Rặng đồi tựa như bầy voi trắng

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

 (VNBĐ – Văn học nước ngoài). Những ngọn đồi vắt qua lưu vực sông Ebro chạy dài thoai thoải và bạc trắng. Ở phía bên này có vẻ khá trơ trụi, chẳng hề có bóng cây, và nhà ga xe lửa nằm kề hai đường ray hừng hực nắng. Sát bên cạnh nhà ga có cái bóng to của tòa nhà, nhưng khá oi bức, và một bức sáo ngăn ruồi được làm bằng chuỗi hạt trúc, treo lủng lẳng nơi lối ra vào của một quán bar. Người đàn ông Mỹ và cô gái đi cùng đang ngồi nơi một chiếc bàn trong bóng râm ấy, bên ngoài tòa nhà. Trời nóng kinh khủng và chuyến tàu tốc hành từ Barcelona sẽ đến sau bốn mươi phút nữa. Nó dừng lại ở giao lộ này trong hai phút, rồi rời ga đi tiếp tới Madrid.

– Nên uống gì đây?

Cô gái hỏi. Cô đã giở mũ ra và đặt lên bàn.

– Trời nực quá! – Gã đàn ông than phiền.

– Chúng ta uống bia đi – Cô ấy nói.

– Dos cervezas!

Gã gọi to vào tấm sáo.

– Ly lớn hả? – Một phụ nữ cất tiếng hỏi từ lối đi.

– Vâng. Hai ly lớn.

Người phụ nữ mang hai ly bia và hai miếng nỉ ra bàn. Bà đặt tấm đệm và bia lên bàn, rồi nhìn sơ qua hai người khách. Cô gái đang ngước mắt trông xa xa ra những ngọn đồi. Chúng có màu trắng sáng dưới ánh mặt trời, trong khi cả mặt đất có màu nâu sẫm và có vẻ rất khô cằn.

– Chúng trông từa tựa như một bầy voi trắng – cô gái thốt lên.

– Tôi chả bao giờ nhận ra điều đó – Gã đàn ông uống phần bia của mình.

– Anh chả cảm nhận được điều đó đâu!

– Có lẽ tôi cảm nhận điều đó chỉ vì em nói tôi sẽ không cảm nhận nó nhưng chẳng hề chứng minh được điều gì hết.

Cô gái nhìn vào bức sáo:

– Họ vẽ thứ gì lên đó vậy?

– Anis del Toro. Đó là một thức uống, em ạ.

– Uống thử xem sao nhé?

– Chị gì ơi! – Gã đàn ông gọi to qua tấm sáo.

Người phụ nữ bước ra từ quán bar.

– Cho bốn ly Tây Ban Nha.

– Cùng hai ly Anis del Toro nghe chị!

– Có pha loãng không?

– Em thích pha loãng không? – Gã hỏi.

Cô gái khẽ cười:

– Em không rành chuyện đó. Pha loãng thì có còn ngon không?

– Ngon chứ!

– Cô thích pha loãng không? – Người chủ quán vội hỏi.

– Vâng, pha đi chị.

– Ồ, hay lắm! Nó có vị cam thảo – Cô gái trầm trồ và đặt ly xuống.

– Tôi biết mà. Đó là cách thức cho hầu hết mọi thứ.

Vâng – Cô gái gật gù. Mọi thứ đều có vị cam thảo. Đặc biệt là những thứ em từng chờ đợi rất lâu để được thưởng thức, như absinthe.

– Thôi, đừng nói chuyện đó nữa.

– Anh bắt đầu nói chuyện kia rồi – Cô gái nói. Em đang vui. Em đang cảm thấy thoải mái vô cùng.

– Chà, hãy cố gắng lên để sống thoải mái.

– Được thôi. Em đang cố gắng đây. Em nói những ngọn núi kia trông giống bầy voi trắng. Anh thấy chúng sáng ghê chưa?

– Ừ, rất sáng – Gã gật đầu.

– Em muốn trải nghiệm thức uống mới này. Đó là tất cả những gì chúng ta nên làm, đúng không anh? – nhìn ngắm mọi thứ và thưởng thức những thức uống mới?

Sắc mặt cô tươi lên.

– Tôi cũng thầm đoán vậy.

Cô gái nhìn chăm chăm ra những ngọn đồi.

– Ôi! Những ngọn đồi dễ thương nhỉ? Chúng không thực sự giống như một bầy voi trắng. Ý em nói vậy chẳng qua vì màu da của cây lá thôi, anh ạ.

– Uống thêm thứ gì không em?

– Được rồi anh.

Cơn gió mang hơi nóng thổi tung bức sáo trúc lên bàn.

– Bia ngon và mát – Gã đàn ông nói.

Cô gái tán thành:

– Đúng, thật dễ chịu.

– Chuyện kia thực ra là một thao tác cực kỳ đơn giản, Jig ạ – gã nhẹ giọng. Nó thực ra chẳng phải là một cuộc phẫu thuật gì hết.

Cô gái nhìn xuống đất, nơi bốn cái chân bàn đang nằm yên ổn.

– Tôi biết em không màng tới chuyện đó, Jig ạ. Nhưng nó thực sự chẳng sao hết. Người ta chỉ cho một chút khí vào là xong.

Cô gái im lặng, chả nói gì.

– Tôi sẽ đến đó cùng với em, rồi ở bên em suốt buổi. Họ chỉ cho một tý không khí vào và sau đó mọi chuyện hoàn toàn tự nhiên.

– Rồi sau đó chúng ta sẽ làm gì? – Cô gái hỏi.

– Chúng ta sẽ ổn cả. Mọi chuyện vẫn y như trước thôi.

– Điều gì khiến anh nghĩ vậy?

– Đó là điều độc nhất đang quấy rầy chúng ta. Đó là điều duy nhất khiến chúng ta mất vui.
Cô gái nhìn vào bức sáo, cô đưa tay ra nắm lấy hai chuỗi hạt trúc:

– Anh nghĩ sau đó chúng ta sẽ yên ổn mọi chuyện và sẽ hạnh phúc sao?

– Tôi biết rõ vậy. Em đừng lo sợ gì hết. Tôi biết nhiều người đã từng làm như thế.

– Em cũng biết – cô gái tán thành. Và sau đó, em thấy tất cả họ đều rất hạnh phúc.

– Đúng – gã gục gặc cái đầu. Nhưng nếu em không muốn làm thì em đừng miễn cưỡng. Tôi không hề ép em làm điều đó nếu em không thật sự muốn làm. Nhưng tôi biết nó hoàn toàn đơn giản, em ạ.

– Anh thực sự muốn vậy ư?

 – Tôi nghĩ đó là điều tốt nhất. Nhưng tôi không muốn em làm điều đó nếu em không thực sự đồng tình.

– Vậy, nếu em làm điều đó, anh sẽ vui lên và mọi thứ sẽ y như trước, và anh sẽ yêu em chứ? – Cô gái nhướng mắt lên hỏi.

– Tôi yêu em. Em biết tôi yêu em mà.

– Em biết rồi. Nhưng nếu em chấp nhận làm điều đó thì mọi chuyện tốt đẹp trở lại; nếu em nói cảnh vật kia tựa như bầy voi trắng, anh sẽ thích nó chứ?

– Đương nhiên tôi sẽ thích nó chứ. Giờ đây tôi thích nó, nhưng không thể nào nghĩ ngợi gì về nó hết. Em biết tôi đang lo sốt vó thì còn thích thú thứ quái gì được nữa.

– Nếu em làm điều đó, anh sẽ không bao giờ lo gì nữa, phải không?

– Tôi sẽ không lo lắng về điều đó bởi vì nó hoàn toàn đơn giản, em ạ.

– Vậy thì em chấp nhận. Bởi vì em không quan tâm tới em.

– Ý em là sao? – Gã trố mắt lên.

– Em chả quan tâm tới em.

– Ôi, tôi thì rất quan tâm tới em.

– Ồ, được. Nhưng em không quan tâm tới em. Em sẽ làm chuyện đó. Mọi thứ sẽ ổn.

– Tôi không muốn em chấp nhận làm với một cảm nghĩ như vậy.

Cô gái đứng dậy và rảo bộ đến cuối nhà ga. Ở phía bên kia là những cánh đồng ngũ cốc và cây xanh nằm dọc theo bờ sông Ebro. Xa xa, bên kia sông là um tùm núi. Bóng mây lững lờ trôi nơi cánh đồng ngũ cốc và cô nhìn thấy dòng sông xuyên qua những nhành cây lưa thưa.

– Rồi chúng ta sẽ có tất cả những thứ này – cô gái nói. Chúng ta có khả năng có đủ mọi thứ. Nhưng khả năng ấy dần dần mất đi.

– Em nói sao? – Gã đàn ông hơi lớn giọng.

– Em nói chúng ta có thể có mọi thứ.

– Chúng ta có thể có mọi thứ – Gã xác nhận.

– Không, không dễ đâu.

– Chúng ta có thể có cả thế giới.

– Không, chẳng thể nào.

– Chúng ta có thể du lịch khắp đó đây.

– Không. Điều đó không còn là của chúng ta nữa – Cô gái lắc đầu.

– Đó là quyền của chúng ta mà – Gã khẳng định.

– Không, không phải vậy. Và một khi họ lấy đi, anh sẽ không bao giờ có lại được đâu.

– Nhưng họ không hề lấy nó đi đâu cả.

– Cứ chờ mà xem!

– Quay lại chỗ bóng râm đi em – Gã nói. Em không nhất thiết phải cảm thấy như vậy đâu.

– Em không cảm thấy gì đâu. Em chỉ biết nào chuyện nọ, nào chuyện kia.

– Tôi không muốn em làm bất cứ điều gì mà em không muốn làm…

– Cũng chẳng tốt gì cho em – Cô gái xuống giọng. Em biết… Giờ chúng ta uống bia nữa không?

– Được chứ. Nhưng em phải nhận ra được…

– Em nhận ra rồi! – Cô gái gần như gắt lên. Chúng ta có thể ngừng nói chuyện này được không?

Cả hai ngồi vào bàn. Cô gái nhìn bâng quơ ra những ngọn đồi ở phía cằn khô của thung lũng, còn gã thì ngồi nhìn cô và nhìn mặt bàn.

– Em phải nhận ra – Gã lãi nhải – tôi không muốn em làm điều đó một cách miễn cưỡng. Tôi sẵn sàng vượt qua nó nếu nó có chút ý nghĩa gì đối với em.

– Ối trời! Nó không nghĩa lý gì đối với anh ư? Chúng ta có thể hợp nhau không vậy?

– Tất nhiên là có. Nhưng tôi không muốn ai khác ngoài em. Tôi không muốn ai khác cả. Và tôi biết rõ việc đó hoàn toàn đơn giản.

– Vâng, anh biết nó hoàn toàn đơn giản.

– Em nói vậy đúng rồi. Nhưng tôi biết rõ điều đó.

Cô gái chau mày:

– Bây giờ anh có thể làm cho em một việc được không?

– Tôi sẵn sàng đây.

– Vậy thì em van anh, em xin anh: vui lòng đừng nói nữa!

Gã ngừng nói và chỉ nhìn những chiếc túi xách tựa vào bức tường nhà ga. Trên các túi xách có dán nhãn tất cả các khách sạn mà họ đã từng qua đêm với nhau.

– Nhưng tôi không muốn em làm – Gã lại tiếp tục. Tôi không quan tâm bất cứ thứ gì về điều đó nữa.

– Trời ạ! Em hét to lên đây! – Cô gái bực bội gắt.

Người chủ quán bước xuyên qua tấm sáo với hai ly bia và đặt chúng lên tấm đệm nỉ ẩm ướt. Bà loan báo:

– Chuyến tàu đến sau năm phút nữa.

Chị ấy nói gì vậy?- Cô gái hỏi.

– Tàu đến sau năm phút nữa.

Cô gái mỉm cười tươi tắn với bà ấy để cảm ơn.

– Tôi mang mấy túi xách sang phía bên kia nhà ga nhé! – Gã đàn ông nói.

Cô mỉm cười với gã:

– Được rồi. Sau đó quay lại uống hết bia đi.

Gã nhặt hai túi xách nặng lên và mang chúng đi vòng quanh nhà ga đến các đường ray khác. Gã nhìn lên đường ray nhưng chưa thấy tàu đâu cả. Quay trở lại, gã đi qua quầy bar, nơi những người chờ tàu đang uống rượu. Gã uống một ly Anis tại quầy và nhìn phớt qua mọi người. Họ đang bình thản chờ tàu. Gã đi ra ngoài qua tấm sáo. Cô gái đang ngồi ở bàn và khẽ cười với gã.

– Em cảm thấy tốt hơn không? – Gã hỏi.

– Em ổn. Chả sao đâu. Em cảm thấy tốt mà.

TRẦN NHƯ LUẬN (chuyển ngữ)

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

Ernest Hemingway (1899-1961) là một trong những nhà văn danh tiếng bậc nhất của Mỹ. Lối viết kiệm lời và tinh tế của ông – mà ông gọi là lí thuyết tảng băng trôi (iceberg theory) – ảnh hưởng sâu rộng đến thi pháp tiểu thuyết thế kỉ XX. Ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1954.

Truyện ngắn Rặng đồi tựa như bầy voi trắng rút từ Tuyển tập thứ năm và 49 truyện đầu tiên (The Fifth Column and the First Forty-Nine Stories) xuất bản năm 1938. Câu chuyện diễn ra khoảng năm 1920, lúc nạn phá thai rộ lên và bị xem là điều cực kì tệ hại, bị Giáo hội Công giáo và đại chúng cực lực lên án. Tác phẩm này từng gây tranh cãi thú vị vì tác giả khéo đưa ra những ẩn dụ thuộc phạm trù ngôn ngữ hoặc phạm trù tôn giáo; phần nữa, có đôi mẩu đối thoại hơi lấp lửng và đa nghĩa khiến người đọc chỉ có thể hiểu theo suy đoán của riêng mình.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…