Thơ của người “Lang thang qua chiến tranh”

(VNBĐ – Nghiên cứu, phê bình).

LTS: Nhà thơ Thanh Thảo tên khai sinh: Hồ Thành Công, sinh 1946, quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thanh Thảo vào công tác ở chiến trường miền Nam. Sau 1975, ông làm ở Hội VHNT Nghĩa Bình và sinh sống tại TP. Quy Nhơn cho đến khi chia tách tỉnh, chuyển về làm Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi đến khi nghỉ hưu.
Thanh Thảo được mệnh danh là ông vua trường ca và là một nhà báo sắc sảo ở nhiều thể loại, đến nay đã cho xuất bản hơn 20 đầu sách, chủ yếu là thơ và tiểu luận. Nhà thơ Thanh Thảo đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1979), giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam (1995), giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về Văn học Nghệ thuật (2001) và giải thưởng Văn học Đông Nam Á (2014). Hiện ông đang được Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về VHNT năm 2021. VNBĐ số 101 đã giới thiệu phần đầu tiểu luận của nhà văn Lê Hoài Lương về hành trình thơ Thanh Thảo, kỳ này là phần còn lại.

Kỳ II: Chiến binh thơ
(Tiếp theo và hết)

Những năm đầu thế kỷ XXI, không khí văn chương Việt (chủ yếu là văn chương mạng) rộ lên những trào lưu sáng tác theo các trường phái Hậu hiện đại, Tân hình thức…, vượt qua những Hiện đại, Hiện thực huyền ảo… hoặc riết róng hoặc hòa trộn; nhưng là mới. Nhiều thành công. Cũng nhiều sáng tác cách tân, táo bạo và sống sít, chuộng hình thức như lớp vỏ tự mãn, kênh kiệu.

Thanh Thảo lặng lẽ làm mới thơ mình, trước cả những ồn ào xu thế, vì ông có thiên tư và nội lực (ngay từ quan niệm về thơ và các giá trị văn chương lớn sớm tiếp cận).

1. Những kết tinh, những đặc sắc mới

Trường ca Metro (2009), Trường ca Chân đất (2012) là kết tinh những đặc sắc mới của ông. Về cấu trúc trường ca. Về sự cô kết đa tầng trong diễn đạt. Về giọng điệu nhiều biến hóa. Về khả năng vận dụng, liên tưởng vốn dân gian. Về tính giễu nhại, liên văn bản, … Nói chung, những thành tựu thơ hiện đại đều được vận dụng thuần thục, khi cần. Cả những thử nghiệm chữ, nhại tiếng nhạc, tiếng reo, về khả năng độc lập của âm thanh, chẳng hạn.

Nếu Metro là chuyến tàu điện hiện đại hôm nay phăm phăm về phía trước, về tương lai, như một lập trình, thì ký ức vị hành khách nó chở theo trôi ngược về quá khứ, theo mỗi “ga” cảm xúc, phục dựng “những năm tháng không thể nào quên”. Cái đường ray thơ cùng chuyển động hai chiều thời gian ngược nhau là cấu trúc lạ. Thì Chân đất lại là cuộc mở ra khá phóng túng các giọng điệu, cảm xúc, khi hồi ức, ngẫm nghĩ, khi lan man tung hứng các chân như những ẩn dụ nghệ thuật: chân tre, chân ruộng, chân mưa, chân núi, chân cò, chân tháp, chân mây, chân sóng, chân lũy, thành tổng phổ nguồn cội về quê hương, đất nước, về nhân dân, về căn tính dân tộc; một kết cấu độc lập và kết dính, một điều tiết ngầm tôn tạo chủ đích.

Mới thấy, với Thanh Thảo, càng lúc cách thể hiện càng quyết định chứ không phải nội dung; tức phần kỹ thuật, cái phần tù mù và ít được xem trọng đúng mức trong số đông sáng tạo vốn chỉ dựa dẫm vào năng khiếu, bản năng. Tìm tòi mới, với ông, là tìm cách thể hiện mới, tư duy nghệ thuật mới. Để không trùng lặp, để nâng chính mình lên, để hòa cùng, mở rộng các biên độ, và độc sáng. Lặng thầm, quyết liệt. Đọc một số:

mẹ sinh con/ Trường Sơn sinh lần nữa/ nếu không có gần 4 tháng sống dở chết dở/ con đâu được như bây giờ/ con được gì không? chẳng được gì.
những cô gái ngày ấy thường chân ngắn/ có lẽ họ leo dốc nhiều quá/ mang ba lô lâu quá/ gùi cõng gạo nặng quá/ nếu tôi nói những cô gái ngày ấy đẹp hơn những cô gái 8X 9X chân dài/ nhiều người sẽ không tin tôi
có lắm sự thật/ bao cách nhìn/ Trường Sơn chỉ một.

Một đoạn trong phần mở đầu Metro vậy. Khẳng định và phủ định – trong một nghĩa khác; tin hay không tin, chỉ là cách nhìn: nhưng có thật, một Trường Sơn. Có khi nhại cách nói phổ biến, cuộc đối thoại, độc thoại lưng lửng, rồi, một nghiêm lệnh cho… trái tim:

bình tĩnh đã nào, tàu đang chạy/ qua nhiều ga xép không dừng/ nhưng tôi từng yêu ở cái ga nhỏ bé này/ cho tôi xuống!
hết sức kiềm chế! Tôi không nghĩ anh sẽ nhảy tàu/ để gặp mối tình cách đây 40 năm/ vả, có muốn nhảy cũng không được/ cửa metro đóng mở tự động/ anh chỉ được quyền yêu những ga chính… (21g11 tháng 4 năm 2009).

Hay đây là những cảnh, như chợt nhớ:

hang đá trạm 6 sáng mùng Một/ giống như hang Chúa sinh/ chỉ thiếu rượu đỏ bánh thánh/ nện mấy phát K54 trước cửa hang mừng năm mới/ các em gái ôm nhau khóc vùi/ mùng Một Tết Trường Sơn là thế này?/ cũng hay hay (10h16 cùng ngày).

những cô gái hồi ấy viết nhật ký/ như thủ dâm/ cứ mỗi đêm họ lại vượt Trường Sơn/ cứ mỗi đêm đá tai mèo mọc trong ngực/ không phải ai cũng có cối xay có lúa mang ra xay/ cho toát mồ hôi giải ẩn ức/ những giấc mơ nhưng nhức/ tỉnh dậy không nhớ rõ cái gì/ chỉ nghe một khoảng rỗng (15 phút sau).

nhớ tiếng một loài chim kêu trăng/ lộ đá nhỏ rừng cây thưa in thẫm bóng/ mình và thằng Hùng Nam chạy bộ đi mua rượu/ “tiệc cu xanh” mở bên sông Vàm Cỏ/ mười mấy thằng lính uống hai mươi lít rượu/ quắc cần câu/ bắn súng/ làm náo động/ khu rừng/
âm âm/ những cánh rừng hai bờ sông đáp trả/ “quá đã! quá đã!”
trong chiến tranh cũng có nhiều lúc vui (26 phút sau).

Cái giọng ấy chạy suốt đường tàu ký ức. “Cũng hay hay”, “cũng có nhiều lúc vui”, xem ra chẳng hay, chẳng vui chút nào, nhưng không phải nói ngược. Câu thơ co lại tột cùng rồi lặng lẽ giãn nở. Một cách lưu dấu, liều lượng và cá tính.

Có khi đan xen tạo hình rất cổ điển: “chiếc lá đỏ bâng khuâng quên ngày tháng/ cháy lặng thầm chót đỉnh Trường Sơn” (8 phút). Hoặc cảnh một người lính giữ kho bị bỏ quên trên rừng: “bạn tôi một mình hớp chút ánh trăng qua kẽ lá/ anh giữ kho hàng khi tất cả lãng quên” (11h12 ngày 16 tháng 4 năm 2009). Hay tận dụng khả năng đến kinh dị của màu sắc: “bấy giờ anh chưa biết/ một Trường Sơn khốc liệt/ những đêm khuya vò võ một mình/ một Trường Sơn lặn vào nỗi nhớ mùi mồ hôi đã tắt/ một Trường Sơn u uất/ trắng toát thời con gái” (10h55 ngày 15 tháng 4 năm 2009)… Và hiệu ứng âm thanh kết hợp chơi chữ: “namo nano namo nano/ metro metro metro/ o o o o o” (1 phút sau)…

Từng con chữ, từng dụng công. Ai đi suốt Metro, trên chuyến tàu lao vun vút về phía trước cùng người khách ngược ngạo quen tính, sẽ thấy cuộc ngược về cũng nhanh như các chớp sáng; đôi khi mỗi ảnh hiện chỉ là thước phim cực ngắn, vài giây phút, rời rạc như quy luật nhớ quên của ký ức. Mà đằm sâu, ám ảnh. Ưu thế này của thơ đã được Thanh Thảo tận dụng tốt nhất bằng những tuyệt kỹ. Tôi hình dung ông hạnh phúc và đắc ý thế nào khi “tìm thấy” Metro cho mình.

Với Trường ca Chân đất, nhà thơ chủ ý ghi lời đầu sách đầy trang trọng, thiêng liêng: “Kính dâng quê hương Quảng Ngãi của tôi/ Kính dâng thầy má của con”. Có hình bóng thầy, má, có người dân quê chân chất với nắng mưa sương gió; những lưu dân tìm nguồn sống, những gian nan và ước vọng; có cuộc sinh tồn tự chủ và không tự chủ; tất cả trên nền khát vọng tự do, ngay từ mỗi thịnh suy, thời cuộc. Ở tâm thế chung hoành tráng này, Chân đất mang âm hưởng anh hùng ca mới. Nó lặng trầm nguồn mạch. Nó dân dã. Nó ca dao, hò khoan lỡ nhịp, đứt nối. Nó u buồn, chất chứa nỗi niềm điệu hát lưu dân. Có hào sảng tự tại. Và trầm uất tráng chí… Có cả, trong cảm hứng và giọng điệu.

Nhưng lưu dân. Dường như tâm thế lưu dân bàng bạc trên mỗi sinh phận. Dù rằng có vững chãi, bền bỉ như tre, có sâu rễ bền gốc như mùi bùn, như hồn con trẻ lớn lên từ rạ rơm, những trò chơi, những món ăn tìm được quanh ruộng vườn gốc tổ tự chủ, có đắp lũy xây thành cương thổ, có kiên định một ý chí tự vượt, giăng trải tâm can bằng mồ hôi nước mắt, bằng máu. Với đất nước ngàn năm gieo trồng và cầm gươm cầm súng, ai chẳng từng là lưu dân từ chính nơi mình ngụ cư, từ sâu xa cội rễ? Hành trình của mỗi cá nhân hay hành trình ngàn năm của dân tộc là hành trình của lưu dân? Và ý thức tự chủ, được sinh ra từ chính cuộc “hành” vô tận này! Để được làm người, mỗi số phận đều chứa đựng một phần hồn cốt dân tộc. Và Chân đất là tự tại khúc, u uẩn khúc, là tráng khúc, là đoài đoạn yêu thương, là lời ru, hoài vọng miên man.

Đây, “bác Năm Trì dân Quảng Ngãi” chỉ biết tựa vào chính mình, không tin bống bống bang bang, “trán vồng như luống khoai/ tay chai bánh tráng sượng”, một đời “nhào nặn đất cục”, sống hòa cùng thiên nhiên, nhớ cái chén mẻ lưu dân, bụi tre tiên tổ dựng làng… Đọc một đoạn tung tẩy các thứ nhì nhằng tân kỳ, độc thoại và quan sát, cắc cớ, khi nói tới con đỉa ở chân ruộng:

(bây giờ người Tàu sang xứ mình lùng mua đỉa/ đắt bao nhiêu cũng cân/ chắc họ mua về thả ruộng (Tàu)/ cho đỉa bu sướng chân (Tàu)/ hút máu)
người Tàu thật lạ/ họ mua những thứ dân mình vứt bỏ/ và bán cho mình những thứ cả thế giới vứt bỏ
làm sao tôi biết/ chân ruộng sâu có gì
bác Năm Trì/ bình thản xoa tí nước bọt vào chân/ và bứt ra một con/ đỉa/ nói theo kiểu bây giờ/ “hết sức kiềm chế!”.

Lại một giọng khác, đầy suy tưởng, trong Chân tháp:

tôi kính dâng lên tổ tiên mình/ chiếc bát mẻ nằm lặng bên chân Tháp/ cái bát người con trai Việt/ lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm/ như tìm nơi trú ngụ
lăn lóc tìm mênh mang/ vó ngựa
lăn lóc tìm ấm êm/ bếp lửa
lăn lóc tìm đức tin/ chân Tháp hình cặp mông cô gái
phương Nam hề, mệt lả!/ phương Nam hề, tái tê!

mì gõ thâu đêm Sài Gòn hoa lệ/ trứng cút thâu đêm Sài Gòn mưa xé/ bánh xèo thâu đêm liu riu ngọn lửa/ xích lô thâu đêm từng vòng cô đơn
đất quê tôi hai lần thất lạc/ người quê tôi hai lần lưu dân
vì sao muốn khóc?

Như đã nói, Thanh Thảo tận dụng triệt để ca dao, hát ru, dân ca, hò vè… những đặc sản phần nào bộc lộ căn tính dân tộc vào trường ca này. Con cò chẳng hạn. Nó thường đứng một chân trong mưa lúc không lẫm đẫm kiếm ăn. Rồi cái “bát xáo măng” nước trong, nước đục… Đây, “con cò” nỗi niềm và quyết liệt thời cuộc:
à ơi/ gặp con cò bên thác Bản Giốc/ đứng một chân bán hàng Tàu/ ngước nhìn dãy núi đá trước mặt/ đỉnh núi giờ đã mất/ cột mốc dời xuống tận chân núi/ dãy núi giờ đã ảo/ như nước mắt

bao giờ cò đứng hai chân/ bay thẳng lên đỉnh núi mình/ chớp trắng?/ bao giờ cò tự do lả la khắp phần đất phần núi mình/ giờ mất trắng?…
thôi thì đứng thẳng dưới mưa/ như một bông lúa vổng/ thôi thì trắng muốt toàn thân/ như ước vọng
mẹ cha để lại cho con/ chỉ một màu trắng ấy/ chân cò nâng lên trắng muốt lời nguyền/ nước có đục lấy thân mình mà rửa (chân cò).

Rồi cuộc vận dụng ca dao, tục ngữ mở hết biên độ trong chân mưa:

thằng Bờm có cái quạt mo/ thì tôi có cả tuổi thơ của mình
bao giờ thoang thoảng hoa cau/ mặc lòng cua máy cáy đào tự nhiên
đời như chiếc cối xay tre/ quay quay quay mãi/ lại về/ tuổi thơ
60 năm còn lại gì/ vẫn tiếng chân mưa đi/ ngoài cửa sổ.

Mệt nhoài những riêng chung, những quê nguồn, thời đại, trường ca khép lại bằng chân lũy như một gắng gỏi, một bản lĩnh đã dựng hình hài non nước. Như thường khi, như khẳng quyết, “cái tôi” tự tại, bình thản một niềm tin:

đừng bắt tôi nói những điều tôi không nghĩ/ cái gì ra cái nấy/ cùng mọi người tôi vác đá xây lũy/ cùng mọi người tôi vác tự do vác tình anh em qua lũy/ cùng mọi người tôi ném những trái ngang khỏi lũy
chúng tôi không xây Vạn Lý Trường Thành/ chúng tôi đếch là hảo hán/ chúng tôi vui tươi/ bình thản

Đừng than phận khó ai ơi/ còn đá mọc lũy còn chồi nảy cây/ còn mình còn bạn còn đây/ ba lý tang tình/ là còn đổi thay.

2. Cuộc tìm tòi không ngừng nghỉ

Nhưng niềm tin đổi thay không chỉ hy vọng chung chung “còn da lông mọc còn chồi nảy cây” như bài ca kia. Mà phải làm, phải “vác đá xây lũy” cùng mọi người. Có thể thành công, có thể thất bại. Cũng như thơ.

Khi nói Trường ca Metro, Trường ca Chân đất là những tìm tòi độc đáo của Thanh Thảo về cấu trúc, về giọng điệu thì loạt trường ca tiếp theo của ông Đám mây hình người thợ săn và con chó (2015), Dạ, tôi là Sáu Dân (2016), Người khiêng võng (2016) lại tiếp tục là tìm tòi mới.

Nếu Đám mây hình người thợ săn và con chó nhân vật là “đám mây” – một phiên bản, ẩn dụ về dân tộc Mông, dân tộc ngàn năm di cư trên những miền núi đá gần với mây trời, “sống với nhau đá mọc/ thở cùng nhau sương mai/ hát đồng ca hẻm núi/ hun hút đèo mây bay”, “chân bám đá nhịp đầy mê hoặc/ người dân ta toàn thân âm nhạc/ ngay con dao đeo bên hông/ cũng hát”, “ta không chém gió/ mà trần ra cho gió chém”… – đám mây lang bạt là một kiểu lưu dân khác. Nó phóng khoáng, tự do, tụ rồi tan mỗi cảnh; nó bản sắc và thực tế, dừng chân thành Tổ quốc – một Việt Nam chở che dung dưỡng; đám mây – người thợ săn, cầm súng đánh giặc biên giới,… là nguồn cảm hứng biến hóa, tha hồ cho chất giọng, như Chân đất. Thì, Dạ, tôi là Sáu DânNgười khiêng võng viết về 2 nhân vật lịch sử Võ Văn Kiệt, Lê Đại Cang, hình thành trên nền tự sự, tâm trạng, xoay quanh những dấu ấn, công tích, những nặng gánh khi cáng đáng trọng trách với dân với nước. Nếu Lê Đại Cang – một vị đại thần trải 3 triều vua Nguyễn, công tích lớn từ xây đắp đê điều trị thủy đến cầm quân dẹp loạn, vỗ yên bá tánh, văn võ song toàn, có cuộc đời kỳ lạ lúc “lên quan” (to), khi xuống “khiêng võng” (hai lần), thì Võ Văn Kiệt – một lãnh tụ hiện đại – “gánh” nỗi dân, nước, từ trong niềm vui thống nhất đã canh cánh“có một triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn”, rồi việc cứu đói dân, việc làm thủy điện, đường dây 500 kw, những trăn trở lo toan, những cô đơn… Cả hai trường ca đều trên nền ngôi thứ nhất “tôi” mà chia sẻ, giăng trải nỗi niềm, dung dị tạng thơ dễ đọc dễ hiểu. Về nỗi “vì dân”, trước sau chỉ một chữ ấy. Nhiều khi “tôi” nhân vật đã hòa với “tôi” nhà thơ. Sự nhập vai này cũng dễ hiểu: khi đồng cảm, kính trọng những nhân vật vì dân vì nước, Thanh Thảo gặp niềm trông đợi, sự hướng tới của lòng mình; có khi là tâm đắc từ một khúc quanh, kiểu “chính khi bị đè là khi ta vụt lên”.

Có lần, nhân người bạn giỏi chế biến mồi nhậu từ vài thứ rẻ tiền thời khó khổ bao cấp, Thanh Thảo liên tưởng tới thơ: “Nhiều khi, với ít chữ nhất, với những chữ bình thường nhất, nếu anh tạo ra được một bài thơ hay, anh sẽ sánh ngang với những người làm mồi nhậu từ những nguyên liệu rẻ tiền. Đó là nghệ thuật tối giản, hay nghệ thuật tối thiểu, một nghệ thuật cao sâu chứ không phải dạng vừa. Văn Cao, trong một số bài thơ của mình, đã làm và đạt thành công từ nghệ thuật ấy. Đó cũng là thứ nghệ thuật mà tôi rất ưa chuộng, dù không phải lúc nào tôi cũng dùng và cũng thành công” (Tr.119- CNTHB).

Tôi hiểu chủ ý trong lựa chọn cách thể hiện dung dị nhất có thể, khi viết về Võ Văn Kiệt, Lê Đại Cang. Vì dân, cho dân, với người trọng trách quốc gia – mọi tâm tư, hành động, mọi trăn trở, dù thành công hay thất bại, đã là khối vàng ròng. Với người đạt độ cao sâu về nghệ thuật ngôn từ như Thanh Thảo, “những chữ bình thường nhất” của hai trường ca này là dụng công của ông.

Nhưng thơ, còn có tính phản hồi. Đọc có thể hiểu dụng ý của nhà thơ, khâm phục, đồng cảm nỗi dân nước của các nhân vật, nhưng khoái cảm khi tiếp nhận thấp thì điều đọng lại, lan tỏa trong người đọc không cao. Chưa nói sự cộng hưởng, tiếp diễn sức sống bài thơ kiểu đồng sáng tạo…
Thanh Thảo đã rất thẳng thắn: không phải tìm tòi nào của ông cũng thành công.

3. Chiến binh thơ

Tôi bắt đầu bài viết bằng 2 cuốn sách tạng tự truyện kể trên và cũng kết thúc bằng 2 cuốn sách này, nhất là cuốn Cơ nhỡ trong hòa bình. Cũng để nói về thơ, đúng ra, để hiểu hơn về thơ ông, qua những luận bàn, suy gẫm về sáng tạo. Thanh Thảo không viết hẳn chân dung văn học nhưng tất cả các nhân vật hiện lên trong cuốn sách sinh động và chân xác thần tình. Như với Đặng Đình Hưng, chỉ thoảng qua thế này: “Biết mình đang ở đâu, nhưng Thơ vẫn kiên trì giành sự tự do cho mình. Ngôn ngữ “mờ” không thể nói với bạn rằng tự do trong bài thơ thiếu sáng. Ngược lại. Tôi có cảm giác Đặng Đình Hưng tự do tuyệt đối khi làm thơ, dù thơ ông rất mờ. Tự do hay không, tâm hồn quyết định” (Tr.118- CNTHB). Hay khi nói Nguyên Ngọc là nhà thơ, từ bút ký Trở lại Mèo Vạc. Ông cho rằng “sức mạnh của thơ nằm ở sự vô ý”, “kiểm soát trong vô thức nghĩa là vẫn vô ý”. Sau khi trích nhiều đoạn dài bút ký này, Thanh Thảo nhận xét: “Một người có lý trí cực mạnh như Nguyên Ngọc, sống đời sống một chiến binh như Nguyên Ngọc, nhưng lại có rất nhiều những đoạn sáng tạo vô ý, lơ đãng, mà những đoạn ấy trùng với cái tôi gọi là “văn xuôi – thơ”/…/ “văn xuôi – thơ” ấy phải được thể hiện trong một không gian mở và mờ. Và nó gắn với… siêu thực. Ít nhất là siêu thực trong cách nhìn. Nguyên Ngọc là nhà thơ như vậy” (Tr.132-CNTHB). Còn với Văn Cao, ngoài tạng thơ Văn Cao thường viết đã kể trên, ông nhận xét về người: “Chơi với Văn Cao, tôi có cảm giác rất dễ chịu. Không phải vì ông là thiên tài, chơi với ông mình được thơm lây, được ăn theo, mà vì chính con người ông, nhân cách của ông như cái cây tỏa ra dưỡng khí khiến mình dễ chịu. Nhiều cái cây như thế sẽ góp phần thanh lọc bầu không khí, hóa giải độc tố, và nâng đỡ cuộc sống” (Tr.55-CNTHB). V.v…

Thật nhiều những nhà thơ, văn nghệ sĩ hiện lên qua ngòi bút Thanh Thảo như vậy. Có từ “liên tài”, để chỉ việc thấu hiểu về một tác giả, tác phẩm bằng sự công tâm và tinh tế của người cầm bút. Dễ thấy điều này ở Thanh Thảo. Ông dành sự trân trọng thấu đáo, khi viết, dù chỉ vài nét thoáng qua. Tôi chợt nhớ Márai Sándor, nhà văn Hungary. Trong hai tập tản văn nổi tiếng Bốn mùa và Trời và đất có vô vàn những nhà thơ, nhà nghệ sĩ thế giới cũng thoáng qua như vậy. Mà độc đáo, hoặc cá tính – theo cách cảm, cách nghĩ của Márai.

Luôn có sự gặp gỡ trong sáng tạo những tâm hồn tự do, bất kể văn hóa, vùng miền.

Mọi nỗ lực của Thanh Thảo, cả luận bàn về thơ, về người nghệ sĩ, cũng nhằm đến cái đích cho thơ, kiên trì, không ngưng nghỉ. Vì cái đích ấy, ông đã “lang thang qua chiến tranh”, để thức nhận về đất nước mình, thế hệ mình; đã đắm mình trong hồn cốt dân tộc mà dâng trải những yêu thương và khát vọng. Và chiến đấu, theo cái cách của mình. Bền bỉ. Không bao giờ bỏ cuộc. Ông là một chiến binh thơ.

Mùa đại dịch, quê nhà, 11.9.2021
LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…