Phố mỗi cung đường…

(VNBĐ – Ghi chép). Mười năm, kể từ khi An Nhơn chính thức lên thị xã. Và cũng hơn ba mươi năm tôi gắn bó với vùng đất này. Quê hương, nơi tuổi thơ một thời mẹ cha đồng cày, vụ mùa phiêu phỏng theo nhịp phù sa con nước, rồi từng bước thay da đổi thịt, An Nhơn dần khác với dáng hình phố thị, nhịp sống hiện đại và năng động hơn xưa. Về An Nhơn hôm nay, phố sáng lên trên mỗi cung đường…

Màu áo mới
An Nhơn có nhiều lợi thế để phát triển thành một đô thị năng động. Toàn thị xã hiện có 15 đơn vị hành chính gồm 10 xã và 5 phường. Đến nay, An Nhơn đang có 1 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, 24 làng nghề, 07 di tích cấp quốc gia… Cuối năm 2011, An Nhơn lên thị xã theo Nghị quyết số 101/NQ-CP của Chính phủ. 10 năm sau – tháng 3.2021, An Nhơn được công nhận là đô thị loại III.

 

Một góc An Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: N.V

Bằng sự chung sức chung lòng của Đảng bộ và nhân dân địa phương, An Nhơn đang từng bước thay đổi diện mạo, hướng đến một đô thị văn minh, sạch đẹp. Nhiều năm qua, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án quan trọng về phát triển, mở rộng không gian đô thị, thay đổi diện mạo đô thị luôn được chú trọng. Theo ông Nguyễn Đình Chương, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã An Nhơn, thực hiện Chương trình hành động của Thị ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV, trong đó tập trung vào khâu đột phá “Đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc tỉnh” giai đoạn 2020 – 2025, thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Phòng Quản lý đô thị đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát, kịp thời cập nhật, điều chỉnh quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn. Triển khai lập các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, 1/500 các khu vực xã Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Hậu và dọc hai bên bờ sông Trường Thi.

Cùng với đó, chính quyền thị xã tiếp tục xây dựng phát triển hạ tầng theo quy hoạch “Đầu tư phát triển theo hướng đa trung tâm, tăng cường liên kết bằng các tuyến đường liên khu vực”, ưu tiên hạ tầng giao thông kết nối. Đến năm 2025, thị xã cơ bản hoàn thành thông tuyến các trục giao thông chính gồm: Bắc – Nam số 1, Bắc – Nam số 2, Bắc – Nam số 3; trục Đông – Tây (Nhơn Phong – Nhơn Hưng – Nhơn Khánh – Nhơn Thọ); tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; tuyến đường Tôn Thất Tùng nối dài về phía Đông; tuyến N4 nối dài về phía Đông; tuyến đường Nhơn Thành – Đập Đá (đoạn từ đường trục Khu kinh tế nối dài đến khu dân cư Đông Bàn Thành 3); tuyến đường kết nối Nhơn Hậu – Nhơn Mỹ (đoạn từ đường sắt đến Cụm công nghiệp Thiết Tràng)… Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường chính nhằm nâng cao năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa và tạo sự liên kết giữa các khu vực và các phường, xã.
Việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã tạo tiền đề để địa phương mở rộng phát triển không gian đô thị và thu hút đầu tư. Tổng dự án đã đăng ký gồm 12 dự án, với tổng vốn là 7.994 tỷ đồng; đã có 08 dự án triển khai thực hiện, trong đó có 04 dự án đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hàng loạt khu đô thị, khu dân cư đã và đang hình góp phần mở rộng không gian đô thị tăng trên 250 ha trong đó không tính các khu trung tâm các xã. Giao thông đối ngoại, giao thông đối nội, các tuyến đường nội thị được bê tông hóa, nhựa hóa theo tiêu chuẩn đô thị; giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng mở rộng phủ kín hầu hết đường làng, ngõ xóm; khu trung tâm các xã được chỉnh trang bó vỉa, lát vỉa hè và nhựa hóa đã tạo diện mạo mới mang dáng dấp đô thị.

Cửa ngõ phía Nam vào thị xã An Nhơn. Ảnh: V.P

Ngoài sự phát triển chung của 5 phường, 10 xã trên địa bàn thị xã cũng đang từng bước phát triển, dần đáp ứng những tiêu chí hướng đến một diện mạo đô thị. Việc xây dựng nông thôn mới nâng cao đã đạt những kết quả nổi bật…

Về An Nhơn những ngày này, dễ nhận thấy bộ mặt đô thị của thị xã đổi thay khá nhanh. Nhiều tuyến đường liên khu vực, liên phường, liên xã được nâng cấp, mở rộng thông thoáng. Vỉa hè được lát đá. Dải phân cách được trồng cây xanh. Hệ thống đèn điện trang điểm tô sắc phố trí trên các tuyến đường. Thị xã có 5 phường: Bình Định, Nhơn Hòa, Nhơn Thành, Nhơn Hưng và Đập Đá đều đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Sắc phố trên mỗi cung đường
Trong các đơn vị hành chính của An Nhơn thì phường Bình Định là trung tâm kinh tế chính trị của thị xã. Theo ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch UBND phường Bình Định, việc xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đây cũng là khâu đột phá để tạo nên bộ mặt trung tâm thị xã ngày càng khang trang. Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, phường đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, đến nay cơ bản các tuyến đường nội thị đã nâng cấp, mở rộng, được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng (BTXM) và lát gạch block vỉa hè 25 tuyến đường với diện tích 7.500m2, kinh phí hơn 6 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 1,2 tỉ đồng. Hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được nhân dân ủng hộ 4.000m2 đất với kinh phí khoảng 3 tỉ đồng và công tháo gỡ vật kiến trúc để thực hiện BTXM 11 tuyến hẻm, tuyến kết nối với hệ thống giao thông các xã, phường giáp ranh và khu vực nội thị với chiều dài gần 03 km, kinh phí khoảng 6,3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, phường đã đầu tư xây dựng trên 143 công trình hạ tầng kỹ thuật, ngoài nguồn hỗ trợ của cấp trên, phường đã ưu tiên bố trí với tổng kinh phí hơn 90 tỉ đồng, từng bước xây dựng phường Bình Định xứng tầm là trung tâm đô thị loại III của thị xã An Nhơn trong thời gian đến. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” hoặc “nhân dân làm nhà nước hỗ trợ” để từng bước chỉnh trang, hoàn thiện công tác quản lý đô thị.

Bà Nguyễn Thị Hòa, ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định, bộc bạch: “Ngày trước đường Ngô Đức Đệ chật hẹp, mỗi lần mưa là sình lầy, xe lớn đi qua bắn bùn đất lên tường nhà tôi. Giờ thì đã khác rồi. Đường sá được mở rộng, bê tông sạch sẽ, điện sáng trưng. Ban đầu, việc mở đường phạm vào đất đai ở nhà gần 11m2, buộc phải phá dỡ hàng rào đã xây kiên cố, chúng tôi cũng phân vân lắm. Nhưng rồi nghĩ đến cái chung, chúng tôi tình nguyện phá dỡ”. Ông Nguyễn Minh Tuấn, khu vực trưởng khu vực Kim Châu, trải lòng: “Đất đai gắn liền khúc ruột. Chúng tôi thấu hiểu điều đó nên thành viên trong ban vận động đến từng nhà bà con để động viên. Cuối cùng bà con cũng hiểu ra mà đồng thuận việc nâng cấp, mở rộng đường, giúp cho khu dân cư sáng láng, văn minh hơn”.

Tôi nhận ra những thay đổi rõ rệt nhất dáng hình phố thị ngay chính tại quê nhà Nhơn Hòa. Nhiều năm trước, cây cầu Bầu Gốc và con đường bê tông vững chãi đã được xây dựng nối liền hai thôn Long Quang – Phụ Quang, chấm dứt cảnh đò ngang chia cách, xóa luôn mặc cảm “dân cồn”. Sức sống mới như rộn rã mỗi cung đường. Những ngày chưa có dịch Covid-19, thật dễ để thấy cảnh rộn rịp phố phường. Như chỉ năm trước đây thôi, khi đứng giữa đoạn giao đường Lê Quý Đôn với Võ Nguyên Giáp ở phường Nhơn Hòa, tôi cảm nhận rõ nhịp sống phố thị với những nườm nượp xe cộ lại qua, những hàng quán kinh doanh san sát nhau. Cách đó không xa là cụm công nghiệp Tân Hòa và Nhơn Hòa, xóa dần ký ức những con đường vắng, bãi mua, bãi sim thuở nào của dãy Sơn Triều. Không chỉ sắc phố hiện diện ở nơi dân cư tập trung đông đúc, ở các tuyến đường trọng điểm, mà đã có sự đồng bộ rõ nét khi nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng đã “mang phố về làng”. Tôi nhớ như in cuộc gặp gỡ với ông Huỳnh Văn Chánh ở khu vực Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa. Ông hướng tay chỉ về hàng rào tường gạch trước nhà, cười hiền khô: “Mới xây lại đấy”. Lần trước xây rồi nhưng được tin mở đường, bà con hiến đất để cơi nới con đường làng, ông đã hiến 58m2 đất, dỡ bỏ luôn cổng ngõ hàng rào đã làm kiên cố. Ông Chánh còn nhắc lại câu đồng dao sinh ra từ một thuở khó nghèo: “Không đi thì sợ mất chồng/ Mà đi thì sợ cánh đồng Hòa Nghi”. Cánh đồng Hòa Nghi một thuở bạt ngàn, nhưng đường đi quanh quẩn, lầy lội lấm láp mỗi mùa mưa đến còn ám ảnh trong tâm thức nhiều người. Giờ mọi thứ đã lùi về phía sau, nhờ sự chung tay góp sức bà con khi nghĩ về cái chung, hướng đến những đổi thay tiến bộ.

Tuyến đường Trường Thi được xây dựng khang trang, thông thoáng. Ảnh: V.P

Tôi hay la cà thăm thú lại những nơi có nhiều di chỉ, di tích, nét đẹp văn hóa. Một trong số những nơi tôi hay tới lui là Nhơn Phúc. Mỗi một lần hạnh ngộ với vùng đất này, lại thấy Nhơn Phúc có một sự đổi khác, sáng sủa và năng động hơn. Trong hoạch định của thị xã, Nhơn Phúc nằm trong 5 xã (cùng Nhơn Lộc, Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Thọ) được định hướng lên phường. Ông Nguyễn Thành Tư, Bí thư Nhơn Phúc phấn khởi: “Xã đang tập trung thực hiện Đề án nâng cấp xã thành phường, xây dựng nông thôn mới nâng cao và cơ bản đã hoàn thành. Đến cuối năm 2021, xã cơ bản hoàn thành 16/17 tiêu chuẩn của phường đô thị loại III và 13/13 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Xã đang triển khai thi công 15 dự án, công trình; đã có 8 dự án, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chúng tôi cũng đang triển khai công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Thái Thuận đi Hòa Mỹ; Chợ An Thái; khu dân cư Mỹ Thạnh, khu dân cư phía Tây Chùa Bửu Quang; thảm nhựa đoạn đường từ cầu bà Có đến cây xăng Hiệp Hòa; hệ thống điện chiếu sáng từ Cống bà Long đến Khu thể thao, tường rào, cổng ngõ Trạm Y tế xã… Nghiệm thu và đưa vào sử dụng Khu thể thao xã Nhơn Phúc. Lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư phía Nam đường ĐT.638 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Tôi nán lại Nhơn Phúc đến khi chiều muộn, những người nhân công bên cầu An Thái vẫn đang chăm chút lát gạch, vào hồ. Chỉ nay mai thôi, nơi vốn dĩ gồ ghề rậm ri cỏ dại sẽ thành một khuôn viên xanh ngát, sạch đẹp. Khi đêm xuống, những ngọn đèn trên các tuyến đường An Thái bừng sáng rạng rỡ. Những hàng quán kinh doanh tại nơi đây san sát nhau. Anh Võ Văn Thiên, giáo viên THCS Nhơn Phúc, thổ lộ: “Hơn 6 năm về công tác và ở lại Nhơn Phúc, nơi đây trở thành vùng đất có nhiều gắn bó với tôi. Những năm qua, cơ sở hạ tầng của Nhơn Phúc không ngừng được cải thiện. Diện mạo xã ngày càng được tân trang sáng sủa, giàu sức sống hơn”.

Ông Bùi Văn Cư, PCT UBND thị xã: Giai đoạn 2021 – 2025, thị xã tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị đến trước năm 2025 cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tương đối đồng bộ đáp ứng các tiêu chuẩn về đầu tư xây dựng hạ tầng của đô thị loại III, với một số dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có tính đầu mối, liên vùng, phục vụ chức năng đô thị. Đầu tư xây dựng 05 xã Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc và Nhơn Thọ đáp ứng các tiêu chuẩn phường đô thị loại III để thành lập phường, song hành với mục tiêu thành lập thành phố vào năm 2025; xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ, theo hướng hiện đại trở thành khu đô thị trung tâm của thành phố An Nhơn, nhằm tạo tiền đề cho đầu tư phát triển theo hướng đô thị loại II.

Không riêng gì Bình Định, Nhơn Hòa, Nhơn Phúc, qua bất kỳ địa phương nào tôi cũng nhận ra bao sự thay da đổi thịt, đời sống người dân đang dần chuyển biến tích cực. Điều đó không phải chỉ hiện diện trên những cung đường sáng đẹp của thị xã, mà còn là sự đồng bộ phát triển đều khắp các mặt kinh tế, xã hội… 10 năm thành lập thị xã, An Nhơn đã có những bước chuyển mình rõ rệt mang hình hài dáng phố và đang từng bước trở thành một đô thị năng động, hướng đến một thành phố trong tương lai gần.

NGUYỄN VĂN

(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…