cơ duyên vừa như lựa chọn, về đất nước, dân tộc, về những con người chịu nhiều mất mát, hy sinh, đã bị “bỏ quên” hoặc nhiều thua thiệt trong thời bình. Có vẻ như đến giờ, ông mãi vẫn là người chưa ra khỏi cuộc chiến, chưa ra khỏi cuộc “lang thang” định mệnh của đời mình.

2. Không có lựa chọn khác
Năm 1986, trong cái chung tưng bừng những “đổi mới”, “mở cửa”, nhiều lúc “uống thứ bia số một thế giới”, nhìn “vỏ lon lăn lóc” vẫn không thấy vui – bài thơ Tôi chào đất nước tôi của Thanh Thảo gây tiếng vang rộng rãi. Như soi mình/ thế hệ mình, với dân, với nước; như giật mình tỉnh thức: cái cơ hội lớn cho vận hội dân tộc đã nhanh chóng thành cơ hội cho một số kẻ, hẳn từ chiến tranh ra. Thanh Thảo có dự phần vào những “vỏ lon lăn lóc”, những “trò giả lả” đâu đó chung quanh không? Có. Ông là người ham vui. Như trong chiến tranh sẵn sàng chạy bộ năm, bảy cây số mua “rượu đồng bào” về vầy cuộc với bạn trong rừng. Và nếu đã “nhìn thấy” mặt mình trong dòng chảy khốc liệt của chiến tranh, ông cũng nhìn thấy mặt thế hệ mình trong hòa bình, thật buồn, nhưng theo nghĩa khác, cay xót hơn:

Có những lúc ra về lòng rỗng không/ vì phải gặp trong cơ quan một thằng cặn bã/ tôi chào đất nước tôi. Buồn quá/ đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đường

chúng ta sống bôn ba vật lộn cả ngày/ nhiều khi quên chào đất nước/ là mẹ ta Người không phiền không trách/ dẫu biết lời chào so mâm cỗ, vẫn cao hơn
nhưng cao hơn lời chào, chắc mẹ thầm mong/ các con đừng làm mẹ xấu hổ/ đừng ba hoa chích chòe đánh quả loanh quanh/ đất nước phải đâu nhà vô chủ.

Cái hỗn độn những láu cá, ma lanh chia chác, tối nhiều hơn sáng, cùng thực trạng “thò tay vào túi lấy tiền chỉ gặp bài thơ/ bài thơ viết cho tương lai mà buổi trưa cần tiền đi chợ”, không có chút tự giễu nào. Thơ bất khả. Chỉ còn vin tựa vào cỏ xanh thiêng liêng và không khuất lấp: “như ai đẩy mình bật dậy/ ngỡ ngàng trông chỉ thấy xanh xanh/ tôi chào đất nước tôi. Có lẽ/ cỏ non vừa thúc lưng mình”.

Vài năm sau, trong một chuyến đi “thực tế” về nông trường cao su Chư Păh bằng ô tô do người bạn – nhà thơ – quan chức chở, qua làng công nhân tồi tàn nghèo khổ, chiếc xe tung bụi mù đỏ trùm các em nhỏ đang chơi, và đây, một đoạn trong Cái nhìn của tương lai:

Những nhà văn đi thực tế bằng xe hơi/ Tung bụi bẩn vào mặt đàn em nhỏ/ Tung ngôn ngữ gấm hoa vào mặt những túp lều khốn khổ/ Nơi đói nghèo công khai rách nát công khai
Chúng tôi cứ hồn nhiên ca ngợi tương lai/ Cho tới chiều nay. Rừng cao su Chư Păh/ Tương lai bỗng ném vào chúng tôi cái nhìn kỳ lạ/ Qua cặp mắt gườm gườm những đứa trẻ ngây thơ.

Cảnh ngồi ô tô đi thực tế sáng tác như chuyến đi của Thanh Thảo, qua những khổ nghèo, rách nát, chắc người cầm bút nào cũng từng, nhưng mấy ai ghi lại buốt nhói và điềm tĩnh, pha chút mỉa mai như thế? Là lựa chọn thôi. Bài thơ chả dính gì tới chiến tranh, nhưng tôi vẫn thấy cái ánh nhìn oán hờn của những đứa trẻ nghèo khổ bây giờ, cái ánh nhìn “của tương lai” dường như có liên quan với ánh mắt trẻ thơ trong rừng thời chiến, đêm Trung thu không thể thấy trăng sáng, chỉ qua kẽ lá những vệt ngời ao ước: “những đứa trẻ ở rừng/ chỉ đón trăng rằm qua kẽ lá/ những vệt ngời nho nhỏ/ long lanh hoài trong đáy mắt ngây thơ// “trăng tròn ơi xuống đây chơi”// ngồi dưới gốc bằng lăng ca khe khẽ/ ai hiểu hết nỗi khát thèm của bé/ “trăng tròn ơi xuống đây chơi”/ rất dễ thương, trăng là đứa trẻ/ gương mặt dịu lành soi năm tháng gian lao” (Trăng trong rừng và những đứa trẻ – 1971). Không ai buộc anh viết điều “bất lợi”: nhưng với Thanh Thảo dường như không có lựa chọn khác.

30 năm sau ngày hòa bình thống nhất, thuận lợi sao đó, đã rộ lên những “phát hiện” và in nhiều nhật ký chiến trường, của các liệt sĩ: Mãi mãi tuổi hai mươi – Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký Đặng Thùy Trâm… Những cuốn sách gây niềm xúc động lớn. Những người cũng lên đường vào chiến trường B, rồi hy sinh (Nguyễn Văn Thạc ở Quảng Trị, Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ, Quảng Ngãi), cũng là thế hệ mình của Thanh Thảo, hơn ai hết, ông thấu cảm và nặng nợ. Tên sách Mãi mãi tuổi hai mươi do nhà phê bình Vương Trí Nhàn đặt từ các trang nhật ký chép tay của Nguyễn Văn Thạc – người ngã xuống năm 20 tuổi – như có phần gợi ý của một tiểu thuyết về chiến tranh thời Liên Xô, Sống mãi tuổi mười chín, ý nói sự bất tử của thế hệ trẻ hy sinh vì đất nước; còn niềm xúc động của Thanh Thảo thành bài thơ Những người chết không trẻ mãi. Thì cũng “bất tử”, nhưng khác. Người ta thường dùng khái niệm “đường biên thơ”; thơ ông vào hẳn đường biên sống – chết mà nhìn thấy đồng đội mình, những người nằm xuống “vừa tuổi hai mươi/ đành coi như một chuyến đi/ về một thế giới khác”. Đó là thế giới:

Tắt phụt ngọn gió/ rã rời từng mảnh vải dù/ ong ong u u/ những mắt nhìn xa vắng
Không màu mè không cao giọng/ lặng im sờ sẫm lặng im/ không hình hài/ những bàn tay siết nhau không biết.

Chắc là nghĩ thế thôi – thế giới từ nội cảm – chứ đúng là làm sao biết về cái “không gian âm ao”, về “những đường biên câm” ấy. Nhưng điều nhà thơ muốn nói, thật bất ngờ, ở khổ kết:

Hai mươi năm ba mươi năm bốn mươi năm/ tuổi chết dần hơn tuổi sống/ những người chết già đi chầm chậm/ đôi lúc họ quay nhìn trần gian qua một lớp kính mờ.

“Bất tử” là vẫn còn có tuổi, ở đây là tuổi chết; và khi nói “những người chết già đi chầm chậm” nghĩa là tới lúc những người chết sẽ chết – quy luật thế – tức thêm một lần chết nữa: trong sự lãng quên! Không hề trách móc, ánh nhìn “đôi lúc” của người chết quay về trần gian thật ám ảnh, gợn rợn.

3 thời điểm khác, nội dung khác, có khi thật tình cờ như bụi đỏ Chư Pả, mà người “lang thang” qua chiến tranh vẫn một nỗi canh cánh, trắc ẩn lớn về xương máu, sự bội bạc, sự lãng quên. Cũng là một kiểu “hội chứng” của chiến tranh trong người Việt, mà Thanh Thảo, với lựa chọn của mình từ xuất phát điểm, đã như một ám vận đeo đẳng suốt đời thơ ông.

3. Lặng lẽ và quyết liệt
Thanh Thảo đã xuất bản hàng chục trường ca, hàng chục tập thơ, các thể loại khác. Giới phê bình mệnh danh ông là “ông vua trường ca” (chữ của nhà phê bình Chu Văn Sơn). Tuy nhất quán về thiên chức của nhà thơ và bản chất thơ, trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, không thật rõ rệt nhưng về căn bản có thể thấy sự chuyển động của chất giọng và tư duy nghệ thuật thơ ông. Thời của những tập thơ, trường ca: Trẻ con ở Sơn Mỹ, Những người đi tới biển, Dấu chân qua trảng cỏ, Bùng nổ của mùa xuân, Những ngọn sóng mặt trời, Khối vuông ru bích… và giai đoạn các trường ca, thơ: Đêm trên cát, Trường ca Metro, Trường ca Chân đất…

Chúng ta dễ thấy những câu thơ thời đầu của ông đầy tự chủ, có tính tiên báo và hay, nhưng vẫn là cách nói quen: thời gian như cỏ vượt lên/ lối mòn là sợi chỉ bền vắt qua/ ai đi gần ai đi xa/ những gì gửi lại chỉ là dấu chân

(Dấu chân qua trảng cỏ – 1971).

chúng tôi không muốn chết vì hư danh/ không thể chết vì tiền bạc/ chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng/ những liều thân vô ích
đất nước đẹp mênh mang/ đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt/ chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết…
(Thử nói về hạnh phúc – 1972)

Hoặc:
hồn nhiên mắt mẹ ngấn cười/ túp lều chật gió không nguôi đêm ngày/ cúi đầu khi bước vào đây/ những người chưa sống một giây cúi đầu/ áo mẹ rách tóc ngả màu/ cho con nghĩa lý trời cao ngắn dài…
(Nghĩa lý ở túp lều trụ bám – 1975)

Xin mẹ cứ nhai trầu cho buổi chiều yên tĩnh/ Chưa tắt ngấn cười kia thì trăng khuyết lại tròn…
(Những người đi tới biển – 1977)

Kể cả nỗi buồn mang mang, cay xót trong Tôi chào đất nước tôi, Những người chết không trẻ mãi… Nó bình thản trong đau đớn và có gì như cam chịu – biết thế, nói thế, chứ làm sao khác được? (“Bởi vì thơ cũng chỉ là những sinh linh biết yêu thương nhưng hiền lành, thiếu khả năng tự bảo vệ chính mình, huống chi bảo vệ người khác?” – LTQCT, 241).

Thơ nào người nấy thôi. Cái cách giải thích lý do chọn chiến trường B2 nói lên phần nào tính cách ông: “… vọng cổ là điệu hát của lưu dân, của dân lậu dân ngụ, của những người lưu lạc. Tôi luôn cảm thấy mình trong cộng đồng lưu lạc đó, một cộng đồng đã tồn tại bằng đôi tay và ý chí của mình. Một cộng đồng yêu tự do hơn hết thảy. Một cộng đồng trọng nghĩa, bao dung, nhiều khi như hơi dễ dãi. Nhưng thật lòng/…/ Tôi chọn đi chiến trường Nam bộ chính vì lý do như vậy” (Tr.239-LTQCT).

Vốn là người yêu tự do lại nặng tình, thấy thơ bản tính “yếu đuối”, Thanh Thảo là người khá quyết liệt trong tìm tòi, làm mới thơ mình. Hay để tăng thêm “sức mạnh” cho thơ? Nói vui thế thôi, ông thừa biết, dù gặt hái nhiều thành công hơn một phần tư thế kỷ cầm bút, với sự yêu mến, thừa nhận của bạn đọc, nhiều giải thưởng danh giá (Giải thưởng Hội Nhà văn 1979, Giải thưởng Ban Văn học quốc phòng Hội Nhà văn 1985, Giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về Văn học Nghệ thuật, 2001)…, nếu chỉ vậy thì thơ cũng dễ rơi vào lãng quên, hay chỉ còn tính văn học sử. Cả thời kỳ Thơ Mới đồ sộ ấy, giờ đọc lại liệu còn mấy bài thực sự hay, thực sự đọng lại đôi chút thích thú trong bạn đọc?

(Còn nữa)
Quê nhà, mùa đại dịch, 11.9.2021
LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…