Sưu tập điêu khắc Champa Bình Định của công sứ Pháp Albert Morice

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Điêu khắc nghệ thuật Champa có thể được bắt đầu được chú ý sưu tầm từ khi Toàn Quyền Đông Dương là De La Grandière ra lệnh cho thu thập những di tích của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương vào năm 1866. Nhiều tác phẩm điêu khắc Champa có giá trị đã chuyển về Pháp bởi các quan chức thuộc địa và các nhà sưu tập người Pháp. Một trong những quan chức thuộc địa ấy là Bác sĩ Albert Morice – Công sứ Pháp tại Quy Nhơn.

Bác sĩ Albert Morice sinh năm 1848 tại Saint Étienne, mất năm 1877 tại Toulon. Từ những năm đầu 1860, Albert Morice được bổ nhiệm làm việc tại Việt Nam, đầu tiên ở Nam Kỳ, sau đó làm Công sứ tại Quy Nhơn và một số tỉnh khác ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Morice rất quan tâm đến các tác phẩm nghệ thuật Đông Nam Á, đặc biệt đối với kiến trúc và điêu khắc Champa. Sưu tập các tác phẩm nghệ thuật như là một thú vui, trong thời gian làm việc ở Bình Định, Việt Nam Morice đã sưu tập được nhiều hiện vật điêu khắc Champa và gửi về Pháp nhiều đợt.
Albert Morice từng là Công sứ ở Quy Nhơn – vùng đất Vijaya xưa, nơi định đô 5 thế kỷ của vương quốc Champa, kinh đô Đồ Bàn. Ông đã góp nhặt được một bộ sưu tập khoảng 40 hiện vật điêu khắc Champa chất liệu sa thạch, các mẫu vật này là những bộ phận trang trí ở các khu đền tháp, nơi thờ cúng linh thiêng của người Champa đã bị hoang phế thuộc vùng Vijaya – Bình Định.
Một phần hiện vật của bộ sưu tập này đã được Bác sĩ Morice ký gửi qua tàu biển bằng cách chuyển gửi hai lần, một lần gồm khoảng 20 thùng về Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Lyon. Vào ngày 17.6.1877, con tàu hàng hải Pháp tên Mei-kong (thuộc Công ty hàng hải Messageries Maritimes) trên đường từ Sài Gòn đi Marseille, chở theo bộ sưu tập tượng của Morice đã bị đắm ngoài khơi bờ biển Somalia, cách mũi Guardafui vài hải lý về hướng Nam. Hầu hết hàng hóa chở trên tàu Mei-kong bị thổ dân Somalia cướp, ngoại trừ hai mặt hàng là những thùng rượu và các hiện vật điêu khắc chạm trổ bằng chất liệu đá, những đồ vật không mang lại cho họ nguồn lợi.
Ông Robert Stenuit là người tổ chức thành lập nhóm nghiên cứu khảo cổ dưới nước và đã trục vớt được những hiện vật tàu đắm đầu tiên. Nhóm khảo cổ của ông gồm những nhà sử học, nhà khảo cổ, những thợ lặn chuyên nghiệp, tìm hiểu nghiên cứu các tài liệu về hàng hải lưu trữ ở Paris, London, Amsterdam, Séville, Lisbonne… Năm 1967, Robert Stenuit tổ chức khai quật khảo cổ tàu đắm Witte Leeun thuộc Công ty hàng hải Néerlandaise, chìm ở vịnh Saint – Hélène năm 1658, trục vớt được nhiều đồ sành sứ thời Minh (Trung Quốc). Robert Stenuit đã kể lại cuộc mạo hiểm trục vớt bộ sưu tập điêu khắc Champa của Bác sĩ Morice trên tàu đắm Mekong tại mũi Guardafui vào năm 1995, như sau:
Nhóm khảo cổ dưới nước của Robert Stenuit được sự trợ cấp của Công ty Giám định hàng hải nổi tiếng – Comex và sự trợ giúp, ủy thác của chính quyền Đông Bắc nước Cộng hòa Somalia, tổ chức tìm kiếm xác định vị trí tàu Mei-kong đắm giữa mũi Schénaraf và mũi Guardafui, nơi này biển sâu và u tối, nổi tiếng là vùng biển nguy hiểm. Ngày 8.10.1995, đội thợ lặn bắt tay vào công việc và đã tìm thấy tàu đắm Mei-kong, vỏ tàu bằng sắt nằm song song với bờ biển bị đập gãy làm ba đoạn, vung vãi nhiều mảnh vỡ, buồng lái tàu hình bán nguyệt hướng về phương Bắc, tàu chỉ có một chân vịt. Nhóm thợ lặn thay phiên nhau làm việc, mỗi ngày một ca lặn với 4 thợ lặn. Sau hai tháng dò tìm trục vớt, hầu như toàn bộ các hiện vật điêu khắc và các mảnh vỡ có chạm trổ đã được thu hồi và chuyển trả về Châu Âu. Những hiện vật điêu khắc đã tìm lại được, bao gồm 23 hiện vật điêu khắc đá chạm nổi cao, các hiện vật đá vuông cạnh, một mẫu bàn thờ… Trong đó, có 5 hiện vật điêu khắc tìm thấy ở các đền tháp phế tích, nhưng không ghi cụ thể địa phương nào trong vùng Bình Định, có thể là thành Chà Bàn (Đồ Bàn), nơi định đô lâu nhất của vương triều Champa (TKXI-XV). Theo Robert Stenuit, vẫn còn những pho tượng Champa chứa trong các hầm của tàu đắm Mei-kong chưa trục vớt được.
Tất cả những hiện vật trục vớt được từ tàu đắm Mei-kong thuộc bộ sưu tập của Bác sĩ Albert Morice, nhiều tác phẩm điêu khắc có nguồn gốc từ tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi), tất cả hiện vật sưu tập có cùng chung khung niên đại thế kỷ XII-XIII – thuộc phong cách Tháp Mẫm hay còn gọi là phong cách Bình Định. Giai đoạn phong cách nghệ thuật Champa có sự ảnh hưởng, pha trộn nghệ thuật Bayon, Ăngcovat, Campuchia.
Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Lyon hiện đang lưu giữ trưng bày 8 tác phẩm điêu khắc Champa trong bộ sưu tập của Bác sĩ Morice được trục vớt từ tàu đắm Mei-kong, gồm có:
– Phù điêu hình lá đề chạm bán thân người cầu nguyện, chất liệu sa thạch, dài 22cm, cao 39cm, ký hiệu số: 81000011, phong cách Bình Định, thế kỷ XIII. Có thể tượng đang trong quá trình tạo tác chưa hoàn chỉnh, với cái mũ chóp cao có viền một dải băng nhỏ, còn thiếu dây chuỗi vòng cổ, nhưng sự cân đối vuông vức của khuôn mặt và bờ vai đã gợi lên bối cảnh cầu nguyện nơi đền thờ. Tượng có xuất xứ từ tháp Hưng Thạnh.
– Phù điêu hình lá đề chạm bán thân người cầu nguyện, chất liệu sa thạch, dài 58cm, rộng 26cm, cao 49cm, ký hiệu số: 81000012, phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ XIII. Tượng người cầu nguyện đang trầm tư, dải dây bịt trên trán của chiếc mũ kết nối với đỉnh lỗ tai bằng một đoạn cong làm gợi lên chiếc mũ Thiên triều Bayon của người Khmer.
– Phù điêu rắn Naga nhiều đầu, chất liệu sa thạch, dài 60cm, rộng 41cm, cao 62cm, ký hiệu số: 81000013, phong cách Tháp Mẫm, cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII. Điêu khắc trang trí kiến trúc này gợi cho ta hình ảnh lan can của người Khmer, đặc biệt là ở đền Preah Khan. Tuy nhiên, phù điêu vẫn thể hiện rõ nét phong cách truyền thống điêu khắc rắn Naga nhiều đầu của Champa.
– Đầu sư tử trang trí góc, chất liệu sa thạch, dài 45cm, rộng 47cm, cao 70cm, ký hiệu số: 81000014, phong cách Tháp Mẫm, cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII. Tượng đầu sư tử trang trí góc này có nét tương đồng với đầu rắn thần Naga của các tượng góc trang trí trên đền tháp Bắc nhóm tháp Hưng Thạnh. Con mắt lồi, cái mõm ngẩng lên cùng hình những ngọn lửa viền đã biểu hiện sức mạnh của linh vật.
– Đầu sư tử trang trí góc (mảnh vỡ), chất liệu sa thạch, dài 53cm, rộng 59cm, cao 68cm, ký hiệu số: 81000017, phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ XII – thế kỷ XIII. Đầu sư tử là một tác phẩm đang tạo tác chưa hoàn chỉnh, tượng có hình dáng tương đồng hiện vật đầu sư tử có ký hiệu số: 81000014.
– Đầu rồng có chòm râu cằm, chất liệu sa thạch, dài 91cm, rộng 40cm, cao 84cm, ký hiệu số: 81001998, phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ XII – thế kỷ XIII. Tượng rồng có đầy đủ nét đặc trưng của phong cách tháp Mẫm, thể hiện sức mạnh uy nghi, được chạm trổ đậm đặc, tỉ mỉ với những trang trí và đồ trang sức. Cách chạm trổ này cũng được thể hiện trên tượng nhân sư cùng thời kỳ. Con rồng có trong ngụ ngôn về thú vật của người Champa, có lẽ chịu ảnh hưởng của Việt Nam.
– Chóp phù điêu trang trí hoa, chất liệu sa thạch, dài 56cm, rộng 26cm, cao 35cm, ký hiệu số: 81001999, phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ XIII. Tác phẩm chạm trổ này đại diện cho một phong cách nghệ thuật điêu khắc trang trí kiến trúc về hoa, cần mở rộng nghiên cứu.
– Phù điêu người cầu nguyện, chất liệu sa thạch, dài 95cm, rộng 34cm, cao 75cm, ký hiệu số: 81002000, phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ XIII. Tượng chưa tạc hoàn chỉnh, với khuôn mặt vuông, chiếc mũ cao dựng thẳng về phía trước, đường chân mũ chạm nổi cao. Các đường viền mờ nhạt là đặc trưng của phù điêu.
Theo Bác sĩ Louis Jullien “Bác sĩ Morice khảo sát được 8 ngôi đền tháp rất cổ, độc đáo ở Quy Nhơn. Tại các ngôi đền tháp ấy còn ẩn chứa nhiều tác phẩm điêu khắc giá trị. Trong đó, 5 đền tháp còn đứng vững, 3 ngôi đền khác đã bị sụp đổ. Ông ấy đã thu thập các tác phẩm điêu khắc giá trị trang trí ở các khu đền tháp này và gửi về Pháp. Từ Quy Nhơn, Morice đã gửi 30 thùng hàng hóa về Pháp. Trong số đó có 20 thùng hàng đã bị đánh mất từ vụ tàu đắm Mei-kong”.
Các hiện vật điêu khắc Champa đã được gửi đến nhiều Bảo tàng, nhà trưng bày ở Pháp và các quốc gia khác. Các quan chức thực dân và những nhà sưu tập cổ vật người Pháp nói chung, Bác sĩ Morice nói riêng, đã tách rời các pho tượng điêu khắc Champa ra khỏi bối cảnh nơi xuất xứ ban đầu – đền tháp, để rồi ban cho những hiện vật này một đời sống khác – “đời sống bảo tàng”. Qua đó, họ đã dựng lại và làm thay đổi ý nghĩa, chức năng của các hiện vật điêu khắc, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền văn hóa tinh thần của dân tộc Champa.

NGUYỄN THANH QUANG

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…