Những điểm sáng của văn học thiếu nhi Bình Định

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Những năm gần đây, sáng tác dành cho thiếu nhi ngày càng thu hút nhiều cây bút Bình Định tham gia. Mở hướng về phía trẻ thơ bằng sự say mê, thuần hậu lòng mình, nhiều nhà văn Bình Định đã được cấp “căn cước” để bước vào thế giới thần tiên thơ trẻ…

Những đồng vọng
Ngày 01.6.2017, đúng vào Ngày Quốc tế thiếu nhi, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức buổi tọa đàm văn học “Phạm Hổ – người ở xứ thần tiên”, kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ, nhà văn quê gốc Bình Ðịnh chuyên viết cho thiếu nhi. Buổi tọa đàm như nóng lên bởi nhiều sự quan tâm của các đại biểu trước vấn đề sáng tác cho thiếu nhi hiện nay tại Bình Định. Nhà văn Lê Hoài Lương, Chi hội trưởng Chi hội Văn học đã không khỏi băn khoăn bởi lực lượng viết cho thiếu nhi của Bình Định thời điểm ấy, quá mỏng. Ấy là chưa nói đến chất lượng, tinh thần tác phẩm như thế nào. Một câu hỏi lớn được đặt ra, liệu sau những Phạm Hổ, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Mỹ Nữ…, còn ai tiếp nối khoảng trống về văn học thiếu nhi?

Sau đó không lâu, vấn đề sáng tác cho thiếu nhi lần nữa được hâm nóng tại tọa đàm thông tin khoa học “Sáng tác đồng thoại ở Việt Nam” do nhà nghiên cứu, TS Lê Nhật Ký trình bày (tháng 10.2017), tiếp nối câu chuyện về sáng tác cho thiếu nhi, mổ xẻ chuyên sâu về việc viết cho thiếu nhi trên nhiều bình diện cụ thể như hướng tiếp cận, viết như thế nào, cách thức nào để thúc đẩy, đánh thức việc sáng tác cho trẻ thơ tại Bình Định. Để trợ lực cho việc sáng tác văn học thiếu nhi, Hội VHNT Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tọa đàm. Chuyên trang dành cho sáng tác thiếu nhi đã được tạp chí Văn nghệ Bình Định thực hiện và xuất hiện đều đặn, giới thiệu các sáng tác của các cây bút trong và ngoài tỉnh. Gần đây nhất, tháng 4.2022, Chi hội Văn học và đại diện Ban tổ chức cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu văn học về đề tài thiếu nhi, mổ xẻ nhiều vấn đề về sáng tác, quan tâm đến thế giới trẻ thơ hiện nay. Đặc biệt, đầu năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát động cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi, kéo dài 05 năm, từ 2022 – 2025, mảng sáng tác này dần được các tác giả Bình Định chú ý, tác phẩm ngày càng gia tăng cả chất và lượng.

Tôi muốn nhắc đến một cuộc thi, được khởi phát từ Quy Nhơn đã tạo nên những hiệu ứng tích cực. Cuối năm 2018, cuộc thi “Sáng tác cho tuổi thơ 2019” do Ban Mục vụ Văn hóa thuộc Giáo phận Quy Nhơn tổ chức đã diễn ra và tạo nhiều cộng hưởng. Cuộc thi bắt đầu từ cuối năm 2018 và tổng kết vào tháng 9.2019 đã thu hút nhiều cây bút trong và ngoài Công giáo tham gia. Lúc bấy giờ, trong những lần gặp gỡ cùng cố thi sĩ Hạt Cát (nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân), một trong số những giám khảo của cuộc thi này, ông đã không giấu nổi sự mừng vui vì cuộc thi lần đầu tổ chức đã tạo được nhiều chú ý. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông thông tin về số lượng tác phẩm tham gia với 687 tác phẩm thơ và 324 tác phẩm văn xuôi. Nhà thơ Hạt Cát cho biết: “Đã có nhiều tác giả đang sinh sống tại Bình Định tham gia cuộc thi và đạt giải như: Nguyễn Đình Thu, Lê Thị Xuyên, Bích Ái”.

Những ấn bản
Lực lượng dành sáng tác cho văn học thiếu nhi ở Bình Định ngày càng dày dặn. Thử làm một phép liệt kê nho nhỏ về những tác giả viết cho thiếu nhi đang sinh sống tại Bình Định trong những năm gần đây như: Nguyễn Mỹ Nữ, Bùi Thị Xuân Mai, Mộc An, Nguyễn Đặng Thùy Trang, My Tiên, Trương Công Tưởng… Nhiều trong số họ đã ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi với những tác phẩm đường hoàng, được các nhà xuất bản lựa chọn in ấn, phát hành.

Năm 2019, tập thơ thiếu nhi kết hợp giữa thơ và tranh vẽ xoay quanh thế giới sinh học – tập (NXB Văn hóa Văn nghệ) của tác giả Mai Đậu Hũ (tên thật là Phạm Thị Tuyết Mai, sinh năm 1990, quê ở TP Quy Nhơn) đã tạo nhiều chú ý. Sách được Quỹ cộng đồng AVIVA tài trợ chi phí in ấn, phát hành. Mai Đậu Hũ là một tác giả khá mới có thế mạnh về những ý tưởng. Lá là một ấp ủ suốt 10 năm của chị từ lúc là sinh viên đại học. Sau ấn bản ấy, Mai Đậu Hũ đã viết thêm nhiều bản thảo khác, xuyên suốt về thế giới trẻ thơ, nhất là khai thác mảng sinh học, đưa con trẻ hòa điệu vào thế giới của thiên nhiên cây cỏ. Năm 2022, chị đạt giải Ba trong cuộc thi Đóa hoa đồng thoại với tác phẩm Cuộc đua kỳ thú. Nhưng vì lý do cá nhân, Mai rút khỏi giải thưởng này. Mới rồi gặp lại Mai cùng một vài người bạn, Mai chia sẻ về bản thảo mà chị đang hoàn thiện. Chị nói, nếu thuận lợi, chị sẽ hoàn chỉnh nội dung cho phù hợp với các độ tuổi thiếu nhi, từ Tiểu học đến Trung học với những truyện dài hoặc dự án nho nhỏ dài kỳ. Cái đích hướng đến vẫn là tạo cảm hứng cho các bé khám phá thế giới thiên nhiên kỳ thú.

Nếu tính từ năm 2019, thì ở Bình Định, ấn bản cho thiếu nhi xuất hiện ngày một nhiều hơn. Năm 2020, Nguyễn Đặng Thùy Trang (sinh năm 1993, quê Quy Nhơn) đã in tập truyện thiếu nhi Xương cá biết nói (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh). Với nhà văn Thùy Trang, sáng tác cho thiếu nhi là một cánh cửa rất rộng mà chị muốn thử sức mình. Trang tâm sự: “Mảng sáng tác này đang được người viết quan tâm. Hơn nữa, từ khi làm mẹ, tôi càng chú tâm hơn. Tôi viết cho con, và những bạn nhỏ ở tuổi như con mình, hướng các em đến những tình cảm tốt đẹp, chân thành, nuôi dưỡng những suy nghĩ trong trẻo, tích cực”.

Năm 2022, nhiều đầu sách cho thiếu nhi của tác giả Bình Định ra mắt người đọc. Nhà văn Bùi Thị Xuân Mai đã xuất bản tập truyện Tam thể và cún con trong đó có nhiều truyện dành cho thiếu nhi. Chị chia sẻ: “Tôi bắt đầu viết truyện thiếu nhi từ năm 1988 với những sáng tác đầu tiên dành cho con gái. Năm 1994, tôi dự trại sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội, lúc ấy có vẻ được động viên hơn nên giữ nhịp độ viết. Viết ra những câu chuyện, tôi mong con cháu mình biết yêu thương, siêng năng, chăm ngoan; sống chân thành. Tôi muốn để các con hiểu rằng, siêng năng, chân thành sẽ được đền đáp. Giả trá, ác độc sẽ bị trừng phạt”.

Đầu năm 2022, hai tác giả Thùy Trang và Mộc An đã xuất bản tập truyện thiếu nhi Đậu Đậu Sâu Sâu & Be Bé (NXB Đà Nẵng & TYM). Đặc biệt, cái tên Mộc An xuất hiện với tần xuất dày đặc với những ấn bản được bạn đọc khắp nơi đón nhận. Cuối năm 2022, chị tạo bất ngờ lớn khi ra mắt bạn đọc cùng lúc 02 tác phẩm viết cho thiếu nhi: Tập truyện Nếu một ngày chúng tớ biến mất (NXB Kim Đồng) và tập thơ Cây cầu lấp lánh (NXB Trẻ). Chị cũng đã vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn lần 3 (năm 2022) với tác phẩm Nếu một ngày chúng tớ biến mất. Mộc An thầm lặng những nỗ lực, can trường và say mê “làm bạn” với trẻ thơ. Có lúc tôi thắc mắc, đối diện với bao bận rộn công việc, áo cơm gia đình như vậy, thì thời gian đâu tập trung cho sáng tác. Chị bộc bạch: “Tôi là một phụ nữ bình thường, ngoài những giờ làm việc ở cơ quan ra, tôi còn lo toan những điều nho nhỏ mỗi ngày cho cuộc sống gia đình. Thường khi bị cuốn theo nhịp công việc sẽ thấy mệt mỏi. Vì vậy, tôi thường cho mình chút ít thời gian để viết và coi đó là một cách thư giãn, cân bằng cho cuộc sống. Hơn nữa, một phần tôi viết vì muốn chinh phục một độc giả khó tính, con trai mình. Tôi hay dành một ít thời gian mỗi sáng trước khi đi chợ, kiểu như vậy, để viết. Hoặc có những đêm khi cả nhà ngủ say, tôi có khoảng không gian riêng để sáng tác”. Năm 2023, chị lần nữa là một cái tên tạo sự chú ý khi ra mắt tập truyện cho thiếu nhi cuối tháng 5.2023, tập Nhạc sĩ đường phố (NXB Kim Đồng). Đồng thời, chị nhận được niềm vui khi xuất sắc đạt giải Khát vọng Dế Mèn với bản thảo truyện dài thiếu nhi Ở một nơi có rất nhiều rồng. Với Mộc An, viết như một trị liệu, để chị thấy lòng mình dịu lại, thấy cuộc sống thêm phần dễ thương, đáng yêu.

Giao lưu, trao đổi về văn học thiếu nhi giữa Chi hội Văn học Bình Định và đại diện BTC chương trình “Đóa hoa đồng thoại”. Ảnh: V.P

Năm 2023 đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ với mảng sáng tác quen thuộc dành cho thiếu nhi. Nguyễn Mỹ Nữ là nhà văn viết bằng tất cả sự say mê, trân trọng và trách nhiệm của người cầm bút. Chị có nhiều đầu sách dành cho thiếu nhi, như tập truyện Mắt núi (NXB Kim Đồng, 2004), Món quà của mùa hè (NXB Kim Đồng, 2007), Theo một người về biển (NXB Kim Đồng, 2017). Cuối tháng 5.2023, chị trở lại ấn tượng với thế giới trẻ thơ với tập truyện dài Nhặt (NXB Kim Đồng) và tập truyện Nào cùng nhón chân (NXB Trẻ). Văn của Nguyễn Mỹ Nữ nhen lên những điều thiện, điều lành ở mỗi con người, như cái cách chị nhìn cuộc đời với những thể tất và bao dung, chân thành và ấm áp. Chị tâm sự: “Năm nay, tôi in 03 quyển, một quyển tạp văn viết kỷ niệm hơn 30 năm làm dâu đất Bình Định và hai cuốn về thiếu nhi dành cho các bé”.

Mầm lan tỏa
Tôi còn nhớ sau buổi giao lưu văn học về đề tài thiếu nhi giữa Chi hội Văn học và đại diện Ban tổ chức cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” năm ngoái, các cây bút Mộc An, Thùy Trang, Mai Đậu Hũ còn nán lại bên một quán trà nhỏ, bàn luận sôi nổi về sáng tác cho thiếu nhi. Tại Bình Định, không hiếm những cuộc ngồi lại với nhau như thế để chia sẻ nhau về sáng tác. Hiệu ứng lan tỏa và sự kết nối giữa những người viết bằng sự học hỏi, trân trọng đã tạo nên môi trường văn chương lành mạnh, đồng thời cũng không thiếu chất “lửa” để người viết chuyên tâm hơn cho tác phẩm. Điều dễ thấy, người viết trẻ, những nhà văn, nhà thơ thế hệ 9x cũng dành nhiều dung lượng sáng tác cho thiếu nhi.

Gần đây, khi gặp nhà thơ Trương Công Tưởng (sinh năm 1990, quê Hoài Ân), anh tỏ ra khá hứng thú khi đề cập đến mảng sáng tác cho thiếu nhi. Anh là một trong số ít tác giả nam quan tâm đến mảng viết này. Tưởng tâm sự: “Khi viết cho thiếu nhi, mình như mua được vé về tuổi thơ, ngưng đọng lại trong thời gian và khung cảnh ấy. Mình thấy cuộc sống vơi bớt những muộn phiền trong thế giới người lớn đầy những lo toan và tổn thương”. Tôi đọc một số bài thơ về thiếu nhi mà Tưởng chia sẻ và từng đăng rải rác nhiều tờ báo, tạp chí. Có những bài thơ khá dễ thương, dung dị, mộc mạc tình cảm nhưng không thiếu hình ảnh thơ: “Bắt đầu bằng lộc biếc/ Ngủ trong mùa đông dài/ Ông mặt trời vừa thức/ Long lanh giọt sương mai// Bông hoa thơm từ nắng/ Nhờ cơn gió đưa hương/ Con ong vàng óng ánh/ Cõng mật đi đến trường” (Mùa xuân và nụ cười). Cũng viết cho thiếu nhi ở mảng thơ, nhà thơ My Tiên (sinh năm 1993, quê Tuy Phước) hồ hởi chia sẻ bản thảo của mình với 20 bài thơ về thiếu nhi mà chị viết ba năm gần đây. Từng ngày chơi với con, bước vào thế giới trẻ thơ đã mở ra cho chị nhiều suy gợi để yêu thương từ người mẹ cất lời. Có những bài thơ của chị ý tưởng khá hay, như khi chị đọc tôi nghe bài Chú Nhện chăm chỉ: “Chú nhện chăm chỉ/ Nhả tơ trên tường/ Như sợi chỉ trắng/ Mẹ thường vá khâu// Ơ kìa chú nhện / Tường có rách đâu/ Sao chú ngồi khâu/ Chỉ giăng bốn góc// Hôm qua tớ ngã/ Làm rách quần rồi/ Mẹ mắng mất thôi/ Nhện khâu giúp nhé!”. Thơ thiếu nhi đã mở ra cho chị những xúc cảm mới, gạn lọc đi bao ồn ã cuộc đời để nhìn mọi sự vật, hiện tượng trở nên nhẹ nhàng hơn, thiện cảm hơn. “Mình vẫn đang viết, viết cho con và cũng cho chính bản thân mình. Viết cho thiếu nhi không hề dễ, mình đang bắt nhịp dần vì không muốn chỉ dừng lại ở mảng sáng tác này chỉ 20 bài thơ ấy…”, Tiên bộc bạch.

Nhìn vào bức tranh sáng của Văn học thiếu nhi Bình Định hiện nay, TS Lê Nhật Ký, người có nhiều công trình nghiên cứu về văn học thiếu nhi không giấu được sự phấn khởi của mình. Ông chia sẻ: “Văn học thiếu nhi đang trên đà khởi sắc và ngày càng có nhiều cây bút tham gia sáng tác cho thiếu nhi, trong đó có không ít người viết trẻ. Đây là những tín hiệu rõ rệt và hết sức đáng mừng. Mong rằng, mảng sáng tác này sẽ tiếp tục được nhiều cây bút hưởng ứng và đầu tư hơn nữa, đồng thời văn học thiếu nhi sẽ có thêm nhiều trợ lực từ phía Hội VHNT, các cấp ngành trong việc khuyến khích sáng tác cho thiếu nhi, mở những cuộc giao lưu, tọa đàm, cuộc vận động sáng tác để kết nối, thu hút nhiều cây bút tham gia”.

Mở cánh cửa bước vào thế giới trẻ thơ, tưởng dễ mà khó vô cùng, nếu không bước qua được những cồng kềnh, ràng buộc của thế giới người lớn để mở rộng sự tưởng tượng, yêu thương hồn nhiên trong sáng thì người viết sẽ mãi chỉ đi bên lề của thế giới ấy. Văn học thiếu nhi Bình Định đã có những điểm sáng nổi bật, có những kế thừa đáng trông đợi, khỏe khoắn những hạt mầm để mỗi chúng ta có quyền hy vọng…

VÂN PHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…