Sân khấu truyền thống: Một năm nhìn lại

(VNBĐ – Sân khấu). Trong khó khăn chung trước tình hình dịch Covid-19, những thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhưng năm 2020 được xem là năm để lại nhiều dấu ấn đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống tỉnh nhà.

Tháng 4.2020, Đoàn Ca kịch Bài chòi và Nhà hát tuồng Đào Tấn sát nhập thành Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định. Sau khi sát nhập, các nghệ sĩ tiếp tục gắn kết, hỗ trợ nhau hướng đến mục tiêu chung là phát huy những giá trị truyền thống mảng sân khấu nghệ thuật với Hát bội và Bài chòi. Bù cho khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2020 khá trầm lắng vì các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải tạm gác lại trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp thì ở giai đoạn về cuối năm 2020, nhiều hoạt động sân khấu được diễn ra.

Năm nay, ngày tổ nghề của những người làm nghệ thuật sân khấu được chú tâm. NSND Hòa Bình, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu chia sẻ: “Tối 26.9, Hội VHNT tỉnh tổ chức thành công chương trình Nghệ thuật sân khấu truyền thống nhân kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12.8 âm lịch). Chương trình gồm những trích đoạn đặc sắc do hội viên Chi hội Sân khấu là những NSND, NSƯT, NNND, NNƯT, nghệ sĩ trẻ xuất sắc phối hợp trình diễn. Có những tiết mục đặc sắc như trích đoạn Quan Công gặp Châu Thương trong vở Cổ Thành của tác giả Đào Tấn; Trạm xá tiền phương trích trong vở Hương thầm của tác giả Ngô Hồng Khanh… để lại nhiều cảm xúc và dấu ấn đẹp trong lòng các nghệ sĩ và khán giả”.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định và lãnh đạo Hội NSSK Việt Nam trao Huy chương Vàng
cho các diễn viên tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch. Ảnh: V.P

Ngày 28.9, đúng ngày 12.8 Âm lịch, như thêm ý nghĩa khi dịp này Sở VH&TT tổ chức lễ kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam năm 2020 và khánh thành Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh. Những tâm tư về việc thiếu vắng một Nhà hát, một sân khấu chuyên nghiệp để các nghệ sĩ phục vụ công chúng tồn tại nhiều năm qua đã được giải quyết. Nhà hát mới được xây dựng khang trang, có diện tích 780m2 với 3 tầng, gồm: Tầng 1 có phòng khán giả 150 chỗ, sân khấu, hố nhạc, không gian phụ trợ; tầng 2 có phòng biểu diễn 50 ghế kết hợp phòng họp đoàn, phòng trưng bày truyền thống Ðoàn ca kịch Bài chòi và Ðoàn tuồng Ðào Tấn; tầng 3 có phòng thờ Tổ Ðoàn ca kịch Bài chòi và Ðoàn tuồng Ðào Tấn, 2 phòng tập hát.

Không lâu sau khi đưa Nhà hát vào vận hành chính thức, nơi đây cũng thành địa điểm được chọn để tổ chức Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc vào cuối tháng 10.2020. Cuộc thi có sự tham gia của 6 đơn vị, với 41 trích đoạn. Đây là dịp để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, qua đó nhằm phát hiện những tài năng sân khấu Tuồng và Dân ca kịch. Tại Cuộc thi, các diễn viên của Nhà hát đạt nhiều thành tích nổi bật: 2 HCV cho các diễn viên: Thành Việt (vai Vạn Lịch trong trích đoạn Vạn Lịch ăn xin), Thái Anh (vai Chu Du trong Nhị khí Chu Du); 6 HCB cho các diễn viên: Bích Lĩnh, Kim Tiển, Thiên Nga, Thu Thiện, Mai Vân, Lương Quyên. 4 diễn viên Thái Phiên, Ngọc Ðiệp, Cẩm Nhung, Tuấn Long của Nhà hát được Ban tổ chức Cuộc thi, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng các giải thưởng riêng cho vai diễn.

Trước và trong thời gian diễn ra cuộc thi, các nghệ sĩ trẻ đã khổ luyện miệt mài bằng sự say mê nghề, dốc hết tâm sức để vai diễn được trọn vẹn nhất. NSND Hồ Thu chia sẻ: “Đợt này, tôi hướng dẫn 5 em tham gia cuộc thi. Sự say nghề, đam mê của các em như tiếp thêm năng lượng để mình hết lòng hướng dẫn những gì mình biết cho các em thể hiện tốt nhất trên sân khấu”. Gặp nghệ sĩ trẻ Sử Thành Việc trước khi cuộc thi diễn ra, nhắc đến vai diễn của mình, Việt thổ lộ: “Vạn Lịch là một vai có nhiều chuyển biến nội tâm phức tạp, lúc tỉnh lúc mê. Khó nhất là đoạn diễn cùng với cây gậy, thể hiện sự giằng xé nội tâm, nỗi nhớ thương người vợ day dứt đến điên dại. Vai diễn này cần có một sự trải nghiệm trong cuộc sống, có nghĩa là một người đủ trải qua những nỗi đau để thấm thía gan ruột nên đối với một người trẻ như em, thực sự rất khó. Thật may mắn khi em được NSND Hồ Thu và NSND Hoài Huệ tận tình chỉ dạy từng nếp diễn, từng cách thể hiện tâm lý nhân vật”.

Thế hệ diễn viên trẻ Nhà hát, nhiều nghệ sĩ trẻ đã ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của người nghệ sĩ, họ đang trau dồi vốn nghề với thái độ nghiêm túc và cầu thị để có thể cáng đáng những trông đợi từ các thế hệ nghệ sĩ đi trước. Ở mảng sáng tác kịch bản sân khấu cũng đã lóe lên nhân tố mới. Trước thực trạng chung thiếu vắng người tiếp nối ở mảng này thì năm 2020, Bình Định có tác giả trẻ Lê Công Phượng được chọn tham gia Trại sáng kịch bản sân khấu Đà Lạt 2020 do Hội NSSK Việt Nam tổ chức. “Đây là lần thứ hai có mặt tại trại sáng tác toàn quốc, tôi thấy rất vui vì được tham gia một trại sáng tác được tổ chức tốt, có chất lượng chuyên môn cao. Từ đó có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ, học hỏi các bậc tiền bối đi trước, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê sáng tác kịch bản của mình”, tác giả Lê Công Phượng chia sẻ.

Một niềm vui nữa đến với nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà khi tại cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc do Cục nghệ thuật biểu diễn tổ chức vào tháng 9. 2020 tại Đắk Lắk, đoàn Bình Định đạt thành tích khá cao. Cuộc thi này thu hút 35 đơn vị nghệ thuật tham gia. Do dịch Covid-19 nên cuộc thi chia thành từng cụm thi ở 5 tỉnh, thành trong nước để các đoàn lần lượt tham gia (từ 19.9 – 2.10). Ngày 19.9, đoàn Ca kịch Bài chòi và đoàn Tuồng Đào Tấn (Nhà hát truyền thống Bình Định) tham gia cụm thi tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cùng 6 đơn vị nghệ thuật truyền thống ở 6 tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Kết quả Cuộc thi, đoàn nghệ sĩ Nhà hát đoạt 02 giải Nhì tập thể và 01 giải Nhì, 01 Bằng khen cá nhân: Đoàn Ca kịch Bài chòi đạt giải Nhì hòa tấu Bình minh giăng bủa; Đoàn Tuồng Đào Tấn đạt giải Nhì hòa tấu Liên khúc các bài bản truyền thống; NS Đinh Văn Hiệp đạt giải Nhì độc tấu đàn nhị tác phẩm Tiếng vọng và NSƯT Đinh Văn Nhân được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng Bằng khen nhạc sĩ sáng tác tốt.

NSND Hòa Bình: “Hầu hết các nghệ sĩ Nhà hát cũng là hội viên của Chi hội Sân khấu, chưa kể lực lượng tâm huyết các nghệ nhân từ các đoàn không chuyên trong cả tỉnh, tất cả đều đang cố gắng cống hiến cho nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà. Đợt này, Chi hội sân khấu đã kết nạp thêm 11 hội viên, trong đó có 7 hội viên là những nghệ sĩ trẻ, đây chính là lực lượng kế cận đáng hy vọng của nghệ thuật truyền thống Bình Định”.

Nhìn lại một năm đã qua, nghệ sĩ Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát truyền thống tỉnh Bình Định cho biết: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tần suất đi diễn ít hơn các năm trước. Ngày mồng 10 Tết Canh Tý, khi đoàn biểu diễn của Nhà hát đang lưu diễn ở các huyện buộc phải quay trở về để đảm bảo an toàn chung trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid của UBND tỉnh. Trong năm 2020, nhà hát nâng cao 2 vở, gồm vở ca kịch Bài chòi Nửa đời hương phấn và vở Tuồng Tiêu Anh Phụng loạn trào. Nhà hát cũng đã dàn dựng mới vở ca kịch Bài chòi Thanh gươm công lý và vở Tuồng Vua thánh triều Lê. Hai vở được dàn dựng mới sẽ được Nhà hát công diễn phục vụ bà con trong dịp xuân Tân Sửu 2021. Trong thời gian sắp đến, nhà hát tiếp tục bồi tài các nghệ sĩ trẻ đồng thời ra sức tìm kiếm thêm các bạn trẻ, nhất là bên nghệ thuật tuồng để bổ sung vào lực lượng kế cận. Bên cạnh đó, nhà hát tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ các đoàn khách du lịch, mong rằng với sợi dây liên kết với du lịch cùng sự quan tâm của UBND tỉnh cùng các ngành văn hóa sẽ tạo động lực cho nghệ thuật sân khấu truyền thống được gìn giữ và khởi sắc hơn”.

ĐỨC LINH

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN