Tân Phụng – Thanh thanh lễ hội cầu ngư

(VNBĐ – Bút ký). Hai thôn Tân Phụng: 1 và 2 thuộc xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ) chung một vạn chài, có gần một nghìn hộ dân, với hơn 98% dân số bám biển mưu sinh và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Hai làng biển hiền hòa bên bờ sóng, cạnh chân núi Mũi Rồng hướng ra biển lớn. Với 183 tàu thuyền lớn nhỏ, hoạt động rộng khắp các ngư trường xa – gần, nhiều năm qua, vạn chài Tân Phụng không ngừng nâng cao sản lượng đánh bắt, tạo việc làm ổn định cho người dân bản địa và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Đến hẹn lại lên, cứ đến trung tuần tháng Tư âm lịch hằng năm, vạn chài Tân Phụng lại long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư với mong muốn bày tỏ tấc lòng của người dân vạn chài mình với biển cả thân thương, thắt chặt tình đoàn kết giữa các xóm trong làng và củng cố niềm tin cho một năm bám biển mưu sinh nối tiếp. Tháng Tư năm nay cũng vậy, trong ba ngày: 12, 13, 14, người dân hai làng đã chung tay tổ chức lễ hội cầu ngư với quy mô lớn, quy tụ hàng trăm người con quê hương xa xứ về dự và thu hút nhiều lượt khách thập phương đến chung vui.

Thành tâm
Trước hôm tổ chức lễ hội cầu ngư, tôi có dịp đi ngang cụm đình làng – miếu Thủy Thần – lăng Nam Hải ở Tân Phụng. Thấy khuôn viên sân – hè sạch sẽ, tôi thầm khen người làng chu đáo. Một người đàn ông ở gần đình thấy tôi đứng nhìn lăng hơi lâu bèn mau miệng: “Làng sắp làm lễ cầu ngư ở đó đấy. Năm nay làm kỹ lắm!”. Tôi bắt chuyện rồi làm quen và biết được anh tên Lê Thừa, 50 tuổi. Anh giải thích thêm nghĩa của “làm kỹ”: cách đây vài tháng, bà con hai làng đã họp, xây dựng nội dung, dự trù phẩm vật, bầu ban Nghi lễ, ban Tổ chức để điều hành các hoạt động. Những nhà gần lăng được phân công khâu vệ sinh trong, ngoài điện thờ; giặt giũ cờ, phướn; lau, rửa chén bát… Kỹ nhất là việc bầu chọn trưởng ban Nghi lễ. Vị này đại diện cho vạn chài thực hiện các nghi lễ tế thần nên phải là người đàn ông cao niên, phúc đức, có tín ngưỡng và thông thạo việc hành lễ tế đình, tế lăng. Ngoài ra, người này còn phải đủ đôi, cả hai đều khỏe mạnh, hòa thuận, không có tang chế. Nếu bị tang trước ngày lễ hội, làng phải lập tức bầu chọn người khác để thay thế… Giải thích xong, anh không quên nở một nụ cười, mời tôi đến dự kỳ lễ hội.

Lễ cầu ngư ở Tân Phụng có nhiều nghi: Vọng lễ, Nghinh thần, An thần và Đại lễ tế thần. Nghi Vọng là phần lễ cúng trần thiết bài vị được tiến hành vào chiều ngày trước, cầu xin ông Nam Hải ứng điềm lành cho vạn chài trong một năm làm ăn. Nghi Nghinh thần có nơi gọi: Nghinh Ông, tiến hành vào buổi sáng ngày lễ đầu tiên. Đi kèm với nghi này thường là lễ thỉnh chư vị tiền hiền, vong hồn, cô hồn vãn ngự ở các nơi trong vạn chài cùng về lăng Ông thụ hưởng. Nghi An thần được tiến hành liền kề nghi Nghinh tại lăng. Sau bài văn khấn an vị, rót đủ 03 tuần rượu, người làng thay nhau giữ ấm khói hương suốt ba ngày đêm. Đại lễ tế thần được tổ chức vào lúc nửa đêm thứ hai, tức đêm 13. Phẩm vật dâng tế là một con heo chưa luộc chín, hoa quả, chè xôi. Văn tế Đại thần là bài văn ca ngợi công đức cứu nạn của ông Nam Hải, ngưỡng nguyện cầu xin thần ban cho mưa nắng thuận hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy ghe… Mặc dù nhiều nghi lễ, lại tổ chức trong mùa nắng nóng, trong đó có nhiều nghi phải di chuyển xa nhưng các thành viên trong Ban từ người đứng đầu đến các con trạo, người đánh chiêng… luôn làm tròn vai được giao. Ông Huỳnh Ngọc Chiến – trưởng ban Nghi lễ – chia sẻ nỗi niềm với tôi lúc ngơi việc: “Mình cúng thần, nguyện cầu điều tốt cho vạn chài nên phải khấn từ tâm. Tế đúng và đủ các lễ thì lòng mới an. Khi tâm an, niềm tin lập tức hình thành, bén rễ, phát triển vững chắc”. Thì ra là vậy! Tôi nhủ thầm, gật đầu, cảm phục đội cờ – nhạc lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn bám đội hình làm tròn nghi lễ.

Lễ hội cầu ngư ở Tân Phụng không quy định mức tiền đóng góp. Người dân tự nhận thấy mình có trách nhiệm với vạn chài, tự nguyện đem lễ vật đến lăng dâng cúng. Thường, hộ có nhiều tàu hoặc chủ những cơ sở: vá lưới, nước mắm, đá lạnh, vựa cá… làm ăn được thì cúng nhiều; người đi lộng, đi bạn hoặc làm công trong bờ thì cúng ít hơn. Riêng hộ neo đơn hoặc gia đình có người vừa trải qua hoạn nạn đến tế, ban Nghi lễ ghi nhận tấm lòng nhưng gửi lại họ lễ vật dâng cúng.

Việc người dân dâng lễ tế ông Nam Hải tại vạn chài Tân Phụng được tiến hành sau nghi lễ An thần và kéo dài đến hết vở tuồng “Tôn dương” hát trong đêm 14. Đội nhạc lễ thay nhau túc trực tại lăng suốt ngày đêm tấu nhạc phục vụ việc cúng kính. Trước điện thờ và bài vị ông Nam Hải linh nghiêm, tất cả người cúng đều nhất tâm tín ngưỡng và thành tâm nguyện cầu hạnh đắc bình an, làm ăn tấn tới. Cuối kỳ tế lễ, tại lăng Ông, ban Nghi lễ trân trọng công bố lễ vật cúng lăng của từng bà con tại quê, xa quê, khách viếng thăm và những doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Cách làm này vừa thể hiện tính minh bạch của lễ hội vừa thể hiện tâm thành của ban Nghi lễ, góp phần làm tăng thêm niềm tin trong vạn chài. Anh Trần Văn Toàn – người từ thành phố Phan Thiết về quê hương Tân Phụng dự lễ hội lần đầu – chia sẻ: “Nghe quê nhà tổ chức cầu ngư, tôi sắp xếp công việc về cúng lăng. Về thấy cách làm chu đáo thế này, tôi và nhiều bà con ở xa mãn nguyện lắm!”.

Rộn vui
Những ngày diễn ra lễ hội cầu ngư, vạn chài Tân Phụng như bừng thức. Từ đầu thôn đến cuối xóm, từ khu Triều Cường đến sân Bến Cá… đâu đâu cũng rực màu pa nô, áp phích, cờ hội. Tại bến thuyền, hai ban thôn dựng hai rạp lễ để tiếp khách. Rạp được trang trí cờ hoa, trưng bày nhiều hình ảnh tàu thuyền và con người Tân Phụng, rất bắt mắt. Chợ Tân Phụng cũng nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều người bán hàng và nhiều mặt hàng mới lạ xuất hiện. Nhiều nhất là đồ chơi và quần áo trẻ em. Người đến chợ cũng đông hơn thường ngày, sức mua cũng mạnh hơn gấp bội lần. Các quán tạp hóa cũng tất bật không kém. Người bán mải miết giao hàng nhưng vẫn không kịp, đành phải nhờ đến con cháu, đứa trực điện thoại, đứa chở hàng đi giao.

Phần “hội” trong lễ hội cầu ngư ở Tân Phụng rất phong phú. Phần này do hai ban thôn của vạn chài đảm nhiệm, thường là các trò chơi dân gian gắn với đời sống biển giả, tổ chức cho đại diện 06 xóm ở vạn chài thi với nhau. Lễ hội cầu ngư năm nay ở đây, ngoài việc tổ chức hát Bội tại lăng còn có các hoạt động: đua thuyền rồng, thuyền thúng, kéo co và lội biển bắt vịt. Các trò chơi được sắp xếp theo ngày, tổ chức tập trung tại bến thuyền trước làng. Trò chơi nào cũng đông vui, chật ních người xem, người cổ vũ. Phần thưởng cho các trò chơi được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ nên rất to nhưng chuyện thắng thua đã không thành chuyện lớn đối với người dân các xóm ở Tân Phụng. Họ vui vẻ bắt tay nhau, cùng chơi, cùng vui và cùng học hỏi kinh nghiệm.

Những ngày này, vạn chài Tân Phụng nhộn nhịp suốt từ sáng sớm đến nửa đêm. Ban ngày, trong làng, người đi lại tấp nập. Lối tắt giữa các khu, xóm thường ngày thưa thớt bóng người, giờ nườm nượp bước chân. Bến thuyền đông vui lạ thường. Cả rừng người chen chân nhau chật kín bãi. Đông nhất là quanh điểm tổ chức các trò chơi, người xem nêm cứng vòng vây, giăng dày trên triền động và cả những đỉnh dốc cát lân cận. Bến thuyền lanh lảnh giọng lệnh điều hành của các thành viên ban tổ chức. Tiếng trống, kèn cổ vũ thúc lên liên hồi náo nhiệt. Chốc chốc tiếng reo hò tán thưởng vang lên, hạ xuống rồi lại vang lên như những đợt sóng trắng ập vào bờ. Anh Phạm Tráng – tay chèo thuyền rồng ở xóm 2, Tân Phụng 1, vừa kết thúc đợt đua – chia sẻ nỗi niềm của người trong cuộc: “Để có được đường đua đẹp, anh em chúng tôi phải tập luyện suốt sáu ngày liền, mỗi ngày hai bận: sáng – chiều. Tốn nhiều công sức nhưng rất vui!”. Kết thúc từng trò chơi, người Tân Phụng thường mời khách mới gặp hoặc mời nhau về nhà cùng uống trà, uống rượu, đàm đạo chuyện làng, chuyện biển và chia sẻ cho nhau những kiến thức mới mẻ trong nghề.

Đêm, xóm làng rộn vui không kém. Điện đường, điện nhà chong mắt suốt đêm. Nhà có nam thanh nữ tú, dập dìu khách tới lui. Tại điểm đầu các xóm, bà con chung tay dựng rạp, trang trí đèn hoa rồi thuê loa kéo về cùng hát. Tiếng nhạc xập xình trong ánh đèn màu loang loáng mặt biển làm cho không gian làng chài như nửa thực nửa hư. Khách đến thăm làng tiện chân ghé vào đây sẽ được mời rượu nhắm với những thức quà từ biển. Giữa hai làng có gánh lô tô bày đủ các đồ chơi, trò chơi cùng những bài hô hát vần vè, dí dỏm, thu hút hàng trăm trẻ em và người lớn đến xem – chơi, khuya lắc mới về nhà. Đông vui nhất là tại lăng Ông. Nơi đây làng tổ chức hát Bội nên hội tụ đủ mặt người làng và nhiều du khách yêu tuồng đến từ các địa phương lân cận. Lễ hội cầu ngư lần này, làng mời đoàn tuồng Sao Mai ở thị xã An Nhơn về diễn. Về phần lễ, đoàn diễn vở Cổ thành trích đoạn “Quan Công phò nhị tẩu”, về nghệ thuật, đoàn diễn lần lượt các vở: “Tiết Đinh San chinh Tây”, “Ngũ hổ bình Nam”, “Huê thần nữ dâng ngũ linh kỳ” cho ba đêm. Với dàn diễn viên gạo cội được rút từ nhiều đoàn Tuồng nổi tiếng trong tỉnh, diễn các vở thuộc lớp Tuồng pho rất xuất sắc nên tiếng thơm nhanh chóng lan tỏa. Đêm thứ hai, thứ ba, sân lăng, sân đình chật kín người. Khách xem hát không chỉ người địa phương mà có cả người ở những xã xa như Mỹ An, Mỹ Thành, Mỹ Chánh… Sôi động nhất là những đoạn nhân vật của vở diễn biểu cảm độc lạ với những tình huống tuồng khó, chạm đến đáy lòng của người xem. Lúc này người cầm chầu vừa thúc roi vừa ném cờ thưởng vù vù lên sân khấu. Cờ vung như sung rơi cùng những tràng pháo tay tán thưởng giòn giã, khiến cả sân đình tỉnh hẳn suốt ba đêm.

Vui hơn nữa vì lần này người dân vạn chài được đi trên con đường mới nối từ trung tâm làng ra cụm đình – miếu – lăng vừa thông cản trước lễ hội. Đây là con đường mong ước bấy lâu của hàng nghìn người dân ở hai làng Tân Phụng. Đường không dài, khoảng chừng cây số, mặt đường rộng thoáng, men theo triền núi bên trái làng dẫn ra nơi thờ tự. Kinh phí làm đường là nguồn tiền cúng lăng hằng năm của bà con vạn chài và những doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Thế là từ đây người Tân Phụng không còn ì ạch leo đá, vượt gành để đến lăng Ông. Thay vào đó là thần thái ung dung bước bộ hoặc lướt xe máy, xe ô tô đến tận nơi mà không sợ vấp té hoặc kẹt chân. Vui nào bằng! Cụ Trần Cơi, 89 tuổi ở thôn Tân Phụng 1, được một người cháu chở ra lăng Ông bằng con đường mới. Ông không ngớt trầm trồ, bày tỏ: “Làm được con đường mới ra lăng, tổ chức lễ hội cầu ngư chu đáo là đại hỷ với làng, người cao tuổi như tui mãn nguyện lắm, có chết cũng vui!”. Còn ông Phạm Chốn – chủ một đội tàu đánh bắt xa bờ – phấn khởi: “Mọi việc trong lễ hội diễn ra chu đáo, suôn sẻ, chắc chắn năm nay sẽ thuận buồm xuôi gió. Nhiều năm gần đây đều vậy cả mà!”.

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…