Những tín hiệu cho sự nối tiếp đáng mừng

(VNBĐ – Văn trẻ). Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ lần thứ VII – năm 2023 được tổ chức từ ngày 14 – 18.8.2023 với sự tham gia của 21 tác giả trẻ (tuổi đời dưới 35) có niềm đam mê và năng khiếu sáng tác thuộc 03 chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc và Mỹ thuật. Tham gia trại sáng tác, các trại viên đã có chuyến đi thực tế các di tích lịch sử, văn hóa, công trình trọng điểm của tỉnh như: Tượng đài Chiến thắng Núi Bà, Đền thờ Nguyễn Trung Trực, Cầu vượt đầm Đề Gi; Nhà lưu niệm nhà thơ Yến Lan; Đền thờ Hậu tổ Tuồng, danh nhân văn hóa Đào Tấn…; giao lưu với các tác giả thành danh và dành thời gian sáng tác. Trại viên hoàn thiện tác phẩm với sự hỗ trợ, góp ý của Ban chuyên môn Trại sáng tác là các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ có uy tín.
Kết quả, có 60 tác phẩm (52 tác phẩm văn học, 06 tác phẩm mỹ thuật và 02 ca khúc) được hoàn thành từ trại sáng tác lần này. Chuyên mục Văn trẻ trân trọng giới thiệu nhận xét của thành viên Ban chuyên môn mảng Văn học và một số tác phẩm của trại viên.

Nhà thơ TRẦN HÀ NAM
(Thành viên Ban chuyên môn Trại sáng tác)

Trại sáng tác năm nay ghi dấu sự hồi sinh sau mùa Covid của VHNT Bình Định. Không đông như các đợt trại trước, nhưng là một nỗ lực của Ban tổ chức duy trì sân chơi trẻ VHNT tỉnh nhà.

Các cây bút thơ năm nay không hùng hậu như các đợt trại trước. Vẫn là những gương mặt quen thuộc đã định hình phong cách và từng xuất hiện ấn tượng trên tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà hay thậm chí từng ra mắt tập thơ như My Tiên – Mẫu Đơn, Châu Đặng Trà My… Hai gương mặt trẻ nữa là Trúc Vy và Nguyệt Linh.

Mẫu Đơn có chùm 05 bài thơ: Chuồn chuồn, Ánh sáng, Chợ, Hải, Câu đêm. Đây là những bản thảo được hoàn thiện nhân đợt Trại. Mỗi bài thơ là một dòng cảm xúc tự do được kết với những hình tượng giàu tính biểu tượng, nhưng dường như đó là những biểu tượng đóng khung trong thế giới nội tâm của tác giả: con chuồn chuồn níu giữ thanh xuân, lửng lơ dạo chơi “bay bên này, đậu bờ kia”, giữa lựu đỏ, đồng xanh, hồng huệ mà lòng chưa muốn vướng lưới nhện giăng tơ – một tứ thơ rất duyên. Cách lập tứ này có lẽ cũng là mô típ của Ánh sáng, Câu đêm – tác giả nối kết những hình ảnh tự nhiên trong một mạch suy tưởng về cảm giác lạnh vắng, cô đơn, hẫng hụt trong một thế giới riêng. Hải lại là một bài thơ khá riêng tư, cho những cảm nhận ngây thơ về thế giới, trải nghiệm đầu đời con trẻ để bước đi trong “cơn mưa đầu đời”. Bài thơ đẹp và nổi bật nhất trong chùm thơ là Chợ. Bài thơ có âm hưởng đồng dao dễ thương duyên dáng, gợi tuổi thơ “Quả hoa hoa quả/ Hàng hàng quán quán/ Em xinh từ độ chưa thành chợ/ Em khéo từ độ chưa thành làng/ Bôn ba từ ngày kết tóc”. Trong những câu thơ ngúng nguẩy hồn nhiên ấy, cũng thoáng qua ưu tư chợ đời mà mỗi cá nhân phải tự bươn chải. Bài thơ đậm nữ tính!

My Tiên sung sức với chùm 10 bài, trong đó có 05 bài viết trong những ngày đi trại, với những chú thích cụ thể. Và có thể là những bài không chú thích, là dịp dồn tâm sức để thỏa lòng với thơ, bung tỏa tâm tư.

Thơ My Tiên chắc về nhịp, hài thanh để tạo được điểm nhấn cho cảm xúc. Tác giả tỏ ra tinh tế khi chọn lọc hình tượng để phát triển tứ thơ: con đường – ngọn đèn – những bóng người – vầng trăng (Con đường); hương hoa – giấc mơ – trăng vỡ (Ảo giác); Đóa hoa cẩm tú là hình tượng trọn vẹn nhất trong bài thơ cùng tên… Trong mạch thơ của My Tiên, viết về tình yêu có một cảm giác bất an, hụt hẫng, chênh vênh giữa thực và mơ, giữa khát khao và hiện thực. Cũng là một ý thức khẳng định đầy kiêu hãnh trong tiếng nói nữ quyền, không cầu xin không trông đợi mà cảm nhận rất sâu những rạn vỡ trong lòng: Mình anh ở lại bên em/ Dù gối chăn có mệt nhoài hơn nữa/ Chúng ta vẫn cô đơn (Trong lòng tan vỡ), hay: Giờ anh như con ruồi yêu khoảng trống vu vơ/ Đậu hờ trên trang sách/ Thấy đời mình còn ít lắm/ Mấy câu thơ (Đã từng); hay Chỉ mỗi em/ Riêng em có thể/ Không để anh chạm vào anh trong em nữa (Yêu). Thơ tình như vậy, cũng là bản lĩnh. Nhưng xót! Những bài My Tiên viết về đá Vọng Phu, ở cảng cá Đề Gi, ở đền Nguyễn Trung Trực cũng mang theo tâm thế ấy. Là ẩn ức riêng tư lan tỏa vào hiện thực. Thơ của người vừa chạm tuổi 30 như vậy e hơi… già!

Châu Đặng Trà My nộp quyển 03 bài đều có những tìm tòi đáng quý. Phù điêu là góc nhìn về cuộc đời khi vẻ đẹp tròn trịa, tấm xuân thì ký gửi đã phải đối mặt với gió, nắng, bỏng rát những vết thương “loét lở uốn mình theo đêm vỡ”, “trái tim chằng chịt vết rỗ” là một chiêm nghiệm từ tự nhiên đến suy ngẫm về những tổn thương đầu đời. Bài Cơn say có phần cường điệu hóa cảm xúc, chông chênh trong cõi riêng khát yêu nhưng hụt hẫng. Riêng bài Bong bóng là bài thơ hay, từ hình tượng đến cảm xúc đã chạm được vào trái tim độc giả. Tự thân những gì được quan sát, mô tả và suy ngẫm đã gói trọn cảm hứng nhân văn về phận người mưu sinh. Thơ trẻ cá nhân có những bài vượt ra khỏi thế giới riêng tư để hướng tới những mảnh đời, nỗi đời như thế.

Thục Vy là một gương mặt sáng tác trẻ đầy tiềm năng trong đợt trại này. Với 08 bài thơ trình làng, em cũng thực hiện rõ nhất những rung động của lứa tuổi mình. Dầu cho câu chữ còn non nớt, vần điệu còn vụng đại nhưng có thể nhận ra một điệu hồn trẻ trung yêu đời, biết nâng niu trân trọng những vẻ đẹp trong các mối quan hệ đời thường, đang cố ghi lại nhiều nhất những xao xuyến bâng khuâng trước người trước cảnh. Hy vọng Trại sáng tác lần này là dịp cho em học hỏi, trau chuốt ý tứ câu chữ sau này hoàn thiện hơn, như điều em bộc bạch trong bài Nhân duyên: Là chan hòa của những đam mê/ Là chắt chiu cho từng lẽ sống/ Con biết yêu, dỗi hờn, biết nhớ/ Con nên người, con đã lớn khôn?. Lời bộc bạch ấy của Thục Vy có lẽ cũng chung nỗi niềm với em út của trại – cô bé Nguyệt Linh lớp 11 chuyên Văn Lê Quý Đôn. Cũng giống Thục Vy, thơ Nguyệt Linh cũng mang theo cái chập chững vụng dại của người tập làm thơ. Nhưng em còn khá rụt rè trong triển khai ý tưởng. Bốn bài thơ của Nguyệt Linh: Nắng, Anh hãy yêu em, Lạc, Sao rơi mới chỉ là những phác thảo thơ chưa định hình rõ cảm xúc trữ tình và đôi khi vẫn chịu ảnh hưởng hơi thơ tiền chiến, hoặc gợi nhớ một tứ thơ tình của tác giả nào quen thuộc mà vô tình nhập tâm. Có lẽ đây cũng là điều không tránh khỏi ở những người bắt đầu hành trình sáng tạo thi ca. Có những câu, những ý nếu đầu tư sẽ tạo được cấu tứ hay. Chẳng hạn: Đọt nắng non tơ đong mắt em/ Gió nâng gót ngọc bước qua thềm/ Vạt trắng dịu dàng tựa thiên sứ/ Để ai tương tư thức trắng đêm (Nắng). Trại sáng tác chính là dịp để những cảm xúc văn chương chớm nở ấy có cơ hội rèn giũa thêm, và các em được học hỏi từ các anh chị, bạn bè đồng trang lứa.

Bên cạnh những cây bút thơ trong đợt Trại sáng tác lần này, cũng ghi nhận những cảm xúc riêng tư thăng hoa thành vần điệu của Thái Dương Nương, Trần Gia Hải. Mong rằng tình yêu với thơ, với văn chương nghệ thuật của các em tiếp tục được vun vén, trau dồi để phát triển. Văn nghệ Bình Định lại có nhiều dịp giới thiệu các gương mặt mới trưởng thành từ Trại sáng tác.

T.H.N

Nhà văn LÊ HOÀI LƯƠNG
(Chi hội trưởng Chi hội Văn học, thành viên Ban chuyên môn Trại sáng tác)

Trong thời gian ngắn, các tác giả trẻ đã viết mới và hoàn thiện tác phẩm khá nhiều, đến 17 tác phẩm, nhiều thể loại: tản văn, truyện ngắn, phê bình, truyện dịch, phát thảo truyện dài… Cũng là thu hoạch khá tốt so với các lần trước, đặc biệt ở thể loại.

Hầu hết các tác giả trẻ viết mảng tản văn, chủ yếu là những xúc cảm về tình cảm gia đình, về quê hương; những buổi đầu về các khám phá tình cảm khác giới, tình học trò… Nhiều trang viết ghi truyện ngắn nhưng thực chất chỉ như một tản văn. Thật nhiều những thành công về kỹ thuật, câu chữ, cũng nhiều hạn chế về diễn đạt, cả câu chữ…

Với hai tản văn Biển gọiMiền xứ xa (tác giả Lê Thục Vy), một viết về biển, một là tình cảm về gia đình, tình yêu, về một miền đất. Ưu thế là có nhiều xúc cảm, viết có văn. Nhưng ngôn ngữ thường đèm đẹp, sáo mòn, nặng tính phô diễn. Với Ký ức đẹp nhất lại là chuỗi tâm trạng, cảm xúc của cô gái vừa lớn đã mất mẹ. Người bố tổn thương, lâm bệnh, nhớ nhớ quên quên… và cô gái thành chỗ dựa chính. Các cung bậc xúc cảm đan xen. Ngôn từ phong phú, có văn nhưng chưa phải là truyện ngắn.

Tô Khánh Linh với Ừ thì bày tỏ cảm xúc tuổi hoa niên qua những nhận thức về tình yêu nam nữ. Có phần dàn dựng hòa trộn lời bài hát và quan sát chú mèo cưng như nhân vật trung gian. Cũng là manh nha dấu ấn về sáng tác, nhưng còn tản mạn, rời rạc, chưa tới.

Chữa lành, một tản văn của Châu Đặng Trà My là một cách đặt vấn đề thú vị về niềm vui cầm bút, về ám ảnh chữ nghĩa bằng một giả định có tính phản đề. Nhưng mọi thứ chỉ ở mức đặt vấn đề chứ chưa khai thác sâu hơn. Vả lại, thực ra cũng chỉ cách nói nhấn thôi chứ chuyện chữ nghĩa không dễ là vấn đề để bàn luận.

Bước qua mùa đông là một truyện ngắn của Nguyễn Đức Bình về một cuộc tình sinh viên. Cô gái bị chứng bệnh nan y và chàng trai đã cận kề trong bất lực nhìn cô gái chết dần… Truyện có ý tưởng. Ngôn ngữ, hành văn mạch lạc, tốt. Nhưng lối viết một chiều, hơi đơn điệu. Chưa tạo được nhiều những tình huống. Nhất là cái kết không bất ngờ, không nâng truyện lên. Một cây bút có triển vọng nếu đầu tư nhiều hơn cho kỹ thuật truyện ngắn.

Nguyễn Anh Nhật là cây bút truyện ngắn đã khá vững chãi nghề mấy năm qua của Bình Định. Trại viết lần này Nhật gửi 2 truyện ngắn Câu đố về loài mèoChuyện khó nói trong thị trấn. Truyện đầu xây dựng từ một giấc mơ, thực chất chỉ là phương thức biểu hiện. Các chi tiết con mèo, bùn đen, lỗ thủng và nùi giẻ nơi cánh cửa… đều là các chi tiết ẩn dụ. Qua đó, chuyển tải cái tôi trong những phức hợp cuộc sống, ứng xử; và nhất là thể hiện cái cô độc của con người hiện tại. Ở truyện sau, vào truyện ấn tượng bằng cuộc bị bắt cóc bí ẩn và quá trình truy tìm của nhân vật tự nguyện. Các kết nối không đầu không cuối, vừa hiện thực vừa phi thực, cái kết rơi vào ngõ cụt… Nhưng tổng thể gợi lên rất đỗi đời sống với những bất an, bất ổn. Nhìn chung, cách viết truyện Nguyễn Anh Nhật khá hiện đại và không dễ đọc.

Trần Gia Hải gửi truyện dịch Trở về của nhà văn nữ người Pháp đoạt giải Nobel văn học năm 2022 Annie Ernaux. Câu chuyện về đứa con gái đi làm xa, ngày nghỉ về với người mẹ với những diễn biến tâm lý chân thật, sinh động. Có thể nắm bắt câu chuyện, tình cảm các nhân vật, nhưng bản dịch phần nào đó còn những chỗ chưa dịch thoát, sự lệ thuộc văn bản đã khiến nhiều diễn đạt khá gượng.

Có bất ngờ từ truyện khá dài về chiến tranh và hậu chiến, được viết có màu sắc điện ảnh của Nguyễn Nhật Khoa, truyện Hoa trên máu. Bối cảnh những năm chiến tranh thập kỷ 60 ở vài địa danh Bình Định: Xuân Sơn – Hoài Ân, Trung Thuận – Phù Mỹ… Về cuộc chiến Xuân Sơn, cuộc thảm sát Trung Thuận; về các chiến sĩ quân Giải phóng, những sĩ quan Mỹ, về người dân… Truyện có các bối cảnh kiểu địch – ta đan xen. Trong đó, mảng trữ tình của người lính và cô gái dân làng được chăm chút khá kỹ. Và kết bằng cuộc hẹn bất thành của chàng trai, cô gái khi cô bị thảm sát. Rồi cuộc gặp những kẻ cừu thù nhẹ nhàng hòa giải… Độ hoành tráng của câu chuyện thì lớn, nhưng tác giả chưa có vốn sống, vốn tư liệu tốt nên câu chuyện chưa mấy thuyết phục. Nhất là cách diễn đạt còn nhiều chỗ như kể chuyện, chưa nâng thành văn.

Với Lá thư tuổi 21Odessa, Trần Huyền Ngân, cây bút dự trại trẻ lần thứ hai, đã cố gắng nâng tầm. Hai tác phẩm đã đạt thể loại truyện ngắn. Truyện đầu là bộc bạch những bế tắc trong tình yêu, văn chương, qua việc đan xen thư cho bạn với bối cảnh thực một trại viết. Truyện sau là một cách khám phá về tình yêu. Các nhân vật nữ ngôi thứ nhất bộc bạch và hiện lên nhân vật nam chung. Trắc ẩn hay bí ẩn? Tình yêu là gì? Cảm xúc mê cuồng, thói quen hay lý trí? Một cuộc giải mã chưa tận, không có lối thoát. Diễn biến nhanh, hoạt. Nhìn chung, Trần Huyền Ngân đã có bước tiến trong việc chữ nghĩa. Riêng một điều cần lưu ý: dấu ấn các nhân vật chưa thật rõ, các tình huống truyện chưa thực tạo dựng. Truyện có thể không có cốt truyện nhưng các chi tiết, tình huống phải ấn tượng.

Nguyễn Sĩ An gửi tác phẩm Tôi năm mười bảy có cốt truyện, nhân vật. Chủ yếu kể về cuộc rạo rực xúc cảm giới và tình học trò. Hạn chế của An là câu chữ chưa ổn. Những diễn biến, tình tiết chưa đắt, còn như chuyện kể vụn vặt. Nhiều từ ngữ chưa chính xác. Cần cố gắng hơn để trang viết thành văn chương.

Nắng chiều là truyện ngắn của Nguyễn Thị Huyền Trang kể về những bi kịch của đời sống. Đứa bé mồ côi có lòng nhân hậu lại sống trong bối cảnh người bà con có đời sống chông chênh. Người chồng nghiện cờ bạc và cái bất hạnh của người vợ thành khắc nghiệt với cháu bé. Và cái kết đã định sẵn một thảm họa. Đứa bé may mắn được một người lính cưu mang dù anh cũng có nỗi đau riêng. Truyện kết bằng một hướng yêu thương, tốt đẹp, như cuộc sống vốn vẫn luôn còn điều thiện lương, cao quý. Văn Huyền Trang khá vững, nhiều triển vọng.

Hồ Nguyệt Linh gửi phác thảo về một truyện dài: Nhật ký thần chết khá thú vị. Đó là các đối diện, đối thoại với thần chết, trong đó phần đứa bé bị bỏ rơi, sống nhờ từ tâm của những người nghèo, cuối cùng chết năm 10 tuổi là cuộc đối thoại được viết hoàn chỉnh. Nhìn chung Nhật ký thần chết là một ý tưởng độc đáo, dĩ nhiên cần hoàn thiện.

Cây bút Thái Dương Nương khá vững chắc khi gửi 02 bài phê bình Nhặt (viết về tập truyện Nguyễn Mỹ Nữ), và Đất mồ côi (tập tiểu thuyết Cổ Viên – Tạ Duy Anh). Ở bài đầu đã chỉ rõ văn phong chuyên biệt của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ. Bài sau khuôn lại trong phạm vi giải mã khía cạnh “cốt truyện” của tiểu thuyết, làm bật ra hệ thống cốt truyện lồng ghép qua hệ thống nhân vật kể chuyện chồng lấn, đổi vai, hòa trộn… Phần nào đó chỉ ra tiểu thuyết theo trường phái hậu hiện đại. Nhưng bài viết chỉ dừng ở đó và chưa thể đi sâu hơn vào nội dung chính của Đất mồ côi vốn nhạy cảm. Thái Dương Nương là cây bút đáng chờ đợi về mảng phê bình với những chu đáo, mẫn cảm, và được đào tạo bài bản.

Trại sáng tác lần này đã có nhiều cây bút văn xuôi hơn các lần trước. Cũng có những tác phẩm chất lượng, có những manh nha về năng lực trong tương lai nếu thực yêu thích việc cầm bút. Phần còn chưa nắm bắt thể loại hoặc còn hạn chế diễn đạt là điều dễ hiểu: các bạn còn quá trẻ, còn chưa nhiều kinh lịch, sự từng trãi, kiến văn. Nhưng nhìn chung, đã có những tín hiệu cho sự nối tiếp đáng mừng của một trại viết trẻ của Bình Định.

L.H.L

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau cơn bão Yagi…

Nơi người đàn ông từng vùi giọt mồ hôi xuống nương rẫy
dựng ngôi nhà mơ ước có đàn con thơ, vợ hiền
chiều chiều đốt lửa bên suối
tiếng cười làm vui cả ngọn đồi

Nhặt Huế

Đêm mang theo mùi hoang từ bến Ngự
Câu hò Huế nghiêng chao sóng nước
Trầm tích nơi dòng Hương giang