Những quả cam

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Vào một buổi chiều mùa đông đầy mây, tôi ngồi trong một góc toa hạng hai của chuyến tàu chạy từ ga Yokosuka lên, lơ đãng chờ tiếng còi khởi hành. Bên trong toa tàu đã sáng đèn từ lâu, ngoài tôi ra, thật kỳ lạ là chẳng có lấy một hành khách nào. Nhìn ra bên ngoài, trên sân ga mờ tối, hôm ấy cũng lạ là chẳng có bóng dáng ai đưa tiễn, chỉ có một con chó nhỏ nằm trong chiếc cũi, chốc chốc lại sủa lên buồn bã. Cảnh tượng này phù hợp với tâm trạng của tôi lúc ấy một cách kỳ lạ. Sự mệt mỏi, chán chường khó tả phủ chiếc bóng u ám xuống đầu tôi như bầu trời đầy mây sắp đổ tuyết. Tôi cứ cho hai tay vào túi áo choàng, thậm chí chẳng buồn rút tờ báo chiều đang nằm ở đó ra xem.

Một lúc sau, tiếng còi xuất phát cất lên. Tôi cảm thấy lòng vợi đi được một chút, tựa đầu vào khung cửa sổ đằng sau, hờ hững chờ đợi sân ga trước mắt từ từ lùi về phía sau. Thế nhưng, trước khi tàu chuyển bánh, bỗng nghe thấy tiếng guốc chói tai phát ra từ cổng soát vé, và cùng với tiếng quát tháo gì đó của kiểm soát viên tiếp ngay sau, cánh cửa khoang hạng hai của tôi bật mở, một cô bé chừng 13,14 tuổi vội vã bước vào, cùng lúc ấy, đoàn tàu giật mạnh một cái rồi bắt đầu chầm chậm chuyển động.

Những chiếc cột trên sân ga chia góc nhìn thành từng khoảng đi qua, chiếc xe chở nước nằm lại như bị bỏ quên, người khuân vác đang nói lời cảm ơn với ai đó trên tàu… Tất cả những điều đó lưu luyến ngả về phía sau trong làn khói đen thổi luồn vào ô cửa sổ. Đến lúc này tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm, vừa châm thuốc hút vừa nhướng đôi mi uể oải lên, lần đầu tiên liếc nhìn cô bé đang ngồi ở hàng ghế phía trước. Đó là một cô bé có vẻ rất quê mùa với mái tóc không chải dầu được búi theo kiểu trái bạch quả, đôi má hằn đầy những vết nứt nẻ phồng rộp đỏ ửng lên đến đáng sợ. Hơn nữa, trên chiếc khăn len quàng cổ màu xanh lá mạ lấm bẩn buông thõng xuống đùi là một tay nải to tướng. Ngoài ra, trong bàn tay cũng sưng tấy vì giá lạnh đang giữ tay nải, chiếc vé màu đỏ của khoang hạng ba được nắm chắc như thể quan trọng lắm. Tôi chẳng thể nào ưa được cái vẻ mặt hèn kém của con bé. Tiếp đến là những thứ bẩn thỉu nó khoác trên người cũng làm tôi cảm thấy khó chịu. Sau rốt là cái đầu óc đần độn đến mức không phân biệt nổi cả khoang hạng hai và hạng ba của nó làm tôi phát cáu. Vì thế, tôi châm thuốc hút, cũng một phần để quên đi sự có mặt của con bé, và lần này thì trải tờ báo buổi chiều trong túi ra trên đùi đọc vu vơ. Đúng vào lúc ấy, ánh sáng bên ngoài đổ trên mặt báo đột nhiên chuyển thành ánh đèn điện, những con chữ trên các cột báo in kém bất ngờ nổi bật lên trước mắt tôi. Không cần nói cũng biết, đoàn tàu giờ đây đã vào đường hầm đầu tiên trên tuyến đường có nhiều hầm Yokosuka.

Thế nhưng, nhìn khắp các trang báo được ánh đèn soi sáng ấy cũng chỉ toàn là những tin tức vặt vãnh chẳng thể nào xoa dịu được nỗi ưu tư của tôi. Vấn đề hòa ước, những cặp đôi mới cưới, những vụ hối lộ, cáo phó… Lúc vào hầm, vừa cảm nhận đoàn tàu như đang chạy ngược tôi vừa đọc lướt qua những bài báo nhàm chán ấy, từ mục này sang mục khác, một cách gần như máy móc. Nhưng tất nhiên, trong khoảng thời gian đó tôi vẫn không thôi ý thức về con bé đang ngồi trước mặt với cái vẻ bề ngoài như thể là hiện thân của hiện thực thô tục. Đoàn tàu ở trong hầm này, con bé quê mùa kia, và cả những trang báo buổi chiều đầy những tin tức vô vị… Điều này tượng trưng cho gì vậy? Chẳng phải là tượng trưng cho cuộc sống bất khả giải, thấp kém và nhàm chán sao?! Tôi thấy chán ngắt bèn vứt tờ báo đọc dở sang bên, lại ngả đầu tựa vào khung cửa sổ, nhắm mắt lại như đã chết và bắt đầu gà gật ngủ.

Vài phút sau. Chợt cảm thấy như có điều gì đó đe dọa, tôi bất giác mở mắt nhìn quanh, con bé ấy chẳng biết tự bao giờ đã chuyển từ ghế đằng kia lại ngồi bên cạnh tôi và đang cố gắng đẩy cửa sổ lên. Nhưng có vẻ như cánh cửa kính rất nặng, mãi mà không nhấc lên cao được như mong muốn. Đôi má đầy những vết nứt nẻ ấy càng lúc càng đỏ bừng lên, tiếng sụt sịt mũi cùng với hơi thở nhẹ đứt đoạn của nó chốc chốc lại ập vào tai tôi. Tất nhiên điều này cũng đủ khơi dậy sự đồng cảm ít nhiều ở tôi. Tuy thế, đoàn tàu lại sắp vào hầm, phải nhận ngay ra là hai bên sườn núi toàn là cây cỏ khô héo trong ánh sáng buổi chiều đang tiến lại gần bên cửa sổ chứ. Thế mà con bé vẫn cứ cố mở cánh cửa sổ đang đóng kín ra… Thật không hiểu nổi. Mà không, tôi chỉ nghĩ rằng con bé này đơn giản làm vậy là tùy hứng mà thôi. Do đó, sẵn cơn bực tức vẫn còn trong bụng, tôi nhìn cái vẻ chiến đấu khốc liệt để nâng cửa kính lên bằng đôi tay phồng rộp vì giá lạnh của nó với ánh mắt lạnh lùng, thậm chí như cầu mong sao nó đừng bao giờ làm được. Ngay sau đó, cùng lúc với đoàn tàu phát ra âm thanh khủng khiếp lao vào đường hầm, tấm cửa kính mà con bé cố sức nâng lên bỗng rơi đánh ầm xuống. Và rồi, từ cái lỗ hình vuông ấy, những luồng khói đen kịt như bồ hóng tan ra tuôn vào trong xe, mù mịt đến khó thở. Cổ họng tôi vốn yếu, chưa kịp đưa khăn tay lên che thì đã bị những luồng khói ấy ập vào khắp mặt mũi, phải bật ho sặc sụa đến chừng không thở nổi.

Thế nhưng con bé chẳng thèm để ý đến tôi, nó thò đầu ra ngoài cửa sổ, để mặc búi tóc hình bạch quả bị gió thổi rung rinh trong bóng tối, hớt mặt nhìn chăm chú về phía đoàn tàu chạy tới. Trong khi tôi đang nhìn hình ảnh ấy của con bé trong ánh sáng đèn điện và làn khói bụi thì bên ngoài cửa mỗi lúc mỗi sáng dần, nếu không có mùi đất, mùi cỏ khô, mùi nước lạnh buốt tràn vào từ bên ngoài thì khi dừng được cơn ho, tôi đã mắng phủ đầu con bé xa lạ ấy một trận và bắt nó đóng cửa lại như cũ rồi.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Tuy nhiên, đúng lúc ấy, đoàn tàu đã êm ái trườn ra khỏi hầm, chạy qua gác chắn ở ngoại ô một thị trấn nghèo nàn nằm giữa hai bên núi với cây cỏ khô héo. Gần gác chắn tàu, những mái nhà rơm, nhà ngói tồi tàn đứng chen chúc chật chội, duy chỉ có một ngọn cờ trắng nhợt nhạt đang ủ rũ đong đưa trong ánh hoàng hôn, có lẽ là người gác chắn đang vẫy. Trong lúc đang nghĩ rằng, vậy là ra hết hầm rồi, tôi chợt trông thấy phía bên kia hàng rào chắn đường sắt buồn tẻ ấy ba đứa bé trai với đôi má đỏ ửng đang chen nhau đứng. Cả ba đứa đều nhỏ bé như nhau, tưởng chừng như bị bầu trời đầy mây đè bẹp. Ngoài ra, chúng còn mặc những bộ áo quần có màu sắc ảm đạm y như phong cảnh của ngoại ô cái thị trấn kia. Chúng ngước lên nhìn đoàn tàu chạy qua, đồng loạt đưa nhanh tay lên vẫy, rướn những chiếc cổ bé bỏng lên, ra sức hét to điều gì đó không rõ. Đúng vào giây phút ấy. Con bé nhoài nửa mình ra khỏi cửa sổ, vươn cánh tay phồng rộp vì giá lạnh, vẫy cật lực và ngay lúc đó, chừng 5,6 quả cam nhuộm một màu vàng ấm áp đến chừng làm lay động con tim từ trên trời rơi lả tả xuống nơi bọn trẻ đang đưa tiễn đoàn tàu. Tôi bất giác hít vào một hơi. Trong thoáng chốc, hiểu ngay ra mọi chuyện. Cô bé ấy, có lẽ đang trên đường đi đến chỗ làm thuê, đã ném ra những quả cam mà nó cất giấu trong ngực áo để thưởng cho những đứa em đã theo đến tận chắn tàu đưa tiễn chị.

Gác chắn tàu ở ngoại ô thị trấn trong ánh chiều tà, ba đứa bé cất giọng ríu rít như những chú chim nhỏ và sắc màu của những quả cam rực rỡ bay tung tóe xuống đó… Tất cả vụt trôi qua bên ngoài cửa sổ đoàn tàu. Thế nhưng, quang cảnh ấy thiêu đốt trong lòng tôi mãi không dứt. Và rồi, tôi ý thức được một cảm giác vui vẻ không giải thích được trào dâng lên từ đó. Tôi hân hoan ngẩng đầu lên, chăm chú nhìn cô bé như thể một người khác. Một lát sau, cô bé quay lại chỗ ngồi phía trước, vùi đôi má vẫn đầy những vết nứt nẻ vào chiếc khăn quàng bằng len màu xanh lá mạ, trên cánh tay ôm chiếc tay nải lớn vẫn đang nắm chặt chiếc vé tàu hạng ba…

Lúc ấy, lần đầu tiên, tôi đã có thể quên được một chút cái mệt nhọc, chán chường không thể tả và cuộc sống tẻ nhạt, thấp hèn, vô nghĩa này.

Akutagawa Ryunosuke (1892 – 1927), cùng với Soseki Natsume và Ogai Mori, là một trong ba cây đại thụ của nền văn xuôi cận – hiện đại Nhật Bản. Sau khi công bố tác phẩm “Cái mũi” trên tạp chí Tân Tư Triều từ lúc còn là sinh viên đại học Todai (1916) và được đánh giá rất cao, ông tích cực tham gia hoạt động văn học. Sáng tác của ông phần lớn là truyện ngắn được viết bằng nhiều phong cách khác nhau dựa trên những đề tài như các triều đại lịch sử, những nhân vật, sự kiện thời Giang Hộ, cuộc khai hóa văn minh thời Minh Trị, Cơ Đốc Giáo thời kỳ đầu, và cả truyện ngắn dành cho thanh thiếu niên.
Ngày nay, một giải thưởng văn học rất uy tín mang tên ông vẫn đang được trao hằng năm cho những cây bút có thành tựu nổi bật trên văn đàn Nhật Bản.

NGUYỄN THỐNG NHẤT
Dịch từ tiếng Nhật. Nguồn: https://www.aozora.gr.jp/cards/000879/files/43017_17431.html

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.