Tháng Chạp miên man nhớ thương…

(VNBĐ – Tản văn). Tôi về quê vào những ngày đầu tiên của tháng Chạp, thong dong trên con đường làng quen thuộc, trái tim tôi xốn xang, cảnh vật hiền hòa như muốn ôm trọn tôi vào lòng. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, tháng Chạp quê nhà vẫn là bóng nắng vàng hoe ngày đông hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn đến inh tai. Con đường làng được khoác áo mới bằng những khối bê tông vững chắc nhưng dường như dấu chân tuổi thơ của tôi vẫn còn đâu đây. Tôi hình dung từng bước đi chập chững đầu tiên, chân trần tôi bước qua sỏi đá, bước qua mùa đông lạnh giá. Cũng con đường này, tôi đã theo mẹ đi khắp nẻo làng xóm, ra đồng, ra chợ, theo đám bạn đi chăn trâu, chăn bò với biết bao nhiêu trò chơi thú vị. Hai bên đường vẫn là những bụi hoa xuyến chi nở trắng xóa, tháng Chạp đến dường như sắc hoa càng thêm tinh khôi, trong vắt. Tuổi lên mười tôi mải chơi, hái những bông hoa xuyến chi cài lên mái tóc vàng hoe rồi cười khúc khích. Mẹ vừa gồng gánh vừa giục tôi đi nhanh cho kịp phiên chợ sáng mai sương còn ướt đẫm trên tán lá. Và khu chợ kia rồi, chỗ ngồi của hai mẹ con, nép bóng cây xanh cao vút. Tháng Chạp cây rù rì thả những chiếc lá vàng cong theo cơn gió đông ngọt ngào. Mẹ dịu dàng đon đả mời khách. Chợ quê đầy ắp tình người, và cũng đầy ắp bao nhớ thương. Tôi chạy tới mép sông hiền hòa bên khu chợ, soi bóng mình nhỏ xíu trong veo, soi qua những dặm dài bể dâu, tìm lại chút an yên và xua đi bao sự muộn phiền.

Tháng Chạp người làng tôi bận rộn với công việc đồng áng, những người nông dân chân lấm tay bùn tất bật mong mọi chuyện gói ghém xong xuôi trước khi Tết về. Về làng lần này thật bất ngờ khi tôi gặp lại rất nhiều người quen, những cụ già mà tôi tưởng họ đã ngơi nghỉ vì tuổi tác. Họ nhớ và gọi tên tôi, còn biết cả tôi con của bố mẹ ở làng nào, chỗ nào. Vẫn là giọng quê chân chất, tiếng cười khề khà buông lời khen thật thà không thảo mai, không dè dặt. Giữa mùa gió đông, cái rét thấm sâu vào da thịt, những hạt bùn lấm tấm trên vạt áo nâu, trên khuôn mặt chằng chịt dấu chân chim dòng thời gian xô vào khắc nghiệt. Tôi thấy mình là hạt bụi của quê hương, muốn hòa tan vào gió, vào cánh đồng tuổi nhỏ, vào những bụi mạ xanh non. Cơ giới hóa đã phần nào giúp người dân khỏe hơn nhưng vẫn còn đó là kiểu canh tác truyền thống, tiếng trâu bò, người cày cấy hò reo nhộn nhịp. Cảnh vật bình yên cứ thế trôi đi, đọng vào tâm tưởng của tôi, một mai về già tôi chỉ mong được về lại mảnh đất quê, với những người tôi yêu, quen và thân thiết.

Tôi lặng lẽ trở về ngôi nhà ngói ba gian của ba mẹ, rồi khẽ thắp lên ban thờ một nén hương báo với ông bà tổ tiên rằng mình đã về sau những năm tháng biền biệt đi xa. Hương trầm đưa tôi về những miền yêu dấu, tôi thấy mình như đang sống trong không gian sống của chính mình. Ba vẫn giữ thói quen trồng những chậu vạn thọ trước nhà, tháng Chạp bông đã chúm chím vàng ươm. Ba chẳng màng nó nở đúng Tết hay không, chỉ biết tháng Chạp có hoa vạn thọ là căn nhà ấm cúng như nắng xuân về reo vui khắp cả khoảng sân. Cái sân gạch rêu phủ khắp kẽ, lòa xòa len vào từng ngõ ngách. Con ngõ cỏ dại cũng đã lún phún xanh vì mấy hôm trời có mưa rả rích. Ba khoát tay tôi như mọi năm tôi còn ở nhà, rằng cứ để cỏ cây nó mọc, hết tháng Chạp là mùa xuân, con người bắt đầu khởi sắc một mùa mới thì cây cối cũng cần được như vậy. Tôi nhìn ba cười hạnh phúc, không phải bởi mình không phải dọn dẹp mà chính là trong ý niệm của ba. Ý niệm thật tuyệt vời của một người nâng niu thiên nhiên, nâng niu những điều thân thuộc.

Tháng Chạp trong tôi là nẻo trở về, càng trưởng thành tôi lại càng muốn được trở về nẻo xưa, được quây quần bên mâm cơm gia đình có tiếng nói ba mẹ, tiếng cười của đàn em thơ và cả tiếng gà lợn kêu trong chuồng. Đời người thật hạnh phúc xiết bao khi có một mái ấm, có người chờ đợi mình khi trở về. Và phút giây này, tôi biết mình phải sống chậm lại, để tận hưởng những phút giây hạnh phúc bên người mình thương yêu được dài hơn.

Tháng Chạp trong tôi là miên man bao niềm nhớ thương…

* Ảnh minh họa: internet

TĂNG HOÀNG PHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…