Những âm thanh lặng lẽ

(VNBĐ – Truyện ngắn). Bà bỏ đĩa mít trong tủ lạnh, tỉ mỉ tách xơ… Những múi mít vàng ươm, bóng nhẫy, thơm lựng. Đôi bàn tay gầy nhẳng thi thoảng lại gạt ngang, lau những hạt bụi từ cửa ban công bay vào, bám lên mặt. Nhà lúc nào cũng bụi vì cửa ban công quay ra ngoài hướng đường quốc lộ, xe chạy nườm nượp, cày bánh xuống mặt đường nóng rẫy, hắt lên toàn bụi. Con dâu dặn, bà ở nhà đừng mở cửa phía ban công ra, bụi bám đầy bàn ghế, sàn nhà, bẩn lắm! Bám thì bà lau, nền nhà bẩn thì bà tỉ mẩn quét rồi quỳ cả hai chân gầy nhẳng xuống mà lau bằng khăn ẩm, chứ đóng cái cửa ấy vào thì căn nhà này chỉ còn mình bà với tiếng bước chân, tiếng thở, tiếng thì thầm…

Nhặt đĩa mít xong bà cẩn thận bọc màng thực phẩm, cất vào trong tủ lạnh. Lom khom ra phía ngoài ban công, đứng lặng nhìn mấy cây con trong những chiếc chậu sành màu trắng, vàng, đỏ. Cây nào lá cũng mướt mát xanh nhưng chẳng ra hoa, chẳng cao lên được. Mấy cây leo lên giàn đón nắng hoa cũng chỉ be bé, vài ngày lại héo rụng. Con dâu bảo, phải mua đất có chất kích rễ hay phân hóa học cây mới lớn nhanh, ra hoa đẹp được. Thằng con trai bà gạt đi, cây trồng trong chậu để ngoài ban công chỉ cần xanh là được, không cần lớn, ra hoa làm gì. Bà ngoài tưới tắm, thi thoảng xới đất cho chúng thì chẳng biết làm gì khác. Chỉ mong cây đừng chết.

Dòng xe lao đi vùn vụt trên đường. Xe máy, ô tô, xe buýt… Những tiếng còi tại ngã ba, tiếng ù ù, xầm xì của bánh xe quét vào mặt đường, loang trong khoảng không. Rồi tiếng lục khục của những thùng hàng va vào nhau…. Trăm thứ âm thanh ồn ĩ. Chỉ thiếu tiếng người…

Bà về chung cư này ở đã được ba năm từ ngày chồng mất. Thằng con trai bảo không yên tâm khi thấy mẹ tuổi già một mình ở quê. “Phu tử tòng tử” người xưa dạy thế. Bà khăn khăn áo áo lên thành phố. Cảnh già vui nhất là được gần con, cháu.

Con dâu bà ngoài ba mươi, chưa muốn sinh con vì còn bận lo học nốt cái bằng tiến sĩ gì đó.

– Bao giờ cơ ngơi, sự nghiệp vững vàng thì con đẻ, bà đừng giục nhé!

Con trai bà đi công tác trong nước, ngoài nước suốt. Nhà chỉ có hai người. Làm nó phật ý thì bà ở với ai?

***

Tiếng nhân vật trên phim nói qua nói lại, giọng phiên dịch đều đều, đều đều. Bà ngồi thu chân trên chiếc sofa theo dõi tỉ mỉ từng hành động, cử chỉ của diễn viên, cố nhớ tên nhân vật. Tiếng nước ngoài dài không nhớ hết thì bà nhớ mỗi tiếng sau cùng. Bà thuộc làu tên nhân vật chính, nhớ những đoạn mà bà cho là gay cấn, hấp dẫn nhất. Cả ngày bà xem phim. Bộ phim này là bà nhớ nhất. Vì con dâu thích. Ngày trước cứ Chủ nhật là nó ở nhà xem tivi với bà. Nhưng từ lâu nay không còn thấy con dâu ra ngoài phòng khách xem phim nữa. Cả cái tivi chỉ mình bà. Xem xong phim này bà lại chuyển sang phim khác tới khi nào thấy đói thì ăn, buồn ngủ thì nhắm mắt lại.

R… eng… eng!

Bà bật người ngồi dậy, đi ra mở cửa. Một luồng gió mát kèm theo mùi mồ hôi khen khét. Thằng bé đứng phía ngoài, cố nói to:

– Cháu mang cơm.

Bà cười:

– Ờ, ờ… Cháu bao nhiêu tuổi?

– Dạ, mười hai.

– Không đi học à?

– Không.

– Bà cho cháu xin tiền.

– Ờ, ờ…

Bà lần áo, kéo ra được cái túi vải màu đen có dây rút trên miệng, nhìn thằng bé đứng bên ngoài cửa sắt bịt khẩu trang kín mít:

– Nhà cháu có xa không.

– Gần ạ. Mắt nó nheo lại, nhìn vào chiếc túi của bà, chờ đợi.

– Có mệt không? Bà lấy cho cốc sữa, nhá?

Bà còn định hỏi câu gì nữa, tay vẫn lần lần chiếc túi chừng chưa muốn đưa tiền. Nhưng thằng bé có vẻ sốt ruột.

– Thôi! Bà cho cháu xin tiền cháu còn đi “síp” chỗ khác.

– Ờ, ờ…

Bà rút ra tờ năm mươi ngàn. Thằng bé cúi xuống, móc tay trong túi quần:

– Cháu không có năm ngàn.

– Thôi. Bà cho mua kẹo.

Thằng bé cười tươi. Trước khi đi hình như nó lẩm bẩm câu gì đó thì phải. Bà nghe không rõ. Bà cứ đứng nhìn theo dáng thằng bé mãi tới khi khuất hẳn. Lặng lẽ đóng cửa, chốt khóa.

Bà đặt hộp cơm lên bàn, chẳng buồn mở ra xem hôm nay nó mang món gì. Cơm con dâu đặt sẵn. Cứ đúng mười một giờ ba mươi là thằng bé mang tới.

Nhớ có mớ rau muống để trong tủ lạnh. Bà tỉ mẩn nhặt từng lá, từng lá, ngắt ngọn cho vào rổ. Đặt nồi nước luộc rau. Thức ăn thừa trong tủ lạnh tối qua vẫn còn. Một mình bà cũng chẳng muốn ăn. Nhưng không ăn thì nhớ bữa.

Bà ngồi cắm đũa, mắt nhìn ra ngoài ban công. Tiếng xầm xì, ù ù vọng vang… Mắt bà nhòa trong màu nắng trưa gắt gỏng. Bà nhớ chiếc võng sợi gai mắc ngoài vườn nhà. Trưa nào bà cũng ra nằm, đọc thơ, hát chèo cùng mấy bà hàng xóm. Mấy bà hàng xóm chỉ thích nói chuyện và nghe bà hát.

Bà thử ngâm nga một câu chèo đã lâu. Cổ họng ứ lại. Cơm nhễu ra trên miệng… Bà cố nuốt. Mắt thôi không nhìn ra ngoài ấy. Kỳ chân xuống nền nhà rin rít, bỏ dở bát cơm, bà đi lấy chổi lau nhà. Cái chổi lau nhà êm ru, chà vào sàn gỗ không một tiếng động. Vất cây chổi xuống, bà lại cố ngồi ăn hết bát cơm chan nước rau luộc.

Tiếng ti vi đều đều. Thời buổi bây giờ muốn xem gì cũng có. Bà nhớ mấy kênh con dâu hay mở. Bấm chuyển sang. Bà chăm chú xem, cố nhớ những tin tức, ngày giờ, địa điểm diễn ra buổi trình diễn thời trang, đêm nhạc… Bà nheo mắt nhìn đồng hồ… 16 giờ. Còn hơn một giờ đồng hồ nữa là con dâu về.

Khép cửa ban công lại, trong nhà chỉ còn tiếng bước chân lẹp kẹp. Thỉnh thoảng vài tiếng húng hắng ho xen với tiếng tivi đều đều…

***

Cửa sắt lanh canh. Tiếng guốc khua sàn nhà vang vang. Tiếng túi xách. Tiếng chìa khóa… Bà đon đả:

– Về rồi hả con?

Tiếng dép lẹp kẹp…

– Hôm nay bộ phim “Chiếc lá bay” hay lắm đấy. Cái cô gì xinh đẹp hiền lành đã tát thẳng vào mặt cô gì gì nhỉ? Mẹ quên tên mất rồi. À, mà hôm nay ở trong thành phố xảy ra vụ cháy ghê lắm, con biết chưa?

Tiếng guốc khua sàn nhà vang vang.

Rồi tiếng cửa phòng đóng “kịch”.

Bà đứng bên ngoài, cố nhớ còn chuyện gì bà xem trên tivi nữa không? À, bà nhớ rồi… Chờ con dâu thay quần áo xong bà sẽ kể tiếp.

Tiếng dép lê lẹp kẹp…

À hôm nay ti vi đưa tin nhưng ca nhiễm bệnh ở nước ta giảm mạnh rồi đấy, hình như còn hơn một nghìn ca nhiễm một ngày thôi con ạ, mừng nhỉ?

À, nãy có thằng bé mang cơm lên đấy. Nó không có năm ngàn trả lại. Mẹ bảo cho nó. Nó vui lắm… Nó bảo con đặt mang lên nhà phải không?

Tiếng cửa phòng tắm đóng “kịch”. Giọng nói xen lẫn tiếng nước chảy.

– Vâng!
Tiếng xối nước ào ào. Tiếng bà nói bên ngoài rổn rảng. Bà kể hết chuyện này đến chuyện khác. Bà cứ ngồi ngoài cửa nhà tắm mà kể chuyện cho con dâu nghe.

Tiếng nước nhỏ dần.

Tiếng bà vẫn rổn rảng…

Tiếng bước chân lẹp kẹp….

Tiếng cửa phòng ngủ đóng “kịch”. Bà nhìn cánh cửa gỗ kín mít.

– Con lại không ăn cơm à?

Không thấy tiếng trả lời. Bà chạm tay vào cửa “cộp cộp”.

– Con mệt. Bà để con nghỉ.

Tiếng dép lẹp kẹp… Bà kê ghế ngồi quay mặt ra phía ban công, cố hé cửa ra một tí cho gió tràn vào. Những sợi tóc như làn khói mỏng bay phất phơ che những đốm đồi mồi. Đôi mắt mờ đục trong ánh đèn xanh đỏ ngoài phía ngã tư.

***

Con trai bà đi công tác về, mang vào nhà cả một vali chỉ toàn túi, hộp đựng quà.

– Hộp thuốc này con mua cho mẹ uống đỡ đau xương khớp. Hộp có cái chữ đỏ đỏ này là để ăn ngon, ngủ ngon. Ngày mẹ uống một viên sau khi ăn xong. Còn đây là sữa bổ sung canxi, mẹ cứ pha ba muỗng vào cốc, uống buổi sáng và tối trước khi đi ngủ nhé! Còn đây là…

Bà chẳng thể nhớ hết những loại thuốc con trai mua cho. Lần nào đi công tác về là bao nhiêu thuốc bổ, bánh trái, quần áo… Bà xếp đầy trên mặt tủ. Đêm nằm chỉ nhìn những lọ thuốc ấy mà vui. Biết con còn nhớ đến mình.

Bữa cơm sau bao lâu mới có đầy đủ cả nhà. Bà ngồi chẳng buồn ăn, chỉ kể chuyện. Bà kể hết những chuyện trên ti vi lại kể chuyện thời sự. Con trai gắp thức ăn vào bát giục, mẹ ăn đi! Con dâu vừa ăn vừa xem điện thoại.

Tiếng cửa phòng ngủ đóng “kịch”.

– Em sợ ở nhà với bà lắm rồi.

– Có chuyện gì?

– Lúc nào bà cũng nói, bám theo em mà kể chuyện đẩu đâu í. Cả ngày đi làm đã mệt về chỉ muốn nghỉ ngơi mà không được yên.
– Mẹ già rồi. Em chiều mẹ một tí cho mẹ vui.

– Nhưng, em muốn được yên.

Bà ngồi trong căn phòng chật hẹp lặng nghe những chuyển động của bên ngoài. Đêm kéo đến chầm chậm… Bà cố nhớ lại những buổi hát chèo ngoài đình làng. Những cô gái trong bộ quần áo mớ ba mớ bảy… Rồi bà nhớ ngày bà tham gia đội văn công của xã hát phục vụ bộ đội. Bà còn hát cả trên loa phát thanh cho cả xã nghe. Ngày ấy sao mà vui. Bà cố nhớ lại bài hát hôm nào… Hắng giọng… Bà quay mặt vào tường như đứng trước hàng ngàn khán giả đang vỗ tay chờ đợi màn biểu diễn của mình.

Bà thắt một chiếc khăn lên đầu, khoác thêm chiếc áo cánh bên ngoài. Rồi bà đứng ra chỗ có ánh điện hắt từ phía đường vào. Ánh điện nhấp nháy xanh đỏ như ánh đèn sân khấu…

“Em xinh là xinh như cây lúa à lúa đẹp lúa xanh í… ì… i… Ối à nón nghiêng, ôi là là nghiêng…

Tiếng cửa kẹt kẹt.

– Đêm rồi, mẹ ngủ cho chúng con còn ngủ.

Bà quay mặt lại, con dâu đứng ngoài cửa. Mái tóc đen buông dài đổ xuống vai. Ánh mắt như sao đêm. Bà giật mình. Rồi như một đứa trẻ biết lỗi, bà im lặng ngồi xuống giường.

Tiếng cửa phòng đóng, “kịch”.

Câu hát vẫn còn mắc trong lòng. Không hát lên được chỉ còn những tiếng i a trong cổ họng. Bà ngồi lặng với chiếc bóng đổ dài trên tường. Những câu hát như vang ra từ ngực. Bà nhớ như mình đang ngồi hát giữa những cặp mắt tò mò, những ánh mắt ngưỡng mộ xen lẫn tự hào. Ngày đó… Bà còn trẻ.

Những âm thanh trong nhà gần như tắt ngúm, chỉ còn tiếng xình xịch của chiếc kim đồng hồ trên bàn, tiếng cánh quạt khua không khí…

Bà lại ngả người nằm xuống, cố nhắm mắt để chìm vào những câu chuyện, những tiếng cười, câu hát.

***

Tiếng guốc khua vang vang. Tiếng giày lộp bộp. Bà ngồi dậy. Tiếng người nói nho nhỏ. Rồi tiếng cánh cửa kim loại va vào nhau lanh canh. Tiếng khóa cạch cạch. Tiếng cửa đóng “kịch”.

Tiếng dép lẹp kẹp.

Bà đi từ phòng ngủ ra phòng bếp rồi lại từ phòng bếp vào phòng ngủ.

Tiếng dép lẹp kẹp, lẹp kẹp…

Chiếc mành bị gió thổi bay, ánh nắng len lỏi qua khe cửa hẹp, rọi vào một đường chỉ mảnh vàng óng trên nền nhà tối sầm, bóng nhẫy. Đôi mắt bà bất chợt nhắm lại. Bàn tay gân guốc cố kéo tay áo xuống, chấm lên kẽ mắt. Rồi bà chậm rãi bước ra phía ban công, bật cái khóa cửa. Nắng và gió tràn vào. Người bà nhỏ thó trong chiếc áo cánh mỏng. Cơn gió lạ bất ngờ khiến bà ho khan. Chệnh choạng một lúc rồi bà ngồi xuống ghế… Hôm nay cây lá trên đường đổi màu lạ quá. Hình như lá chuyển sang màu vàng. À, mà ở những tán cây xa xa kia có cả màu đỏ. Hàng cây dài dọc con đường quốc lộ nườm nượp xe qua. Sáng nào bà cũng ra nhìn mà hôm nay sao thấy lạ quá. Cây thay lá tức là chuyển mùa rồi đấy. Bà cũng chẳng nhớ rõ đang mùa gì… Mùa hè? Mùa đông? Hay mùa thu? Bà bấm ngón tay, nhớ ngày giỗ chồng cách đây độ một tháng.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Bà nheo mắt cố nhìn những dáng người bé nhỏ đang đi bộ trên đường. Rồi thi thoảng có cả những chiếc xe đạp len lỏi trong dòng xe tấp nập. Bà cứ nhìn, nhìn mãi. Thi thoảng bà lại muốn gây một tiếng động nhẹ, như chạm vào thanh lan can, làm rơi một chiếc lá khô, hay có khi là cả một chiếc khăn, cái áo. Biết đâu họ sẽ ngẩng lên nhìn bà. Họ sẽ hỏi bà có cần nhặt không để người ta mang lên cho. Thế là bà sẽ gật. Bà mời họ ăn một ít bánh, quả cam, uống cốc sữa canxi con trai bà mua từ nước ngoài… Nhưng chẳng có gương mặt nào ngẩng lên nhìn bà cả. Những cái đầu lúi húi lao về phía trước. Những tấm lưng cứ xa dần, xa dần… Những âm thanh loang ra rồi tan nhanh trong không gian luễnh loãng…

Bà nhìn chiếc bánh ngọt trên bàn kèm mẩu giấy: “Sáng mẹ ăn tạm. Lát có người mang cơm”. Thức ăn thì đâu có thiếu. Bà ăn gì chẳng được, bánh, sữa chất đầy trong tủ lạnh, tủ cá nhân của bà. Chưa ăn hết, con dâu, con trai đã mua. Chúng bao giờ cũng cẩn thận dặn bà ăn đúng giờ giấc, nghỉ ngơi cho khỏe. Cơm, rau đến giờ là có người mang lên, không cần lọ mọ nấu nướng làm gì. Đồ trong nhà toàn đồ điện, hiện đại bà dùng không quen, nhỡ có chuyện gì chúng con về không kịp. Vợ chồng nó còn cẩn thận mua cho bà một cái điện thoại di động dặn, nhỡ có việc gì gấp mẹ chỉ cần nhấn vào số này. Mấy lần ở nhà buồn không biết nói chuyện với ai bà nhìn đồng hồ điểm đúng 12 giờ, mày mò nhấn số gọi thì chỉ thấy tiếng tút dài. Bà lại ấn.

– Alo! Bà cần gì không ạ?

– Không. Mẹ không cần gì… Mẹ…

Thế là tắt. Chiều ấy về, con dâu chau mày, có chuyện gì gấp bà hẵng gọi, con nhiều việc lắm. Bà lại gọi cho con trai. Con trai bà bảo, có gì mẹ cứ bảo nhà con. Thế là từ lần ấy bà chẳng bao giờ cầm đến cái điện thoại ấy nữa.

***

R… eng… eng… eng…

Bà đứng phắt dậy, quên cả mang dép, chạy ra cửa. Thằng bé mặt mũi đen nhẻm nhìn, cố nói rõ to:

– Cháu mang cơm cho bà. Bà trả cháu tiền để cháu còn đi “síp” chỗ khác.

Bà nhìn nó cười cười, đôi mắt nheo nheo lại:

– Hôm nay mang muộn thế hở?

– Cháu mang đúng giờ.

Bà lần tiền bỏ trong túi áo, mắt vẫn nhìn nó:

– Trời nay có nắng không cháu?

– Có.

– Đi thế mệt không? Bà lấy cho cốc sữa, nhá!

– Thôi. Bà cho cháu xin tiền cháu còn đi “síp” chỗ khác.

Bà rút cái túi thắt dây thun cẩn thận, lấy ra tờ năm mươi ngàn. Thằng bé thò tay với rồi đưa hộp cơm qua cái lỗ be bé ở cửa cho bà.

Lưng áo xanh của nó khuất bà mới cầm hộp cơm.

Cơm còn nóng, đồ ăn cũng còn nóng hôi hổi. Vậy mà miệng bà sao cứ nhạt. Mấy lần bà bảo con dâu không phải đặt cơm sẵn, để bà tự nấu. Con dâu bảo, nhà con bảo sao thì con làm y vậy. Bà không ăn thì cứ bỏ vào thùng rác. Cả đời bà lam lũ tảo tần mới có miếng cơm ăn. Giờ lại bảo bà đổ cơm vào thùng rác. Thế là bà đành im lặng ăn cơm quán. Cái mùi cơm nấu sẵn lạ lắm, nó cứ ngai ngái, nhàn nhạt, chẳng thấy vị gì.

Hôm nay ti vi lại phát chương trình con dâu bà yêu thích. Bà ngồi xem như nuốt từng từ. Cố nhớ để về còn có cái mà kể. Nhớ thật kỹ. Nhỡ nó có hỏi thì còn trả lời được. Không nó thấy bà cứ nhớ nhớ quên quên nó chán chả thèm nói chuyện cùng. Thế là bà ngồi gật gù trên sô pha hết xem phim Thái Lan lại xem ca nhạc, trình diễn thời trang…

***

Tiếng cửa lạch cạch. Tiếng guốc khua sàn nhà vang vang.

– Về rồi à con? Nay mẹ nhặt rau sẵn, rửa sạch thịt, cá.

Tiếng cửa phòng đóng “kịch”.

Bà đứng bên rổ rau và mớ thịt, cá đã ướp mắm muối. Chờ cánh cửa phòng bật mở.

– Bà cứ để đấy, lát con nấu.

Tiếng cửa phòng đóng “kịch”.

Bà lại ngồi xuống, tay tỉ mỉ nhặt từng sợi tóc bạc vương trên sàn nhà đen sẫm…

Tiếng cửa phòng kẹt kẹt. Con dâu bước ra:

– Bà vào phòng, để đó con nấu.

– Chị cần gì để mẹ giúp… Mà hôm nay bộ phim hôm trước hay lắm con ạ. Cô gái xinh đẹp hiền lành kia gặp bố rồi đấy. Hai cha con cứ ôm nhau mà khóc… À, mà hôm nay trên đoạn đường nào ấy nhỉ, mẹ quên rồi. Để mẹ nhớ xem… có vụ tai nạn gì ghê lắm. Khổ quá!

Tiếng bát đũa lanh canh. Tiếng dao chặt vào thớt lạch cạch.

Bà cứ ngồi mà kể. Bà kể hết những gì bà xem hôm nay cho con dâu nghe. Hết bộ phim Thái Lan lại sang phim Hàn Quốc, phim Mỹ, phim Việt Nam… Hết thời trang lại sang dự báo thời tiết… Đều là những thông tin hữu ích, chứ không phải chuyện ngày xưa chán ngắt đâu nhá.

Tiếng dao chặt vào thớt lạch cạch.

Tiếng bát va nhau lanh canh…

***

Bà ngồi lặng trên sô pha. Tiếng nhân vật trong phim vẫn đều đều… Những gương mặt trôi qua từa tựa nhau, mái tóc, ánh mắt, nụ cười. Đồng hồ nhích từng phút chậm rãi… Không thấy thằng bé mang cơm cho bà. Hay nó quên bà rồi? Hay hôm nay nó ốm? Nó lại nhầm số nhà? Hay…?

Bà ngồi hướng mắt ra ngoài cửa phía ban công. Trời cứ u u một màu, không biết là đang nắng hay đang mưa. Trăm thứ âm thanh va vào nhau, xầm xì, ào ào, rầm rập… Chỉ thiếu tiếng người. Thoáng thấy một bóng áo xanh nhỏ bé ngang qua, ngay chỗ bà nhìn xuống. Bà nhớ đến cái dáng bé nhỏ của thằng bé vẫn thường mang cơm vào giờ trưa. Bà cúi xuống, cố gọi một tiếng thật to để nó nghe thấy. Nhưng bóng người vẫn cứ chạy ngay trước mắt. Những bóng nắng nhảy nhót…

Giữa đường xe tấp lập thấp thoáng những dải yếm đủ sắc màu phất phơ bay, giữa muôn màu vàng, màu hồng, xanh, đỏ trôi qua. Những bóng đàn bà, con gái má phấn môi hồng. Ai cũng mặc váy đẹp, đầu đội mấn, cứ như đi biểu diễn trên sân khấu. Đúng rồi! Mấy bà bạn già của bà đây mà. Sao họ lại đi bộ trên đường phố nườm nượp người, xe thế kia. Hay họ đi tìm bà? Họ tìm bà cho buổi biểu diễn đấy ư? Miệng nở một nụ cười, xô những nếp nhăn trên khóe mắt, trên gò má trắng mỏng lốm đốm đồi mồi. Bà chạy vào nhà, lôi ra những bộ quần áo cất kỹ trong góc tủ bấy lâu. Dải yếm bay trên ngực, phất phơ trong gió. Bà cố gọi thật to. Họ sẽ trông thấy và dừng lại, ngẩng lên chào, mỉm cười. Bà sẽ mời họ vào nhà ăn bánh, uống cốc sữa con trai mang từ nước ngoài về. Họ tấm tắc khen bà sao mà có phúc thế! Một mình ở trong căn hộ rộng rãi, sáng bóng, thứ gì cũng sẵn ngay trước mặt.

Rồi họ cùng ngồi nói chuyện với bà trên chiếc sô pha mềm mại. Chỉ thấy bà kể toàn chuyện trong phim. Nói chuyện về những nhân vật trong phim và xúc động. Họ nhìn bà lạ lắm, lắc lắc đầu rồi bỏ đi… Cơn gió lạ làm bà choáng váng. Bà lê dép lẹp kẹp đi vào nhà, nhìn khắp lượt căn phòng rộng rãi, sáng bóng. Đầu đau dữ dội. Nhớ tới chiếc điện thoại trong hộc bàn. Bà cố với, nhấn nút…

– Alo! Bà cần gì không ạ?

– Mẹ… không…

Những tiếng tút dài lạnh lẽo… Mắt bà mờ đi, những dải yếm đào bay phơ phất…

DƯƠNG GIAO LINH

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Màu đen huyền bí

Cậu chủ một lần nữa bước ra ngoài, để lại bức tranh và những cây bút màu ở lại. Bọn bút màu lại nhảy hết ra khỏi hộp, tò mò nhìn ngắm bức tranh…

Tiếng nhạc mưa

Đêm nay mưa chơi nhạc
Gõ nhịp lên mái nhà
Gọi tất cả lá hoa
Cùng reo cười nhảy múa

Ông Thần Nông gặt lúa

Muôn vì sao lấp lánh
Như những hạt thóc vàng
Cánh đồng trời thênh thang
Đang bắt đầu chín rộ

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…