Thằng Điếc

(VNBĐ – Truyện ngắn).

1.

Thằng điếc nhìn chăm chú vào bàn tay bà chủ vựa gạo đang xẹt ra thoăn thoắt từng tờ tiền trải lên bàn. Bà lia ngón tay đánh vòng tròn trên mớ tiền đó rồi hỏi nó.

– Tiền lương tháng này, nhiều hơn tháng trước một chút. Mà tháng này con muốn lấy nhiêu? Gửi nhiêu?

Bà chỉ tay vào đống tiền, chỉ vào nó, rồi lại chỉ vào đống tiền rồi chỉ vào mình.

Thằng điếc nhìn đống tiền lần nữa, mặt nó ra vẻ tính toán kỹ lắm, đôi mắt bất động mấy giây rồi đưa tay rút ra hai tờ một trăm xanh lá, nó đẩy hết số tiền còn lại cho bà chủ vựa gạo. Bà chủ vựa quơ bàn tay xẹt ngang đã gom số tiền gọn lỏn.

– Để dành cũng được khá rồi hen.

Thằng điếc không nói gì, nó gật đầu. Rồi với tư thế cúi gằm mặt đó nó đi ra ngoài. Hai gã bốc xếp vạm vỡ như dân đô vật đi vào, cười nham nhở với bà chủ vựa. Nhìn vào sổ lương phải trừ mấy lần tạm ứng không còn bao nhiêu, hai gã bắt đầu ca bài ca hoàn cảnh rồi ỉ ôi xin tạm ứng lương của tháng sau. Bà chủ vựa gạo nhìn hai gã bằng đôi mắt hơi cau có, thở dài lắc đầu.

***

Thằng điếc nghiêng người vác từng bao gạo đóng gói sẵn 25 kg từ trên xe tải vào kho. Hai gã bốc xếp mỗi gã ôm một lần hai bao đi vào tỉnh bơ, liếc thằng điếc cười khẩy.

– Ê nhỏ. Nhìn vậy mà cũng gồng được lâu dữ hen. Mà còn nhỏ lo ăn chơi cho đã đời chớ làm chi cực. Mai mốt già hối hận đó.

Gã còn lại cười hô hô khả ố. Bà chủ vựa vừa tính sổ sách bên trong vừa dỏng tai nghe, lườm hai gã rồi nhằn.

– Để thằng nhỏ làm. Tụi bay đừng có xúi hư nó.

Hai gã trề môi, liếc nhau cười kháy.

– Nó điếc mà, nghe được gì đâu mà đổ thừa tụi tui xúi.

Thằng điếc không có phản ứng gì trước mấy lời đối đáp của hai gã với bà chủ vựa. Nó điếc mà. Không những điếc, nó còn không nói chuyện được nữa. Bởi vậy, cả ngày nó chỉ biết cười, gật hoặc lắc đầu với người đối diện.

Bà chủ vựa nhận nó vào làm cách đây khoảng hai năm. Lúc đó nó còn nhỏ xíu chừng mười ba, mười bốn tuổi gì đó, đen thui như cục than, ốm nhom với cái mặt teo ngắt, con mắt nó bự tới nỗi người nhìn có cảm giác tròng mắt muốn rớt ra. Lần đó bà chủ ghé chợ xóm dưới thu tiền mấy sạp gạo sỉ còn thiếu nhưng cứ nhây hoài không trả. Bà kêu tài xế tranh thủ đi đón con mình rồi mới quay lại đón bà.

Mình bà thong dong dòm ngó tình hình buôn bán của mấy con nợ từ xa để biết mà đòi tiền sao cho dễ. Trong lúc băng qua đường, bà bị một gã say rượu chạy ngang quẹt trúng. Trong lúc vừa đau vừa hoảng hồn bởi vụ va quẹt bất ngờ, không thể đứng lên mà cũng không một ai dừng lại giúp bà thì nó đột ngột xuất hiện, chìa tay ra. Nhìn bộ dạng nó lôi thôi, nhếch nhác như một đứa trẻ ăn mày bà cũng giật mình. Nhưng đôi mắt nó, sáng và vô tư đến kì lạ khiến bà không suy nghĩ gì, để nó đỡ bà lên lề, lụm lặt đồ rơi rớt trên đường vào giỏ cho bà rồi nhanh chóng hòa lẫn vào bên trong khu chợ.

Mấy ngày sau quay lại, bà bắt gặp nó đang xin ăn. Vẫn vẻ ngoài nhếch nhác, ánh mắt trong trẻo đó của nó như lúc nó giúp bà hôm trước. Bà nhìn nó một hồi, suy nghĩ có chút mông lung rồi gọi nó lại, hỏi nó có muốn về làm ở vựa gạo của bà không?

Lúc đầu, bà cho nó công việc quét dọn cửa hàng, thỉnh thoảng phụ mấy gã bốc xếp quét dọn trong kho. Công việc nhẹ nhàng nên tiền công cũng không nhiều. Bà không tìm hiểu quá nhiều về thân thế của nó, không biết con cái nhà ai, sống ở đâu, hoàn cảnh ra sao. Đôi khi bà cũng giật mình không hiểu sao mình liều lĩnh tin nó tới vậy. Nó không thể nói lời nào nhưng bà lại cảm nhận dường như nó là đứa trẻ đã trải qua nhiều khổ đau, bà xuề xòa lấy đó làm lý do bênh vực nó rồi không hỏi tới nữa.

Công việc của nó chấm theo ngày, sáng nó tới sớm, tối mịt mới về. Tiền công nó nhờ bà giữ giùm, mỗi tháng nó chỉ xin ngắt ra một phần nhỏ để mua mấy thứ cần thiết. Được đâu một năm, lần đó có người bốc xếp xin nghỉ việc, nó ngập ngừng đứng trước mặt bà, hai cánh tay khép sát dọc cơ thể, hai bàn tay vò miết vạt áo. Bà nhìn nó như có ý hỏi nó có chuyện gì. Nó lúng túng đưa ngón tay chỉ vào hai gã lực điền bốc xếp, rồi chỉ vào mình, kèm hành động như quăng bao gạo lên vai, nó đi vào trong kho rồi quay ra, chỉ vào nó một lần nữa. Bà chủ ra dấu hỏi nó muốn làm phải không? Nó gật đầu.

2.

Ở cái xóm chợ quê chồm hổm này không ai là không biết người đàn bà đó. Người phụ nữ có gương mặt rám nắng góc cạnh, mái tóc bung xõa được cột lại một chùm sau gáy vụng về, ánh mắt ngờ nghệch làm người đối diện dễ dàng nhận ra chị là người khiếm khuyết về nhận thức.

Từ sáng, lúc nắng sớm bắt đầu lên cao thì chị đã lê la khắp khu chợ, gặp ai cũng ngửa tay xin tiền. Bà con buôn bán nơi đây tuy thấy chị phiền nhưng người ta vẫn cho, nhưng chỉ là thỉnh thoảng. Không phải vì họ không muốn giúp, mà họ không muốn rước phiền phức vào người. Họ quá quen với chị nên sợ chị bám riết lấy họ sau một hai lần cho chị tô bún, cái bánh hoặc một hai ngàn lẻ là ngày hôm sau chị chạy ngay đến chỗ người đó vừa ngửa tay xin tiền vừa hỏi liên tục.

– Con tui đâu? Có ai thấy con tui không?

Không ai biết về đứa con chị nói. Từ cái ngày chị xuất hiện ở cái xóm chợ tự phát lèo tèo hơn hai chục sạp hàng rau cá dưa mắm này thì người đã ta thấy chị chỉ lang thang một mình.

Thỉnh thoảng, trong những cơn mê tỉnh lẫn lộn, người ta thấy chị ngồi một mình, nghiêng cái đầu chăm chú vuốt lên cánh mấy bông xuyến chi dại ngắt sau chợ rồi cười duyên, rồi lẩm bẩm kể chuyện một mình về một người phụ nữ nào đó mà người nghe chỉ nghe câu được câu không.

– Hồi đó cổ đi làm xa nè, cổ có con nè, cổ sống vui lắm đó, tối ngày lau nhà không à. Nhưng mà bị người xấu òm đó, lớn như cái cây cột này nè, làm cổ đau. Nhưng mà cổ vui mà, tại cổ có em bé nè. Mà bà chủ hông chịu cho cổ có em bé. Bà chủ hổng cho cổ lau nhà nữa. Cổ được đi chơi hoài luôn. A há… vui quá. Mà thôi, cổ hông chơi nữa. Cổ bị người ta oánh nữa kìa. Có thêm em bé nữa a ha… Một em bé lớn rồi thêm một em bé nhỏ xíu nữa. Em bé lớn thì biết đi rồi nè, còn nấu cơm cho cổ ăn nữa. Em bé nhỏ thì khóc không à. Thôi, hổng thích đâu… cổ sợ em bé nhỏ lắm.

Kể tới đó, chị chợt buông rơi mấy bông xuyến chi xuống đất, đưa vội hai tay lên bịt chặt tai, co rúm người lại, nép sát người vào bức tường có những mảng vữa loang lổ, mắt láo liên, miệng run rẩy.

– Cổ sợ em bé đó lắm. Em bé nhỏ khóc hoài à, liệng em bé nhỏ đi. Em bé nhỏ cứ đi theo cổ khóc hoài à. Thôi… cổ sợ.

Mấy bà bán hàng lúc ế khách lạt miệng lại khều ngoắc nhau dựa vào câu chuyện nghe câu được câu không rồi suy đoán cô gái trong câu chuyện chính là chị, nạn nhân của một ông chủ nhà râu xanh nào đó, để rồi phải lang bạt, bị điên khùng rồi tiếp tục trở thành con mồi của nhiều vụ lạm dụng. Thậm chí, trong một cơn điên loạn nào đó chị đã mất hoàn toàn nhân tính ném bỏ đứa con của mình xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Nhưng cũng có mấy người bàng quan nghe xong phẩy tay, chắc lưỡi.

– Huiiiii. Nghe cho vui chớ hơi đâu tin lời con khùng.

Cũng có vài người nghi hoặc liệu chị điên thiệt hay điên giả. Bởi họ nói, ngoài những lời nói ngây ngô, ánh mắt vô hồn, cái miệng lúc nào cũng cười cười trên cái đầu nghiêng qua một bên ra thì chị cũng đâu khác người thường là mấy. Mỗi khi chị xuất hiện vào buổi sáng, khuôn mặt được rửa sạch sẽ, tóc được buộc lại một chùm sau gáy, quần áo cũng được thay mới, rõ ràng là quần áo sạch. Họ nghi hoặc có khi nào chị chỉ điên vào ban ngày, còn ban đêm thì chị tỉnh táo khôn lanh như mọi người biết chăm chút làm dáng cho bản thân không ta?

Mấy người bàng quan lại phẩy tay.

– Huiiiii. Làm như phim hông bằng mà ngày điên đêm tỉnh.

Họ nghĩ vậy, nhưng vì chị chỉ là người điên, họ còn phải quay cuồng trong cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền nên rồi những thắc mắc đó chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong chớp nhoáng lúc chợ đã trưa rồi nhanh chóng rơi tõm vào quên lãng như cục đá nhỏ bị quẳng xuống sông. Mỗi người có cái nhìn khác nhau về chị nhưng họ dần coi chị là một điều hiển nhiên thuộc về khu chợ. Chị trở thành chủ đề chính mà họ mang ra mua chuyện mỗi khi vui, buồn, giận dỗi hoặc thương cảm. Cũng có khi chỉ vì rảnh rỗi, họ mang chị ra bàn tán rồi cười phá lên ồn ào một góc chợ.

Chị nghe được hết, nhưng không hiểu họ nói gì, chị chỉ biết nghiêng đầu rồi nhe răng cười một cách ngây ngô. Chị chỉ biết chìa tay ra.

– Con tui đâu? Có ai thấy con tui không?

3.

Hai gã bốc xếp lùa nhanh những hột cơm cuối trong bữa ăn trưa. Một gã vừa ăn vừa dán mắt vào điện thoại, gã chùi tay vào mông quần rồi đưa điện thoại sang cho gã kia. Thằng điếc vẫn cặm cụi xúc từng muỗng cơm lên miệng nhai. Nó đưa lưỡi liếm miếng sườn cọng nướng mà lúc nãy bà chủ cho thêm vào hộp cơm của nó với lý do. “Tao đang ăn kiêng. Ăn dùm tao một miếng đi”.

Hai gã bốc xếp lúc đó đã đưa mắt liếc nó như thể những con sói đói bị giật mất miếng thịt ngay trước mắt. Hai gã đợi bà chủ đi vào, xầm xì mấy câu chỉ đủ cho nhau nghe, rồi đột ngột phá lên cười nham nhở.

Thằng điếc không quan tâm, nó đang mải cầm hộp cơm, chép chép cái miệng, cảm nhận vị ngon đậm đà của các loại gia vị được nêm nếm đủ lượng đang tan dần trong lưỡi nó. Trong đầu nó nảy ra ý định.

– Món này ngon nè. Tối nay mua về ăn.

Rồi nó vui vẻ ăn hết hộp cơm không chừa lại hột nào. Hai gã ngồi gần đó huých cùi chỏ đưa nhau coi đoạn clip trên điện thoại, cái clip do một người dân quay từ trên cửa sổ nhà ông ta lúc nửa đêm ghi lại cảnh một gã xe ôm công nghệ đang dồn ép một người phụ nữ vô gia cư vào góc thùng rác rồi ra sức ấn giới vật của hắn vào miệng người phụ nữ. Người phụ nữ quơ tay chống trả, tránh né thì hắn rút dao ra đe dọa rồi tiếp tục đưa bàn tay của hắn làm những trò khác với thân dưới người phụ nữ. Hai gã bốc xếp coi xong lại phát ra tiếng cười dâm ô với nhau.

– Nửa đêm đó nha ba. Này ở thành phố nên mới bị quay chớ ở đây có mà… Trời thấy.

Gã kia nhăn mặt.

– Nói chớ… nhìn cũng thấy ớn, nhìn bả dơ vậy mà nó cũng ham hố.

– Bà này dơ chớ con nhỏ ở chợ xóm dưới đâu có dơ.

– Gì? Mày đừng nói…

Hai gã khựng lại một nhịp, nhìn sang thằng điếc, một trong hai gã hạ giọng nói nhỏ vào tai tên kia.

– Thích là nhích à. Tao tia nó lâu rồi rồi. Hông chịu trách nhiệm, không tốn một cắc. Xong xuôi đâu ai biết mình làm. Quá lời luôn.

Gã kia nghe xong vội vàng hất mắt sang thằng điếc đang dọn hộp cơm vào bịch xốp để mang bỏ. Gã vừa nói nhếch môi cười nửa miệng.

– Nó điếc mà mày sợ cái gì?

Gã kia nghe xong thì từ ánh mắt liền hấp háy.

– Ờ hen. Nhớ bữa nào đi thì rủ tao nha.

Hai gã lại nhìn nhau cười khả ố, thằng điếc đi bỏ rác vào thùng rác ngoài vỉa hè xong thì đi vào trong, tìm chỗ ngồi nghỉ ngơi trong ít phút giải lao buổi trưa còn lại.

4.

Chị đi quanh quẩn trong cái chòi lụp xụp, đưa tay lên bụng xoa xoa, mặt phụng phịu.

– Đói quá. Cổ muốn ăn. Muốn ăn.

Chị lật cái nắp đậy xô nước, vục mặt vào đó húp húp mấy ngụm rồi vội vàng nhổm đầu lên, ho sặc sụa.

Chị lật đám tóc lòa xòa rũ rượi che hết nửa khuôn mặt đang nhỏ nước tong tong xuống nền đất. Chị nắm lấy nhúm tóc, làm theo hành động vắt nước rồi tung nó lên. Chị lại đi loanh quanh ngó nghiêng, chị nhìn ra bên ngoài thấy trời đã tối.

– Tối rồi. Đi ngủ.

Chị leo lên cái chõng được kê bằng hai ba miếng ván cũ dài ngắn không đều nhau, bên trên có lót mấy tấm bìa cạc tông với vải bạt cũ nhàu, kêu loạt soạt mỗi khi chị cử động bên trên nó.

Chị nằm nghiêng người, mắt nhắm dần, chị mau chóng chìm vào giấc ngủ. Trong cơn mơ chập chờn chị thấy lại cái thời thiếu nữ, nhà nghèo chị phải rời quê lên thành phố làm giúp việc, chị bị ông chủ gạt tình, bị bà chủ đuổi, chị sinh ra đứa con đầu rồi phát bệnh thần kinh. Vẫn là chị trong giấc mơ ấy, những lần chị ngây dại ôm con đi lang thang, những hôm trời tối, thỉnh thoảng chị lại bị một gã đàn ông nào đó lôi vào chỗ vắng, gạt đứa con khỏi tay chị, làm chị đau đớn rồi vội vã bỏ đi. Chị không biết họ vừa làm gì chị, khi họ đi rồi chị chỉ biết cuống cuồng nhìn xung quanh gào khóc, ôm vội đứa con. Rồi trong giấc ngủ chị lại thấy mình đi về nơi ít nhà cửa, nhiều cây cối, có sông nữa. Chị có thêm một em bé khác. Em bé này chị không thích, nó khóc nhiều, nó hét lên với chị giống như nó muốn đua coi ai hét lâu hơn. Chị ghét, chị nhức trong cái đầu, chị liệng mạnh nó ra xa để có thể đưa hai tay lên bịt tai. Chị không biết nó rơi xuống đâu. Chỉ biết chị đang đứng trên một cái cầu. Hết đau đầu, chị đi về chỗ người ta đặt mấy cái ống cống để ngủ rồi đợi em bé không khóc cho chị ăn cơm. Nhưng em lớn về không cho chị ăn cơm mà hỏi em bé nhỏ đâu. Không nghe được tiếng khóc của nó nữa thì chị giật mình, chạy đi tìm rồi liên tục gọi.

– Con tui đâu? Có ai thấy con tui không?

5.

Thằng điếc đặt hai hộp cơm sườn cọng nướng xuống cái ghế nhựa gãy ngay trước cửa. Hơn hai năm, căn chòi rách nát này là chỗ ở của nó. Nó dành hết thời gian ban ngày để làm việc, mong rằng sẽ sớm có được một khoản nhỏ để xây nhờ trên đất bà chủ vựa gạo một cái phòng bằng xi măng, có cửa sắt, thiệt kín đáo, chắc chắn. Như vậy nó sẽ yên tâm mà tiếp tục làm việc rồi nuôi dưỡng giấc mơ lớn hơn là mua được miếng đất, mà như người ta nói với họ còn không đủ cắm dùi.

Chân nó đụng trúng cái thau nhôm lủng, nó không quạu vì đau mà còn để cái thau về vị trí cũ. Nó nhìn xung quanh, nồi xoong cũ người ta quăng bỏ nó đều lụm về bày biện quanh chòi giống như mắc thiên la địa võng. Nó nhìn đống đồ có thể phát ra tiếng kêu bất cứ lúc nào có người vô tình đụng trúng đó vẻ yên tâm.

Nó múc ca nước ở cái xô bên hông chòi hất lên mặt. Bàn tay gầy gò đen trụi của nó quơ nhanh trên da vài ba giây. Nó đứng lên đi vào bên trong, bật cái đèn sạc sắp hết pin nhỏ như cái hột vịt lụm được mấy bữa trước.

Nó sực nhớ đến thứ nhét trong túi quần, liền móc ra. Nhìn cục tiền được cột chặt như đòn bánh tét bằng cả chục cọng dây thun mà nó rưng rưng. Từ khi nó có nhận thức, chưa bao giờ nó được nhìn hay cầm số tiền lớn như vậy chứ đừng nói tới sở hữu. Tuổi thơ nó là những ngày lang thang vật vạ bên người mẹ không tỉnh táo. Những đêm cuối năm người ta tất bật với mua sắm, trang hoàng nhà cửa, mua sắm những thứ mới mẻ đẹp đẽ thì nó với mẹ lại phải chịu cảnh đói lạnh, phải chui rúc trong những bãi ống cống, gầm cầu như những con chuột, ăn những thứ người ta bỏ đi trong thùng đồ ăn thừa chỉ dành cho heo và bị quẳng cho cái nhìn xa lánh như thứ dịch bệnh. Những lần nó thấy mẹ giãy giụa, quơ tay cào cấu đẩy những gã đàn ông xa lạ đang đè bẹp mẹ nó ra trong hẻm vắng hoặc sau mấy gốc cây không người qua lại. Nó không hiểu người ta làm gì mẹ nó, càng không hiểu sao mẹ nó có thêm em bé. Chỉ biết lúc đó nó mới năm tuổi, biết đi xin ăn, biết mẹ không thích em bé nhỏ khóc, nó phải đi ăn xin để cho mẹ với em nó không bị đói. Rồi nó lớn hơn một xíu, nó cũng không thoát nổi cái lần bị gã đàn ông tóc bạc trắng nồng nặc mùi rượu lôi nó vào hẻm vắng làm những việc như mẹ nó từng bị. Trong cơn đau xé toạc da thịt, cuối cùng nó cũng hiểu ra mẹ nó từng bị gì, cái việc đó là việc gì và nó cũng hiểu ra từ giờ phải làm gì.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Cái ngày mà nó nhận ra mọi thứ đắng nghét chát ngắt của cuộc đời hai mẹ con nó cũng là ngày nó mất đi đứa em bạc mệnh. Nhưng lúc đó nó đã nghĩ, có khi như vậy em nó sẽ đỡ khổ hơn. Theo nó với mẹ, em nó sẽ không thoát cái nhìn dè bỉu của những con người đẹp đẽ ngoài kia. Mình nó với mẹ trốn chạy những chuyến xe càn quét người vô gia cư là quá đủ rồi. Nó không muốn nó và cả em nó phải vào trại trẻ mồ côi còn mẹ nó thì bị biệt giam trong những nơi dành cho người điên mãi mãi.
Nó lại nhìn cục tiền. Thời khắc mà nó chìa tay ra với bà chủ vựa gạo nó không hề nghĩ nó có ngày này. Giờ nó đang tự hỏi, lúc đó nó chìa tay ra đỡ bà hay chính bà đang chìa tay ra với nó? Lúc chiều nghe nó nói muốn lấy hết tiền công. Bà chủ nó không thắc mắc lý do. Bà nói tiền của nó muốn lấy lúc nào cũng được. Bà chỉ cười chọc nó bộ sắp Tết rồi muốn rút tiền sắm đồ hay gì? Rồi bà nói tiền công hai năm nay của nó cũng đủ mua miếng đất nhỏ xíu phía miệt dưới. Nó mừng lắm. Nhưng đứng trước cái mừng nó lại lo. Làm sao mà không lo được khi cái quá khứ từng diễn ra nhiều lần khiến nó trốn chạy tưởng đã tạm ngủ yên lại có dấu hiệu tái diễn. Nó không oán trách số phận, nó chỉ không thể hiểu tại sao những người gây ra bất hạnh cho nó lại luôn thoát tội và nhởn nhơ sống. Nó không biết làm gì cho mẹ ngoài cách ẩn nấp để bảo vệ.

Nó nhìn vào cái chõng, thấy chị đang nằm ngủ, người co lại tư thế bào thai. Nó thở phào nhẹ nhõm, trong đầu nghĩ.

– Nay sao ngủ sớm vậy. Thôi kệ, cho ngủ xíu rồi kêu dậy ăn cơm.

Nó kéo cái áo cũ mèm đang phơi trên dây kẽm vắt lên cổ rồi cặp hông thau đồ dơ ra phía sau tắm giặt.

Nó biết đã tới lúc phải rời khỏi đây. Câu chuyện đối đáp của hai gã bốc xếp hồi trưa nó nghe hết. Hay đúng hơn trước giờ nó nghe được hết những gì người ta nói. Nhưng nghe được thì sao, trước đây nó quá nhỏ, giờ thì đứng trước hai gã đô vật nó vẫn quá nhỏ, quá yếu ớt không thể phản kháng, rồi ai tin nó? Rồi mẹ nó lại còn là người như vậy thì ai sẽ can đảm đứng ra bênh vực sau những lần bị hại? Nó từng nghĩ sẽ phản kháng nhưng rồi cái ý nghĩ lo sợ bị tách rời hai mẹ con đưa vào những nơi xa lạ khiến nó thu hết lại mọi can đảm. Thà rằng nó giả câm giả điếc. Ít nhất người ta cũng không thèm để ý tới nó, ít nhất hai mẹ con nó cũng đã yên ổn sống được hai năm. Nó không chắc lần này nó đủ sức phản kháng không, nên thay vì phản kháng nó quyết định tránh xa tai họa trước khi quá muộn.

Tiếng thau nhôm kêu loảng xoảng khiến gió giật mình. Đang vò cái áo mặc đi làm trong bóng tối tù mù nó vội vàng đứng dậy. Cảm giác bất an như con rắn độc trườn nhanh vào đầu nó, nó hoảng sợ. Lẽ nào… Nó chạy như bay vào nhà. Hình ảnh mờ mờ hiện ra trước mắt nó từ cái đèn sắp cạn pin là hai gã bốc xếp dáng vẻ xiêu vẹo say xỉn đang bóp lấy cổ mẹ nó. Những bàn tay xấu xí y hệt những bàn tay trước đây đang vung lên hạ xuống. Nó bất động xiết chặt cái hột quẹt rồi nhanh chóng rời đi. Nó chạy ra chỗ xô nước… nhìn chằm chằm cái xô, giống như nó đang đếm thời gian. Ánh sáng trong chòi hắt ra chói lòa mặt nó, lửa bốc lên ngùn ngụt, nó bưng nguyên xô nước dội thẳng lên người ướt sũng rồi lao vào trong chòi.

6.

Sáng hôm sau. Cả khu chợ xôn xao về căn chòi phía sau vạt lau tự dưng cháy lụi. Họ biết đó là căn chòi của người đàn bà điên nhưng chưa ai tới gần lần nào. Họ hồ nghi rồi thêu dệt lên hàng trăm câu chuyện về hai gã bốc xếp đang nằm bất tỉnh cạnh cái chòi, về người đàn bà điên và thằng điếc chỉ trong một đêm tự nhiên biến mất như chưa từng tồn tại.

Bà chủ vựa gạo đi chợ, nghe loáng thoáng người ta bàn tán về người đàn bà điên, hai gã bốc xếp và căn chòi bị cháy. Bà liên kết mọi thứ rồi phần nào nghĩ tới thằng điếc, nó nghỉ việc mấy bữa nay không báo. Không lẽ nó chỉ giả điếc? Hai tên bốc xếp đã làm gì ở đây? Bà lờ mờ đoán ra mọi chuyện, bà cũng đoán ra thằng điếc muốn trừng trị kẻ đang hãm hại mẹ nó rồi bỏ đi nhưng cuối cùng sự lương thiện của nó đã át đi cơn cuồng nộ mà tha cho hai gã.

Bà lên xe, nói tài xế chở bà tới chỗ cái chòi bị cháy. Không hiểu sao bà thấy thương, thấy có lỗi với thằng điếc. Ngay từ lúc nhìn thấy mắt nó lần đầu, bà cảm giác như bà đang mắc nợ nó vậy.

Ngồi trên xe, bà chợt nhớ về nguyên nhân bà rời khỏi thành phố về đây mở vựa gạo. Ngày đó nếu chồng bà không trăng hoa, lang chạ hết cô này cô nọ. Thậm chí khiến người làm có thai thì có lẽ bà đã không nóng giận tới mức đuổi cô gái trẻ đó ra khỏi nhà rồi ly hôn với ông ta. Mới đó mà cũng mười sáu năm rồi chứ ít gì.

Xe dừng gần chỗ cái chòi bị cháy. Bà xuống xe đi bộ lại gần, nhìn vạt lau đang nở bông trắng xóa bị gió thổi lao xao bung cánh lên trời và đống tro đen xì đã lạnh ngắt im lặng dưới đất. Mắt bà đăm đắm nỗi buồn.

– Ở đâu thì cũng ráng sống tốt nha con.

TỊNH BẢO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…