Sáng tác ở Quy Nhơn

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Tôi nghĩ, không nhà thơ, nhà văn nào mong được… đói khổ để viết ra những tác phẩm hay. Nhưng, có một sự thực khó phủ nhận, là chính trong những thời kỳ khó khăn, đói khổ trong đời, nhà thơ hay nhà văn lại thường viết được những tác phẩm mình tâm huyết. Không phải bụng đói thì văn hay, nhưng nhiều nhà văn đã công nhận với tôi, là họ đã viết được nhiều tác phẩm ưng ý trong lúc… bụng đói. Bản thân tôi hình như cũng thế.

Còn nhớ, những năm 1981, 1982 ở Quy Nhơn, tôi đã hăng say sáng tác trong một thời kỳ mà sau này người ta gọi là “thời bao cấp”. Nhưng hồi đó, không ai gọi như vậy. Đơn giản, vì với người làm công ăn lương, mỗi tháng nếu không được bao cấp những tem phiếu cụ thể, từ phiếu thịt, phiếu đường tới tem vải, sổ gạo… thì với lương từng ấy không ai có thể sống được. Tất cả đều phải dựa vào tem phiếu. Tôi còn nhớ, mỗi khi xếp hàng mua thịt ở cửa hàng mậu dịch chợ Lớn Quy Nhơn, lòng hồi hộp cứ như thí sinh bây giờ thi đại học, chỉ sợ tới lượt mình thì… hết miếng thịt ngon. Gọi là ngon cho oai, chứ miếng thịt “coi được”, có mỡ có nạc là quý lắm rồi. Nhiều khi lại quý miếng thịt mỡ hơn miếng thịt nạc, vì thịt mỡ còn… rán ra mỡ ăn dần, trong khi thịt nạc dù quá tốt cho trẻ con nhưng ăn… hết ngay. Với những cô mậu dịch viên, họ tất bật vất vả từ sáng sớm nên thật khó đòi hỏi ở họ sự tươi vui hồ hởi. Tất cả buộc phải chấp nhận, nói như câu ca dao phổ biến thời ấy: “Bắt phanh trần phải phanh trần/ Cho may – ô mới được phần may – ô”. Thực ra, đâu có ai bắt mình phanh trần, nhưng thời ấy mỗi năm chỉ được bốn mét vải, áo may – ô lại phân phối kèm với lốp xe đạp, nên chả ai bắt, mình cũng cứ phải phanh trần ra cho nó… mát.

Đất nước vừa thống nhất, cứ tưởng yên bình, cứ nghĩ từ nay ai dám đánh mình, thế mà nó gây chuyện luôn, đánh luôn, từ chiến tranh biên giới Tây Nam đổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Hậu phương cứ là ăn bo bo mệt nghỉ. Trong hoàn cảnh ấy, khó đòi hỏi một cuộc sống dễ chịu, dù là để… sáng tạo. Nhưng vào tầm những năm 1984, 1985, khi chiến tranh đã hơi ngớt, thì đúng là cả xã hội bức xúc vì đời sống khó khăn quá. Lại thêm cái đận đổi tiền. Ấy là khoảng tháng 9.1985. Tôi còn nhớ, ngày đổi tiền ấy gia đình tôi đang ở Quy Nhơn. Gọi là đổi tiền, nhưng nhà tôi làm gì có tiền mà đổi. Nên rất ung dung. Ngay từ sáng sớm, tôi đã đạp xe tới khách sạn Du lịch Quy Nhơn chơi với ông bạn vàng – đạo diễn Trần Cương – một người uống bia như hũ chìm. Hồi ấy quá nghèo, chả mấy khi có tiền trong túi, nhưng giờ thì không thể nhớ ra là làm thế nào chúng tôi lại xoay được bia uống. Bây giờ nghĩ lại, vẫn tự phục mình: Sao “năng động” thế! Ngày đổi tiền, ở khách sạn Du lịch Quy Nhơn, tôi đã rất may khi gặp được ca sĩ nổi tiếng Duy Khánh. Không phải tôi quá mê nghe hát, hay tôi là “fan” của Duy Khánh. Đơn giản, có một câu chuyện khác. Anh Duy Khánh đi hát dạo, về Quy Nhơn được mấy hôm thì gặp… đổi tiền. Gặp tôi, Duy Khánh rất vui. Trần Cương cười he hé: “Thằng cha Duy Khánh này đang có… nhiều tiền lắm”. Duy Khánh cầm tay tôi cười rất hồ hởi: “Đúng mình có nhiều tiền thật, tiền cát-xê sô hát mấy đêm rồi. Bây giờ, anh em mình uống bia, uống cho hết số tiền này, mình đỡ phải… đổi”.

Trong đời, tôi chưa thấy có quyết định nào mà minh triết mà sáng suốt như quyết định của ca sĩ Duy Khánh, khi anh mang hết tiền (cũ – nhưng có giá trị trong ngày đổi tiền) là toàn bộ tiền cát-xê của mình, để uống bia với bạn bè, chứ không mang đổi ra tiền mới. Nghệ sĩ là như thế. Và đó là một quyết định đúng. Chứ nếu Duy Khánh đổi tiền, lại toàn tiền 50 đồng mới cứng, thì ở Quy Nhơn bấy giờ không cách gì tiêu được. Cũng không thể đổi ra tiền lẻ (tiền mới), vì chả ai đổi cho. Cách tốt nhất để xài bằng hết tiền (cũ), là… uống bia.

Chúng tôi đã ngồi lỳ suốt một ngày, lấn sang đêm – trước giờ tiền cũ hết giá trị – ở khách sạn Du lịch Quy Nhơn để… uống bia. Từ thùng này sang két khác, bia Sài Gòn “cởi trần” không nhãn mác. Nhưng với hồi ấy, là tươm lắm. Uống bằng tiền đi hát của ca sĩ Duy Khánh, rất thoải mái. Nhà đạo diễn… nhậu Trần Cương vui như… Tết, cứ giục chúng tôi uống mạnh vào, mai cha Duy Khánh này ra Quảng Ngãi hát, lại có khối tiền, đừng lo! Đúng thế thật. Hôm sau, Duy Khánh ra Quảng Ngãi hát, được ông bạn bác sĩ San của tôi mời về nhà đãi cơm gà cá gỏi, “nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến”, cứ như không. Dạo ấy, Duy Khánh hát khỏe lắm, mỗi lần lên sân khấu anh đều hát một hơi… bảy bài, toàn nhạc “đỏ”. Và luôn được bà con hoan hô nhiệt liệt. Tôi nhớ, anh hát bài Chào em cô gái Lam Hồng còn bốc hơn các ca sĩ miền Bắc nữa kia. Sau mỗi đêm hát, “tiền tươi thóc thật” có ngay, chứ không như tôi với đạo diễn Trần Cương làm phim tài liệu cho Công ty Du lịch Nghĩa Bình, phim chưa xong mà tiền nhuận bút đã… cạn. Vì cứ ứng trước để uống bia. Cái ngày đổi tiền ấy, với mấy anh em uống bia chúng tôi thì vui hết cỡ, nhưng với mọi người dân, từ người có tiền tới người trắng túi, là ngày “khổ tận”. Vì chỉ sau ngày đổi tiền ít lâu, vật giá tăng vùn vụt như ngựa phi, lạm phát tưng bừng.

Tôi còn nhớ, khoảng năm 1986 gì đó, tôi hứng lên, dại dột vay tiền ngân hàng để đãi bạn bè… uống bia. Vay không nhiều, nhưng lãi suất tới 18%/ tháng, và tôi đã toát cả mồ hôi mẹ mồ hôi con khi phải… trả nợ. Kể từ đó, cứ nghe nói vay tiền ngân hàng là tôi sợ vãi. Nhưng với anh em văn nghệ, sợ thì sợ mà… chơi thì chơi. Lại nhớ hồi 1985, tôi với Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo mánh mối với tỉnh Nghĩa Bình đưa được vợ chồng nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao vào thăm Nghĩa Bình. Đó là khoảng thời gian Nghĩa Bình còn rất nghèo, nhưng các anh lãnh đạo tỉnh đã hồ hởi đối đãi với nhạc sĩ Văn Cao hết sức trọng thị. Ông bà Văn Cao được mời ở nhà khách Tỉnh ủy, “hạ mã đề… bia (Sài Gòn), thượng mã đề… rượu (Bàu Đá)”, cứ thế vui vẻ suốt hơn mười ngày. Từ chuyến đi đượm tình nghĩa ấy, Văn Cao viết được chùm ba bài thơ Quy Nhơn 1, Quy Nhơn 2Quy Nhơn 3, ba bài thơ đánh dấu một giai đoạn mới của thơ Văn Cao, và cũng là ba bài thơ tiên đoán thời kỳ Đổi Mới của đất nước sắp tới. Dù năm 1985 thì ai từng sống qua đều biết, rất khổ cực, bí bét. Dạo đó, tôi với Thụy Kha và Trọng Tạo cũng nhờ những chuyến đi thực tế với Văn Cao nên đã viết được cả thơ và nhạc. Thậm chí, chúng tôi hứng lên còn làm cả một “đề án” xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca”. Tôi chấp bút, và được tới mấy chục anh em văn nghệ sĩ miền Trung, từ Hoàng Phủ Ngọc Tường tới Thái Bá Lợi… ký tên, gửi lên Thành ủy Quy Nhơn.

Về sau này, tôi đã quên hẳn cái “đề án”, thì khi vào thăm Quy Nhơn “đương đại”, lại như thấy thấp thoáng hiện lên những gì mình đã mường tượng về Quy Nhơn trong cái bản “đề án” chẳng ai thuê mà lại đâm đầu hăng hái viết ấy. Cũng nhờ tích cực hoạt động như thế mà chúng tôi được một số địa phương hay đơn vị kinh doanh ở Nghĩa Bình đặt hàng sáng tác. Hồi ấy, được đặt hàng như thế là mừng lắm, vì có… tiền. Thụy Kha có bài hát Quy Nhơn thành phố thi ca nổi tiếng đến tận bây giờ, Trọng Tạo có bài hát về Hoài Nhơn, còn tôi lại có thơ về… nhà máy đông lạnh Quy Nhơn. Riêng với Sở Thủy sản và Nhà máy đông lạnh Quy Nhơn, thì tôi với Thụy Kha được coi như… người nhà, được mời sáng tác, dàn dựng và cố vấn cho đội văn nghệ của nhà máy. Một chương trình biểu diễn gồm cả thơ và nhạc (thơ của tôi, còn nhạc của Thụy Kha) được đội văn nghệ nhà máy thể hiện rất ấn tượng. Chúng tôi có tiền lo cho gia đình mình, có cả tiền để… nhậu.

Còn nhớ dạo đó, mỗi khi từ Hà Nội vào Quy Nhơn với gia đình tôi, việc đầu tiên Thụy Kha làm là… cởi áo, hai tay hai xô chạy từ tầng hai khu tập thể bốn tầng xuống giếng để… lấy nước. Dạo đó thường xuyên mất điện, nên chuyện mất nước cũng là chuyện hàng ngày. Mãi tới 1987, đã bắt đầu Đổi Mới, mà cuộc sống dường như vẫn chưa… đổi được bao nhiêu. Nhưng đã có một động lực nào đó, một luồng gió mới nào đó thổi qua xã hội, thổi qua tâm hồn chúng tôi. Lại bắt đầu một thời kỳ sáng tác mới, vật vã kiếm sống cùng Nhân dân, nhưng đã theo một lối mới, cảm giác đã có đường ra. Nhưng có một buổi chiều, tiền trong túi đã cạn, nằm khàn với Thụy Kha trên gác xép, tôi chợt viết được bài thơ Gửi đồng chí N.V.L với hai câu mở đầu: “Có những lúc vô cùng mệt mỏi/ Hay là thôi, đồng chí N.V.L ơi”. Đây là bài thơ chính luận, nhưng hồn nhiên cảm xúc. Sau khi được in trên báo Văn Nghệ một thời gian khá lâu, tôi có dịp vào Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) thăm GS Trương Tửu. Lúc ấy cụ đã già, nhưng còn minh mẫn lắm. Khi Phạm Xuân Nguyên giới thiệu tôi, cụ Trương Tửu nói ngay: “Anh là Thanh Thảo của “Có những lúc vô cùng mệt mỏi/ Hay là thôi, đồng chí N.V.L ơi”, đúng không?”. Tôi gật lia lịa, sướng quá, lòng thầm nghĩ: hóa ra, cụ Trương Tửu có đọc, và nhớ, cái bài thơ mình cũng chỉ viết cho vui vậy thôi.

Đổi Mới là chuyện lớn, chuyện quốc gia đại sự, trong khi mình chỉ là nhà thơ, vui chơi với những con chữ lấm láp hàng ngày, đánh đu cùng Nhân dân mình. Cũng chưa tới mức “đổ mồ hôi, sôi giọt máu” như cụ Xuân Diệu viết, nhưng dù sao, cũng đã quyết đi cùng Đổi Mới. Và vui buồn cùng Đổi Mới, vậy mà đã mấy chục năm rồi.

Năm 1982, khi Hội Văn nghệ Nghĩa Bình in cho tôi bộ ba trường ca Những ngọn sóng mặt trời do nhà thơ Ngô Thế Oanh vẽ bìa, tôi đã có một tập thơ… giấy xấu dày dặn bậc nhất mà trước đó tôi chưa bao giờ mơ tưởng tới. Nhuận bút tập trường ca ấy, được tính đúng tính đủ theo “ba-rem” Nhà nước, là to tới mức tôi cũng không tưởng tượng. Hay do mình nghèo quá, thấy bấy nhiêu tiền là… choáng, nên cứ nghĩ nó to. In được một tập thơ, dù trên giấy cực xấu, là mừng hết lớn, nó có cảm giác náo nức lâng lâng thế nào ấy. Cái cảm giác bây giờ không thấy lại. Chắc không chỉ riêng tôi, mà người làm thơ nào thời đó cũng vậy. Niềm vui in được một tác phẩm dù nhỏ trên mặt báo luôn là niềm vui trong sáng vô cùng.

* Ảnh minh họa: internet

THANH THẢO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hoài Nhơn quê hương tôi

“Hoài Nhơn quê hương tôi” là chủ đề triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật của NSNA Nguyễn Ngọc Tuấn diễn ra từ ngày 10 – 22.12.2024 tại Trung tâm VH-TT&TT TX. Hoài Nhơn…

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…